Đối với người nhiễm HIV, mục tiêu điều trị chính là làm giảm lượng virus, bảo vệ tế bào CD4 không bị tiêu diệt... Bởi vậy, để đạt được hiệu quả tốt nhất trong điều trị, người nhiễm HIV khi điều trị cần lưu ý một số điều quan trọng.
Xét nghiệm máu định kỳ
Xét nghiệm máu giúp kiểm tra lượng virus HIV và tế bào CD4 trong cơ thể. Liệu trình điều trị chỉ được coi là hiệu quả nếu lượng virus giảm đi trong máu. Nếu không, virus vẫn tiếp tục sao chép, nhân lên và bác sỹ phải đặt ra một phác đồ điều trị mới cho bệnh nhân. Ngoài ra, xét nghiệm máu cũng giúp người bệnh xác định đâu là loại thuốc hiệu quả nhất.
Tuân thủ phác đồ điều trị
Không tuân theo phác đồ điều trị theo hướng dẫn như uống thuốc không đủ liều lượng, uống thuốc sai giờ… sẽ tác động tiêu cực tới quá trình điều trị. Mặt khác, có một số nguyên nhân khiến việc điều trị HIV bị thất bại mà người bệnh không biết. Chẳng hạn, thuốc điều trị HIV có thể tương tác với một số loại thuốc khác mà người bệnh đang dùng khiến thuốc HIV bị giảm tác dụng.
Còn có nhiều trường hợp, người bệnh không nhận được đủ liều lượng thuốc vì cơ thể không thể hấp thu các thành phần có trong thuốc. Do đó, cần thông báo cho bác sỹ bất kỳ một loại thuốc mà bạn đang sử dụng để được tư vấn và hỗ trợ.
HIV kháng thuốc
Tình trạng kháng thuốc xảy ra khi virus HIV phát triển đột biến và thuốc không còn tác dụng với các hình thức mới của virus. Có rất nhiều các lựa chọn điều trị có sẵn trong trường hợp virus kháng thuốc. Nếu trường hợp này xảy ra, bác sỹ có thể xây dựng một phác đồ điều trị mới có hiệu quả.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể chủ động giảm thiểu tối đa tình trạng kháng thuốc HIV bằng việc dùng thuốc mỗi ngày. Thuốc HIV có tác dụng ngăn chặn virus tiến hành hoạt động sao chép để tăng cường số lượng virus trong cơ thể. Sử dụng báo thức trên điện thoại, đồng hồ, hoặc các thiết bị khác để chắc chắn rằng bạn đã uống thuốc theo đúng quy định.
Bệnh nhân nên dùng thuốc theo chỉ dẫn. Một số thuốc điều trị HIV phải uống sau ăn để đảm bảo thuốc được hấp thu hoàn toàn vào cơ thể. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần cho bác sỹ biết tác dụng phụ khi điều trị.
Trong trường hợp xuất hiện tác dụng phụ, như: buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn... Bệnh nhân cần thông báo sớm cho bác sỹ nhằm có phương pháp xử lý thích hợp và kịp thời. Bác sỹ cũng có thể kê toa kết hợp các loại thuốc khác nhau để làm giảm tác dụng phụ cho người bệnh.
Minh Hồng
Theo Everyday