Năm 20 tuổi, Sùng A Tú (Bản Nà em, Cô Ban, Bảo Lạc, Cao Bằng) lấy vợ, là người Mông, quê ở huyện Bảo Lâm. Bố vợ Sùng A Tú cũng là một thầy thuốc giỏi nức tiếng trong vùng.
Bố vợ Sùng A Tú có biệt tài chữa các bệnh liên quan đến tai biến, bại liệt. Tổ tiên ông là người Trung Quốc, có nhiều đời làm thuốc. Ở Việt Nam, ông là đời thứ 3. Tuy nhiên, ông chỉ có 3 con gái, không có con trai, nên ông đã quyết định truyền hết bài thuốc quý cho con rể Sùng A Tú.
Theo quy định của dòng tộc, bài thuốc phải được truyền cho con trai, và phải là người có đạo đức tốt. Tuy nhiên, để bảo tồn bài thuốc, ông đã phá lệ, truyền cho con rể.
Để học thuốc từ cha vợ, Sùng A Tú đã tạm xa nhà, sang ở rể. Hàng ngày, Sùng A Tú theo bố vợ đi khắp núi cao rừng thẳm, lội suối trèo đèo để hái thuốc, chế biến, nhận mặt các cây thuốc quý.
Ông lang Sùng A Tú bốc thuốc cho bệnh nhân.
Sau hai năm trời vào rừng hái thuốc cùng bố vợ, Sùng A Tú đã thuộc mặt 500 cây thuốc quý. Điều đáng tiếc là bố vợ Sùng A Tú đột ngột qua đời, vì bị nhân tình cuồng ghen đầu độc bằng rượu ngâm lá ngón.
Các cách chế biến, bài thuốc trị từ bệnh đơn giản đến phức tạp, do bố vợ dạy, được Sùng A Tú ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ. Sau này, năm 1995, cháy nhà, cuốn sổ thành tro, nhưng các bài thuốc, cây thuốc đã được Sùng A Tú ghi vào sâu vào óc. Được học bằng thực tế, nên anh nhớ kỹ, không thể quên được.
Hồi đầu những năm 80 của thế kỷ trước, vùng biên giới Cao Bằng có dịch sốt rét, chết rất nhiều người. Khi đó, vùng đất này quá xa xôi, hiểm trở, đường đi cực kỳ khó khăn, bệnh viện chẳng có, nên việc cứu người rất khó. Hàng trăm người bị dịch, co quắp, đắp chăn, đốt lửa vẫn run cầm cập.
Có bài thuốc cứu người, Sùng A Tú liền ra tay. Không ngờ, đồng bào dùng thuốc thấy hết sốt ngay, vài hôm là hồi phục, có thể lên nương. Cả trăm bệnh nhân sốt rét ác tính được Sùng A Tú kéo về từ cõi chết.
Tiếng tăm Sùng A Tú nổi như cồn từ thời đó, nên dù sống ở núi cao, rừng thẳm, người dân trong vùng vẫn biết tiếng, cuốc bộ cả nửa buổi tìm đến nhà Sùng A Tú để được bốc thuốc, trị bệnh.
Người nhà bệnh nhân tự nấu thuốc tại nhà ông lang Tú.
Hầu hết bệnh nhân tìm đến với ông lang Tú đều là người nghèo, không có tiền đi viện điều trị, mua thuốc, nên ông toàn bốc thuốc từ thiện, hoặc lấy với giá tượng trưng, rẻ như cơm rau mà thôi.
Mặc dù trị được nhiều bệnh, nhưng bài thuốc làm nên danh tiếng của ông lang vùng cao núi thẳm này, được người dân đồn đại, là khiến “quỷ thần phải khiếp sợ”, là bài thuốc trị chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não.
Tôi giở đại một trang cuốn sổ ghi chép bệnh nhân, thấy ghi chi chít thông tin ngắn gọn: Nông Vĩnh Long (thị trấn Bảo Lâm) bị cướp đánh vỡ đầu, đi Bệnh viện ở Hà Giang mổ nhưng về không nói được. Uống thuốc 10 hôm đã biết nói, biết ăn.
Trần Quang Công (khu 10, thị trấn Bảo Lạc), chấn thương sọ não, đi Hà Nội chữa 1 tháng về vẫn nằm một chỗ. Dùng thuốc 3 ngày đã biết bập bẹ mấy từ bố, mẹ. Một tháng sau đã đi học trên thị xã.
Toán Văn Hưởng (giáo viên Trường tiểu học Thượng Hà, Bảo Lạc), chấn thương sọ não, nằm viện cả tuần. Dùng thuốc của A Tú 4 tháng sau đi dạy học bình thường.
Ông lang Tú cho bệnh nhân uống thuốc.
Thào Thị Ngọc (khu 5 thị trấn Bảo Lạc) ngã từ bể nước đập đầu xuống đất chấn thương sọ não, đi không biết đường về, hỏi không biết đường nói. Sau 5 ngày uống thuốc A Tú nay đã biết nói vài câu…
Thầy lang Sùng A Tú bảo rằng, nếu bị chấn thương sọ não, thì dùng thuốc càng sớm càng tốt. Nếu để vài tháng, thì điều trị rất khó khăn, thậm chí không có tác dụng.
Hầu hết những bệnh nhân có địa chỉ quanh Bảo Lạc, Bảo Lâm, bị chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, ở gần nhà ông lang Tú, được gia đình đưa đến điều trị sớm, đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, hầu như các bệnh nhân bị tai biến, điều được đưa ngay đến các bệnh viện lớn và chỉ khi các bệnh viện lớn bó tay, họ mới tìm đến các thầy lang đông y như một biện pháp cuối cùng. Chính vì thế, Sùng A Tú phải điều trị rất kỳ công, dài ngày, mới mong cứu được họ.
Sùng A Tú dẫn tôi ra phía sau nhà. Ngoài sân trước, thì sau nhà là một kho thuốc khổng lồ, chất đống lớn, đống bé. Trong kho, cậu con trai Sùng A Dỉ đang băm, thái thuốc, và con dâu là Thào Thị Sia đang quạt bếp nấu thuốc trong một nồi lớn.
Sùng A Tú có mấy người con, đều đi học hành đầy đủ, nhưng Sùng A Tú chỉ truyền dạy cho con trai Sùng A Dỉ và con dâu Thào Thị Sia, vì cả hai vợ chồng đều mê làm thuốc, chịu khó học hỏi các phương pháp chữa bệnh từ cha.
Nhìn đống thuốc chất như núi trong kho tôi nói đùa: “Sao thuốc của anh nhiều thế? Trông như đống củi ấy nhỉ?”. Sùng A Tú bảo: “Đều là những cây thuốc quý trị tai biến, chấn thương sọ não đấy. Những cây này chưa được nghiên cứu, không có trong sách vở”.
Trong những đống thuốc chất như củi ấy, ông lang Sùng A Tú chỉ tôi những thân gỗ to bằng cái phích, lõi màu đỏ tươi như máu. Đó là vị thuốc chính trị tai biến, chấn thương sọ não.
Cây thuốc kỳ lạ này người Mông gọi là mặt trăng, mọc trên vách đá cao, hiểm trở, gốc cứng như thép. Đây là cây thân gỗ, nhưng lá lại to như lá chuối và lá thay đổi 3 màu vào 3 buổi sáng, chiều, tối.
Thảo dược chữa chấn thương sọ não, tai biến có 6 loại, gồm 1 loại lá và 5 loại gỗ. Loại lá có lá nhỏ như lá móc mật. Tôi thử nhấm 1 chút lá bé xíu, lập tức tinh dầu trong lá xộc lên mũi, cay thấu họng, chảy cả nước mắt, giống như ăn phải mù tạt.
Loại lá có tinh dầu đậm đặc làm tan đờm, dịch ở phổi.
Vị thuốc từ cây gỗ có tên mặt trăng.
Theo Sùng A Tú, thứ lá ấy có tác dụng tiêu đờm, làm sạch phổi, hạ huyết áp. Phối hợp với loại ngâm rượu đổ một chút vào miệng sẽ khiến lưỡi mềm mà nói được.
Có loại sắc uống, có loại tắm cả cơ thể. Phải dùng kết hợp cả 4 loại đó mới hiệu nghiệm, người nặng chữa mất 4 tháng, người nhẹ tốn ít thời gian hơn. Trong khi điều trị tuyệt đối kiêng ăn thịt bò, trâu, chó, ngựa, cá, gà, cà chua, nếu ăn mà bệnh tái phát thì không có cách nào cứu được.
Những thứ ăn kiêng khi trị bệnh của Sùng A Tú thật lạ, không rõ có cơ sở khoa học nào không, nhưng cha ông truyền lại vậy, thì cứ thế mà làm theo. Riêng Sùng A Tú, cả đời không được ăn thịt chó, vì theo anh, chó ăn những thứ ô uế, nên không mời được thần vào nhà.