Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đang có xu hướng tăng ở nữ giới, lây qua đường tình dục và ở độ tuổi sinh đẻ - Đó là những yếu tố nguy cơ làm tăng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Hiện nay, toàn quốc hiện có khoảng gần 230.000 người nhiễm HIV, trong đó có hơn 68.000 người chuyển sang giai đoạn AIDS. Tuy nhiên theo số liệu ước tính và dự báo dịch HIV/AIDS năm 2014 có khoảng 260.000 người hiện nhiễm HIV trong cộng đồng. Do đó ước tính còn ít nhất khoảng 30.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng mà bản thân họ cũng không biết mình bị nhiễm HIV. Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn đang là dịch tập trung tức là chủ yếu ở các nhóm người có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma tuy, người bán dâm hay người có quan hệ tình dục đồng giới nhưng cũng đã có dấu hiệu lan ra cộng đồng biểu hiện ở một số nhóm được coi là có nguy cơ thấp như phụ nữ mang thai. Một điều đáng lưu ý trong vài năm trở lại đây, số người nhiễm HIV mới được phát hiện tăng lên ở nữ giới và lây qua đường tình dục là con đường lây nhiễm chủ yếu tức chiếm nhiều hơn cả lây qua đường máu. Đây là những yếu tố làm tăng lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không được can thiệp dự phòng kịp thời.
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện.
Phụ nữ cần phải dự phòng xa bằng cách không để bị nhiễm HIV, với nguyên tắc là tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh dục với bất kỳ ai, đặc biệt là những người chưa biết rõ về tình trạng nhiễm HIV của họ. Muốn vậy, phụ nữ cần sống thủy chung, có quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách trong mỗi lần quan hệ , thực hiện tiêm chích bằng bơm kim tiêm sạch.
Đối với phụ nữ mang thai, để tránh những lo lắng về tình trạng nhiễm HIV của mình nên đến cơ sở y tế để được tư vấn xác định nguy cơ và nếu có nguy cơ bị lây nhiễm HIV thì nên làm xét nghiệm HIV. Tốt nhất nên đi xét nghiệm HIV sớm khi bắt đầu mang thai hoặc trong ba tháng đầu của thai kỳ, để nếu có nhiễm HIV thì sẽ được điều trị dự phòng kịp thời tránh làm lây truyền HIV sang con. Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở Việt Nam đã được triển khai hơn 10 năm, nhưng tỷ lệ phụ nữ mang thai làm xét nghiệm HIV muộn vẫn khá phổ biến, như vậy sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền HIV cho con. Phát hiện được tình trạng nhiễm HIV sớm ở phụ nữ mang thai, họ sẽ được điều trị dự phòng sớm từ khi thai được 14 tuần tuổi, được tư vấn chăm sóc thai nghén, dinh dưỡng và chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc sinh đẻ ở những cơ sở y tế có sở có dịch vụ dự phòng bằng thuốc ARV cho con. Việc chủ động ở từng thời điểm mang thai để được can thiệp dự phòng toàn diện, hạn chế tối đa những nguy cơ lây truyền HIV sang con hoàn toàn có để sinh được đứa trẻ khỏe mạnh, không nhiễm HIV.
Với phụ nữ nhiễm HIV có sức khỏe tốt, tức là đã đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) hoàn toàn có thể chủ động thời điểm sinh con để có được đứa con khỏe mạnh và không nhiễm HIV. Đối với những cặp vợ chồng đã có đủ số con mong muốn hoặc đang ở tình trạng sức khỏe kém tức là thường xuyên bị mắc các nhiễm trùng cơ hội, kết quả xét nghiệm CD4 dưới 200, tốt nhất là luôn luôn áp dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả để tránh mang thai ngoài ý muốn. Họ nên dùng bao cao su đúng cách kết hợp với một biện pháp tránh thai hiện đại khác để chắc chắn đạt được mục đích tránh thai và tránh lây nhiễm thêm HIV từ chồng hoặc bạn tình. Đối với những cặp vợ chồng chưa có đủ số con mong muốn, nên chủ động thời điểm mang thai để làm giảm nguy cơ lây truyền HIV sang con. Đó là khi người mẹ có sức khỏe tốt, tuân thủ điều trị tốt, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để nuôn con như nơi ở, kinh tế. Tại Việt Nam, sau khi triển khai mạnh mẽ và hiệu quả chương trình điều trị bằng ARV, phụ nữ nhiễm HIV có nhu cầu sinh con ngày càng cao, chiếm đến 45-50% số phụ nữ nhiễm HIV sinh đẻ hàng năm và đây là nhóm đối tượng có tỷ lệ lây truyền HIV sang con thấp nhất, chỉ từ 0-2%. Trong giai đoạn sức khỏe người mẹ chưa hồi phục thì không nên sinh con vì nếu có sinh con thì khả năng lây truyền HIV sang con là rất cao và sau cuộc sinh đẻ sức khỏe người mẹ tiếp tục bị suy giảm.
Mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con hoàn toàn có thể đạt được và nó phụ thuộc vào nhận thức và hành động của người mẹ cùng với sự ủng hộ của những thành viên trong gia đình và sự thông cảm, sẻ chia của toàn xã hội.