Với chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (DPLTMC), sản phụ nhiễm HIV/AIDS đã nhận được sự quan tâm chăm sóc cả về sức khỏe lẫn tinh thần từ các nhân viên y tế tại các cơ sở sản khoa, giúp họ xóa bỏ được mặc cảm để tham gia điều trị, mang lại cuộc sống khỏe mạnh cho con.
|
Chăm sóc thai phụ chờ sinh tại Bệnh viện Bà Rịa (ảnh minh họa). |
Xóa bỏ tâm lý mặc cảm
Chị M. ở huyện Long Điền phát hiện mình bị nhiễm HIV khi mang thai con vào tháng thứ 6. Sợ bị mọi người xung quanh dị nghị, xa lánh, chị âm thầm một mình chuyển lên TP.Vũng Tàu để đăng ký điều trị thuốc kháng virus (ARV) và sinh con tại Bệnh viện Lê Lợi. Trong thời gian sinh con và điều trị ở bệnh viện, được bác sĩ và nữ hộ sinh tận tình chăm sóc, chị dần xóa đi mặc cảm mang căn bệnh thế kỷ. Chị thấy tin tưởng và thoải mái khá nhiều so với trước đây. Ngay cả khi trở về nhà, chị vẫn thường xuyên giữ liên lạc với nhân viên y tế của bệnh viện để trao đổi và được tư vấn cách chăm sóc cho hai mẹ con. Nhờ đó, con chị sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh và không bị lây nhiễm HIV.
Bà Nguyễn Thị Lang, Trưởng Nữ hộ sinh Bệnh viện Lê Lợi cho biết, những trường hợp như chị M. là không hiếm gặp. Bệnh viện Lê Lợi đã từng tiếp nhận nhiều phụ nữ mang thai nhiễm HIV chuyển đến từ các huyện do họ sợ bị mọi người kỳ thị. Thậm chí có trường hợp chuyển đến không báo cho nhân viên y tế biết bản thân mình bị nhiễm HIV... Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng trên đã giảm bớt. Những phụ nữ mang thai nhiễm HIV nhờ được tư vấn, tuyên truyền kịp thời nên đã vượt qua được mặc cảm, quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ an toàn cho con.
“Khi có khúc mắc hay gặp khó khăn, họ đều tìm đến với chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ. Những chăm sóc về tinh thần và tư vấn giúp cho người mẹ thêm kiến thức về đường lây truyền HIV/AIDS. Đó cũng là cơ sở để thai phụ ổn định tâm lý và tuân thủ tốt các hướng dẫn điều trị, dự phòng. Nhờ vậy, công tác phối hợp điều trị DPLTMC đạt hiệu quả cao. Từ năm 2013 đến nay, tất cả các trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV/AIDS đều không nhiễm HIV. Trong đó có 4 trường hợp đã sinh con thứ hai mà không bị lây nhiễm HIV từ mẹ”, bà Nguyễn Thị Lang chia sẻ thêm về công tác điều trị DPLTMC tại bệnh viện Lê Lợi.
Thực hiện nghiêm ngặt quy trình điều trị
Theo các bác sĩ, phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai và sinh con cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt, để giảm thiểu tối đa nguy cơ thai nhi nhiễm HIV sau khi sinh. Việc theo dõi và chăm sóc phụ nữ nhiễm HIV/AIDS từ lúc mang thai đến khi sinh tại các cơ sở sản khoa đều phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt. Tùy thuộc vào thời điểm xác định HIV dương tính vào giai đoạn mấy của thai kỳ mà có các chỉ định dự phòng khác. Thông thường thai phụ sẽ được uống thuốc dự phòng từ lúc xác định HIV dương tính cho đến trước khi chuyển dạ và một liều khi bắt đầu chuyển dạ. Khi chuyển dạ, cần hạn chế tối thiểu các chấn thương cho mẹ và cho trẻ như đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối khi đỡ đẻ, hạn chế các can thiệp gây chảy máu, tránh các thủ thuật can thiệp có thể gây tổn thương da cho thai nhi...
Bài, ảnh: MINH THIÊN
Chương trình DPLTMC bắt đầu được triển khai tại BR-VT từ năm 2009. Toàn tỉnh hiện có 4 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con “trọn gói” là: Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Lê Lợi, Trung tâm Y tế huyện Tân Thành, Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc. Đến các nơi này, thai phụ nhiễm HIV/AIDS được tư vấn hướng dẫn chăm sóc thai, quản lý thai, điều trị dự phòng cho mẹ và dự phòng cho con sau sinh...
|
http://www.baobariavungt...an-nhieu-dua-tre-632215/