Ngày 9/11, tại sự kiện công bố 100.000 bệnh nhân HIV được điều trị thuốc ARV, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, trong 10 năm qua, Việt Nam đã giảm được 150.000 ca tử vong; giảm đến 400.000 ca mắc mới; trong đó đóng góp phần rất lớn là nhờ thuốc ARV.
Tại sự kiện này, sự xuất hiện của chị Phạm Thị Hiền (35 tuổi, Bắc Ninh) khiến nhiều người bất ngờ, bởi nếu chị Hiền không chia sẻ câu chuyện của mình, không ai biết chị là người nhiễm HIV.
Trước đó, từ năm 2000, khi lập gia đình chị Hiền không biết chồng mình đã từng dùng ma túy. Đến khi người anh chồng nhiễm HIV qua đời, hai vợ chồng mới đi xét nghiệm thì biết kết quả dương tính
Chị Hiền chia sẻ, chị sống chung với căn bệnh này đã đến 15 năm. Nhớ lại thời điểm cách đây 15 năm, khi cả nhà xét nghiệm đều có dòng chữdương tính đỏ chót, tôi thực sự suy sụp. Tôi nghĩ cuộc đời mình thực sự chấm hết. Tôi không chấp nhận được sự thật đó”, chị Hiền nhớ lại.
Thế nhưng may mắn, cơ hội sống mới đã mở ra với chị Hiền, khi con trai chị được tiếp cận dùng ARV và tình trạng sức khỏe ổn định hơn. Bản thân chị năm 2011 khi mang thai cũng bắt đầu được điều trị bằng thuốc ARV và đã sinh một bé trai khỏe mạnh âm tính với HIV. Tiếp đó, chị sinh thêm 2 bé gái nữa cũng hoàn toàn khỏe mạnh, không lây truyền HIV từ mẹ do chị được dùng ARV trong quá trình mang thai.
Theo TS Long, việc điều trị HIV bằng ARV đầy đủ có thể giúp giảm đến 95% khả năng lây nhiễm cho người khác. Qua đó, nó cũng giúp khống chế nguồn lây bệnh. Người được điều trị có khả năng lao động vì thế mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn.
Theo nghiên cứu quốc tế, ước tính nếu đầu tư 1 đô la cho ARV sẽ mang lại 7 đô la cho xã hội. Vì thế, nhiều nước trên thế giới sử dụng ngân sách nhà nước để đảm bảo nguồn thuốc điều trị. Như tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia 99% chi phí này là do ngân sách quốc gia đảm bảo.
Trong khi đó tại Việt Nam, hiện 95% thuốc ARV được mua bằng nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, theo lộ trình, từ tháng 3/2016 nhà tài trợ sẽ không tiếp nhận bệnh nhân mắc HIV mới, trong khi đó mỗi năm Việt Nam có khoảng 800- 1000 bệnh nhân nhiễm HIV mới phải điều trị bằng thuốc ARV. Và đến hết năm 2017 khoản viện trợ này sẽ chấm dứt hoàn toàn, người bệnh sẽ phải tự bỏ chi phí điều trị nếu không có BHYT.
Thế nhưng con số bệnh nhân HIV có thẻ BHYT hiện mới dừng ở mức khiêm tốn, khoảng 30% bệnh nhân có BHYT nên việc tiếp cận điều trị của người nhiễm HIV/AIDS sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo TS Long, với việc điều trị HIV không chỉ giảm tử vong cho người bệnh mà quan trọng không làm lây lan cho người khác. Nhiều nước coi việc miễn phí điều trị bệnh nhân HIV là đầu tư cho cộng đồng vì giảm được nguy cơ lây lan. Trong năm 2015, số trường hợp HIV dương tính mới tại Việt Nam là khoảng 10.000 ca, số tử vong khoảng 200 người. Nếu không có các biện pháp mạnh mẽ để duy trì thành quả điều trị HIV/AIDS sau khi Việt Nam bị cắt viện trợ cho thuốc ARV thì dịch rất có nguy cơ bùng phát trở lại.
Ông Long cho biết, chi phí điều trị HIV theo phác đồ 1, mỗi năm người bệnh mất hơn 4 triệu đồng để mua thuốc ARV và một số xét nghiệm liên quan. Nhưng đối với bệnh nhân kháng thuốc, phải điều trị phác đồ 2 thì chi phí điều trị tăng lên 7-8 lần. Nếu có BHYT người bệnh được quỹ BHYT chi trả theo quy định, còn không có thẻ BHYT toàn bộ chi phí này người bệnh sẽ phải tự gánh vác. Hiện cơ quan này đang triển khai chiến dịch truyền thông, phát thông tin tờ rơi cho tất cả người đang điều trị ARV, người có HIV để người bệnh hiểu được tầm quan trọng của thẻ BHYT. Mục tiêu cũng được đặt ra là nâng tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT lên 60% vào năm 2020.
Tú Anh
http://dantri.com.vn/suc-khoe/nguoi-nhiem-hiv-sinh-con-khoe-manh-nho-dieu-tri-arv-20151109232752118.htm