Bảo đảm quyền được tiếp cận điều trị của người nhiễm HIV
Thứ sáu 05/01/2018 16:08
Một trong những chính sách dự kiến sửa đổi của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) lần này là bảo đảm quyền được tiếp cận điều trị của người nhiễm HIV. Bộ Y tế đưa ra một số giải pháp thực hiện chính sách, trong đó Quỹ Bảo hiểm y tế tiếp tục chi trả chi phí điều trị bằng thuốc kháng HIV của người có thẻ bảo hiểm.
|
Bảo hiểm y tế là cứu cánh cho người nhiễm HIV khi nguồn viện trợ cho công tác này bị cắt giảm. Ảnh: Thùy Chi |
Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ miễn phí chi phí điều trị bằng thuốc kháng HIV cho một số trường hợp ngoài phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế, đưa chi phí xét nghiệm phát hiện HIV đối với tất cả phụ nữ mang thai vào phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế.
Đồng thời, tạo cơ chế cho việc điều trị dự phòng bằng thuốc kháng HIV. Hoặc giải pháp khác là Quỹ Bảo hiểm y tế tiếp tục chi trả chi phí điều trị bằng thuốc kháng HIV của người có thẻ bảo hiểm. Tuy nhiên, Nhà nước không hỗ trợ miễn phí thuốc kháng HIV cho một số trường hợp ngoài phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế; Nhà nước cho phép đưa chi phí xét nghiệm phát hiện HIV đối với tất cả phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng bằng thuốc kháng HIV vào phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, còn có 2 giải pháp nữa, tất cả đều được Bộ Y tế đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, tác động đối với hệ thống pháp luật nhưng cho rằng không có tác động về giới và thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, đề nghị xây dựng còn đưa ra chính sách khắc phục tình trạng khó khăn về bảo mật thông tin trong quá trình quản lý hồ sơ bệnh án của người nhiễm HIV với một giải pháp mạnh dạn là cho phép mở rộng đối tượng và quyền được tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV. Đề nghị xây dựng cũng mong muốn tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc đề xuất xây dựng Dự thảo Luật nhằm giúp người dân tiếp cận các dịch vụ một cách thuận lợi nhất, tốt nhất như xét nghiệm HIV đối với phụ nữ mang thai, tăng cường điều trị đối với người nghiện ma túy, người nghiện đang chấp hành án tại các trại giam…
Về một số ý kiến đề nghị mở rộng biện pháp can thiệp đối với người nghiện ma túy tổng hợp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, để chẩn đoán người nghiện này rất khó, cần bác sỹ chuyên khoa thần kinh cực giỏi, trong khi số lượng người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng nhiều. Tuy nhiên, tương tự như việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trước đây, chỉ là thử nghiệm rồi mới nhân rộng toàn quốc thì Bộ Y tế sẽ lưu ý về biện pháp can thiệp với người nghiện ma túy tổng hợp.