<table><tbody><tr style="font-weight: bold;"><td class="tintop_title" valign="top" align="left">Mái ấm bình yên của những đứa trẻ bất hạnh</td></tr><tr><td class="news_date" valign="top" align="left" height="20">09:19' 22/03/2008 (GMT+7) </td></tr><tr><td class="text" valign="top" align="left"><p align="justify"><font face="Arial"><font size="2"><strong><img class="logo" alt="" src="http://vietnamnet.vn/common/v3/images/vietnamnet.gif" /> - Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Sóc Trăng, ngoài nhiệm vụ nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tàn tật, người già neo đơn... còn nhận nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi và bị nhiễm HIV/AIDS. Gần 80 con người với 40 mảnh đời trẻ thơ chưa toàn vẹn đã có được cuộc sống đầm ấm dưới mái nhà chung này từ tấm lòng nhân ái và sự hi sinh vô bờ bến của các cô bảo mẫu</strong>.</font></font></p> <p align="justify"><font size="2" face="Arial">Trung tâm hiện có 34 nhân viên, đa phần là nữ. Nhiều cô gắn bó với trung tâm từ ngày thành lập và tự nguyện không lập gia đình để lo cho các cháu nhỏ. Cô Phan Thị Huệ - người lớn tuổi nhất và là “bà nội” chung của đám cháu tật nguyền tâm sự: “Ngày nào thiếu tiếng trẻ khóc là chúng tôi buồn lắm”.</font></p> <p align="justify"><strong><font size="2" face="Arial">Những cuộc điện thoại giữa đêm khuya</font></strong></p> <p align="justify"><font size="2" face="Arial">Là người trực tiếp nhận những cú điện thoại thông báo bỏ con, có hôm giữa khuya, có người gọi đến, báo có đứa nhỏ sắp chết rồi cúp máy, cô vội vàng chạy tới nơi, chứng kiến cảnh tượng đứa trẻ mới mấy ngày tuổi bị bó trong chiếc chiếu bỏ thùng rác, chuột cắn hai chân đã loét, khóc đến nỗi lồi cả rốn. </font></p> <p align="justify"><font face="Arial"> <table class="image center" fck_template="imagecontener" width="400" align="center" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><font size="2"><img alt="“Bà nội” Huệ và đám cháu khuyết tật của mình" src="http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200803/original/images1521464_maiam1.jpg" width="400" height="300" /></font></td></tr> <tr> <td class="image_desc" align="middle"><font size="2">“Bà nội” Huệ và đám cháu khuyết tật của mình</font></td></tr></tbody></table></font></p> <p align="justify"><font size="2" face="Arial">Mới đây, chính tay cô mang về hai đứa bé sinh đôi vừa chào đời đã không nơi nương tựa. Có người, sinh con ra thấy bị tật liền bỏ con rồi nhờ người gọi điện kêu cô. “Đau lòng lắm, những đợt trung tâm không còn chỗ, kinh phí eo hẹp cũng phải ráng cưu mang, mỗi người góp một tay rồi cũng qua”, cô kể mà rưng rưng nước mắt.</font></p> <p align="justify"><font size="2" face="Arial">Những năm gần đây, số người nhiễm HIV ở Sóc Trăng tăng đột biến nên trung tâm tự nhận thêm nhiệm vụ “Nuôi trẻ mồ côi bị nhiễm HIV/AIDS”. Em nào có dấu hiệu nóng sốt, tiêu chảy liên miên, tay chân lở loét là các cô tất bật đưa đi thử máu, xét nghiệm, săn sóc riêng, cực không kể xiết. Vì còn nhỏ, sức đề kháng yếu nên các em cứ lần lượt bỏ các cô mà đi, trung tâm lại nhận thêm lớp mới. Dẫu sống cuộc đời ngắn ngủi nhưng chắc rằng các em đã mãn nguyện vì thật sự được yêu, thương bởi các “mẹ” ở đây. </font></p> <p align="justify"><font size="2" face="Arial">Những bé bị nhiễm HIV/AISD may mắn sống qua 5 tuổi sẽ được các cô đưa lên những trung tâm lớn ở TP.HCM để có điều kiện chữa trị, học hành tốt hơn. Còn các bé tàn tật, khuyết tật đúng tuổi được đưa ra ngoài học, các cô đưa đón tận tình và đêm về dạy thêm. </font></p> <p align="justify"><font size="2" face="Arial">Mỗi khi có dịp, cô Huệ lại đi xin tài trợ, vận động các nhà hảo tâm trong cộng đồng cùng chung tay đóng góp lo cho các em. Cô còn xin được nhiều suất đưa các em đi nước ngoài phẫu thuật. Hễ thấy cô đi là đám cháu lại nhắc mua ti vi, kẹo bánh đem về, có đứa nhắc bà nội mua ngón tay để gắn vô bàn tay thiếu ngón của mình...</font></p> <p align="justify"><font size="2" face="Arial">Cô ước nếu có điều kiện sẽ nhận nuôi thêm trẻ bán trú nhiễm bệnh để các em khỏi bị bỏ rơi. Quan điểm của trung tâm là tất cả trẻ em dưới 16 tuổi dù bản thân có tàn tật hay bệnh gì đều là đối tượng được nuôi dưỡng, được đảm bảo quyền sống, tồn tại và phát triển. Tất cả nhân viên của trung tâm được tập huấn định kỳ theo tổ chuyên môn để có thái độ chăm sóc đúng đắn, giúp trẻ vơi đi nỗi đau đớn. </font></p> <p align="justify"><strong><font size="2" face="Arial">"Mệt nhọc mấy cũng tan biến..."</font></strong></p> <p align="justify"><font size="2" face="Arial">Cô Trịnh Phương Trang, 38 tuổi, chưa lập gia đình - người chuyên nhận những ca khó về mình tâm sự: “Lúc đầu chúng tôi chịu nhiều áp lực từ phía người thân và xã hội, bản thân tôi từng bị bắt nghỉ làm. Nhưng rồi, vào đây, nhìn các em bơ vơ lại ra đi không đành”, cô khóc. Có chứng kiến cảnh các cô tất bật pha sữa, làm đồ ăn, có đứa vừa đút xong ói ra, đang ăn tiểu tiện, làm đổ cơm đầy phòng... mới hiểu hết được tấm lòng của những người làm công tác này. </font></p> <p align="justify"><font face="Arial"> <table class="image center" fck_template="imagecontener" width="400" align="center" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><font size="2"><img alt="“Mẹ” Trang đang chăm sóc hai bé gái sinh đôi bị bỏ rơi )" src="http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200803/original/images1521466_maiam2.jpg" width="400" height="300" /></font></td></tr> <tr> <td class="image_desc" align="middle"><font size="2">“Mẹ” Trang đang chăm sóc hai bé gái sinh đôi bị bỏ rơi </font></td></tr></tbody></table></font></p> <p align="justify"><font size="2" face="Arial">Có nhiều bé lớn, cứ giành mấy cô về phía mình, hễ cô đi là khóc hoặc phản ứng bằng cách tự té để được cô đỡ, đau mà cười... Rồi những lúc mấy bé không ngoan làm các cô buồn, cả phòng im ắng hẳn đi, đứa rờ vai, đứa kéo áo, đứa thút thít xin lỗi, đứa nào không biết nói thì ra dấu rồi ôm chặt cô... “Mệt nhọc mấy rồi cũng tan biến”, cô Nguyễn Thị Thu Oanh nói.</font></p> <p align="justify"><font size="2" face="Arial">Thương nhất là những bé bị suy dinh dưỡng nặng, bị hen, hạ đường huyết gần như chỉ nằm một chỗ, ghẻ lở đầy mình, cuộc sống thật mong manh. Các cô chăm bẵm từng chút, có khi thức trắng đêm để theo dõi bệnh tình. Khi mới vào trung tâm, có những sinh linh bất động, tưởng đã chết, nhưng qua bàn tay chăm sóc suốt mấy tháng trời trong bệnh viện của các cô, bé đã sống lại như có một phép lạ diệu kỳ. </font></p> <p align="justify"><font size="2" face="Arial">Những bé vận động tốt chiều chiều được các cô dẫn ra sân chơi trò chơi, những đứa bất hạnh hơn đứng trong lồng u ơ gọi theo không thành tiếng. Chịu không nổi các cô lại vào người bế, người cõng để bé nào cũng được đi chơi. </font></p> <p align="justify"><font size="2" face="Arial">Ngay cả cái tên cũng thể hiện được tình thương và sự kỳ vọng của các cô đối với đàn con của mình, mong bé nào cũng được hạnh phúc sau này. Nhìn vào danh sách tên bé nào cũng đẹp và có ý nghĩa: Trung An, Yến Nhi, Thiện Tâm, Hiện Hữu... Có một số trường hợp trẻ lang thang, mồ côi, không chỉ được nuôi dưỡng mà các cô còn đứng ra gả chồng, cưới vợ, cho học nghề để ổn định cuộc sống. Nhiều em lớn lên không chịu ra ngoài tình nguyện ở lại phụ các cô, chăm sóc những em cùng hoàn cảnh như mình. </font></p> <p align="justify"><strong><font size="2" face="Arial">Dạy trẻ làm người</font></strong></p> <p align="justify"><font size="2" face="Arial">Công việc cực khổ, lương chỉ vừa đủ sống đạm bạc, mức phụ cấp chỉ là tượng trưng, nhưng với tấm lòng yêu thương trẻ, hầu hết các cô, không ai mặc cảm phải nuôi trẻ nhiễm HIV/AISD hay bị bệnh hiểm nghèo khác. </font></p> <p align="justify"><font size="2" face="Arial">Nuôi đã khó, dạy cho trẻ tật nguyền học chữ còn khó hơn nhiều. Giờ học thêm, có bé thì đọc nhưng miệng méo xệch, cố cất tiếng thật rành rọt, có em lại vừa đọc vừa huơ tay giải thích, còn cô giáo lắng nghe như nuốt lấy từng lời, cố sức hiểu trò không chỉ bằng giác quan mà còn bằng cả tấm lòng. </font></p> <p align="justify"><font size="2" face="Arial">Ở những lớp thiểu năng trí tuệ, cô giảng bài trước những ánh mắt vô hồn, đờ đẫn ngó ra sân, thỉnh thoảng có trẻ lại cười rũ lên, thật khổ! “Dạy lớp này cô giáo vừa là mẹ, vừa là cô, vừa là ôsin bởi các em không tự chủ được cứ tiêu, tiểu suốt”, cô Oanh kể. Nếu những trẻ bình thường mỗi năm học xong một lớp thì ở trung tâm phải mất đến hai, ba năm. Học xong sau này lớn lên sẽ được thầy cô hướng nghiệp dạy nghề để hòa nhập cộng đồng.</font></p> <p align="justify"><font size="2" face="Arial">Giám đốc Mã Chí Thanh cho biết trung tâm đặc biệt quan tâm đến vấn đề ăn ở, vui chơi cho trẻ bị tâm thần và chế độ dinh dưỡng cho những trẻ bị bệnh nặng khác. “Trung tâm không giàu nhưng biết cách làm sao để giáo dục một con người. Một động tác đúng cứu cả cuộc đời”, ông nói. Không có điều kiện mua sắm nhiều đồ chơi nhưng lỡ bé nào đập phá, cắn xé rách nệm... đều được tha thứ, người lớn sẽ sửa chữa, làm lại. Làm sao cho các bé được phát triển ở mức tốt nhất là tâm nguyện của tất cả mọi người ở đây. </font></p> <ul><li> <p align="justify"><font size="2" face="Arial"><strong>Bài và ảnh: Quốc Khánh </strong></font></p></li></ul></td></tr></tbody></table>