Hanoinet - Tiến sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Phòng, chống AIDS TP.HCM, cho rằng hiện vẫn tồn tại tâm lý e ngại của phụ huynh khi cho con học chung, chơi chung với trẻ nhiễm HIV vì sợ nhiễm bệnh.
Định kiến còn đến từ nhà giáo
Tiến sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Phòng, chống AIDS TP.HCM, cho rằng hiện vẫn tồn tại tâm lý e ngại của phụ huynh khi cho con học chung, chơi chung với trẻ nhiễm HIV vì sợ nhiễm bệnh.
Trực tiếp nuôi dạy trẻ nhiễm HIV, sơ Tuệ Linh (Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em Mai Hòa) phiền lòng khi thấy các em còn bị kỳ thị. Theo sơ Tuệ Linh, tháng 9-2006, Trung tâm Mai Hòa được phòng giáo dục của một huyện hỗ trợ thành lập lớp học ngay tại trung tâm với sự giúp đỡ và quản lý của hiệu trưởng trường tiểu học gần nhất. Năm đầu tiên, các cháu được đến trường dự lễ chào cờ vào sáng thứ Hai, được tham gia các hoạt động phong trào, được dự sinh hoạt lớp. Tuy nhiên, sang năm thứ hai, sự hỗ trợ của trường giảm dần. Cũng theo sơ Tuệ Linh, Trung tâm Mai Hòa đã từng đề nghị cho các cháu được dự tiết sinh hoạt lớp và cùng làm bài thi (gợi ý ngồi cuối lớp) nhưng bị từ chối.
Sơ Tuệ Linh trăn trở: “Không phải bệnh AIDS tước bỏ quyền học tập của các cháu mà là chính thái độ và hành vi của chúng ta đã xóa bỏ và làm giảm nó vì lý do thiếu hiểu biết, vô tình hay cố ý”.
Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, kể có phụ huynh phát hiện một học sinh nhiễm HIV học chung lớp con mình liền xin chuyển lớp, chuyển trường.
Theo tiến sĩ Giang, để giải quyết vấn đề trên rất cần sự góp sức của cơ quan truyền thông bằng những bài báo hay, dễ đi vào lòng người và có tác động sâu rộng. “Phóng viên báo, đài sẽ cùng các cơ quan chức năng biến ước mơ được đến trường của trẻ nhiễm HIV thành hiện thực” - tiến sĩ Giang hy vọng.
Các em sẽ được đến trường
Luật Phòng, chống HIV/AIDS được Quốc hội thông qua năm 2006, trong đó Điều 15 nêu rõ cơ sở giáo dục “không được từ chối tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó bị nhiễm HIV”.
Theo ông Lê Ngọc Điệp, mặc dù Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường phải tiếp nhận học sinh nhiễm HIV nhưng do phản ứng quá lớn của phụ huynh khiến nhà trường khó xử. Ông Điệp cho biết đầu năm học này, Sở sẽ phối hợp với Sở Y tế tổ chức những buổi tuyên truyền đến từng trường học, học sinh và cả phụ huynh để mọi người hiểu rõ thực sự HIV không dễ lây nhiễm như nhiều người nghĩ, hiểu được pháp luật luôn bảo vệ quyền lợi trẻ em để từ đó có cái nhìn đúng đắn và thái độ bao dung đối với trẻ nhiễm HIV. “Sở sẽ tạo điều kiện tối đa để trẻ nhiễm HIV được tới trường” - ông Điệp khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiên, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, cho biết nhiều năm qua, trung tâm chạy ngược chạy xuôi xin cho các em được đến trường nhưng không có kết quả, đành mở các lớp học và mời giáo viên về dạy ngay tại trung tâm. Nhưng trong năm học tới đây, 11 em ở các lớp nội trú dành riêng cho trẻ nhiễm HIV tại Cơ sở 2 Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình (nơi nuôi dưỡng các trẻ mồ côi nhiễm HIV) sẽ chính thức ra học cùng các bạn ở Trường tiểu học Xuân Hiệp và Trường trung học cơ sở Xuân Trường.
“Mơ được các bạn chơi chung”
Những ngày này, bé D. - đứa bé lớn tuổi nhất ở trung tâm rất vui và hồi hộp khi biết năm học tới, em sẽ được học chung với các bạn bên ngoài. Em ý thức được bệnh của mình và cho biết sẽ không để ảnh hưởng đến các bạn khác. Điều em mong mỏi nhất? “Được các bạn cho chơi chung” - D. trả lời. Mong ước của em tưởng chừng quá nhỏ nhưng không dễ thực hiện. Nó có thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào nhiều bậc phụ huynh, thầy cô và các bạn cùng trang lứa.
Năm học tới đây chắc vẫn còn đây đó những trẻ có HIV không được đến trường, nhìn chúng bạn với ánh mắt tủi thân, thèm muốn. Nhưng ít ra đã có những tín hiệu vui dành cho trẻ nhiễm HIV ngay đầu mùa tựu trường. Xem ra con đường đến trường của các em đã rộng mở hơn...
Bác sĩ Võ Minh Quang, Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP:
HIV không dễ lây
Nước mắt, nước bọt (không thấy rõ máu) và nước tiểu hoặc phân không có máu thì không xem là nguyên nhân lây truyền HIV. Nguy cơ nhiễm HIV lây qua đường máu do vết thương xuyên da chỉ độ 0,3%. Trong khi đó, lây nhiễm do virus viêm gan B là 3% và viêm gan C là 30%. Như vậy, nguy cơ lây nhiễm HIV thấp hơn nhiều so với lây nhiễm viêm gan siêu vi.
Nhiều em nhiễm HIV hiện được điều trị kháng retrovirus (ARV) nên khả năng miễn dịch rất cao (80%-90%) và khả năng lây nhiễm bệnh rất thấp.
|