(ĐCSVN) - Có một người nhà cửa không còn, bản thân lại mang trong mình căn bệnh thế kỷ, những tưởng không tài nào vượt qua số phận… Với niềm tin vào cuộc sống, anh đã “nhóm lửa” cho những người “cùng cảnh ngộ” sống lạc quan, yêu đời và có ích cho xã hội! Đó là câu chuyện về anh Trần Minh Khải, một người nhiễm HIV đang sinh sống tại thành phố Cà Mau…
Rất nhiều người trong giới lao động ở thành phố Cà Mau gọi anh Trần Minh Khải là Khải siđa. Anh cũng không có ý định che giấu bệnh tình của bản thân…
Hơn mười năm về trước, vợ anh mất do AIDS. Hàng xóm lo sợ bị lây bệnh nên đốt nhà của anh. Trong cô đơn và tuyệt vọng, anh gởi đứa con lại cho mẹ ruột ở quê nhà, cùng chiếc xe lôi rời quê hương Trà Vinh. Trên bước đường mưu sinh không định hướng, anh rong ruổi đến Cà Mau – lúc đó là thị xã Cà Mau. Sống rụt rè, che giấu một thời gian, đến năm 2000, anh tham gia vào nhóm giáo dục đồng đẳng, do Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Cà Mau tổ chức.
Hàng ngày, anh chạy xe lôi kiếm tiền để vừa có cái ăn, vừa gởi về nuôi con. Anh tâm sự: Có một lần chị kia ở Chùa Phật tổ, phường 4, thành phố Cà Mau nhờ tôi cắt giác. Tôi sợ mình lây bệnh cho chị, tôi nói tôi bị siđa. Chị không tin. Tôi đưa giấy cho chị ấy xem. Xem xong chị la làng lên, rồi mọi người xung quanh ai cũng nhìn tôi, rồi không ai bán gì cho tôi ăn luôn. Tôi tủi lắm!
Sau ngày dự khai mạc triển lãm “Cuộc sống vẫn tiếp diễn” vào năm 2005 ở Hà Nội về, anh Khải bắt tay vào xây dựng nhóm tự lực “Niềm tin Đất Mũi”. Anh gõ cửa nhiều cơ quan ở Cà Mau để tự giới thiệu và xin được giúp đỡ. Ước mơ của anh rồi cũng thành hiện thực. Chính quyền địa phương không những cho phép anh thành lập nhóm, mà còn cho mượn trụ sở và cấp con dấu hẳn hoi. Trong khi anh mò học hỏi mô hình hoạt động của các nhóm tự lực khác, Khải nhận thấy cần phải tạo công ăn việc làm cho thành viên trong nhóm.
Thế rồi, anh mạnh dạn vay tiền lãi nóng để anh em trong câu lạc bộ đầu tư mua xe ba gác chở hàng thuê. Vận mệnh một lần nữa không mỉm cười với với Khải, vì đội xe nhỏ bé của anh ra đời không lâu thì có chủ trương cấm xe ba gác tự chế! Mất đi cái nghề mưu sinh nhưng Khải không nản lòng. Anh lại lang thang, lầm lũi gõ cửa khắp các cơ quan, ban ngành, đoàn thể ở địa phương xin giúp đở và nhận được sự cảm thông, san sẻ cả về vật chất lẫn tinh thần. Số tiền Khải xin được, anh dùng để chăm sóc bệnh tật cho anh em trong nhóm, lo hậu sự cho những người cùng cảnh, và dùng vào một số hoạt động vì xã hội, cộng đồng.
Em Trần Thị Thuý, thành viên câu lạc bộ “Niềm tin Đất Mũi”, đang bị AIDS giai đoạn cuối tâm sự: Lỡ một phút yếu lòng nên mới bị bệnh. Nhà cũng từ em luôn! Nhờ có chú Khải, chị Nhung chăm sóc cho em, nếu không em cũng không biết phải làm thế nào nữa. Ở đây em được chăm sóc tận tình như người nhà, em thấy yên tâm và thoải mái.
Sau ngày giải tán đội xe 3 gác, anh em trong nhóm của Khải mỗi người một nghề mưu sinh. Và hàng tháng, tất cả tập trung họp sinh hoạt định kỳ một lần. Đến nay, câu lạc bộ của Khải đã tập hợp được khoảng 30 thành viên nhiễm HIV/AIDS, tăng gấp 3 lần so với thời điểm mới thành lập cách nay 3 năm. Ngoài lao động chân chính, Khải vận động và hướng dẫn anh em trong nhóm đi tuyên truyền về tác hại và phòng tránh HIV/AIDS. Những tờ rơi tuyên truyền được phát đến tận tay từng người ở khắp mọi nơi, những bơm kim tiêm rơi vãi ở tận cùng ngõ ngách-có thể giết chết một đời người nếu không may dẫm phải… tất cả đều được thu gom tận tình. Công việc ấy đã được anh em trong nhóm của Khải duy trì thực hiện trong nhiều năm qua. Với Khải, đó là những việc làm xã hội đầy ý nghĩa.
Ông Trương Văn Phượng, Nghiệp đoàn xe honđa khách, phường 9, thành phố Cà Mau vừa nhận được tờ rơi tuyên truyền phòng lây nhiễm HIV/AIDS, do nhóm đồng đẳng của anh Trần Minh Khải cấp phát cho biết: Thỉnh thoảng cũng thấy nhóm của anh Khải đến đây phát bao cao su và tờ rơi tuyên truyền. Nhờ vậy chúng tôi cũng biết cách mà phòng tránh lây nhiễm.
Để phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS ngày càng tốt hơn. Khải dần trang bị kiến thức cho mình qua những lớp tập huấn về chuyên môn. Từ một người chữ nghĩa “chưa đầy lá mít”, giờ anh có thể thao tác trên máy vi tính, vào mạng internet, tạo địa chỉ, gởi mail thăm hỏi, chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ và kêu gọi giúp đỡ. Đó cũng là thành quả từ khoá học nâng cao năng lực sử dụng máy tính cho các nhóm tự lực, do diễn đàn xã hội dân sự hợp tác phòng chống HIV/AIDS thực hiện. Niềm vui của Khải được nhân đôi khi nhận được chiếc máy vi tính do diễn đàn trao tặng cách đây không lâu. Để tạo điều kiện hỗ trợ cho những người cùng cảnh ngộ như Khải, vừa qua, anh còn tham gia thành lập Liên minh “Niềm tin và 567”. Liên minh nầy có trụ sở tại đường Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ chủ yếu là hỗ trợ các bệnh nhân của 03 nhóm những người có HIV/AIDS từ 3 tỉnh là: Bà rịa Vũng Tàu, Tiền Giang và Cà Mau lên thành phố Hồ Chí Minh để nhận những hỗ trợ y tế mà tại địa phương chưa thực hiện được hoặc bị trở ngại trong quá trình thực hiện.
Anh Khải cho biết: Bản thân tôi nhiễm HIV nhưng sống 11 năm rồi vẫn khoẻ mạnh. Tôi thấy nhiều người sống tới 15 – 20 năm luôn. Vì vậy, những ai lở nhiễm như tôi cũng không nên bi quan, chán đời mà hãy sống lạc quan, tận dụng những khoảng thời gian còn lại để làm những việc có ích cho cộng đồng, đất nước!
Hiện nay, việc tìm những người dũng cảm dám công khai trước công chúng, dư luận bản thân mình có HIV không còn khó khăn như trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại vô số rào cản khiến cho nhiều người nhiễm HIV/AIDS phải sống trong sự sợ hãi và cô độc. Và đó cũng là thách thức lớn trong cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS ở nước ta.
Bác sĩ: Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng thành phố Cà Mau cho rằng: Những việc làm của anh Khải rất đáng nêu gương và trân trọng. Những người có HIV như anh Khải mạnh dạn đứng trước dư luận, công chúng để mọi người biết sẽ tác động tích cực đến suy nghĩ, nhận thức của cộng đồng, xã hội. Vì nếu bản thân họ còn e dè, sợ sệt thì những người khác xung quanh họ làm sao cởi mở, cảm thông… Hy vọng cộng đồng nên có cái nhìn tích cực hơn với những người không may nhiễm HIV/AIDS và cảm thông, giúp đỡ họ.
Những công việc, những dự định của Khải còn rất nhiều, anh muốn cống hiến hết sức mình trong quãng thời gian còn lại. Dù còn nhiều khó khăn thử thách nhưng cuộc sống của anh vẫn không ngừng tiến về phía trước. Với sự dũng cảm và lòng quyết tâm của mình, con người ấy đã làm thay đổi cách nhìn của mọi người về HIV/AIDS, khiến cộng đồng trở nên mạnh mẽ hơn để chống chọi với những thách thức mà đại dịch nầy đang đặt ra cho đất nước và cho mỗi con người./.
T. Hùng
|