 Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Ngưu Lang - Chức Nữ thời nay - Kỳ 1: Chuyện tình “xuất khẩu”
Một anh lính trẻ canh đèn biển phải sống xa người vợ trẻ sau khi cưới, cô giáo trẻ miền núi với người chồng nay đây mai đó cùng các công trình xây dựng, người vợ tần tảo một mình nuôi con khi chồng đi xuất khẩu lao động… Ngày nay, có nhiều đôi vợ chồng phải sống xa nhau vì công việc vẫn luôn hướng về nhau bằng tình yêu và nỗi nhớ.
Như chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ xưa kia, họ vẫn chờ nhau và mong một nhịp cầu Ô Thước để được sống gần bên nhau.
TT - “Ai đi muôn dặm non sông. Để ai chất chứa sầu đong vơi đầy!”. Trời đã dần về khuya, câu hát ru con của chị Nguyễn Thị Thủy mang đầy nỗi thương nhớ của người vợ trẻ. Đã gần hai năm nay, người mẹ trẻ ở xóm Bình Hà (xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn ngày ngày nhớ thương chồng.
“Tính đến hôm nay anh đã đi được 605 ngày rồi. Suốt hai tháng đầu vợ chồng xa nhau, đêm nào tôi cũng ứa nước mắt nhưng không dám khóc to sợ con tỉnh giấc. Trong lòng luôn bồn chồn, lo lắng không biết bên xứ người một thân một mình cuộc sống của anh ra sao?” - nhìn vào tấm hình hai vợ chồng chụp chung, chị Thủy tâm sự.
Nhớ anh nhiều lắm
 |
Mỗi khi nhớ chồng, chị Thủy lại lấy tấm hình ra xem để vơi dần nỗi nhớ - Ảnh: ĐÌNH DÂN
|
“Lúc ở nhà, cả hai vợ chồng đều đầu tắt mặt tối với việc đồng áng, chạy ăn từng bữa để lo cho con ăn học chứ có biết gì lễ tình yêu với tình nhân gì đâu. Nhưng qua đó được hơn một năm, vào đúng ngày 14-2 năm ngoái anh ấy gọi điện về nói hôm nay là lễ tình yêu gì đó, người ta nói lời yêu thương với nhau. Tôi vui lắm và mừng muốn khóc luôn vì hạnh phúc quá!
Cách nay không lâu anh lại gọi về bảo đúng ngày 14-2 năm nay anh sẽ gửi tin nhắn có hình ảnh như một món quà cho tôi trong ngày lễ này. Tôi nôn quá” - chị Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.
|
Tấm ảnh đó là kỷ vật duy nhất của anh mà chị có được. Đầu tắt mặt tối với công việc đồng áng nên dù đã cưới nhau được gần 17 năm, nhưng vợ chồng chị chưa có được một bức ảnh chụp chung nào khác sau tấm hình ngày cưới. Từ ngày chồng đi xuất khẩu lao động, một mình chị nuôi ba đứa con đang tuổi ăn học cùng người mẹ già. Ngày trước có nhau, vợ cày cấy ruộng đồng lo cho sào ruộng, vườn khoai, đồng bắp; còn chồng chạy xe công nông ai mướn gì chở nấy kiếm tiền phụ vợ nuôi con và mẹ.
Từ hai bàn tay trắng, hai vợ chồng vừa làm nuôi sáu miệng ăn, vừa tranh thủ sửa sang nhà cửa để có chỗ ở ổn định. Rồi con đi học, chạy vay mượn đầu trên xóm dưới để cho con đến trường bằng bạn bằng bè, chẳng mấy chốc số nợ ngày một nhiều. Nghe người ta đi xuất khẩu lao động có tiền, vợ chồng bàn tính thiệt hơn với cảnh người ra đi xa tít, còn kẻ ở lại thui thủi một mình. Rồi họ gạt nước mắt chấp nhận.
Và từ đó, một tay chị “vác cày chồng bừa” với hơn một mẫu đất nông nghiệp. Ngày mùa xong xuôi, khi phụ nữ trong làng ven sông gác lưỡi liềm lên chạn bếp là lúc chị lại lầm lũi xuống sông đánh cá. Dù mùa nắng khô hạn hay mùa đông rét buốt, người ta vẫn thấy chị quần quật với công việc. Chị nói: “Mỗi lúc nhớ chồng tôi thường mượn công việc để nguôi ngoai. Lắm khi đi làm ngoài đồng, nhìn người ta chồng cày vợ cấy tôi tủi thân và nhớ anh nhiều lắm. Nhưng nước mắt lăn xuống bao nhiêu cũng khô, nỗi nhớ chồng từ mùa lúa này qua mùa lúa khác vẫn cứ đằng đẵng”.
Một lần tâm sự đổi mất 20kg khoai
 |
Chị Thủy một mình nuôi dạy con - Ảnh: ĐÌNH DÂN
|
Còn ở đất nước Qatar xa xôi, anh Ngô Đăng Minh vất vả với công việc thợ hồ bao nhiêu, nỗi nhớ vợ nhớ con cũng nhiều bấy nhiêu. Những lúc ấy anh cũng chỉ biết điện thoại cho vợ con. Vì công việc của anh không ổn định một chỗ nên anh chị rất khó thư từ cho nhau, chỉ có thể liên lạc bằng điện thoại. Khi vừa đặt chân đến đất khách quê người, anh đã điện ngay về nhà báo tin. Đó là cuộc điện thoại đẫm nước mắt khi cả hai cùng nghẹn ngào khóc rồi thút thít động viên nhau cùng cố gắng.
Biết nơi quê nhà vợ nhớ thương mình nhiều nên mỗi lúc điện về ngoài hỏi chuyện mẹ già, chuyện học hành của con, chuyện làng xóm, đồng áng…, anh luôn động viên chị bằng câu: “Anh sắp sửa về rồi mà. Tính ngày thì hơi lâu chứ tính năm thì chỉ vụt qua như một giấc ngủ trưa thôi”. Rồi trong những lời động viên vợ, anh còn tỉ tê xin lỗi và nói rất ân hận vì có vài lần trót lớn tiếng với vợ.
Ngày trước khi bị cảm lạnh chị cũng có anh chăm sóc. Thế nhưng bây giờ ngay cả khi tai họa giáng xuống chị cũng không có chồng đỡ đần. Cách nay ba tháng, đứa con trai mới học lớp 5 của anh chị bị lũ cuốn trôi. Quằn quại với nỗi đau mất con, nhưng điện cho chồng chị chỉ nói con bị ốm nặng sợ không qua khỏi chứ không dám nói con đã ra đi. Chị sợ ở xứ người đơn độc anh không chịu đựng nổi mất mát quá lớn này.
Từ ngày nhận tin con đau nặng, anh như người mất hồn nhưng không thể về vì chưa hết hợp đồng. Chị kể trong tiếng điện thoại rè rè điện về, anh nói: “Con ơi con có đau lắm không? Con nói cho cha nghe một tiếng đi, đã lâu lắm rồi cha không được nghe tiếng con nói. Con yên tâm đi, ngày cha về có tiền cha sẽ mang con ra Hà Nội chữa bệnh”. Nghe tiếng chồng qua điện thoại, người vợ như chết lặng.
Năm đầu qua mỗi tháng anh gọi về nhà vài lần, nhưng sau thưa dần vì cước điện thoại quá đắt đỏ so với tiền lương bấp bênh. Có khi hai ba tháng chị Thủy mới được nghe giọng nói của chồng. Chị Thủy kể ở quê chỉ làm được một vụ lúa chắc ăn sau tết, còn vụ sau làm kiểu một mất một còn vì lũ lụt thường xuyên.
“Cũng tranh thủ trồng khoai, bắp, lạc để kiếm thêm nhưng giá cả chẳng được bao. Mỗi ký khoai chỉ bán được 3.000đ nên mỗi cuộc điện thoại tốn chừng 60.000đ, nghĩa là đã mất đứt 20kg nên có nhớ mấy cũng ráng chịu. Biết rằng tháng 5 này anh sẽ về hẳn nhưng sao chờ đến ngày đó xa quá. Giờ tôi chỉ ước có chồng bên cạnh để vợ chồng tối lửa tắt đèn có nhau” - chị Thủy trầm ngâm.
PHI LONG - ĐÌNH DÂN Sửa bởi quản trị viên 25/06/2009 lúc 11:29:55(UTC)
| Lý do: Chưa rõ
|
|
|
|
|
|
 Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Thứ Năm, 12/02/2009, 07:20 (GMT+7) Ngưu lang - Chức nữ thời nay - Kỳ 2: Em ở Trung, anh ở Bắc TT - Gặp nhau tình cờ trong một buổi cà phê chung với nhóm bạn, tình yêu giữa đôi bạn trẻ Nguyễn Thị Nga và Nguyễn Văn Tuấn nảy nở và sau đó họ xe duyên vợ chồng. Cưới nhau chưa đầy một tuần, đôi vợ chồng son phải mỗi người một nơi khi cô dâu quay lên miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) dạy học, còn chú rể ra tận Tuyên Quang tiếp tục công tác.  | Sống xa chồng, cô Nga xem lớp học là gia đình của mình - Ảnh: Minh Thu | >> Kỳ 1: Chuyện tình “xuất khẩu” Yêu nhau phải hi sinh cho nhau Theo thống kê của Phòng Giáo dục huyện Sơn Hà, khoảng 100 giáo viên ở các bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đang công tác trên năm năm qua tại các xã vùng sâu, vùng xa ở huyện này có hoàn cảnh sống xa vợ chồng. | Trường mẫu giáo Sơn Linh nằm trên dốc núi chỉ là một phòng học mượn tạm của Trường tiểu học Sơn Linh, còn lớp học được phân bố rải rác tại các điểm trường lẻ khắp các buôn làng: Ka La, Bồ Nung, Làng Ghè, Gò Da và Làng Xinh thuộc xã Sơn Linh, huyện miền núi Sơn Hà. Lặng nhìn những đứa trẻ mắt tròn xoe, cắm cúi tập viết tại điểm trường lẻ Làng Xinh, cô Nga tâm sự: “Thương nhất là những ngày tháng mùa đông, học trò đến lớp lấm lem bùn đất đỏ, mảnh áo mỏng manh, môi tím tái run lật bật vì lạnh, lòng mình không cầm nổi”. Ra trường năm 2004 Nga được bố trí công tác về vùng cao Sơn Linh dạy mầm non cho trẻ nghèo con em đồng bào dân tộc thiểu số Hrê, cách nhà gần 80km. Rời xa mái ấm gia đình ở đồng bằng, tình nguyện về với vùng sâu, vùng xa, ngày đêm các cô giáo trẻ lặng thầm góp sức mình trước lời gọi thiết tha con chữ của những đứa trẻ vùng cao Quảng Ngãi. Ngày ấy, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Nga thường xuyên băng suối vượt rừng để mang con chữ đến những học sinh của Trường mẫu giáo Song Linh. Thuở mới về trường đời sống vật chất lẫn tinh thần thiếu thốn mọi bề, bao nhiêu lần Nga đã khóc thầm để rồi tự động viên mình nỗ lực vượt qua, ở lại với vùng đất khó nghèo này. “Ánh mắt thơ ngây của từng đứa trẻ nơi đây đã níu chân mình ở lại với bản làng, rừng núi Sơn Linh”, cô Nga bộc bạch. Rồi tình cờ qua những lần đi chơi với bạn bè, cô giáo trẻ và anh công nhân kỹ thuật xây dựng Nguyễn Văn Tuấn ở cùng quê Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành) mến nhau và họ quyết định đi đến hôn nhân vào năm 2006. Cô Nga kể: “Trước lúc cưới tụi mình cũng đã chuẩn bị tâm lý sẽ xa nhau thường xuyên vì công việc mỗi người một nơi, song yêu nhau phải chấp nhận, biết hi sinh cho nhau. Lòng hai đứa dặn dò nhau rằng đã nên vợ nên chồng thì dù xa cũng phải cố quan tâm, chăm sóc như ở bên cạnh”. Hủ hỉ mới chưa được một tuần đã xa nhau, hai vợ chồng trẻ nước mắt đầm đìa. Và họ chia xa, Nga lên Sơn Hà, Tuấn ra Tuyên Quang. Nơi nào cũng là vùng sâu, vùng xa.  | Cô Nga xem những tấm ảnh kỷ niệm để vơi đi nỗi nhớ - Ảnh: Minh Thu | Chỉ mong ngày đoàn viên đến sớm Làm nghề xây dựng công trình nên Tuấn lúc ở Bình Phước, khi Tuyên Quang và cả những tỉnh Tây nguyên. Thương vợ một mình ở nơi núi cao rừng sâu, anh thường xuyên gọi điện để nhắc nhở vợ tự chăm sóc bản thân lúc không có bàn tay người chồng. Để bù đắp nỗi nhớ nhung của vợ, anh tự tay viết những lá thư đong đầy yêu thương, ra bưu điện gửi về vừa để vợ đỡ nhớ, vừa là kỷ vật yêu thương anh muốn gửi đến người vợ trẻ. Ngày nhận tin vợ có thai, Tuấn mừng khôn xiết và chia sẻ niềm vui với anh em, đồng nghiệp ở chỗ làm. Buổi sáng, ngày vợ trở dạ, anh đang ở công trường, nhận được tin báo anh tức tốc xin nghỉ việc chạy một mạch ra đường để đón xe về đến nhà thì đứa con kháu khỉnh đã chào đời trong niềm vui khó tả. “Đó là ngày hạnh phúc nhất trong đời tôi. Tuy vợ chồng có xa cách nhưng đứa con ra đời như sợi dây liên kết vô hình kết nối hai nửa vợ chồng khăng khít với nhau”, Tuấn kể. Ở nhà được một tuần thì anh trở lại công trường thủy điện Sê San 4. Con trai được bốn tháng tuổi, cô Nga ôm con lên vùng cao Sơn Linh vừa chăm sóc con vừa dạy học. Khí hậu vùng cao khắc nghiệt, con trai hết sốt lại ho, cô một mình chạy đôn chạy đáo. Trong khoảng thời gian ấy, mỗi cánh thư, mỗi cuộc điện thoại của chồng từ phương xa liên lạc về như tiếp thêm nghị lực, trở thành điểm tựa vững chắc cho cô vượt qua mỗi khi đuối lòng. Đến lớp giữa bản làng trong buổi sớm tiết trời se lạnh, cô Nga tâm sự: “Trời lạnh thế này đâu thể sánh được với cái giá lạnh xa chồng. Song thời gian rồi cũng quen, chúng tôi gửi thư và điện thoại cho nhau mỗi tuần vài lần cũng vơi bớt nỗi nhớ. Mỗi năm ảnh chỉ về thăm tôi trong những ngày nghỉ tết, vào dịp nghỉ hè tôi ôm con lên công trường ở Gia Lai thăm ảnh. Vì công việc nên chúng tôi động viên nhau cố gắng vượt qua thôi”. Cô lấy tấm ảnh từ cuốn sổ trong túi xách ra, đôi mắt rạng ngời hạnh phúc: “Đó là con trai của vợ chồng, tên cháu là Nguyễn Tuấn Anh Kiệt, được 18 tháng. Xa nhau cũng lâu, chỉ mong ngày đoàn viên đến sớm”. Với Nga, nỗi buồn lớn nhất trong cô là những khi đến lớp thiếu vắng học trò. Mỗi lúc có học sinh nghỉ học là cô lại lặng lẽ đến tận nhà các gia đình vận động, thuyết phục học sinh ra lớp. Cô nói: “Xa gia đình, học sinh là niềm vui chính của mình, mỗi lần đến lớp trống vắng học trò, nỗi buồn trong lòng dâng lên gấp bội”. Nhiều khi hạnh phúc với Nga thật đời thường, giản dị: đó là những lúc người chồng thân yêu từ Tây nguyên về phép thăm nhà bất ngờ. Sau chuỗi ngày tháng dài xa cách, chồng vào bếp chế biến những món ăn thật ngon, sẻ chia, níu lòng nhau xích gần lại trong bầu không khí ấm áp gia đình. “Những ngày cuối tuần, ngày lễ, đặc biệt là dịp lễ tình nhân 14-2, thấy vợ chồng người khác hạnh phúc bên nhau tôi chỉ biết khóc thầm. Cũng có điện thoại nhưng sao bù được nỗi nhớ mong, ước ao được trong vòng tay chồng như bạn bè. Hai vợ chồng từng dự định một người sẽ tìm nghề khác để được gần nhau, quan tâm và chăm sóc con tốt hơn. Nhưng đâu thể được, cái nghề đã theo cuộc đời mình rồi” - cô Nga tâm sự. Cô Nguyễn Thị Đồng - phó hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sơn Linh - nhận xét: “Mặc dù công tác trong hoàn cảnh xa cách chồng con nhưng lúc nào cô Nga cũng hết lòng với học trò. Chúng tôi vô cùng cảm phục nghị lực của cô Nga trong suốt nhiều năm vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn bám trụ trường lớp, góp phần đáng kể cho công tác giáo dục mầm non tại vùng cao Sơn Linh”. MINH THU - PHI LONG
|
|
|
|
 Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Thứ Sáu, 13/02/2009, 02:55 (GMT+7) Ngưu lang - Chức nữ thời nay - Kỳ 3: Vượt cạn một mình TT - Trong cả hai lần vượt cạn, chị Đỗ Hoài Thanh đều tự mình vượt qua thời điểm khó khăn ấy một mình vì vắng bóng chồng. Và trong hai lần ấy, anh như ngồi trên đống lửa trông ngóng tin tức từ người thân vì đang làm nhiệm vụ ở công trường xa. “Thấy người ta có chồng kề bên trong lúc sinh rồi hạnh phúc đưa nhau về nhà, tôi buồn lắm. Nhưng nghĩ chồng ở phương xa chắc cũng lo lắng và sốt ruột nên lấy đó làm nỗi an ủi để vượt cạn”, chị Thanh tâm sự.  | Chồng công tác xa, chị Đỗ Hoài Thanh ở nhà lo toan mọi chuyện với đứa con mới 2 tuổi - Ảnh: Phi Long | >> Kỳ 1: Chuyện tình “xuất khẩu” >> Kỳ 2: Em ở Trung, anh ở Bắc Hai lần lỡ hẹn "Chỉ mong sao anh sớm được chuyển về công tác gần nhà hơn để khỏi phải có những chuyến đi xa hàng năm trời, mong sao có một nhịp cầu Ô Thước để nối đôi bờ vợ chồng gần nhau hơn" | Tốt nghiệp ngành trung cấp máy năm 2001, anh Vũ Hồng Trường xin vào làm ở một xí nghiệp thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải 1, quản lý các hải đăng dọc bờ biển miền Trung. Kể từ đó anh nay đây mai đó với những công trình xây dựng hải đăng ở các tỉnh để lắp đặt và kiểm tra hoạt động của các loại máy phục vụ việc hoạt động của đèn biển. Những chuyến đi xa càng lâu càng khiến nỗi nhớ người yêu nơi quê nhà dâng trào nên cả hai quyết định cưới nhau một năm sau đó. Hỏi vì sao biết xa nhau vẫn tiến đến hôn nhân, đôi vợ chồng trẻ đều có chung câu trả lời: tình yêu. Ngày chị Thanh biết mình có thai đứa con đầu lòng cũng là lúc anh Trường đang kỳ nghỉ phép ở nhà cùng vợ. Nhưng rồi anh phải lên đường tiếp tục nhận công tác ở xa, cô vợ trẻ một mình chuẩn bị đồ đạc. Khi nhận được tin báo vợ trở dạ là lúc anh đang ở tận Năm Căn (Cà Mau) để xây dựng một công trình đèn biển. Ở nơi xa anh đứng ngồi không yên khi không được bên cạnh vợ lúc khó khăn nhất để nghe tiếng oa oa chào đời của đứa con đầu lòng. Đến ba tháng sau anh mới có dịp về nhà thăm vợ con. Anh kể về cảm giác lúc đó: “Cũng như mọi người cha, trong giây phút hạnh phúc nhất, tôi muốn có mặt bên vợ và nghe thấy tiếng khóc của đứa con mình, rồi tay xách nách mang đồ đạc chở vợ con về nhà trong niềm hân hoan. Nhưng rồi mơ ước đó không thành. Do vậy, tôi đã đặt ra quyết tâm có mặt bên vợ trong lần vượt cạn thứ hai”. Bốn năm sau, chị Thanh mang thai đứa con thứ hai. Một buổi chiều gần ngày sinh, chị đi siêu âm với hi vọng xác định chính xác ngày sinh để báo cho chồng biết. Lúc này anh Trường đang xây tháp đèn ở trạm hải đăng Ba Làng An (Quảng Ngãi) và chờ tin nhắn của vợ. “Bác sĩ cho biết hai tuần sau em sinh nên anh sắp xếp công việc sau một tuần nữa về cũng kịp”, người phụ nữ chuẩn bị làm mẹ lần thứ hai báo tin cho chồng qua điện thoại. Nhận tin anh mừng mừng tủi tủi, chia sẻ ngay với các anh em đang ở bên cạnh. Rồi anh mường tượng đến cảnh cả gia đình sum vầy bên nhau trong bệnh viện, anh sẽ động viên chị vượt qua lúc khó khăn. Nhưng sáng hôm sau chị trở dạ sớm, chị kể lúc đó nằm trong bệnh viện với cảm giác trống trải bao trùm. Đứa con thứ hai chào đời trong sự đón nhận và hồ hởi của gia đình hai bên, nhưng người vợ trẻ lại nôn nao hơn bao giờ. Chị đếm từng giờ để mong được nghe bước chân của anh vào phòng hậu sản, nghe tiếng anh nói, hỏi thăm, tiếng cười nói của chồng con, nhưng thực tế chỉ là nỗi trống trải trong lòng. Nhìn mấy giường kề bên thấy vợ chồng sum vầy bên nhau, chị ứa nước mắt. Đến ngày thứ hai ở bệnh viện, anh mới về đến và chạy ào đến ôm vợ bế con trong hạnh phúc tột độ của gia đình nhỏ. Anh nói: “Biết vợ buồn lắm nên nghe tin tôi tức tốc xin phép cấp trên và về ngay. Lần này buồn hơn khi đã định từ trước sẽ về bên vợ lúc sinh nhưng lại không làm được điều đó. Tuy nhiên, cảm giác được bế con dẫn vợ về nhà vẫn đủ khiến tôi hạnh phúc và xóa tan mọi nỗi buồn, mệt nhọc”.  | Mỗi lần nhớ vợ con, anh Vũ Hồng Trường lại xem ảnh lưu trong điện thoại - Ảnh: Phi Long | Những lá thư và chiếc điện thoại Trong hành trang mỗi lần đi làm xa của anh Trường, ngoài những kỷ vật của vợ và con, hai thứ anh luôn mang theo bên mình là chiếc điện thoại và những lá thư. Trong những lá thư nhận từ vợ luôn là những lời động viên, khuyên nhủ chồng vơi bớt nỗi buồn xa vợ, nỗi lo cho vợ con quê nhà để tập trung hoàn thành tốt công việc. Nỗi niềm của anh lại chan chứa vơi đầy trong thư hồi đáp, chia sẻ chuyện công việc ở nơi xa, hỏi han tin tức quê nhà, hỏi con mình có chịu ăn đủ bữa không, hỏi chúng có khóc nhè quấy giấc ngủ của vợ không… Với những người làm nghề canh đèn biển luôn xa nhà như anh, mỗi lần có thư của vợ là mang ra khoe và chia sẻ với các anh em cùng đơn vị như san sẻ niềm yêu thương. Từ khi có điện thoại di động, những lá thư dần thưa thớt và thay vào đó là những lời tâm tình yêu thương của hai vợ chồng dành cho nhau. Tuy nhiên, vì các trạm hải đăng thường đặt ở những rìa mép biển hoặc xa đất liền nên việc bắt sóng vô cùng khó khăn. Có trạm chỉ có đúng một điểm có thể bắt sóng được, thế là tất cả điện thoại di động của anh em phải dồn chung một chỗ. Có nơi phải lắc, phải giơ điện thoại lên cao hoặc bắc thang lên nóc nhà mới nghe được. Ở trạm hải đăng Tiên Sa (Đà Nẵng) - nơi anh vừa chuyển về công tác - xung quanh trạm đều không thể bắt sóng. Mỗi lần gọi về cho vợ, anh lại đi bộ vài kilômet đường rừng lên gần đỉnh mới có sóng. Anh kể: “Những ngày trời nắng thì vài kilômet đường rừng cũng dễ dàng vượt qua, nhưng mùa mưa gió cực nhọc vô cùng. Có hôm chiều tối trời mưa không ngừng, ngồi bên hiên nhìn cảnh, nhìn trời chịu không được cũng ráng đi lên đỉnh để được nghe giọng của vợ, tiếng bi bô của con, tiếng gia đình nơi phương xa”. Trong chiếc điện thoại của mình, anh lưu tất cả tấm ảnh của vợ con mà mình chụp được lúc về nhà để mỗi lần buồn nhớ lại lấy ra xem cho vơi đi nỗi lòng. Chiếc điện thoại ngoài nhiệm vụ làm sợi dây liên kết những cuộc điện đàm trở thành báu vật và luôn bên anh không rời. “Sống với bố mẹ chồng cũng được đỡ đần phần nào trong việc chăm sóc con cái, nhưng làm sao bằng cảm giác được có chồng bên cạnh. Lúc sinh nở cũng như khi nuôi con, có chồng bên cạnh vừa có thể phụ nấu cháo, pha sữa hay thay tã vừa đỡ cảm giác một mình nuôi con. Trong nhà thiếu bóng dáng người đàn ông, phụ nữ chúng tôi trống trải và cô đơn lắm” - chị Thanh chia sẻ như nói hộ tâm tình của những người phụ nữ xa chồng một mình nuôi con như chị. Biết được nỗi niềm của vợ và cũng để bù đắp phần nào tình cảm ấy, mỗi chuyến về nhà của anh là ngập tràn niềm vui. “Ngày xưa tôi hay được ông bà kể cho nghe về chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ mỗi năm chỉ gặp nhau được một lần. Rồi xem phim thấy buồn thay cho chuyện tình của họ, nhưng giờ đây chính mình cũng nằm trong trường hợp đó khi bạn bè cứ ghẹo “Vợ chồng anh cứ như Ngưu Lang - Chức Nữ vậy”. Chỉ mong sao anh sớm được chuyển về công tác gần nhà hơn để khỏi phải có những chuyến đi xa hàng năm trời, mong sao có một nhịp cầu Ô Thước để nối đôi bờ vợ chồng gần nhau hơn”, chị Thanh nói. PHI LONG __________________ Đôi vợ chồng trẻ bịn rịn chia tay khi người chồng chuẩn bị lên tàu ra nhà giàn làm nhiệm vụ khi tết đến gần. Chuyến đi có thể kéo dài 10 ngày, 20 ngày hay lâu hơn nên cả hai đều không chắc tết này sẽ được bên nhau… Kỳ tới: Chuyện tình người lính nhà giàn
|
|
|
|
 Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Thứ Bảy, 14/02/2009, 00:04 (GMT+7) Ngưu lang - Chức nữ thời nay - Kỳ 4: Chuyện tình người lính nhà giàn TT - “Anh đi nhớ ăn nhiều, giữ gìn sức khỏe và lúc nào cũng phải nghĩ đến vợ ở nhà”. “Ừ, anh biết. Em ở nhà cũng phải chăm lo sức khỏe và đứa con của mình”. Trước Tết Nguyên đán vừa qua, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Công Hoàng và Võ Thị Hùng Anh ở TP Vũng Tàu đã chuẩn bị chia xa để anh lên tàu ra nhà giàn làm nhiệm vụ. Chuyến đi có thể kéo dài 10 ngày, 20 ngày và lâu hơn thế. >> Kỳ 1: Chuyện tình “xuất khẩu” >> Kỳ 2: Em ở Trung, anh ở Bắc >> Kỳ 3: Vượt cạn một mình  | Vợ chồng anh Nguyễn Công Hoàng bịn rịn chia tay trước khi anh lên đường làm nhiệm vụ - Ảnh: PHI LONG | Những chuyến đi dài ngày Xa nhau thường xuyên nhưng không vì thế tình cảm vơi đi, lúc nào hai người cũng phải dành tình cảm cho nhau nhiều hơn để bù lấp khoảng trống xa nhau | Buổi sáng hôm đó, cũng như những buổi sáng phải chia tay chồng, chị Hùng Anh tranh thủ đi chợ sớm như mọi ngày để nấu ăn. Đang mang thai năm tháng nên việc đi lại có phần khó khăn và hay đau ốm, chỉ những hôm khỏe chị mới đi chợ nấu những món ăn ngon nhất cho chồng. Cả buổi loay hoay trong bếp chuẩn bị, bữa cơm trưa vừa dọn ra chưa kịp cầm đũa cũng là lúc anh nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ. Anh Hoàng nói: “Là chiến sĩ hải quân, anh phải cố gắng hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao. Đó là trách nhiệm của một người lính em ạ”. Nói rồi anh bỏ bữa cơm tranh thủ xếp vội mấy bộ quần áo cho vào chiếc balô luôn trong tình trạng trực chiến. Chị cũng một tay phụ giúp chồng rồi chạy ù ra quán tạp hóa mua lương khô, ít bịch kẹo, vài hộp bánh vừa để chồng ăn trên tàu vừa liên hoan với đồng đội. Tạt vội vào tiệm thuốc tây, chị mua tất cả các loại thuốc cần: từ chống nôn, cảm đến ho, sốt... Trên đường ra bến cảng, anh chị tranh thủ dặn dò nhau cố giữ gìn sức khỏe. Tuy đã chuẩn bị tâm lý và chồng thường xuyên đi công tác xa, nhưng cả hai không khỏi nghẹn ngào khi tàu chuẩn bị kéo hụ còi rời bến đưa anh đi. Anh từng trải, bình tĩnh khuyên nhủ vợ, còn chị không nén được xúc động bật khóc thành lời rồi ôm chầm lấy anh. Tàu rời bến, chị vẫn hướng về người chồng đang đứng trên thành tàu vẫy tay chào cho đến khi mất hút. “Mỗi lần anh đi làm nhiệm vụ xa nhà là tôi thao thức hằng đêm. Biết rằng anh là người lính, nhiệm vụ là trên hết nhưng sao nỗi nhớ vẫn cứ vơi đầy trong tâm trí” - chị Hùng Anh tâm sự. Những chuyến đi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam kéo dài, luôn trong tư thế sẵn sàng ở hàng tháng trời trên các nhà giàn là nhiệm vụ đặc thù của người lính đơn vị DK1 (thuộc đoàn M71 Hải quân) đóng tại TP Vũng Tàu. Lính đơn vị DK1 có nhiệm vụ quản lý các nhà giàn từ ngoài khơi Vũng Tàu đến phía Nam thềm lục địa, nên những chuyến đi dài ngày trở thành chuyện thường ngày. Chuyến đi nhanh cũng mất 20 ngày đến một tháng, mùa biển động tàu thuyền ra vào khó khăn, các anh phải ở lại trên nhà giàn 14-16 tháng là chuyện bình thường. Anh kể lúc ở trên nhà giàn, niềm vui của anh em không gì sánh bằng là những chuyến hàng tiếp tế từ đất liền ra có quà và thư của vợ. Hàng tháng trời sống ở bốn bề là biển, là trời khao khát được ngửi chút hương vị của đất liền. Quà được mọi người ăn và chia sẻ cho nhau như anh em ruột trong nhà. Những lá thư được đọc cho nhau nghe, cùng nhau buồn vui với câu chuyện của người nhận được. Anh Hoàng kể: “Cả ngày làm nhiệm vụ nhưng những chiều muộn rảnh rỗi ngồi nhìn trời, nhìn cảnh chiều trên biển khiến nỗi nhớ vợ lại dâng trào da diết. Không biết khi ấy vợ mình ở đất liền có được mạnh khỏe, ăn cơm có ngon miệng không. Và trên biển mênh mông, hình ảnh người vợ hiền lại hiện lên trước mắt tôi như đang kề cạnh”. Vì không thể gọi điện được nên anh lại viết thư, tranh thủ lúc buồn vì nhớ vợ và cả những khi rỗi. Viết rồi để đó vì không gửi ngay được, lâu lâu lấy ra đọc lại. Thư dồn thư nên mỗi chuyến tàu ra anh lại gửi về vài lá thư cho vợ với mong muốn mang lại chút hơi ấm làm vơi bớt nỗi nhớ nhung của người ở đất liền.  | Anh Nguyễn Công Hoàng (thứ hai từ trái sang) cùng những người lính hải quân DK1 vẫy chào người thân để đi xa làm nhiệm vụ - Ảnh: PHI LONG | Bữa cơm chan chứa yêu thương Chị Hùng Anh quê ở Quảng Trị, vào Nam làm công nhân ở Bình Dương, gia đình anh Hoàng quê tận Thanh Hóa, vào Nam sinh sống lập nghiệp. Tốt nghiệp Trường trung học Kỹ thuật hải quân anh về DK1 công tác và tình cờ gặp chị trong một lần lên Bình Dương thăm người bạn cũ. Từ lúc yêu, cả hai đã ít được gặp nhau do xa cách về địa lý và do cả công việc yêu cầu anh thường xuyên đi công tác. Từ đó, mỗi khi hai người gặp nhau là họ lại gửi gắm tình yêu vào đó. Hỏi về món ăn chồng thích nhất, chị chắc nịch “cá kho tộ và canh khổ qua”. Vì vậy, cứ mỗi lần anh hoàn thành một chuyến công tác chị lại chạy ra chợ thật sớm để chọn những chú cá bống ngon và tươi nhất, khổ qua quả vừa không bị già cùng mấy món phụ khác rồi về nhà xuống ngay bếp. Những khi anh đi làm về mệt chị lại hỏi han thích được ăn món gì để chuẩn bị. Chị nói: “Tôi ở nhà một mình ăn gì cũng được, nhưng khi chồng đi làm về phải chuẩn bị ăn uống cho anh chu đáo. Đó vừa là giúp anh có sức khỏe tốt để làm nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm của một người phụ nữ, người vợ. Xa nhau thường xuyên nhưng không vì thế tình cảm vơi đi, lúc nào hai người cũng phải dành tình cảm cho nhau nhiều hơn để bù lấp khoảng trống xa nhau”. Có thai nên việc đi lại khó khăn, biết được điều này anh thường xuyên đỡ đần chị trong việc nhà mỗi lúc được về thăm. Từ dọn dẹp nhà cửa cho đến những lo toan trong cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ. Nhưng điều anh thích nhất là được nấu ăn cho vợ. “Lính chúng tôi ai cũng biết nấu ăn để phục vụ đồng đội và cả cho chính mình nên thành thạo lắm. Đi xa thì nấu ăn cho đồng đội, về nhà tôi lại xắn tay áo nấu ăn cho vợ. Đó cũng là cách để tôi có thể bù đắp lại một phần nhỏ sự thiếu thốn tình cảm của vợ vì chồng thường đi công tác dài ngày”, anh tự hào khoe. Bữa cơm đối với nhiều cặp vợ chồng nhiều khi đơn giản chỉ là thời gian gặp nhau, nói vài chuyện trong ngày, nhưng với anh Hoàng và chị Hùng Anh là cả một khoảng không gian yêu thương của bao tháng ngày chờ đợi. Người vợ trẻ đang mang trong mình đứa con trai đã được năm tháng tuổi không biết bao lâu anh sẽ trở về. Tuy chưa biết thời gian chính xác nhưng anh dự đoán sẽ không có mặt vào ngày vợ sinh. Anh Hoàng nói: “Đó là chuyện bình thường đối với đời lính chúng tôi. Có anh em may mắn còn có thời gian chăm sóc vợ khi mang thai, chứ có người từ khi vợ mang thai đến khi sinh nở vẫn chưa hết thời gian làm nhiệm vụ. Cũng có trường hợp khi hoàn thành chuyến công tác về nhà đã thấy con biết đi đứng”. Và anh tin vợ con sẽ hiểu lòng một người cha - người lính như anh. PHI LONG ------------------------------------------ Mùa trăng là cách người dân ở vùng biển chỉ thời gian các ghe vào bờ buôn bán. Những người chồng đi biền biệt từ Bắc vào Nam để đánh cá, những người vợ cứ chờ mỗi mùa trăng đến là ra Bắc, vào Nam để thăm chồng. Kỳ cuối: Chờ đợi những mùa trăng
|
|
|
|
 Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Chủ Nhật, 15/02/2009, 06:01 (GMT+7) Ngưu Lang - Chức Nữ thời nay - Kỳ cuối: Chờ đợi những mùa trăng TT - Xã biển Hoài Hương, Hoài Nhơn (Bình Định) có tiếng với nghề đánh bắt thủy sản xa bờ. Đàn ông ở đây từ nhỏ đã quen với việc xa đất liền, đến khi có vợ cuộc sống của họ cũng gắn liền với những vùng biển xa khơi. Những người vợ ở nhà chờ ngày trở về của chồng. Những người có tiền thì chờ mùa trăng để vào Nam hoặc ra Bắc thăm chồng, người nào gia đình khó khăn phải mòn mỏi đợi đến giáp tết mới gặp được mặt chồng sau một năm xa cách.  | Cứ mỗi mùa trăng đến, nhiều phụ nữ ở Hoài Hương lên cầu Dợi (Bồng Sơn) đón xe đi gặp chồng -Ảnh: Phi Long | >> Kỳ 1: Chuyện tình “xuất khẩu” >> Kỳ 2: Em ở Trung, anh ở Bắc >> Kỳ 3: Vượt cạn một mình >> Kỳ 4: Chuyện tình người lính nhà giàn Những chuyến xe Mùa trăng là cách mà người dân nơi đây gọi để chỉ thời gian các ghe đi đánh cá vào bờ buôn bán. Thường sau ngày rằm (15 âm lịch hằng tháng), các ghe sau khi lấy dầu và lương thực là bắt đầu những chuyến đánh bắt cá mực ở vùng biển xa khơi và trở về sau ngày 5 (âm lịch). Đây là thời điểm phụ nữ đi gặp gỡ chồng, giúp chồng bán cá mực, lên chợ mua lương thực thực phẩm cho chuyến đi tiếp theo. Ông Võ Xuân Phải, phó chủ tịch UBND xã Hoài Hương, cho biết: “Toàn xã có hơn 800 tàu thuyền hoạt động đánh bắt xa bờ ở nhiều vùng biển trong cả nước, trải dài từ mũi Sa Vỹ (Quảng Ninh) đến tận Hà Tiên (Kiên Giang). Cả xã sống chủ yếu dựa vào nguồn lợi từ biển nên hầu hết đàn ông ở đây đi biển từ khi còn trẻ cho đến lúc về già. Họ sống xa vợ con và một số ít phụ nữ có cơ hội gặp chồng vào các mùa trăng, số còn lại mỗi năm gặp một lần vào dịp tết. Phụ nữ ở đây ngoài việc nhà đảm đang còn phải canh cánh nỗi nhớ nhung chờ đợi người chồng từ phương xa. Tuy nhiên, những bất trắc trên biển luôn rình rập và nhiều người đã ra đi không trở lại, để lại vợ con mòn mỏi trông chờ”. | Cứ đến hẹn, nhiều chiếc xe trong huyện và các huyện lân cận kéo về bến xe trước trung tâm văn hóa xã chờ khách. Bà Bùi Thị Liễu (thôn Thạnh Xuân) nhớ lại: “Cách đây chục năm về trước tìm một chiếc xe để đi gặp chồng vào mùa trăng là vô cùng khó khăn. Cả xã có cả trăm phụ nữ muốn đi gặp chồng, nhưng xe chỉ hai ba chiếc nên không đáp ứng đủ nhu cầu”. Thời đó, mỗi chuyến xe từ xã Hoài Hương ra Hòn Gai (Quảng Ninh) phải mất ba ngày hai đêm hay vào miền Nam cũng mất hai ngày đêm. Bà Liễu cho biết thêm sợ cảnh “chặt chém” trong các quán xe tù cơm nhốt, nên mỗi người chuẩn bị các cà mèn mang theo cơm nấu sẵn hoặc lương khô ăn dọc đường để đỡ tốn kém. Các điểm đến như Quảng Bình, Mỹ Tho (Tiền Giang)… cũng là nơi đón nhiều phụ nữ Hoài Hương đến vào các mùa trăng vì những vùng biển này được nhiều ghe chọn làm nơi đánh bắt cá mực. Bây giờ xe nhiều và có phần tốt hơn, những chuyến đi cũng đỡ vất vả. Chị Trần Thị Liệu ở thôn Thiện Đức cho biết đã gần 10 năm nay, cứ mỗi mùa trăng đến là chị lại đi thăm chồng. Đã có lần chị đinh ninh ghe sẽ vào Quảng Ninh bán mực nên ngày 5 lên xe và có mặt tại Hòn Gai sau đó hai ngày. Chịu khó kiếm chỗ nhà quen ngủ để đỡ tốn kém năm ngày nhưng vẫn không thấy tin tức của chồng. Sốt ruột, chị gọi điện thoại về nhà mới biết chồng chị vừa điện về báo do gặp bão nên ghe đã vào Quảng Bình. Ngày trước vùng biển ngoài khơi Quảng Ninh đánh bắt được nên chị ra tận Hòn Gai gặp chồng, nay ghe chồng chuyển xuống Phú Quốc, Côn Đảo, chị lại theo xe vào Nam. Mỗi chuyến đi gặp chồng cũng phải tốn 200.000-400.000đ tùy theo địa điểm tàu cập bến, tất cả đều cậy nhờ vào tiền đi biển của chồng. Chị Huỳnh Thị Hồng (thôn Thạnh Xuân) cho biết những chuyến biển trúng mỗi người đi bạn có thể được chia 500.000-1 triệu đồng, nhưng không ít chuyến chỉ được 100.000-200.000đ và cũng có khi trắng tay. Vì thế không ít người đắn đo có nên đi thăm chồng hay không. Chị Hồng còn kể một chuyện tế nhị: “Chuyện nam nữ dưới ghe là điều kiêng cữ của người làm biển, do đó vợ chồng có gặp nhiều khi chỉ hỏi thăm sức khỏe của nhau rồi tâm sự vài câu và chia tay”.  | Chị Cao Thị Kim Cúc ở nhà nuôi con một mình - Ảnh: Tuấn Tú | Nuôi con đợi chồng Cũng không hiếm trường hợp không có cơ hội vào thăm chồng mỗi tháng vì khó khăn. “Muốn đi cũng được nhưng tính đi về tốn tiền nên đành ở nhà. Đành sống với cảnh nhớ chồng, còn số tiền ra vào phải dành cho con ăn học. Những mùa trăng trúng cá mực còn đỡ, chứ mùa ế coi như chồng trắng tay”, chị Huỳnh Thị Hồng cho biết. Không riêng chị Hồng, nhiều chị em ở Hoài Hương không có điều kiện đi hằng tháng, phải đợi đến hết chuyến tàu cuối năm chồng họ mới có cơ hội về nhà. Có trường hợp chuyến biển mùa tết có mực, nhiều người chấp nhận đi biển qua ngày tết để hi vọng có thêm thu nhập gửi về nhà cho vợ con. Một số tìm cách đi thăm chồng bằng cách đến đó tìm việc làm như vá lưới thuê cho các ghe để có tiền đi đường. Trong căn nhà trên động cát cao, chị Cao Thị Kim Cúc (thôn Thạnh Xuân Đông) ở nhà một mình vò võ nuôi con. Sống với hai đứa con trong khi chồng đi biển, mỗi ngày chị phải lo ăn uống cho con và quán xuyến chuyện nhà cửa. Rảnh tay, chị về nhà mẹ để phụ cơm nước cho cha mẹ già rồi quay về nhà lo tiếp cho hai đứa con. Chồng đi bạn thu nhập bấp bênh, trăng có trăng không nên chị và nhiều chị em khác chấp nhận ở nhà đợi chồng. Những mùa trăng trúng biển, vài tháng chồng về nhà một lần, nhưng năm nào biển đói kém cả năm chị mới có cơ hội gặp chồng một lần. Chị nói: “Cứ mùa trăng đến thấy chị em nô nức đi thăm chồng, tôi cũng tủi thân lắm, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn phải chấp nhận”. Cùng cảnh ngộ với chị Cúc, chị Vương Thị Tuyết (thôn Thiện Đức) cũng đành ở nhà nuôi con đợi chồng. Buổi sáng sau khi cho con đi học, chị lại quảy gánh ra chợ bán hàng đến trưa về lo bữa cơm cho con. Ngày chị sinh đứa thứ hai anh vẫn còn ở ngoài biển khơi và không hề biết tin tức gì, chỉ khi ghe cập bến anh điện về gia đình hỏi thăm sức khỏe mới biết mình được làm cha lần thứ hai. Phụ nữ ở xã biển Hoài Hương có cách tính thời gian xa chồng dựa vào ánh trăng. Chị Hồng cho biết nhiều lúc hỏi đã xa chồng bao lâu nhiều chị em ở đây không nhớ được bao tháng, mấy ngày, nhưng hỏi mấy mùa trăng thì họ có thể nhớ không sai. Cũng như bao người phụ nữ khác, cứ gần đến ngày rằm chị Hồng lại ngắm trăng mong mỏi hình bóng chồng. “Trăng đến, trăng lại đi nhưng có khi chồng đi biền biệt không thấy trở về. Đó là tình cảnh của không ít phụ nữ ở đây khi chồng chẳng may gặp tai nạn và mất đi”, chị Hồng tâm sự. Những chuyến biển ở đây nuôi sống cả gia đình, nhưng những chuyến đi dài ngày với nguy hiểm luôn rình rập ngoài khơi xa khiến nhiều phụ nữ nơi đây trở thành hòn vọng phu vò võ chờ chồng. “Tôi là người trong cuộc nên biết và hiểu nỗi niềm của người phụ nữ miền biển. Chúng tôi phải một mình cam chịu gánh hai vai nhưng vui vẻ chấp nhận, vì biết ngoài biển khơi các anh còn vất vả hơn gấp bội lần và không ít nguy hiểm luôn rình rập. Vợ chồng miền biển giống viễn cảnh của Ngưu Lang - Chức Nữ ngày xưa lâu lâu mới gặp một lần. Nhưng Ngưu Lang - Chức Nữ chắc chắn gặp được nhau sau mỗi lần chia tay nhờ nhịp cầu Ô Thước, còn chúng tôi có khi vĩnh viễn không gặp lại chồng”, chị Cúc nói với giọng đầy nỗi niềm thương nhớ. PHI LONG
|
|
|
|
Di chuyển
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.
|