Đủ kiểu kỳ thị và phân biệt đối xử
Theo nhóm nghiên cứu, biểu hiện của sự kỳ thị trong gia đình đối với NĐTN rất đa dạng và có nhiều mức độ khác nhau. Buồn, lo âu và thông cảm là thái độ của nhiều gia đình nhất. Khoảng 25% các gia đình có thái độ tiêu cực như tức giận, hắt hủi, lo sợ mất danh dự, sợ không có người nối dõi tông đường hay xấu hổ với những người xung quanh. 10% các gia đình có hành vi như mắng chửi, tìm cách ngăn cản tiếp xúc với bạn trai hay tìm cách bắt phải thay đổi hành vi tình dục. 17% các gia đình ép con/em mình lấy vợ như một cách thay đổi hành vi tình dục. Những hành động tiêu cực hơn như đánh đập, đuổi khỏi nhà, hủy hoại đồ dùng cá nhân, ly thân hay ly dị chỉ là số nhỏ. Chỉ có 14% NĐTN mà gia đình đã biết, nói rằng, họ có cảm giác bị phân biệt đối xử. Dạng kỳ thị và phân biệt đối xử phổ biến nhất là không coi trọng ý kiến của NĐTN, không phân chia hoặc phân chia không công bằng tài sản thừa kế so với những nam khác trong gia đình. Không cho họ tham gia vào các quyết định quan trọng, ngăn cản bạn trai đến nhà chơi và ngăn cản NĐTN tiếp xúc với trẻ em trai. Các dạng kỳ thị khác xảy ra ở mức độ ít hơn.
Ngoài cộng đồng, dạng kỳ thị khá phổ biến là nhìn NĐTN với ánh mắt không thiện cảm, ghê sợ hoặc giữ khoảng cách trong quan hệ, không xa lánh nhưng cũng không gần gũi. Nam giới thường có biểu hiện kỳ thị với NĐTN nhiều hơn nữ giới. Nhóm người cao tuổi kỳ thị nhiều hơn nhóm trẻ tuổi. Nhóm người học vấn thấp kỳ thị nhiều hơn so với nhóm người học vấn cao. Cán bộ chính quyền và ban, ngành, đoàn thể ít kỳ thị hơn so với người dân trong cộng đồng, nhưng sự quan tâm giành cho nhóm ĐTN thì rất ít. Hầu hết ý kiến của những người tham gia nghiên cứu cho rằng, NĐTN chưa được tôn trọng và chưa được đối xử công bằng như những người nam khác. Người dân thường trêu chọc, dè bỉu, khinh rẻ hoặc sử dụng từ ngữ miệt thị để ám chỉ NĐTN. Nhiều người thì tìm cách xa lánh hoặc ngăn cảnh con/em mình có quan hệ giao lưu với NĐTN vì sợ bị “lây”.
Hậu quả khó lường
Bà Trần Thị Nga, Giám đốc SHAPC, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, khi đối diện với sự kỳ thị (dẫu chưa đến mức tẩy chay hoàn toàn và không giúp đỡ NĐTN khi cần thiết), nhiều NĐTN đã phản ứng một cách tiêu cực như bỏ học, bỏ nhà di cư đến nơi ở mới hoặc thuê nhà ở riêng (28%). Cũng không ít người đã có ý định tìm đến cái chết. “Phần lớn NĐTN cam chịu sự kỳ thị của cộng đồng và gia đình. Họ không dám lộ diện, chịu cảnh sống 2 mặt. Họ lảng tránh tiếp xúc với họ hàng, người thân, nơi đông người và nhiều hoạt động mà họ có quyền tham gia như khám chữa bệnh, vui chơi giải trí, văn nghệ - thể thao…”, bà Nga nhấn mạnh. Điều đáng nói là, có khá nhiều NĐTN tìm đến đời sống tâm linh và cũng có một tỷ lệ nhóm NĐT đã dám công khai tình trạng của mình khi tham gia các câu lạc bộ dành cho người cùng cảnh ngộ. Nhiều NĐTN cho biết, các câu lạc bộ này trong những năm qua đã đạt được kết quả đáng kể trong việc hỗ trợ tâm lý và dự phòng HIV/STD (bệnh lây truyền qua đường tình dục) cho những đối tượng như mình.
Phần lớn người dân và cán bộ địa phương coi ĐTN là trái với tự nhiên (68%), gần một nửa coi đó là “bệnh hoạn” (48%). Có 36% người được hỏi cho rằng tình dục đồng giới là “tệ nạn xã hội” cần xóa bỏ, 27% cho đó là kết quả của sự đua đòi, hư hỏng. Điều đáng chú ý là, có khoảng 1/3 người được hỏi tin rằng có thể “lây” ĐTN nếu chơi với họ!
|
Sự kỳ thị của gia đình và cộng đồng đối với NĐTN đã làm cho cuộc sống của họ, đặc biệt là các “bóng lộ” gặp khó khăn nhiều mặt hoặc gây ra những hậu quả xấu không chỉ cho NĐTN mà còn cho xã hội. Một thực tế cần phải nhìn nhận đó là, nhiều NĐTN, khi bỏ nhà ra đi không có việc làm ổn định, kiếm sống bằng những nghề lao động tự do hoặc phải sống bằng nghề mà xã hội không mong muốn như lô đề, mại dâm, trộm cắp… Sự kỳ thị của gia đình đã dẫn đến tình cảm của NĐTN với cha mẹ và người thân bị rạn nứt. Nhiều gia đình, do thiếu hiểu biết về ĐTN đã ép con mình lấy vợ. Hậu quả là, không ít cặp vợ chồng phải chịu cảnh sống bất hạnh, thậm chí phải ly thân hoặc ly hôn.
Hầu hết NĐTN cho biết, khó khăn lớn nhất của họ là tìm bạn tình. Để có được bạn tình, NĐTN thường phải sử dụng vật chất, tiền bạc để dụ dỗ hoặc trao đổi. Nhiều NĐTN khi không kiếm được bạn tình đã tham gia bán dâm để có cơ hội được quan hệ tình dục với nam giới. Thế nên, nhiều nam giới, trong đó có cả người nghiện ma túy đã tận dụng cơ hội đó để kiếm tiền (bán dâm, làm trai bao, lừa đảo). Điều này có thể dẫn NĐTN đến nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS nếu thiếu kiến thức và kỹ năng dự phòng.
NĐTN cũng gặp khó khăn khi xin việc làm, nếu đơn vị hay cá nhân tuyển dụng phát hiện họ “có vấn đề” về giới tính. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều NĐTN không dám lộ diện vì sợ ảnh hưởng đến cơ hội tìm việc.
Đặc biệt, do vẻ bề ngoài của mình khác biệt với nam giới, những “bóng lộ” thường gặp khó khăn nhiều hơn so với “bóng kín” khi sử dụng các dịch vụ công (làm giấy tờ tùy thân, dịch vụ y tế, dịch vụ vệ sinh công cộng…). Công an một số địa phương đã từ chối làm chứng minh nhân dân cho “bóng lộ” nếu họ không chịu cắt tóc như nam giới. Điều này cũng làm cho NĐTN gặp khó khăn trong tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, không thể thuê/mượn nhà, xuất cảnh hoặc đi lại bằng máy bay. Các “bóng lộ” còn nói rằng, rất ngại đi khám, chữa STD tại cơ sở Nhà nước vì với vẻ ngoài là phụ nữ, họ không biết nên vào phòng khám nam hay phòng khám nữ. Nhưng, chính việc dấu giếm bệnh và không điều trị kịp thời rất dễ làm tăng sự lây bệnh cho bạn tình và cộng đồng, nếu không sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục…
Những khuyến nghị
Từ kết quả thu được, nhóm nghiên cứu kiến nghị một số vấn đề như:
Truyền thông nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin, kiến thức khoa học về ĐTN cho gia đình NĐTN và người dân trong cộng đồng để từng bước xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử, đặc biệt trong lao động, học tập, tham gia các dịch vụ công, nhất là với các “bóng lộ”… Tạo điều kiện cho NĐTN đối thoại và xây dựng nếp sống văn hóa với cộng đồng thông qua các hoạt động xã hội chung ở địa phương.
Truyền thông nâng cao nhận thức đối với NĐTN về tình dục an toàn để dự phòng HIV/STD.
Cung cấp thông tin và kiến thức khoa học về ĐTN cho báo chí để hiểu và có cái nhìn đúng hơn về NĐTN; chú trọng đưa tin, bài một cách khách quan, theo hướng tích cực để động viên, khuyến khích NĐTN giảm mặc cảm, chủ động tham gia các hoạt động xã hội.
Đưa việc phòng, chống HIV/AIDS đối với NĐTN vào chương trình phòng, chống HIV quốc gia vì hiện nhiều tỉnh, thành chưa quan tâm đúng mức đối với nhóm người này.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, rà soát, bổ sung hoặc sửa đổi các văn bản pháp quy liên quan đến hôn nhân, gia đình; việc tiếp cận các nguồn lực (tín dụng, đất đai, tài sản…); tiếp cận các dịch vụ công và những lĩnh vực liên quan nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của NĐTN, để họ được đối xử bình đẳng như những công dân bình thường khác.
Hà Trung Anh