(ANTĐ) - Ông bạn đồng nghiệp của tôi đi họp báo về ghé
tai bảo nhỏ: “Nghe nói bên Bệnh viện Tim Hà Nội đang có chương trình
khám chữa bệnh tim miễn phí cho trẻ em trên địa bàn Hà Nội, cậu qua hỏi
xem thế nào”. Tôi nghi ngờ: “Thông tin của ông nghe có vẻ… không
tưởng, họ là đơn vị tự hạch toán, một ca mổ tim tốn mấy chục triệu
đồng, lấy đâu ra tiền mà… miễn phí”. Nói thế nhưng tôi vẫn gọi cho bác
sỹ Nguyễn Minh Đạo - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp để hỏi cho ra nhẽ.
Nghe “chất vấn”, bác sỹ Đạo ấp úng: “À… ừ… thì chúng tôi vẫn khám miễn
phí cho các em mấy năm nay rồi còn gì”.
|
Bác sỹ Viện Tim Hà Nội khám miễn phí cho trẻ em ở Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) |
Đừng để trái tim lỗi nhịp
Hóa ra cái thông tin “không tưởng” kia đã được các bác
sỹ của Viện Tim Hà Nội âm thầm thực hiện đã mấy năm nay. Bác sỹ Đạo cho
biết thêm: “Cách đây ít hôm chúng tôi vừa tổ chức khám miễn phí cho hơn
2.500 cháu học sinh của quận Hoàng Mai”. Mới nghe có vậy, tôi hỏi ông
Trưởng phòng: “Việc ý nghĩa vậy, sao các anh không thông tin cho báo
chí?”.
Ông gãi đầu cười cười: “Trả lại nhịp đập bình thường
cho trái tim tật nguyền của trẻ thì có gì mà phải ồn ào. Công việc ấy,
các bác sỹ của chúng tôi vẫn làm thường xuyên. Nếu anh muốn biết thì
mấy hôm nữa, xin mời qua bên Đặng Xá - Gia Lâm sẽ được mục sở thị.
Trong năm nay, chúng tôi đang dự kiến sẽ khám miễn phí cho khoảng 1 vạn
cháu trên toàn địa bàn Hà Nội, đặc biệt là chú trọng đến những địa bàn
thuộc ngoại thành và phần Hà Nội mở rộng. Hy vọng đây cũng là việc làm
ý nghĩa của Bệnh viện Tim Hà Nội để chào mừng Thủ đô tròn nghìn năm
tuổi”.
Bác sỹ Nguyễn Đức Hưng - người trực tiếp tham gia khám
chẩn đoán lâm sàng cho các cháu bé của trường Mầm non xã Đặng Xá, Gia
Lâm, Hà Nội cắt nghĩa cho tôi những triệu chứng ban đầu của bệnh tim ở
trẻ. Tôi rối tinh đầu óc bởi những từ ngữ chuyên môn, nào là bệnh tim
bẩm sinh không tím; thông liên nhĩ; thông liên thất; rồi lại bệnh tim
bẩm sinh có tím; rò động mạch chủ, rò tĩnh mạch vành; rối loạn nhịp tim
có ngoại tâm thu…
Đợi anh Hưng nhấc chiếc ống nghe ra khỏi ngực cháu bé,
tôi tò mò hỏi: “Tim đập bao nhiêu nhịp một phút thì được coi là là có
dị tật?”. Bác sỹ Hưng nhẹ nhàng trả lời: “Không chỉ dựa vào số nhịp đập
mà có thể chẩn đoán ra bệnh tim của trẻ. Còn phải kết hợp cả những
triệu chứng bên ngoài như xem kỹ móng tay, môi, mặt… có bị tím tái
không, các hiện tượng khác như hơi thở, xem trẻ có chịu khó vận động
không. Rồi còn cả trạng thái của nhịp tim như thế nào. Nói chung là
phải tổng hợp tất cả mọi yếu tố mà nếu giảng giải ra thì mất cả ngày
chưa chắc đã thông. Ngoài ra, khi nghe tiếng đập từ những trái tim ấy
nếu bị dị tật thì sẽ có những tiếng thở gió rất lạ, tiếng thở nghe như
bị “hết hơi” vậy. Nói thì đơn giản, nhưng chỉ có trong nghề mới phân
biệt được”.
Chưa có thống kê chính thức hiện cả Hà Nội có bao
nhiêu trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh, nhưng nếu tạm lấy tỉ lệ 15/1.335
trường hợp mà các bác sỹ của Bệnh viện Tim Hà Nội đã khám cho xã Đặng
Xá làm chuẩn thì thủ đô phải có hàng trăm trường hợp các cháu bé đang
trong tình trạng “hết hơi” - cả hết hơi về sinh học lẫn hết hơi về
tiền.
Tính trung bình, một ca mổ tim tốn khoảng 50-70 triệu
đồng thì để lo cho từng ấy trường hợp chắc Bệnh viện Tim cũng hết hơi
nốt? - tôi hỏi bác sỹ Đạo. Ai ngờ, ông bác sỹ chỉ tay vào ngực mình:
“Thực ra, khi thực hiện chương trình này, chúng tôi cũng xác định rồi.
Nếu gia đình cháu nào lo được cho con em mình thì thôi. Trường hợp
những cháu gia cảnh quá nghèo thì chúng tôi lại phải đi gõ cửa từng nơi
xin từng đồng hộ. Chừng nào trái tim mình còn đập thì các bác sỹ chúng
tôi còn đi gõ cửa. Các bệnh nan y, y học bó tay không nói làm gì, còn
bệnh tim bẩm sinh chúng ta hoàn toàn có thể chữa được, sao lại để các
em phải chết?”.
Chờ những tấm lòng
Hôm nghe tin có đoàn bác sỹ của Bệnh viện Tim Hà Nội
về khám bệnh miễn phí cho học sinh trong xã, ông Hoàng Cao Sơn - Chủ
tịch UBND xã Đặng Xá mừng lắm. Ngay lập tức, ông Sơn triệu tập cuộc họp
và phổ biến kế hoạch xuống tất cả các trường từ mẫu giáo đến tiểu học.
Lúc đưa các bác sỹ xuống từng trường, ông cứ tần ngần mãi: “Lâu lắm rồi
mới có đoàn bác sỹ về đây khám tim mạch cho các cháu của địa phương
chúng tôi. Tiếng là ở ngay thủ đô, nhưng Đặng Xá lại là vùng thuần nông
nên còn rất nhiều gia đình nông dân kinh tế khó khăn. Khám và xác định
sớm bệnh tim cho các cháu nhỏ và có cách điều trị kịp thời cũng là một
cách giúp đỡ người nông dân nghèo bớt đi được những chi phí không đáng
có. Nó cũng là một cách để chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho thế hệ tương
lai của chúng tôi rất nhiều”.
Nghe ông Sơn nói thế, tôi chợt nhớ lại trường hợp bé
Trần Thị Bích Mai, ở xã Đạo Đức, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, một bệnh nhi
nghèo đã được Viện Tim phẫu thuật giúp cách đây vài tháng. Bé mắc bệnh
tim bẩm sinh từ nhỏ mà gia đình không biết. Nhà nghèo đến mức không còn
chỗ nào để nghèo thêm. Ngày chuyển con từ bệnh viện tỉnh xuống Hà Nội
để mổ tim, chị Nguyễn Thị Kiến, mẹ cháu Mai phát hoảng vì đã vay giật
và bán đến con lợn cuối cùng trong nhà mà vẫn không đủ tiền cho ca mổ.
Cuối cùng, may nhờ các bác sỹ của Viện Tim hỗ trợ 25
triệu đồng rồi lại đi gõ cửa khắp nơi nhờ quyên góp ủng hộ, bé Mai đã
được phẫu thuật. Thế là thoát hiểm. Bây giờ nghĩ lại chuyện cũ, chị
Kiến bảo: “Nếu không có các bác sỹ giúp đỡ lúc đó, chắc em chẳng còn ôm
con được nữa. Chính các bác sỹ Viện Tim Hà Nội đã kêu gọi mỗi nơi giúp
em một ít chứ để gia đình lo trọn gói chắc chỉ có chết”.
Nghe tôi nhắc lại câu chuyện cũ, bác sỹ Đạo bảo, đó
chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà chúng tôi đã cố gắng để trả
lại cho trái tim các em một nhịp đập bình thường. Tuy nhiên, vẫn còn
hàng trăm, hàng nghìn trường hợp các cháu khác đang gặp khó khăn.
Chương trình phát hiện sớm các vấn đề tim mạch học đường của Viện Tim
suốt mấy năm qua chỉ là bước khởi đầu cho việc giúp những trái tim ấy
không bị lỗi nhịp. Cơ bản và cần nhất vẫn là sự chung tay giúp đỡ của
đông đảo các tấm lòng biết sẻ chia, từ những trái tim lành lặn nhưng
sẵn sàng thổn thức khi đứng trước những trái tim bất
hạnh.
Nguyễn Long