Chân dung đời thường
Cô giáo và đứa học trò bị nhiễm HIV
Cô
cứ khóc ròng trong suốt những ngày đầu năm học ấy. Một câu hỏi cứ lởn
vởn trong đầu cô: dạy hay không dạy đây? Cái sự nghiệp dạy dỗ hơn hai
mươi năm của cô vào lúc ấy phải đối mặt với nguy cơ kết thúc chỉ vì
trong lớp cô, người ta phát hiện có một đứa học trò đã bị nhiễm HIV…
Những ngày hoảng loạn
Thông
tin bé T. bị nhiễm HIV xuất phát từ những phụ huynh ở gần nhà T. Một số
phụ huynh hoảng sợ nhận ra “thằng bé sida” ở gần nhà mình giờ học chung
lớp với con mình. Hỏi bà mợ tâm trí không bình thường của bé, người hay
đưa đón cậu bé đi học trong những ngày khai trường, bà bô bô, ra vẻ
biết chuyện: “Nó bị sida từ trong bụng mẹ, bác sĩ nói là nó chỉ sống
đến bảy tuổi là cùng”.
Một
bầu không khí căng thẳng xuất hiện trong những buổi học đầu ở lớp một
của cô giáo V. Thằng bé, trông vẻ ngoài cũng bình thường như mọi đứa
trẻ, đột nhiên bị xa lánh, cô lập như bị cùi bị hủi. Một số phụ huynh
mau mắn xin cho con chuyển trường, chuyển lớp. Số phụ huynh không xin
được thì cứ tụ họp xầm xì, ngày ngày đứng ngoài cửa lớp nhìn vào để
trông chừng nhắc nhở, không cho con mình đến gần thằng bé.
Lúc
đầu, cô đã để T. ngồi riêng một bàn dãy bàn đầu để dễ “kiểm soát”. Tuy
nhiên, ban giám hiệu của trường không đồng ý vì như thế là không phù
hợp với mục tiêu đưa trẻ nhiễm HIV hoà nhập cộng đồng. Thằng bé được
cho ngồi cùng bạn, thế nhưng hầu như ngày nào cô cũng phải làm cái việc
giải quyết chuyện đổi chỗ cho những học sinh ngồi cùng nó theo yêu cầu
của phụ huynh, không sao dạy dỗ được gì. Có đứa học trò được cha mẹ dặn
dò quá kỹ, sợ T. như ông kẹ, cứ thấy T. ở đầu lớp thì chạy xuống cuối
lớp, thấy T. trong lớp thì chạy ra ngoài.
Những
xáo động liên tục của lớp đã buộc nhà trường cầu viện đến trung tâm
tham vấn cộng đồng quận. Một cuộc họp trấn an phụ huynh được trung tâm
tổ chức. Giáo viên cả trường cũng phải qua vài ba buổi tìm hiểu về
HIV/AIDS.
Cô
V. thừa nhận, lúc đầu, cả cô cũng sợ nó muốn chết! Cô sợ cái ánh mắt
đùng đục kém tinh anh của nó, cô sợ những vật dụng, tập vở của nó. Mình
thỉnh thoảng hay bị nổi mụn, lỡ tay chân mình tiếp xúc với tập vở của
nó khi chấm bài, rồi vô tình đưa lên mặt… Chồng của cô nói thẳng: “Coi
được không được thì xin nghỉ”. Cô trăn trở: “Có nên chỉ vì một đứa trẻ
mà vô tình “làm hại” đến bản thân, gia đình, hay những đứa trẻ khác?”.
Cô thật tình thấy khó nghĩ, vì tuy nghề dạy học không phải là nguồn thu
nhập chính trong gia đình, nhưng cô hầu như chưa bao giờ nghĩ đến
chuyện có ngày mình phải bỏ nghề…
Vượt qua nỗi sợ
Rốt
cuộc thì lòng nhân ái đã giúp cô vượt qua nỗi ghê sợ. Các “khoá” tham
vấn của trung tâm cộng đồng quận về HIV/AIDS càng giúp cô đỡ sợ hơn. Cô
nghĩ: “Thử đặt trường hợp mình bị như cha mẹ nó rồi con mình bị người
ta xa lánh, hắt hủi như vậy…”. Cha nó hồi trước sống trong một gia đình
làm vựa ve chai, giàu có, sống ỷ vào gia đình, đâm sa vào ăn chơi,
vướng bệnh chết. Mẹ nó cũng gục chết khi buôn bán ngoài chợ. Trước khi
đi học, nó hầu như bị cô lập trong nhà, không ra đường vì có ra đường
cũng không ai thèm chơi. Cậu bé đã nhiều lần hạch hỏi người thân là có
phải vì nó bị sida mà không có đứa nào dám chơi với nó…
Được
đi học, T. như chim sổ lồng. Cậu chạy nhảy tung tăng khắp trường, khắp
lớp, hăng đến mức cô giáo cứ phải nhắc chừng vì sợ cậu ngã, trầy xước.
Trong giỏ của cô lúc nào cũng sẵn bông băng, băng keo cá nhân và… bánh
kẹo. Hễ bất cứ đứa học trò nào bị trầy xước là cô đều băng thật kỹ.
Thấy những đứa trẻ thường xin hay chia sẻ cho nhau những món quà vặt,
cô dặn dò kỹ lưỡng là đừng xin của bạn, có muốn ăn gì thì cứ việc lên
xin cô.
Thằng
bé cứ ngày hai lần thuốc, nửa tháng đi khám một lần. Cô để ý đến tình
trạng sức khoẻ của nó rất kỹ, hễ thấy nó có triệu chứng cảm sốt, ho hen
là lập tức báo cho gia đình cho nó đi khám chữa bệnh. Được một cái là
nó thuộc loại học giỏi, thông minh, chăm chỉ, nên càng nằm trong mối
quan tâm, thương yêu của cô giáo. Nếu xếp hạng, cu cậu thuộc nhóm mười
đứa học trò giỏi nhất lớp. Cậu bé sống tình cảm, hay nói chuyện, rất
thích được bạn bè, cô giáo gần gũi, chăm sóc.
Là
một giáo viên dạy học ở ngôi trường gần một khu vực “trọng điểm tệ nạn
xã hội” của quận 8, cô V. cũng như các đồng nghiệp của mình vẫn thường
tiếp cận với đủ loại cảnh đời khó khăn, đen tối của học trò. Có những
đứa bé học lớp một, hồn nhiên vào “khoe” là ba nó, mẹ nó bán “hàng
trắng” bị bắt hay ba nó chém lộn bị công an bắt rồi. Ngay cả T. cũng
không phải là học sinh duy nhất trong lớp mà cô phát hiện được là có
cha mẹ bị nhiễm HIV…
Bé
T. giờ đã lên lớp hai, có vẻ mập mạp, mạnh khoẻ hơn cả lúc mới đi học.
Nó đã sống khoẻ qua năm bảy tuổi và không còn là “hiện tượng” cá biệt
của ngôi trường. Còn phần cô giáo V., cô cứ mỉm cười nhớ lại cái cảm
giác sợ hãi của mình lúc đầu và cả những vòng tay thương yêu, dỗ dành
mà cô đã dành cho đứa học trò bất hạnh kia…
Đoàn Đạt
Sgtt.com.vn
Tôi có đứa em quen thân,ngay từ lúc lọt lòng đã sống với HIV,năm nay cô bé 17 tuổi,đang uống thuốc phác đồ 2 và cực kỳ xinh đẹp,tiếng Mỹ rất giỏi.Cô bé vẫn đi làm,đi học bình thường,duy chỉ có điều đang học lớp 8 mà thôi,là do chịu sự phân biệt,kỳ thị từ nhỏ và đến trường sau chúng bạn cùng trang lứa...