- “Ngọc Hoàng ơi chúng con oan lắm, vì nhiễm HIV mà chúng con không được tới trường, không được chơi chung với các bạn” – tiếng kêu than của một em bé nhiễm HIV trong một tiểu phẩm xót xa vang thấu đến tận trời xanh.
Mẹ HIV nỗ lực để con được đến trường
Nhân vật đóng trong vở tiểu phẩm ra mắt nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS hôm đó là bé Trà My. Gia đình bé có hoàn cảnh vô cùng éo le, đáng thương nhưng bằng sức mạnh của tình mẫu tử, mẹ của bé đã thuyết phục được xã hội và cộng đồng cho con mình đến trường như bao trẻ bình thường khác.
Cha mẹ của bé Trà My làm trong một đoàn văn công của Hải Phòng. Vào năm 2001, cha bé phát hiện mình bị nhiễm HIV và đến năm 2003 thì anh qua đời.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, người vợ và đứa con gái cả trong hai bé gái song sinh cũng bị nhiễm căn bệnh thế kỷ đó. Ngay khi cha mất, 3 mẹ con bé Trà My bị nhà nội đuổi ra khỏi nhà. Bằng sức mạnh phi thường và lòng thương con vô hạn, mẹ của Trà My tham gia vào câu lạc bộ Hoa Phượng Đỏ ở Hải Phòng, nơi tuyên truyền, giúp đỡ những người có H (nhiễm HIV).
 |
Trẻ nhiễm HIV chơi chung với trẻ lành tại một trường học ở Củ Chi. Ảnh: Thanh Huyền |
Để con được đến trường, mẹ của hai chị em Trà My phải đến gặp, thuyết phục từng bạn học chung lớp với con mình, gặp từng phụ huynh trong lớp để tác động. Chính sự hy sinh cao cả vì con cái của chị đã khơi gợi lên tình thương đồng loại. Cha mẹ của những đứa trẻ kia sau nhiều tháng ngày ngờ vực, gây khó dễ nay đã bằng lòng chấp nhận cho hai chị em Trà My đến lớp.
Vì mẹ là văn công nên hai bé được nuôi dưỡng trong môi trường nghệ thuật từ nhỏ, hát hay, múa đẹp, học giỏi và giành về cho trường nhiều huy chương vàng và thành tích.
Giờ đây, hai chị em Trà My đã học hết cấp 1. Con đường lên cấp hai là hai bé sẽ phải đối mặt với bao nguy cơ và khó khăn vì trường mới, bạn mới, thày cô mới. Và mẹ của các bé lại thêm một lần nữa kiên trì đi thuyết phục mọi người để con mình tiếp tục được đi học một cách bình thường.
Việc đến trường thành công của hai chị em bé Trà My ở Hải Phòng là một trong số những trường hợp điển hình vô cùng ít ỏi được xã hội mở lòng chấp nhận trên cả nước. Ai cũng phải công nhận đó là nhờ hai bé có một người mẹ vô cùng can đảm và hết lòng thương yêu con.
Bài học xót xa
Đa số trẻ em có H trên toàn quốc không được may mắn như chị em bé Trà My. Chúng gặp phải sự kỳ thị khốc liệt từ cộng đồng, phụ huynh, bạn bè, thậm chí nhà trường.
Người dân TP.HCM cũng như cả nước còn nhớ như in sự việc xảy ra vào đầu năm học 2009 – 2010. 15 em bé nhiễm HIV tại Trung tâm Mai Hòa, huyện Củ Chi háo hức tay trong tay, được các sơ dẫn đến trường tiểu học An Nhơn Đông để nhập học. Khi đến trường, những gương mặt vô tội, thơ ngây ấy đã nghẹn ngào thổn thức bởi các phụ huynh học sinh kéo đến phản đối, nhất quyết nếu nhà trường nhận 15 trẻ HIV này vào học thì hơn 200 học sinh trong trường sẽ nghỉ hết.
Thậm chí, nhiều phụ huynh còn cho ý kiến: “Chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền ra để các cháu nhiễm HIV học riêng”.
15 em bé của Trung tâm Mai Hòa đành lầm lũi ra về trong sự tức tưởi, tủi thân. Vậy mà nhiều bé trước ngày tựu trường đã vui sướng đến mức không ngủ được.
Không chỉ huyện Củ Chi gặp phải sự phản đối gay gắt về việc trẻ nhiễm HIV đến trường, mà các trẻ ở nhóm Xuân Vinh, quận 11, huyện Nhà Bè cũng gặp phải tình huống tương tự.
Trong buổi họp về chủ đề đảm bảo quyền được học tập của trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS diễn ra ngày 22/12 tại TP.HCM, bà Cao Thị Gái, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi nhận định, sự việc 15 trẻ HIV không được đến trường là bài học đắt giá không chỉ đối với chính quyền địa phương mà đối với cả công tác tuyên truyền phòng chống AIDS.
“Chúng ta sai lầm ở chỗ để cho các sơ dẫn 15 trẻ HIV công khai xếp hàng đi bộ đến trường. Khi thấy một số lượng trẻ có H quá đông học cùng trường với con mình thì đương nhiên sẽ gây cho phụ huynh tâm lý hoảng sợ” – bà Gái nói.
Cần thay đổi cách tuyên truyền
Theo bà Gái, người dân không đến nỗi ghét bỏ trẻ nhiễm HIV như mọi người vẫn lầm tưởng, mà do cách thức đưa các bé đến trường quá đường đột. Bà dẫn chứng: “Gần nhà tôi có một em bé bị nhiễm HIV đang học lớp 3. Em bé này sống chung với gia đình và láng giềng từ nhỏ. Tất cả mọi người đều biết em có H nhưng chẳng ai quan tâm, em bé vẫn sinh sống và đi học bình thường. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chúng ta nên chia nhỏ số trẻ nhiễm ra khi gửi chúng đến trường để tránh tâm lý hoang mang, hoảng sợ cho phụ huynh”.
Bà Gái cho rằng, sở dĩ người dân kỳ thị trẻ nhiễm HIV như vậy một phần là do lỗi của công tác truyền thông: “Chúng ta đã tuyên truyền thái quá về HIV/AIDS làm nó như một con quái vật ghê gớm. Từ đó, người dân hiểu về HIV như thần chết mà không nắm được cơ chế lây nhiễm của bệnh”.
Cũng trong buổi thảo luận, bà Hà Thị Dung, Vụ phó Vụ học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, hơn ai hết nếu chính người thân của những trẻ em nhiễm HIV không lên tiếng đấu tranh đòi quyền lợi cho con, em mình thì xã hội, cộng đồng không thể thấu hiểu hết được.
Hiện nay, theo số liệu thống kê cho thấy, trên toàn quốc có tổng số 35.603 người nhiễm HIV còn sống. Trong đó có 4.121 trẻ em, 1.876 bé đang điều trị thuốc ARV. Dự tính, số trẻ em nhiễm HIV sẽ tăng lên 6.500 trường hợp vào năm 2012.
Thanh Huyền