Tất cả bài viết có liên quan »
13:42 | 01/11/2011
Thị trường bất động sản: Sẽ có làn sóng đại hạ giá?
TP -Nhiều ý kiến cho rằng nhiều dự án đang giảm giá bán căn hộ là bước khởi đầu cho làn sóng hạ giá của thị trường bất động sản.
Việc Cty cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVpower Land) vừa công
bố giảm giá bán tới 35% (từ 21,3 triệu giảm còn 15,5 triệu đồng/m2) căn
hộ tại dự án Petro Vietnam Landmark (Q.2, TPHCM), để lấy tiền trả nợ
ngân hàng, tác động mạnh tới thị trường địa ốc. Nhiều ý kiến cho rằng,
đây là bước khởi đầu cho làn sóng đại hạ giá của thị trường bất động sản
(BĐS).
 |
Dự báo, sẽ có làn sóng đại hạ giá bất động sản. |
Lỗ nặng cũng bán
Lý giải cho hành động bán hạ giá dự án của mình, ông
Hoàng Ngọc Sáu, Tổng Giám đốc PVpower Land cho biết là do áp lực phải
trả nợ cho Ngân hàng CP Bưu điện Liên Việt. Theo ông Sáu, để đầu tư cho
dự án Petro Vietnam Landmark, Cty đã phải vay của Ngân hàng Bưu điện
Liên Việt 100 tỷ đồng, hạn trả nợ ngày 23-11.
Ngoài ra, dự án Petro Vietnam Landmark được xếp vào
phân khúc căn hộ trung cấp tại TPHCM, nên giá 21,3 triệu đồng/m2 vẫn còn
quá cao so với mặt bằng giá chung hiện nay tại TPHCM.
Theo ông Sáu, với tình hình khó khăn như hiện nay, nếu
tiếp tục giữ mức giá trên, sẽ không thể bán được sản phẩm và cạnh tranh
được với các dự án tương đồng. “Khi áp dụng giá mới thì sau khi bán hết
số căn hộ trên, số lỗ dự kiến của công ty vào khoảng 70 tỷ đồng”, ông
Sáu nói.
Ông Phạm Văn Hải, Tổng Giám đốc Cty địa ốc ACBR cho
rằng, việc bán căn hộ với giá trên là gây sốc cực mạnh cho thị trường.
Đối với dự án PetroVietnam Landmark, giá bán chỉ còn một nửa so với hàng
loạt dự án lân cận như The Vista, Cantavill… đang bán với giá trên 30
triệu đồng/m2.
Còn dự án An Tiến ở khu Nam giảm giá 5 triệu đồng/m2 so
với các dự án lân cận. Việc giảm giá mạnh sẽ giúp người dân, những
người có nhu cầu về nhà ở dễ dàng tiếp cận nhà ở với mức giá hợp lý
nhất.
Tiếp theo sự kiện của PVpower Land, Cty Sài Gòn Mêkông
cho hay dự kiến đầu tháng 11-2011 sẽ mở bán 500 căn hộ của dự án An Tiến
(mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè) với mức
giá khởi điểm từ 14,5 triệu đồng/m2 (căn hộ đã hoàn thiện), dự kiến giao
nhà vào tháng 6-2012. Khách hàng chỉ cần đóng 30% là có thể nhận nhà,
phần còn lại chủ đầu tư hỗ trợ vay ngân hàng thời gian 15 năm, không cần
chứng minh thu nhập.
Không chỉ tại TPHCM, tại Vũng Tàu, Cty CP Xây lắp và
Địa ốc Vũng Tàu, cũng đang chào bán những căn hộ tại dự án Thùy Vân
(Vũng Tàu), với mức giảm giá bán từ 12 - 27% so với trước đây, tức còn
khoảng 13 triệu đồng/m2 đối với những căn hộ nhìn vào TP Vũng Tàu và còn
khoảng 19 triệu đồng/m2 so với 21 triệu đồng/m2 như trước đây đối với
những căn hộ hướng biển.
Tuy nhiên, tại Hà Nội, chủ đầu tư các dự án lâu nay sốt
giá, vẫn không hề giảm giá. Do các dự án này phần lớn đã được phân phối
cho các nhà đầu tư thứ cấp. Nên việc giảm giá chủ yếu diễn ra trên các
sàn giao dịch. Chị Thu Nga (Liễu Giai, Hà Nội) cho biết: “Tôi bỏ ra hơn 4
tỷ đồng mua lô đất hơn 150m2 từ cuối năm 2010, rao bán hòa vốn mãi
không ai mua. Nay tôi chấp nhận bán lỗ 1 tỷ đồng, nhưng cả tháng nay vẫn
chưa bán được”.
Anh Hoàng Minh - Giám đốc sàn giao dịch BĐS Minh Quang
(Hồ Tùng Mậu – Cầu Giấy) cho hay: “Hiện giá đất nền tại Nam An Khánh đã
xuống mức 28 triệu/m2 đường nhỏ, 40 triệu/m2 đường to nhưng nhiều nhà
đầu tư nhỏ lẻ gửi qua sàn sẵn sàng giảm giá nữa để đẩy nhanh được hàng
nhưng hầu như không ai hỏi mua”.
Theo khảo sát của phóng viên, một loạt các dự án như:
Thanh Hà đã giảm khoảng 10 triệu đồng/m2, còn gần 30 triệu/m2; đất liền
kề tại Kim Trung - Di Trạch còn 35 triệu/m2... Bên cạnh đó, phân khúc
chung cư cao cấp tại các dự án như: Star City (Lê Văn Lương), Golden
Palace (Mễ Trì), Unsik City (Hà Đông), Thăng Long Garden... không giảm
giá nhưng đều đưa ra chiết khấu cao: 10 - 15% cho khách hàng nhưng giao
dịch hầu như không có.
 |
Dự báo, sẽ có làn sóng đại hạ giá bất động sản. |
Bán tháo sớm là khôn ngoan
Ông Nguyễn Văn Đực - Giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành phân
tích, từ câu chuyện giảm giá kỷ lục để cắt lỗ của Cty CP Địa ốc Dầu khí
sẽ mở ra làn sóng giảm giá, cắt lỗ liên tiếp trên thị trường BĐS trong
thời gian tới. Doanh nghiệp BĐS sẽ phải lựa chọn một là mất trắng hay là
lỗ ở mức chấp nhận được.
“Chúng ta phải thừa nhận thị trường BĐS đang trong cơn
bĩ cực, ai cũng lỗ nhưng chủ yếu là lỗ ít hay lỗ nhiều. Vốn điều lệ của
anh là 1.000 tỷ thì anh chịu lỗ đến vài trăm tỷ còn hơn là mất hết.
Doanh nghiệp sẽ phải tự cứu mình bằng nhiều cách. Thời gian tới theo tôi
nhận định giá BĐS sẽ còn giảm mạnh và bước vào cuộc tháo chạy khỏi thị
trường BĐS của nhiều doanh nghiệp” - ông Đực nói.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, dư nợ BĐS đến tháng 6-2011 khoảng 245 nghìn tỷ đồng, tương đương với 10% tổng dư nợ của nền kinh tế. Nợ xấu BĐS chiếm khoảng 3% tổng dư nợ lĩnh vực này. Dự báo nợ xấu cho vay BĐS sẽ tăng mạnh trong
thời gian tới.
|
Chia sẻ vấn đề trên, ông Bùi Đức Long - Tổng giám đốc
Cty Vicoland cho biết: “Không chỉ ở TPHCM mà tại Hà Nội có hàng trăm
doanh nghiệp nợ ngân hàng hàng ngàn tỷ đồng cũng đang lo sốt vó, vì sắp
đến hạn trả tiền ngân hàng. Tôi được biết một doanh nghiệp có tiếng trên
thị trường BĐS vay trên 5.000 tỷ đồng, mới trả 900 triệu và đã quá hạn
trả ngân hàng.
Tính trung bình lãi quá hạn lên tới 35% thì một tháng
doanh nghiệp cũng phải nai lưng ra trả trên 140 tỷ đồng tiền lãi. Nếu
doanh nghiệp không tính đến chuyện tìm cách trả gốc thì riêng tiền lãi
quá hạn cũng khiến doanh nghiệp phá sản”.
Theo giám đốc một chi nhánh Ngân hàng thương mại tại Hà
Nội, thông thường một dự án vay đầu tư BĐS thời hạn từ 2-5 năm. Thời
điểm này, các dự án mới khởi công năm 2010 thì chưa bức bí lắm, nhưng
các dự án khởi công trước đó, đã đến kỳ đáo hạn. Còn với những dự án
chưa đáo hạn, cũng hết vốn để đầu tư, vì thông thường ngân hàng chỉ cho
vay tối đa 70% vốn dự án, còn lại họ phải huy động từ dân.
“Nhưng nay không bán được, nên việc các dự án phải bán
tháo trả nợ ngân hàng là tất yếu. Nếu bán tháo thời điểm này còn là khôn
ngoan, vì để sang năm sau chưa chắc giảm giá đã bán được hàng”, ông
nói.
Sơn Đình- Ngọc Mai-N.A