<p class="pTitle">Thông điệp của em tôi</p> <p class="pHead">TT - Cha bỏ đi theo người đàn bà khác vào năm tôi mười tuổi và đứa em gái chỉ vừa tròn tháng. Từ ngày ấy, mẹ tôi trở nên u uất và đau ốm triền miên. Rồi mẹ cũng bỏ chúng tôi ra đi năm năm sau đó. Từ ấy, tôi vừa là chị mà cũng vừa là mẹ. Tôi phải nghỉ học để kiếm tiền nuôi em ăn học. </p> <p class="pBody">Nhưng tôi không buồn mà trái lại được an ủi rất nhiều vì em gái tôi càng lớn càng ngoan ngoãn, thông minh và xinh đẹp. Ai cũng bảo rằng sau này em tôi chắc chắn sẽ có một tương lai xán lạn.</p> <p class="pBody">Đến năm 18 tuổi, em đã tặng tôi một món quà vô giá: giấy báo trúng tuyển đại học! Làm sao diễn tả hết nỗi vui sướng của tôi. Thế là ước nguyện của em và cũng là của tôi đã trở thành sự thật. Nhưng (phải chi cuộc đời đừng có chữ “nhưng” như thế này) niềm vui chưa kéo dài được bao lâu thì một tai ương khủng khiếp đã đến. Trong một lần xét nghiệm để hiến máu nhân đạo, em nhận được kết quả là có <span style="FONT-WEIGHT: bold; COLOR: red; BACKGROUND-COLOR: yellow">HIV</span> dương tính.</p> <p class="pBody">Câm lặng và tan nát. Em tôi như một cái xác không hồn ở bên tôi. Bỏ học, bỏ nhà, uống rượu, hút thuốc và đi thâu đêm suốt sáng, cứ thế, em trượt dài xuống hố sâu trụy lạc. Nước mắt tôi đã cạn khô, trái tim người mẹ, người chị trong tôi chảy máu từng ngày. Tôi tìm đủ cách để kéo em lên nhưng em bất cần. Em đã xem cuộc đời là một con số không vô nghĩa.</p> <p class="pBody">Rồi em ngã bệnh, chưa phải là những bệnh khi vào giai đoạn AIDS mà chỉ là một cơn cảm cúm thông thường, bởi em đã quá phung phí sức khỏe vào những trò chơi đốt cháy cuộc đời. Em đã chịu nằm yên cho tôi chăm sóc. Em lơ đễnh lật xem vài tờ báo mà tôi cố ý đặt ở đầu giường. Bài báo viết về Phạm Thị Huệ - một phụ nữ xinh đẹp, trẻ trung bị nhiễm <span style="FONT-WEIGHT: bold; COLOR: red; BACKGROUND-COLOR: yellow">HIV</span>, đã can đảm vượt lên số phận, được tạp chí Time phong danh hiệu Anh hùng châu Á. Một lần, hai lần rồi hàng chục lần, ngày nào em cũng đọc đi đọc lại bài báo ấy.</p> <p class="pBody">Rồi em khỏi bệnh và đã trở thành một con người khác hẳn. Không phải là một cô sinh viên 18 tuổi hoạt bát, vô tư, cũng không phải là một bóng ma vật vờ, u ám, em đã trở thành một cô gái chín chắn, hiểu biết và cảm thông. Em không đi học lại nhưng em lại học ở trường đời. Từ bỏ tất cả tật xấu, thú vui phù phiếm, em lao vào các công tác từ thiện. Em là một thành viên tích cực của các nhóm đồng đẳng, sẵn sàng giúp đỡ các bệnh nhân <span style="FONT-WEIGHT: bold; COLOR: red; BACKGROUND-COLOR: yellow">HIV</span>/AIDS. Em đi vào những khu xóm nghèo để tuyên truyền, giáo dục cho những người lao động biết thế nào là <span style="FONT-WEIGHT: bold; COLOR: red; BACKGROUND-COLOR: yellow">HIV</span>/AIDS và cách đề phòng. Em tìm đến các cô gái lầm đường lỡ bước, động viên họ hoàn lương, tìm kiếm nghề nghiệp, công việc cho họ ổn định cuộc sống. Em còn tham gia săn sóc và dạy học cho các trẻ em trong các nhà mở, mái ấm tình thương. Em đi đi về về, công việc tất bật nhưng nụ cười đã trở lại trên môi em. </p> <p class="pBody">Bây giờ, em đã đi đến một nơi rất xa. Trước khi rời khỏi cuộc đời, em đã nắm chặt tay tôi, mắt đẫm nước nhưng miệng vẫn mỉm cười. Nhìn em, tôi tin rằng em ra đi trong thanh thản và hạnh phúc.</p> <p class="pBody">Nhật ký em để lại ghi chép thật nhiều về những tháng ngày em sống và làm việc từ sau khi khỏi bệnh. Những câu danh ngôn, những bài thơ em sưu tầm được. Ở trang cuối cùng, những dòng chữ cuối cùng của em, tôi nghĩ đó chính là thông điệp mà em muốn gửi tới tất cả chúng ta trước lúc ra đi. Tôi xin được ghi lại nguyên văn: “Đừng cho là tôi đã chết lúc 20 tuổi mà hãy nghĩ rằng tôi đã sống trọn vẹn 20 năm. Thật hạnh phúc biết bao khi được sinh ra. Vì thế, dù còn một giây một phút, chúng ta cũng hãy cảm ơn cuộc đời đã cho ta sống và hãy sống thật tốt đẹp và có ý nghĩa”.</p> <p class="pAuthor">HUỲNH THỊ KIM TRINH (An Giang)</p>