Theo
số liệu thống kê, 78% số phường xã, 98% số quận huyện và 100% các tỉnh
trên cả nước đã có người có HIV. Lịch sử về bệnh tật của người Việt Nam
chưa ghi nhận một căn bệnh nào mà đã có độ "phủ sóng" rộng như vậy. Rõ
ràng HIV là một đại dịch nhưng nói như các chuyên gia y tế dự phòng, HIV
là căn bệnh không thể bao vây, không thể cách ly, cũng không thể dập
dịch được. Thế giới có 32 năm, Việt Nam cũng đã có 22 năm đương đầu với
HIV, cùng với những diễn biến mới nhất của nó, khiến không chỉ hệ điều
trị, dự phòng mà đến cả hệ thống chính trị, luật pháp vẫn đang "trăn
trở" với công tác phòng, chống căn bệnh này.
Thống kê trong cả nước vào thời điểm cuối 2011 và quý
I-2012 có 45,6% các trường hợp có HIV được xác định do lây truyền qua
con đường tình dục. Trong đó riêng tại khu vực ĐBSCL, tỉ lệ bị lây
truyền qua con đường tình dục chiếm tới 77% trong số các trường hợp
nhiễm HIV.
Thạc sĩ - bác sĩ Mai Xuân Phương - đại diện Cục Phòng
chống HIV phát biểu tại chương trình tập huấn cho các PV y tế báo Trung
ương tại TP HCM thông tin "nóng sốt" trên. Ông cũng kể một câu chuyện
tưởng đùa nhưng hoàn toàn có thật: Đó là thay vì bằng tiền mặt, thù lao
cho các cô gái "bán phấn buôn hương" ở một số vùng quê An Giang giờ đây
là bằng chính những giạ lúa vừa thu hoạch của "khách làng chơi". Và
chuyện này ngày nay trở nên quen thuộc ở những vùng quê chân chất này.
Và cũng không có gì là lạ khi trong danh sách 10 tỉnh có ca nhiễm
HIV/100.000 dân cao nhất cả nước đã "bổ sung" thêm tỉnh An Giang trong
năm 2011.
Thêm một cảnh báo khác lo ngại hơn khi cách đây không
lâu, Chính phủ Campuchia đã thực hiện việc "đẩy đuổi" gần 10.000 gái mại
dâm Việt Nam về nước mà An Giang là tỉnh kề cận đón nhận đầu tiên.
 |
Tư vấn cho sản phụ trong chương trình "can thiệp giảm tác hại" phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ảnh: Huyền Nga. |
Có lẽ cũng chính vì thực tế này mà Bộ Y tế Việt Nam đã
quyết định vào tháng 12/2012, trong Ngày Thế giới phòng chống AIDS sẽ
dự kiến được tổ chức ngay tại TP Cần Thơ với nhiều chương trình truyền
thông đáp ứng tình hình mới, tất cả với mục tiêu ngăn chặn nguy cơ số ca
có HIV tại đây không bị đẩy lên cao. Trong đó có một "giải pháp" được
đưa ra chợt nghe qua nhiều người đã muốn "cười ra nước mắt" nhưng cũng
lại là sự thật 100%: Đó là trong chương trình "can thiệp giảm tác hại"
của HIV tại An Giang (trước hết) đã phải nghĩ tới việc phát bao cao su
(BCS) miễn phí không phải ở các khách sạn, nhà hàng mà là BCS phải ra
tận… cánh đồng. Và theo các chuyên gia, đây là cách truyền thông phòng
chống HIV, chống lây truyền qua con đường tình dục một cách "hữu hiệu"
và cũng rất khác biệt giữa An Giang và các vùng quê khác.
Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ nay
tới năm 2020, ta cũng chưa thể giải quyết được căn bệnh lao - HIV, mối
lây lan đáng sợ nhất của HIV. Còn với thế giới, các chuyên gia HIV khẳng
định, tới năm 2032, may ra các nhà khoa học mới chế được vaccin phòng
HIV. Vì vậy những biện pháp mang tính đột phá rất cần thiết đáp ứng diễn
biến mới của công tác phòng chống HIV.
Các chuyên gia cũng cho biết, HIV có 8 chủng, nhưng
đáng sợ nhất là chủng 6 và chủng 8 có tính độc lực cao, rút thời gian
sống của người bệnh xuống ngắn nhất. Tại Việt Nam, chưa phát hiện thấy
những chủng này, đây là điều vô cùng may mắn bởi với việc lưu hành của 2
chủng này tại Sri Lanka (châu Phi) cùng việc nở rộ tình trạng quan hệ
tình dục không an toàn, một gánh nặng mà Chính phủ nước này sẽ phải đối
mặt thời gian sắp tới đó là việc sẽ có những ngôi làng hoàn toàn vắng
bóng lực lượng thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi lao động do họ đã chết
vì AIDS, hậu quả của nhiễm HIV chủng 6 và chủng 8, những ngôi làng đau
thương này sẽ chỉ còn toàn người già và trẻ nhỏ.
Điều đáng chú ý khác, tỷ lệ người có HIV trong độ tuổi
30-39 nay đã chiếm ưu thế; tỷ trọng người có HIV là nữ ngày càng lấn át
tỉ lệ nam có HIV. Trong khi đó các biện pháp giám sát dịch gặp nhiều
khó khăn.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam
đã cơ bản triển khai tất cả các hoạt động theo khuyến cáo. Tuy nhiên,
do đặc điểm của đối tượng nguy cơ ở Việt Nam là người nghiện chích ma
túy, phụ nữ bán dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới, do đó việc tiếp
cận và đảm bảo chất lượng số liệu giám sát trên các nhóm này rất khó
khăn. Mức độ tiếp cận với chương trình còn hạn chế: chỉ đạt trung bình
khoảng 50-60% đối với chương trình bơm kim tiêm, 40-50% đối với chương
trình BCS, chương trình điều trị Methadone mới có 43 cơ sở, với 9.572
người.
Mặt khác mô hình này triển khai chưa đa dạng làm giảm
khả năng cung cấp dịch vụ điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc
phiện. Hiện tại có 308 cơ sở điều trị HIV/AIDS, trong đó có 162 cơ sở
thuộc tuyến huyện. Như vậy, mới có 25% số huyện cung cấp dịch vụ điều
trị HIV/AIDS bằng ARV.
Và chương trình phòng, chống HIV/AIDS đang thiếu hụt
nghiêm trọng đội ngũ cán bộ tại tất cả các tuyến. Đây là rào cản cho
việc mở rộng chương trình điều trị và công tác can thiệp giảm tác hại.
Trong khi số cán bộ có trình độ và kinh nghiệm được tuyển dụng thêm ít,
những người có kinh nghiệm và năng lực lại xin chuyển công tác khác.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, tính đến ngày 31/3/2012, tổng số trường hợp có HIV hiện đang còn sống trên cả nước là 201.134 người, trong đó có 57.733 bệnh nhân AIDS và từ đầu vụ dịch (1990) đến nay Việt Nam đã có 61.579 người tử vong do
AIDS.
So sánh với cùng kỳ năm 2011, số trường hợp được xét nghiệm phát hiện có HIV giảm 1.065 trường hợp, số bệnh nhân AIDS giảm 760 và số người tử vong do AIDS giảm 214 trường hợp. Tuy nhiên, theo Th.S-BS Mai Xuân Phương, dấu hiệu giảm với tốc độ rất chậm để thấy vấn
đề "không đơn giản".
Trong 4 nhóm có hành vi nguy cơ cao (tiêm chích ma túy, đồng tính, mại dâm và di biến động) thì đáng lo ngại nhất là nhóm thứ 4 hiện không thể quản lý được. Đắng lòng thay khi mà trong danh sách
các trường hợp nhiễm đã có cả hoa hậu, á hậu... có HIV.
|

|