Trang chủ HIV  |  Web Link  |  Giới thiệu |  Liên hệ  |  English 
hiv logo

Thông báo

Icon
Error

Đăng nhập


Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to last unread
Offline DeltaForce  
#1 Đã gửi : 25/07/2007 lúc 03:42:23(UTC)
DeltaForce

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 24-11-2004(UTC)
Bài viết: 1.110

Cảm ơn: 7 lần
Được cảm ơn: 39 lần trong 21 bài viết

Người đàn bà trên lưng núi Đá Bạc

Kỳ 1: Ước mơ đổi đời đồng hành cùng cơn lốc AIDS…

(ANTĐ) - Trên ngọn núi chênh vênh mang tên Đá Bạc, có một người đàn bà đã vượt lên nỗi đau số phận để sống đầy lạc quan về một tương lai mới…

Chị đã từng trải qua cơn đau dằn vặt về thể xác và tinh thần những cái nhìn kinh hãi của người đời. Nhưng với nghị lực phi thường và tình thương yêu của đồng loại chị bật dậy để sống...



Nhiều trẻ nhỏ ở Đá Bạc bị mồ côi cha, mẹ

Người đàn bà xấu số

Người đàn bà có tên Đặng Thị Quyết chẳng ngần ngại khi cho biết mình bị mắc “ết” (AIDS) như thế nào. Người đàn bà khổ đau bất hạnh ấy đã bước sang tuổi 32. Mới ngần ấy tuổi nhưng người đàn bà có dáng vóc nhỏ thó ấy đã trải qua biết bao đắng đót khổ đau tột cùng…

Phải quay lại căn nhà tuềnh toàng nằm chênh vênh trên núi Đá Bạc lần thứ 2 trong ngày hôm ấy chúng tôi mới gặp được chị Quyết. Ông Viên (trưởng thôn Đá Bạc) cũng nóng ruột chả kém người cần gặp. Ông vác xe đạp ra và nói: “Các chú lên ngôi nhà kia xem cô ấy về chưa. Tôi xuống đồng tìm cô ấy giúp. Chắc giờ này cô ấy đang cấy giúp ai dưới đó”- nói xong ông Viên dắt chiếc xe đạp ra đạp thẳng xuống dốc núi.

Chị là người con gái chất phác như bao cô gái ở vùng thuần nông. Bố chị quê Hưng Yên lên vùng núi Đá Bạc, Lương Sơn, Hòa Bình làm ăn, gặp mẹ chị quê Hà Tây. Mối tình chân thành thuở ấy của cha mẹ đã sinh ra chị và 2 anh trai của chị hôm nay. “Bố mẹ tôi không phải người dân tộc Mường nhưng sinh ra trên đất Mường thế nên tôi mang cả bản sắc ba vùng. Tôi nói tiếng Mường chả khác gì người Mường đâu”- chị Quyết tự hào. Cuộc sống vốn khó khăn, cho nên ngày mùa màng chị thường đi gặt hái thuê để kiếm sống. Cứ như vậy, ngày qua ngày…

Tưởng mọi cơ cực buồn tủi rồi cũng chai lỳ đi, nước mắt đã kiệt cùng. Nào ngờ, tiếp chuyện chúng tôi, khóe mắt chị lại đỏ ngầu rồi ngân ngấn. Chị không khóc. Những tiếng nấc nhanh dần, to dần theo câu chuyện cuộc đời của chị.

“Tôi sống được như hôm nay là nhờ dự án VIE01 P05 đã hỗ trợ tôi thuốc điều trị căn bệnh thế kỷ này. Suốt từ khi phát hiện bệnh đến nay, đã gần 4 năm, tôi phải sống trong bệnh tật đau khổ, người đời dị nghị, đặt điều…”. Tiếng chị nghẹn lại rồi bật ra thành tiếng khóc tức tưởi. Chị đưa tay gạt những giọt nước mắt loang dần trên khuôn mặt đen xạm. Tôi ngồi lặng thinh, không dám hỏi han. Biết hỏi gì đây khi người đàn bà mới ngần ấy tuổi đã phải trải qua biết bao nhiêu bất hạnh.

Bây giờ, sóng gió cuộc đời chị đã tạm yên. Chị có quyền hy vọng vào phía trước, và chị đang hy vọng. Chính vì thế mà quá khứ đau thương của chị, chị đã không cần chôn vùi. Chị kể hết. Chị nói chị làm vậy để người khác biết. Chị nói để người khác không phải đau buồn như chị đã từng mắc phải.

“Nhiều người bị mắc “ết” ngại, giấu giếm không nói ra. Đối với tôi, sự thật luôn luôn là sự thật. Tôi đối đầu với sự thật, chả ngại gì. Chính vì thế mà tôi sống trở lại như ngày hôm nay” - chị Quyết bộc bạch.

Chị Quyết giơ hai bàn tay thâm đen vì vừa ở ruộng cấy lên: “Các anh thông cảm, bác Viên (ông Bạch Văn Viên) ra đồng gọi tôi về, tôi vội quá nên chưa kịp rửa tay”- chị cười thân thiện. Câu chuyện cuộc đời của chị Quyết - người con gái thôn quê mắc căn bệnh thế kỷ một cách oan uổng cứ tãi dần ra.

“Đời tôi như một bộ phim đầy bi kịch”



Những giọt nước mắt xúc động

Bây giờ, mỗi khi nói chuyện chị đều cho rằng “đời tôi như bộ phim ấy mà”. Mà đời chị sắp có phim thật. “Đài Truyền hình Trung ương đang làm phim về chị Quyết đấy! Người đàn bà vượt lên số phận hay gì gì đấy tôi chỉ nhớ mang máng” - ông Hồ Quốc Thảo cán bộ y tế xã Liên Sơn cho biết.

Người đàn bà đáng thương ấy đã có hai lần chồng, cả hai người ấy đều không còn nữa. Năm 1996, cháu Nguyễn Thị Nhung chào đời. Sinh con được ít hôm, vợ chồng chị Quyết phải gửi họ hàng để đi làm thuê kiếm sống. Cuộc sống mẹ con chị thăng trầm, lên xuống như chính dãy núi Đá Bạc. Vợ chồng chị lặng lẽ bươn trải vợ một nơi, chồng một nẻo.

Năm 2003, sau cơn bạo bệnh do làm quá sức chị đã phải đi Bệnh viện Lương Sơn cấp cứu. Cơ thể yếu ớt, cùng với căn bệnh “ết” trong người chị được thể hoành hành. Chị không hề hay, cũng không thể ngờ rằng cuộc đời chị lại bi đát đến thế.

Chị được chuyển hết bệnh viện huyện rồi lại đến bệnh viện tỉnh. Những cuộc đi lại chỉ là vô vọng. Bệnh viện tuyến tỉnh đã trả chị về với bộ khung xương bọc da tổng trọng lượng là 26kg cả tã quấn quanh thân thể. Cũng trong năm ấy, người chồng chị, anh Hoàng Văn Thắng từ “mảnh đất hứa”- bãi vàng trong Đà Nẵng trở về với thân hình da bọc xương trên chiếc cáng võng. Ca cấp cứu của người chồng còn chóng vánh gấp nhiều lần người vợ. Anh Thắng nằm tại nhà được ít ngày thì bỏ lại mẹ con chị. Tin dữ về căn bệnh thế kỷ gây nên cái chết của anh Thắng khiến đám hiếu hôm ấy người thăm thưa thớt.

Hàng xóm sợ hãi, dị nghị. Một hình hài quằn quại, nhăn nhúm. Chị cứ nhổm dậy lại ngã vật xuống giường, máu tươi từ trong miệng, mũi bật ra… Cháu Nhung con gái chị sợ không dám đến gần mẹ. Những tưởng cái thân thể không còn sự sống của chị Quyết sẽ chỉ ra đi trong ít ngày tới, bỏ lại đứa con thơ bơ vơ giữa dòng đời nghiệt ngã. Nhưng không! Chị không thể chết! 

Chị Quyết khỏe dần nhờ có sự động viên của anh chị em làm dự án và những viên thuốc đặc trị được phát miễn phí.

Những ngày mẹ khỏe, có người nói chuyện cùng Nhung vui lắm! Nhưng cũng từ hôm mẹ Nhung bị ốm, các bạn cùng trường không ai chơi với Nhung nữa.

“Cách đây 3 năm tôi là xác chết. Giờ được khỏe mạnh thế này, tôi thấy cuộc đời mình như một giấc mơ đầy kỳ tích. Những ngày tháng ấy  căn bệnh thế kỷ cứ hiện trong đầu tôi. Chán nản, buông xuôi… những ý nghĩ như vậy đã có lúc liên tục tồn tại và ám ảnh trong tôi… Nhưng sau những giây phút chán nản ấy tôi lại cố gắng để vượt lên. Vì thế tôi quyết định làm việc gì thật có ý nghĩa khi mình còn tồn tại…” - chị Quyết cười.

Giờ đây, sóng gió đã qua đi, có lúc cả xóm đến thăm hỏi động viên chị. Có lúc chị lại quây quần bên một nhóm người nào đó để tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về căn bệnh thế kỷ ấy. Và ngẫu nhiên, người đàn bà ấy lại trở thành  “y tá” của gần 40 người cùng cảnh ngộ trong xóm Đá Bạc.

Nguyễn Đức Tuấn

Kỳ sau: Chữa khỏi căn bệnh thế kỷ cho chính mình


Sửa bởi quản trị viên 18/08/2009 lúc 07:24:37(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

Tránh bệnh - Không lánh người.
Quảng cáo
Offline DeltaForce  
#2 Đã gửi : 25/07/2007 lúc 03:44:15(UTC)
DeltaForce

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 24-11-2004(UTC)
Bài viết: 1.110

Cảm ơn: 7 lần
Được cảm ơn: 39 lần trong 21 bài viết

Kỳ II: Chữa khỏi căn bệnh thế kỷ cho chính mình

>>> Kỳ I: Người đàn bà trên lưng núi Đá Bạc

(ANTĐ) - Tại sao ở cái xã vùng núi số dân chưa đầy 4.000 người nhưng có gần 40 người “dính ết”? Tại sao chị Đặng Thị Quyết bao lần chết đi sống lại vì căn bệnh ấy lại khỏe mạnh, lạc quan như hôm nay? Và chị đang cùng những con người ấy “xóa” đi căn bệnh thế kỷ trên những tấm thân tàn tạ của những chàng trai trẻ…

Con số giật mình

Niềm vui của chị xuất phát từ sự sẻ chia của cộng đồng


Bản thân ông Nguyễn Mạnh Tín - Chủ tịch UBND xã Liên Sơn, đến nay còn chưa hết bàng hoàng với con số khó tin như vậy. “Tỷ lệ người bị nhiễm “hát” (HIV) ở đây hiện tại là cao nhất nước. Dân số có bốn nghìn mà gần bốn mươi người dính” - ông Tín lắc đầu buồn rầu.

Vùng Đá Bạc đồi núi lô nhô của Lương Sơn, Hòa Bình những năm 1980, 1990 là thánh địa của vàng. Nhà nhà đào núi đãi vàng, người người phá nương tìm vàng. “Ngày ấy có người cầm bàn chải đánh vào những hòn đá cũng được vài chỉ. Người may mắn còn tìm được cả cục to bằng nắm tay. Xã Liên Sơn gần như giàu nhất tỉnh. Xe máy đẹp chạy vè vè loạn cả xã” - ông Tín cho biết. 

Những dòng người từ các tỉnh, thành đổ về Đá Bạc đông nghịt. Chợ cóc dưới chân núi nhộn nhịp suốt ngày đêm. Mỗi ngày vài chục con lợn tạ được mổ để bán cho thợ đào vàng. Cơn lốc vàng do con người gây ra như một sự hủy diệt thiên nhiên, hủy diệt con người. Cơn khát đổi đời đã làm cho những thanh niên đang độ tuổi đi học bỏ học đi đào vàng và trở về với căn bệnh thế kỷ.

“Các cụ xưa có câu: Được bạc thì sang, được vàng thì lụi. Tôi nghiệm thấy đúng quá. Xóm Đá Bạc bây giờ không chỉ nghèo mà còn bại lụi, những thanh niên trẻ, những con người mất phẩm chất cứ tăng lên. Từ năm 2004 đến nay, 7 chàng trai trẻ chết vì AIDS” - ông Bạch Văn Viên, Trưởng thôn Đá Bạc ngậm ngùi nói.

Những dãy núi ở Đá Bạc trở nên tan hoang, ruộng rẫy như bom phá mà vàng thì có kẻ được kẻ không, kẻ sống kẻ chết vì nhiều lý do. Còn những thanh niên ở Đá Bạc không công ăn việc làm, nhưng lại quen với cuộc sống ăn chơi của những ngày làm cửu vạn cho những bưởng vàng thì chiếm gần hết bản.

Muốn làm ruộng, nương lại không còn đất. Lang thang mãi cũng chán. Lại một lần nữa những thanh niên trai tráng tiến vào miền Trung đào vàng. Những cái tên đá đỏ Quỳ Châu, Nghệ An hay bãi vàng  Đà Nẵng là nơi dừng chân của những trai miền núi Đá Bạc.

Nơi cơn lốc vàng cuốn qua


Nơi rừng thiêng nước độc, dù là những chàng trai khỏe mạnh đến từ xứ Mường hay xứ nào cũng không thể tránh khỏi từng cơn sốt rét, ngã nước ở nơi rừng xanh núi thẳm. Nhiều người đã chết ngay khi vừa đặt chân đến đây. Còn những người trở về hầu hết đều bị chết dần chết  mòn bởi đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ.

“Tất cả những con người trong bãi đều được tiêm một mũi thuốc chống ngã nước trước khi xuống hang. Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con người dùng chung một mũi tiêm. Bởi tất cả những người đến đó (bãi vàng) đều bị ngã nước ít nhất một lần. Khi nằm liệt trong lán, mê man bất tỉnh họ bị tiêm gì chỉ có trời mới biết” - chị Quyết kể lại câu chuyện mà anh Hoàng Văn Thắng- chồng chị - trăng trối trước khi ra đi. 

“Số người bị nhiễm HIV lớn như vậy có phải còn do nhiều nguyên nhân khác?”- tôi hỏi. “Không. Tất cả những người dính đều do đi làm vàng đấy. Trong số ấy, có người đã có gia đình, có người chưa nhưng họ đều hiền lành chất phác cả. Chính họ còn không biết mình bị “dính” HIV. Phải đến đầu năm 2003, đợt công tác tuyển quân đi nghĩa vụ quân sự mới phát hiện được. Những người quá tuổi nghĩa vụ, nhưng cùng đi đào vàng đều bị như nhau hết. Chứ người ở nhà chẳng có thanh niên nào bị cả”- ông Nguyễn Mạnh Tín, Chủ tịch UBND xã Liên Sơn xác nhận bằng danh sách dài.

Sống - là tiến về phía trước

Số người mắc AIDS ở Đá Bạc chiếm tỷ lệ cao chưa từng có đã khiến cơ quan ban, ngành của tỉnh Hòa Bình, xôn xao. Sau khi số người bị mắc AIDS ở đây được công khai, cơ quan phi Chính phủ về phòng chống HIV/AIDS đã hỗ trợ Đá Bạc thuốc đặc trị thường xuyên để khống chế bệnh. Câu lạc bộ “Bạn giúp bạn” được thành lập để họ có nơi giao lưu, chia sẻ.

Vượt lên tất cả sự miệt thị của bản làng, người phụ nữ đầy bản lĩnh tên Đặng Thị Quyết đã tình nguyện xin đi làm tuyên truyền viên về HIV/AIDS. Lúc đầu, người biết chị, thậm chí rất thân cũng xa lánh chị. Chính đứa con gái của chị, sợ mẹ đến nỗi không dám ngủ cùng...

Tối đến, dưới chân núi Đá Bạc lại rộn lên tiếng cười nói. Câu lạc bộ “Bạn giúp bạn” do chị Đặng Thị Quyết phụ trách không hề có hố ngăn cách giữa người “dính” AIDS và người bình thường. “Chị Quyết lạc quan lắm. Nhiều lúc đi làm đồng, ai hỏi chị ấy nói rất cặn kẽ. Cách phòng, chống, tốt nhất đối với những người mắc AIDS” - ông  Bạch Văn Viên, Trưởng thôn Đá Bạc, thành viên CLB nhận xét.

Số thành viên chính thức bị mắc AIDS  ở Đá Bạc là 31 nhưng số người tham gia cùng CLB đã lên tới 60 người. Vào các buổi tối, CLB vui như hội... làng. Trẻ nhỏ chạy nhảy vui đùa ngoài sân, người lớn trao đổi thân thiện với nhau như những người anh em cùng một nhà. Những người dân Đá Bạc giờ đây đã biết chia sẻ, đồng cảm cùng với những số phận không may mắn.

Được chia sẻ, động viên từ những người xung quanh, họ đều rất lạc quan. “Dù thế nào chúng tôi cũng luôn hướng về phía trước” - chị Đặng Thị Quyết - phụ trách CLB cho biết. “Chúng tôi động viên, khuyên nhủ những người cùng cảnh ngộ không nên xây dựng gia đình để bớt gánh nặng cho xã hội.

“Có lần tôi đi phát tờ rơi ở ngã ba Lương Sơn, nhiều người hỏi tôi rằng sao bị HIV mà vẫn khỏe mạnh thế? Tôi bảo, chính bản thân tôi cũng nghĩ là mình chết. Nhưng được điều trị đúng phác đồ, sinh hoạt điều độ, được mọi người chia sẻ... đã khiến tôi mạnh khỏe như vậy” - chị Quyết tâm sự. 

Nguyễn Đức Tuấn

Tránh bệnh - Không lánh người.
Rss Feed  Atom Feed
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.