Giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế
Thứ sáu 29/12/2017 14:31
Nhiều năm liên tiếp Việt Nam đã đạt được mục tiêu 3 giảm (giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện hàng năm; giảm số người chuyển sang AIDS; giảm số người tử vong) trong phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng phân biệt, đối xử với những người nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV.
 |
Tư vấn xét nghiệm phát hiện HIV. Ảnh: Thùy Chi |
Để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế, cải thiện chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, chăm sóc và điều trị, Bộ Y tế vừa yêu cầu các địa phương và các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế chỉ đạo tăng cường hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế.
Các địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS xây dựng kế hoạch hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV; tổ chức tập huấn về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV, dự phòng chuẩn trong các cơ sở y tế cho cán bộ, nhân viên, nhất là cán bộ y tế trực tiếp cung cấp các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
Rà soát các quy trình cung cấp dịch vụ dễ phát sinh kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế ; xây dựng và phổ biến bộ quy tắc thực hành về chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS; khuyến khích sự tham gia của các nhóm cộng đồng, người nhiễm HIV vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và theo dõi giám sát việc thực hiện giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế; tổ chức theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế…
Cục Phòng, chống HIV/AIDS chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và phổ biến kế hoạch hành động và hướng dẫn thực hiện giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) sẽ chỉ đạo hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lồng ghép các hoạt động giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV vào Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…
Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90 % người chuẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế) vào năm 2020 và hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua, trong đó kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế được xác định là một trong những rào cản quan trọng nhất, khiến người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV không tiếp cận các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS