
|
Từ trái sang: chị Tâm, chị Huệ chăm sóc một người nhiễm HIV/AIDS trong những ngày cuối đời. Ảnh: N.Lịch
|
"Chắc mấy người đó uống thuốc... liều nên mới đâm đầu vô mấy "ổ" si-đa kinh khủng như vậy"; "Chỗ làm ăn của tụi em, léng phéng đến phá đám hả? Muốn chết hả?"... Chúng tôi nghe nhiều câu đại loại như thế khi theo chân những đồng đẳng viên đi tiếp cận các cô gái mại dâm, người nghiện ma túy hay những người có HIV.
Mở cánh cửa lòng
Trời chuẩn bị đổ mưa nên sập tối rất nhanh. Thảng hoặc, một đợt gió cuốn bụi bay mù mịt... Tất cả những điều đó dường như không khiến người phụ nữ gầy gò ngồi co ro ở cuối một con hẻm vắng vẻ khu vực P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM để tâm đến. Đó là chị N., người gặp nhiều bất hạnh, trắc trở trong cuộc sống, đã yếu lòng phó mặc đời mình cho "nàng tiên nâu" định đoạt; và kết cục bi đát đã xảy ra: chị bị nhiễm HIV/AIDS từ chiếc kim tiêm chung với người khác. "Trời! Sao lại ngồi đây? Muốn "đi" sớm hả? Làm ơn vào nhà giùm tui đi bà...". Mấy chiếc xe máy vừa xịch tới, chưa thấy rõ người đã nghe một "tràng" âm thanh dồn dập nhưng chân chất, đầy lo lắng thật tình của hai đồng đẳng viên Trương Hồng Tâm và Võ Thị Bạch Huệ. Chị N. sung sướng và xúc động ra mặt khi được mấy chị dìu đỡ vào trong nhà. Chị Tâm dịu giọng: "Vô nhà tụi em pha sữa cho chị uống. Tụi em mới vận động được mấy hộp sữa...".
Ngôi nhà chị N. đang tá túc tựa như một cái miễu để thờ cúng những người đã khuất của dòng họ. Mối đùn lên một đống to giữa nhà, gần sát cái giường xếp của chị. Chị N. suýt hụt chân khi bước qua cái ngạch cửa dẫn vào trong miễu. N. nói khó nhọc: "Chị Huệ, chị Tâm là những người đầu tiên và có lẽ là những người cuối cùng bước vào nhà của tui. Ai cũng sợ nếu vô đây là sẽ bị lây si-đa...". Chị N. cho biết, ngay bà chị ruột của chị đem cơm đến cho em ăn cũng chỉ dám đứng ở phía ngoài.
Cũng là người bước ra từ bóng tối nghiện ngập, anh Nguyễn Văn Hùng thấm thía nỗi bi kịch của các gia đình có con nghiện, trẻ bụi đời và đặc biệt là trường hợp có HIV. Anh Hùng từng phụ trách nhà mở Thảo Đàn một thời gian dài trước khi đứng ra lập nhóm "Nụ cười H." Đây là nhóm của những thanh niên có HIV do anh Hùng tìm kiếm, vực họ dậy khỏi vòng bế tắc luẩn quẩn và đưa họ về cuộc sống với những người đồng cảnh ngộ, tìm lại nụ cười đã tắt. Đã có không ít trường hợp các bạn trẻ trong nhóm "Nụ cười H." sau đó cũng đã trở thành tuyên truyền viên công tác xã hội tích cực... Một trong những trường hợp được anh Hùng tác động thành công là H.T.L (20 tuổi, P.Cầu Ông Lãnh, Q.1), một bệnh nhân AIDS chỉ còn "da bọc xương", người lở loét, tóc rụng từng mảng... L. rất bi quan, lúc nào cũng đòi được chết. Được biết, H.T.L từng là hoa khôi khi còn học cấp 3. Vì đua đòi, nghe theo lời bạn bè hút chích nên mới ra nông nỗi... Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), chúng tôi chứng kiến cảnh anh Hùng kiên nhẫn lắng nghe từng tràng than thở của L., rồi kiên nhẫn an ủi cô. Anh tận tình chỉ dẫn cho L. phải "chiến đấu" với hoàn cảnh của bản thân thông qua từng việc nho nhỏ, cụ thể hằng ngày như: cố gắng ăn, uống, vận động cơ thể. Mặt khác, anh còn tác động đến mẹ L. để bà bớt xa lánh, oán trách con mình... Sau mấy tháng gặp lại, chúng tôi bất ngờ khi thấy L. khỏe mạnh, vui vẻ hẳn ra và nghe đâu đang có tình yêu mới với một anh chàng đồng cảnh ngộ.
Hồi ký của một "người trong cuộc"
Những trăn trở, niềm vui nỗi buồn trong công việc tuyên truyền viên thầm lặng, chị Trương Hồng Tâm (tự đặt biệt hiệu là "Tâm si-đa", do thường xuyên tiếp cận với những người có HIV) đều đưa cả vào trong "hồi ký" của mình. Chị Tâm bộc bạch: "Biết là mình viết dở ẹc, sai chính tả tùm lum nhưng phải viết để nhớ về những chuyện xảy ra trong đời, để những người chưa vấp váp có thể tránh. Sau này, mình sẽ công bố với nhiều người cuốn hồi ký này". Trong hồi ký, chị Tâm cho biết gia đình chị ly tán và chị phải bỏ nhà đi bụi từ nhỏ. Chị từng nghiện ma túy vào năm 14 tuổi. Trộm cắp, giựt dọc, làm gái... đã khiến chị phải vào tù ra khám liên miên trong hơn 10 năm trời. Lần ra tù cuối cùng, chị được anh Nguyễn Văn Hùng - lúc đó là giáo dục viên đường phố tiếp cận, nâng đỡ. Dần dà, chị thích luôn "nghề" làm tuyên truyền viên đồng đẳng (thuyết phục, cảm hóa những người ít nhiều từng đồng cảnh ngộ với mình). Chị Tâm bày tỏ chân thật: "Thời gian đầu, tập làm người tốt đối với tôi thật nhiều khó khăn, thử thách: bụng đói, tiền hết, nhà cửa không có, bạn bè cũ chửi "ngu", đang "làm ăn" có tiền mà bỏ ngang để bày đặt làm công tác xã hội. Thực ra, lúc đó tôi chưa hiểu hết 4 chữ "công tác xã hội" là gì, chỉ biết làm thế nào có cách giúp các chị em mại dâm, ma túy hiểu được nguy cơ si-đa mà phòng tránh lây nhiễm"...
Sau khi làm đồng đẳng viên, chị Tâm đã "rủ rê" được chị Võ Thị Bạch Huệ (quê Đắk Lắk, hiện ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - một chủ quán bia ôm, là bạn tù ngày trước của chị. Chị Tâm rủ chị Huệ theo công việc này và chị Huệ gật đầu cái rụp, quyết định "gác kiếm giang hồ" để làm lại cuộc đời ! Từ đó, cả hai chị đều là cộng tác viên của Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM. Người ta thường thấy đôi bạn này lang thang "lùng sục" trong các hang cùng ngõ hẻm để thâm nhập, tiếp cận các động bia ôm, gái mại dâm, người nghiện ma túy, người có HIV, trẻ bụi đời. Chính vì thế, không ít lần, hai chị bị bọn côn đồ hăm dọa, thậm chí chị Huệ còn bị đánh gãy tay. Trong khi đó, ngay cả đến tấm giấy chứng minh nhân dân làm tùy thân, hai chị cũng không có... Các chị không thể nhớ hết bao nhiêu ca mình đã tiếp cận, cảm hóa. Nhưng có một kỷ niệm khiến chị Tâm nhớ mãi và ghi lại trong hồi ký của mình. Đó là lần chị nhận được 2 triệu đồng do phóng viên Báo Thanh Niên vận động bạn đọc hỗ trợ chị trang trải nợ nần để theo đuổi công việc công tác xã hội. Chị Tâm đã dùng số tiền này mướn nhà cho 7 cô gái mại dâm hoàn lương ở và tìm việc làm cho họ (làm củ kiệu, bán dưa hấu...). "Đến nay, trừ một chị đã chết, 6 chị kia đã có chồng con, cuộc sống ổn định rồi!" - chị nói. Mấy năm nay, chị Tâm còn nhận nuôi dưỡng, chăm sóc 5 em có HIV và mồ côi, giúp các em học chữ, học nghề.
HIV/AIDS vẫn đang từng ngày, từng giờ giáng lưỡi hái tử thần xuống các bệnh nhân. Vì thế, nhiều chỗ trong hồi ký của mình, chị Tâm phải xót xa, bất lực "xuống bút" ghi lại những cái chết hoặc sự vật vã giãy giụa của những thanh thiếu niên có HIV giai đoạn cuối đang bị nấm não hành hạ. Cũng như các đồng đẳng viên khác, chị chỉ biết ao ước giá như họ gặp các em ấy sớm hơn, biết đâu, biết đâu...
Như Lịch
Nguồn : http://web.thanhnien.com.vn/Thegioitre/2005/6/16/112894.tno
Sửa bởi quản trị viên 15/03/2012 lúc 11:31:33(UTC)
| Lý do: Chưa rõ