<div class="art_content" align="justify"> <div><span style="font-weight: bold;">Chị Thuận</span><br /><table><tbody><tr><td><img src="http://nhandan.com.vn/nhandan/Vietnamese/chinhtri/tamguong/250608/Image/i63_100103.jpg" /></td></tr><tr><td align="center"><i>Chị Thuận giới thiệu những bức tranh<br />tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS<br />do con gái chị vẽ.</i></td></tr></tbody></table> ND – Việc chính của chị Thuận đâu chỉ là giúp khâm liệm tử thi AIDS. Công việc "cộng tác viên" của chị là làm thật tốt công tác tuyên truyền. Tuyên truyền để thấy rõ HIV/AIDS là căn bệnh nguy hiểm nhất với con người, với gia đình, với xã hội, với sự phát triển bền vững của đất nước.</div><br /> <div>Rời cuộc họp Hội Phụ nữ thị trấn, về tới sân nhà, bỗng dưng một cô gái hớt hải níu áo, giọng thúc thả:</div><br /> <div>- Cô Thuận. Cô Thuận ơi!</div><br /> <div>- Việc gì thế. Cô nghe đây!</div><br /> <div>- Cô ơi. Mẹ cháu... mẹ cháu. Cô tới với mẹ cháu đi cô ơi!</div><br /> <div>- Nhưng mẹ cháu làm sao cơ chứ?... À, mà cô nhớ rồi, hôm nay là 49 ngày bố cháu "ra đi", phải thế không?</div><br /> <div>Chẳng đáp vào câu hỏi, cô gái nấc lên, nước mắt giàn giụa. Linh cảm điều chẳng lành: Có lẽ chị Nguyễn Thị H. ở đội 9 (mẹ cháu gái này) lại đổ bệnh AIDS theo chồng rồi! Nghĩ vậy, Thuận đôn đáo cất cặp tài liệu lên nóc tủ, khoác túi thuốc (thường trực y tá dân bản) lên vai, lồng đôi ủng vào chân, vơ vội hai chiếc găng tay cao-su đút vào túi áo, ngoái xuống bếp, giọng với vái: Thôi. Mấy bố con ăn cơm đi nhé. Tôi phải đi ngay đây! Miệng nói, chân bước, hấp hải trong bóng chiều đổ sập...</div><br /> <div>- Trời đất. H. ơi! Sao đến nông nỗi này? Làm sao lại không cho tôi biết sớm? Thuận nói.</div><br /> <div>- Cô ơi. Mẹ cháu phát bệnh đúng mười ngày sau hôm bố cháu mất. Vì sợ điều tiếng cho mấy chị em cháu, cho nên mẹ cháu cố giấu để mọi người không xa lánh. Chúng cháu đã đưa mẹ cháu tới bệnh viện tỉnh Cao Bằng, nhưng người ta trả về. Thấy không còn sức chống đỡ, mẹ cháu mới cho chúng cháu gọi cô, để cô chia sẻ và che chở cho!...</div><br /> <div>- Cô hiểu. Căn bệnh này là do bố mẹ cháu truyền sang nhau. Biết cách chăm sóc người bệnh tại nhà, như cô đã hướng dẫn từ dạo bố cháu lâm bệnh, thì các cháu chẳng sợ gì bị lây nhiễm. Ðiều không cần nói thì cạy răng cô cũng chẳng nói. Các cháu yên tâm đi!...</div><br /> <div>- H. ơi! Em tỉnh lại đi, tỉnh lại đi... Nghe tiếng gọi riết rả của Thuận, H. mở mắt, đôi môi mấp máy "Chị... Thuận... ơi", rồi trút hơi thở cuối cùng!...</div><br /> <div>Ðau thương xé lòng xé dạ, nhưng mấy đứa con chẳng đứa nào dám động vào mẹ, thậm chí không dám tới gần. Thuận điện thoại gọi người cộng sự lo việc mai táng. Rồi cũng như những người bệnh AIDS chết trước đấy, Thuận lầm lũi chăm sóc thi hài người xấu số bằng lòng xót thương và đôi bàn tay ban phúc: Vuốt mắt, nắn chân tay, và khâm liệm theo đúng quy định của y tế.</div><br /> <div>Tại phòng chờ của "trạm xá dân bản" ở ngoại vi thị trấn Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, chúng tôi hỏi chị Nguyễn Thị Thuận: </div><br /> <div>- Chị Thuận ơi, đã bao lần chị phải đối mặt với công việc như cái chết của chị H. ở đội 9? Làm việc này chị có sợ phơi nhiễm không? Lương bổng của chị thế nào? Chồng con chị có cản ngăn việc làm của chị không? v.v...</div><br /> <div>Bằng chất giọng mềm mại điềm tĩnh, Thuận bảo: </div><br /> <div>- Chết vì AIDS thì mỗi người mỗi vẻ. Có điều lạ là, những đối tượng AIDS (do tôi phụ trách), trước khi từ giã cõi đời, tựa như không ai quên tôi!... Năm trước, cháu D. ở đội bên, bị AIDS, do tự ý tiêm chích gây vỡ tĩnh mạch, máu phun ra lênh láng cả gian nhà. Người thân hoảng sợ, bỏ vậy, chạy đến gọi tôi. Tôi băng bó cho cháu, nhưng không cứu nổi. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay từ biệt cõi đời, cháu chỉ nói lời duy nhất: Cô... Thuận... ơi! Tiếng gọi thẳm xa ấy làm tôi trào nước mắt. Nhưng khi đó, người thân của cháu lại rất hững hờ. Cho dù họ phải "ra đi" thì hãy vì chữ tâm mà khẩn cầu cho linh hồn họ siêu thoát!". Nghĩ thế, tôi hì hụi giúp gia đình mai táng cho cháu theo đúng quy định...</div><br /> <div>Kể từ khi "căn bệnh thế kỷ" xuất hiện ở tỉnh biên giới hẻo lánh này, tự tay Thuận đã khâm liệm 7-8 người bệnh chết vì AIDS. Ðấy là chưa kể đến gần chục đối tượng đã chuyển sang giai đoạn cuối đang được Thuận phụ trách, theo dõi, giúp đỡ chăm sóc tại nhà. Thuận tiếp lời: Những người bệnh AIDS ở đây đều là những người rất nghèo. Chúng tôi thường phải cho quà mỗi khi thăm hỏi. Họ lấy gì để trả tiền công cho chúng tôi. Mà có trả chúng tôi ai nỡ nhận! Còn thu nhập ư. Tôi làm việc này là tình nguyện theo tâm thức, lương thức của mình. Bình dị thế thôi! Tiền thì ít lắm, vỏn vẹn 470.000 đồng cho một tháng, (gồm: lương Phó Hội trưởng Hội Phụ nữ 140.000 đồng, WB hỗ trợ 310.000 đồng, quỹ toàn cầu 20.000 đồng)!... </div><br /> <div>Ngừng giây lát, rồi vẫn chất giọng kể chuyện, Thuận bảo: Giá như tài chính được dư dật thì mình có cơ hội giúp cho người bệnh. Nhìn người bệnh AIDS ở giai đoạn giữa cái sống cái chết cận kề, thương tâm lắm!</div><br /> <div>Tự nhiên giọng Thuận như tưng bừng hẳn lên: Quê tôi ở Hà Lầm, Quảng Ninh, còn đây là đất ngụ cư. Công việc tôi tình nguyện tham gia trôi chảy, ấy là nhờ có sự động viên, tạo điều kiện của chồng và các con. Nhà tôi hiện là Chủ tịch UBMTTQ thị trấn, các con tôi vẫn đang tuổi học hành. Tôi từng là hộ lý, là y tá phục vụ thương binh trong chiến tranh biên giới 1979, nên họ rất tin vào khả năng phòng, chống phơi nhiễm của tôi với căn bệnh nguy hiểm này. </div><br /> <div>Việc chính của tôi đâu chỉ là giúp khâm liệm tử thi AIDS. Công việc "cộng tác viên" của tôi là làm thật tốt công tác tuyên truyền. Tuyên truyền để thấy rõ HIV/AIDS là căn bệnh nguy hiểm nhất với con người, với gia đình, với xã hội, với sự phát triển bền vững của đất nước; để người dân Trùng Khánh thay đổi hành vi ứng xử, tránh kỳ thị, xa lánh người bệnh; để biết cách phòng, chống hiệu quả. Cho nên tôi rất kỳ công, sưu tập, cắt giữ những bài báo hay, giàu sức thuyết phục để phổ biến, tuyên truyền, vận động họ làm theo. </div><br /> <div>Cùng đó, tôi thường xuyên viết bài gửi, đọc trên đài truyền thanh thị trấn; nhờ con gái vẽ cho hàng chục bức tranh để tuyên truyền vận động mọi người phòng, chống HIV/AIDS. Tháng nào, tuần nào tôi cũng dành thời gian tìm đến các trường học, tới các gia đình có người bị lây nhiễm HIV/AIDS để tuyên truyền vận động, để thăm hỏi, hướng dẫn họ với mong muốn để họ hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS; về quá trình lây nhiễm HIV; về cách thức để hỗ trợ người bị lây nhiễm; cách vệ sinh ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh thân thể; cách thức sử dụng thuốc phòng nhiễm và ức chế sự phát triển của vi-rút HIV v.v...</div><br /> <div>Chúng tôi xen vào:</div><br /> <div>- Ở Trùng Khánh, nhiều người gọi chị là Thuận AIDS! Chị nghĩ sao?</div><br /> <div>- Thì có sao đâu. Ðó là sự vinh danh công việc nguy hiểm này!</div><br /> <div>- Chị làm công việc này tới bao giờ?</div><br /> <div>Thuận đáp tỉnh khô?</div><br /> <div>- Tới lúc hết người bệnh AIDS ở Trùng Khánh thì thôi!</div><br /> <div>Chúng tôi lại hỏi tiếp:</div><br /> <div>- Nguồn mạch nào là sức mạnh để chị không biết sợ với căn bệnh "kinh khủng này".</div><br /> <div>Thuận đáp ngay:</div><br /> <div>- Sợ chứ. Ai mà không sợ. Biết phòng, tránh thì sẽ bớt sợ. Với lại, tôi vốn là "quân xanh" nơi biên giới, là đảng viên, bom đạn của chiến tranh còn dám dấn thân nữa là. Việc tôi làm hôm nay là việc thiện. Cổ nhân đã chẳng từng khuyên bảo con người: Hãy nói điều thật và làm việc thiện! Ðiều giản dị ấy luôn ở trong tôi, thôi thúc tôi sống và làm việc!</div><br /> </div><br /> <div align="right">NGUYỄN UYỂN</div>