|
Từ trái sang: Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, đại sứ Thụy Điển tại VN Anna Lindstedt và các đại biểu của 20 nước đang chứng kiến cuộc nói chuyện của hai thanh niên (VN và Hà Lan) bị nhiễm HIV/AIDS - Ảnh: T.T.D.
|
TT - Marlies và Th., hai người xa lạ, một nữ một nam, một quốc tịch Hà Lan, một quốc tịch VN. Tuy vậy cả hai có một điểm chung: còn rất trẻ và đang phải sống chung với mầm bệnh tử thần HIV.
Họ gặp nhau qua cuộc đối thoại cảm động trong hội thảo Hội nghị Á - Âu (ASEM) về kiểm soát và phòng chống HIV/AIDS tại TP.HCM hôm qua.
Marlies, mới 24 tuổi, nhiễm HIV đã ba năm. Căn bệnh đến với cô từ người bạn trai vô trách nhiệm đã biết mình bị nhiễm bệnh nhưng không báo cho cô biết. Tuy vậy Marlies vẫn còn may mắn lớn lao là cậu con trai hai tuổi của cô hoàn toàn khỏe mạnh. Còn Th., 23 tuổi, mắc bệnh đã hai năm. Đang du học ở Úc, Th. phải trở về VN trong nỗi đau đớn và thất vọng tột cùng sau khi xét nghiệm cho biết anh bị nhiễm HIV.
Marlies kể ở Hà Lan sự phân biệt kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS cũng rất nặng nề: “Khi biết tôi bị nhiễm HIV, nhiều người nhìn tôi bằng ánh mắt lạnh lẽo và cho rằng tôi sống trụy lạc nên mới như vậy”. Không ít người không dám thân mật với cô nữa.
Marlies thậm chí đã phải nói lời chia tay với người bạn gái thân nhất của mình cũng chỉ vì lý do này. Th. thì may mắn hơn khi nhận được sự yêu thương đùm bọc của gia đình, bè bạn và mọi người xung quanh. Họ đã không bỏ rơi anh trong lúc khó khăn nhất.
Cả hai còn có thêm một điểm chung nữa. Họ đang dành sức lực cho công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS và chống phân biệt đối xử với những người bị lây nhiễm. Marlies hiện là điều phối viên cho Tổ chức Young Positive (Những người trẻ dương tính với HIV) ở Amsterdam.
Cô đã đi qua nhiều nước như Đức, Bồ Đào Nha, Bỉ và lần này là VN, để tuyên truyền về HIV/AIDS. Th. hiện đang hoạt động trong Tổ chức "Vì tương lai tươi sáng" với trên 500 thành viên thuộc 10 tỉnh thành trong cả nước.
Th. cho biết mục tiêu của nhóm anh là đẩy mạnh tuyên truyền để những người nhiễm HIV/AIDS tại VN có được môi trường sống an toàn hơn, cách xa mọi phân biệt đối xử để qua đó đóng góp được nhiều hơn cho xã hội. Anh quan niệm: “Chống lại HIV có nghĩa là chống lại con virus tử thần đó, chứ không phải chống lại những người nhiễm bệnh”.
Th. vẫn rất tự tin: “Một ngày nào đó tôi cũng có thể lấy vợ và có con như những người khác. Ai mà biết trước được tương lai”. Còn Marlies cho biết hiện cô đang rất bận rộn với cậu con nhỏ và Tổ chức Young Positive. “Chúng tôi có thể sẽ tổ chức giao lưu giữa những tổ chức phòng chống HIV/AIDS của VN và Hà Lan. Đó sẽ là một việc làm hết sức có ý nghĩa”.
Với họ, một ngày còn sống là một ngày còn hi vọng và đóng góp cho đời.
HIẾU TRUNG
Hội thảo Á - Âu về kiểm soát HIV/AIDS
|
Hôm qua, hội thảo Hội nghị hợp tác Á - Âu (ASEM) về kiểm soát HIV/AIDS qui tụ hơn 100 đại biểu thuộc 20 nước và Ủy ban châu Âu với mục tiêu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống HIV/AIDS.
Dự kiến sau hai ngày thảo luận, hội thảo sẽ đưa ra bản dự thảo đề xuất các hoạt động hợp tác ASEM trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS để trình lên Hội nghị cấp cao ASEM tổ chức tại Phần Lan năm 2006.
Tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga thuộc Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế VN) cho biết mục tiêu của chiến lược phòng chống HIV/AIDS VN là giảm tỉ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 0,3% dân số vào năm 2010 và giảm thiểu sự tác động của đại dịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến tháng 9-2005, số lượng người nhiễm HIV tại VN đã lên đến trên 100.000, trong đó hơn 16.000 người đã chuyển qua giai đoạn AIDS và hơn 9.000 người đã qua đời.
Trong khi đó Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến cho biết bộ đang trình Quốc hội thông qua Luật phòng chống HIV/AIDS với những nội dung mới về chống phân biệt đối xử đối với bệnh nhân HIV/AIDS tại VN.
HIẾU TRUNG
|
|
Sửa bởi quản trị viên 29/03/2010 lúc 10:40:38(UTC)
| Lý do: Chưa rõ