Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), kỳ thị thường xảy ra khi xuất hiện một hành vi được coi là liên quan đến đạo đức, những hiện tượng hay con người được cho là không bình thường hay các bệnh tật được coi là nguy hiểm... Và kỳ thị bệnh tật trở nên nặng nề nhất khi nguyên nhân gây bệnh bị gắn với hành vi vi phạm đạo đức, được coi là thuộc trách nhiệm, lỗi lầm của cá nhân.
 |
Lực lượng đoàn viên thanh niên ra quân hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1-12). Ảnh: T.L |
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Phụ nữ (ICRW), nhìn chung, cộng đồng nhận thức rất rõ về các đường lây truyền của HIV/AIDS, nhưng sự hiểu biết thường xuất phát từ những kiến thức rỗng, có nghĩa chỉ là những thông tin tiếp nhận nhưng không được rõ ràng. Điều này dẫn đến sự mơ hồ và hoài nghi vẫn tồn tại khiến người ta vẫn lo sợ HIV/AIDS lây nhiễm qua tiếp xúc thông thường hàng ngày. Vì vậy, nhiều người áp dụng những biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS không cần thiết nhưng lại mang tính kỳ thị cao: tách người nhiễm HIV/AIDS ra khỏi những người khác.
HIV xuất hiện ở Việt Nam trong bối cảnh mà tệ nạn mại dâm và tiêm chích ma túy đã trở thành những vấn đề bức xúc và nan giải. Những đối tượng mại dâm, đối tượng tiêm chích ma túy bị cộng đồng và xã hội lên án mạnh mẽ. Gia đình họ cũng không tránh khỏi sự kỳ thị nặng nề. Trong suy nghĩ của một bộ phận lãnh đạo cộng đồng, của cán bộ y tế cơ sở và của người dân, HIV/AIDS liên quan chặt chẽ với đối tượng nghiện chích ma túy và mại dâm nên nó bị gắn chặt với “hành vi xấu” của những người nhiễm virus HIV.
Phụ nữ nhiễm HIV/AIDS có xu hướng bị kỳ thị nặng nề hơn nam giới. Nguyên nhân từ sự kết hợp giữa một bên là giả định “lây nhiễm HIV do thực hiện các hành vi trái đạo đức” và một bên là quan niệm “phụ nữ phải có trách nhiệm giữ gìn đạo đức cho gia đình và xã hội”. Họ có thể nhận được sự thông cảm và thương xót của những người chung quanh nhưng họ có thể bị kỳ thị bởi sự sợ hãi dẫn đến xa lánh, tránh tiếp xúc.
Sự kỳ thị đối với những người nhiễm HIV/AIDS ở góc độ nào cũng dẫn tới những tác động không hay đối với cộng đồng và xã hội. Người nhiễm HIV sẽ thiếu sự chăm sóc, chữa trị trong gia đình; không muốn chữa trị tại các cơ sở y tế; không muốn bộc lộ tình trạng nhiễm bệnh nên sẽ có những hành vi nguy cơ cao dẫn đến lây lan trong gia đình và ra cộng đồng. Thậm chí, gia đình người nhiễm HIV/AIDS ít hoặc không nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng, mất vị thế xã hội, bị cô lập và có thể bị mất các cơ hội về kết hôn, sinh con, nuôi dạy con, việc làm... Những điều này càng khẳng định sự kỳ thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS càng tăng sẽ làm cho căn bệnh càng đi vào “vòng bí mật”. Chính vì thế, cần đương đầu và giải quyết với HIV/AIDS từ gốc rễ của sự kỳ thị và phân biệt đối xử.
Luật pháp luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nhiễm HIV/AIDS cũng như những công dân khác. Trong Pháp lệnh phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS do Quốc hội ban hành ngày 31-5-1995 có quy định: những người nhiễm HIV/AIDS được bảo vệ chống lại sự phân biệt đối xử; các cơ quan nhà nước, các đoàn thể, tổ chức kinh tế- xã hội cũng như các đơn vị lực lượng vũ trang có trách nhiệm tổ chức và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tinh thần cho những người nhiễm HIV/AIDS; các thành viên trong gia đình người nhiễm HIV/AIDS phải có trách nhiệm chăm sóc và hỗ trợ tinh thần cho người bệnh để họ có thể hòa nhập và cuộc sống bình thường của gia đình và cộng đồng.
Làm gì để cộng đồng cùng quan tâm, chăm sóc, chia sẻ với những bệnh nhân HIV/AIDS? Thứ nhất, các chương trình cần được triển khai nhằm giảm nỗi sợ hãi lây nhiễm HIV thông qua các tiếp xúc thông thường bằng cách chuyển tải những thông tin thực tế, rõ ràng về HIV và AIDS. Thứ hai, cần có những nỗ lực được cân nhắc một cách thận trọng nhằm tách HIV khỏi các “tệ nạn xã hội” trong các chính sách, văn bản luật pháp, chương trình và trong suy nghĩ của công chúng. Thứ ba, truyền thông đại chúng cần tăng cường hơn nữa các thông điệp sử dụng những hình ảnh tích cực của những người có HIV và AIDS.
THANH LONG (tổng hợp)
Sửa bởi quản trị viên 17/09/2009 lúc 05:07:52(UTC)
| Lý do: Chưa rõ