|
Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trong lực lượng thanh niên. |
24 năm, kể từ khi bệnh nhân AIDS đầu tiên được phát hiện tại Mỹ (1981) và 15 năm kể từ ca nhiễm đầu tiên phát hiện ở Việt Nam (1989) đến nay, bức tranh toàn cảnh về dịch bệnh HIV/AIDS trên toàn thế giới không nhiều mảng sáng, cho dù rất nhiều nước đã thực thi chiến lược quốc gia về phòng chống HIV/AIDS.
Quy mô và tác động của nó chưa giảm theo như mục tiêu của LHQ đề ra. Là bởi, sự bùng nổ của nó gắn liền với tệ nạn ma túy và mại dâm; trong khi đó, hiện tại, ma túy gia tăng và diễn biến phức tạp, mại dâm biến tướng dưới mọi hình thức, lối sống thực dụng đã và đang có chiều hướng phổ biến trong đời sống xã hội. Cũng có nghĩa là HIV/AIDS càng có “đất” để phát sinh mầm họa, thách thức sự sinh tồn của nhân loại. Những tổn thất về kinh tế xã hội do dịch bệnh HIV gây ra càng khó có thể tính hết. Cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS trên toàn cầu, ở Việt Nam và ở tỉnh Hà Tây chính vì vậy ngày càng trở nên bức thiết.
Không chỉ nằm cạnh khu tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng, Quảng Ninh, lại có trục đường giao thông QL 6 nối liền các tỉnh phía Tây Bắc - địa bàn liên quan đến tệ nạn ma túy, Hà Tây còn là đất du lịch, thu hút đông du khách. Hoạt động tệ nạn xã hội phức tạp, đa dạng và khó kiểm soát. Đây là nguy cơ phát sinh phát triển đại dịch HIV/AIDS.
Năm 1996, ca nhiễm HIV đầu tiên đã được phát hiện, đến tháng 11-2005, toàn tỉnh đã có 2.062 người nhiễm, có ở 14/14 huyện, thị xã, 192/322 xã phường, thị trấn; trong đó 163 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS, 133 người đã tử vong vì bệnh AIDS. Qua điều tra, cho thấy, trên 90% số người trong độ tuổi từ 20 đến 39 nhiễm HIV. Nguy cơ lây nhiễm HIV từ ma túy và mại dâm chiếm 87,68% (riêng ma túy 80,16%). Như vậy, HIV/AIDS ở Hà Tây tiếp tục gia tăng, nhất là từ năm 2003 đến nay, số người nhiễm mới tăng nhanh so với những năm trước; tập trung ở nhóm đối tượng nguy cơ cao và xu hướng trẻ hóa theo lứa tuổi. Dịch bệnh đã lây lan ra cộng đồng (biểu hiện qua tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm thanh niên khám nghĩa vụ quân sự là 0,44% và tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ có thai là 0,58%). Đây là khó khăn và thách thức đối với cuộc chiến phòng, chống HIV/AIDS. Điều đó có nghĩa là chính sách và những nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nhằm hạn chế sự lây nhiễm của nó, tiến tới kiểm soát không để lây lan ra cộng đồng, đã và đang là đòi hỏi vô cùng khẩn thiết.
Nỗ lực của tỉnh Hà Tây trong phòng, chống HIV/AIDS 5 năm (2001-2005) được thể hiện ở kết quả: Hệ thống các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh đã được ban hành. Năm 2003, UBND tỉnh ra Chỉ thị đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn; năm 2005, “Kế hoạch PC HIV/AIDS ở Hà Tây đến năm 2010 và tầm nhìn 2020” đã được thông qua. Nhiều Hội nghị, hội thảo tập huấn và triển khai công tác PC HIV/AIDS cũng đã được tiến hành. Để nâng cao năng lực tổ chức thực hiện công tác này, UBND tỉnh thành lập Ủy ban PC AIDS, ma túy và mại dâm và hàng năm đều kiện toàn, bổ sung thành viên. Sở Y tế được giao là cơ quan thường trực PC AIDS của tỉnh. Tổ chức PC AIDS ở các huyện thị và cơ sở cũng được hoàn thiện. Ngành Y tế vào cuộc một cách tích cực, triển khai hiệu quả các văn bản hướng dẫn phòng chống HIV/AIDS. Sở đã thành lập Ban AIDS với 6 tiểu ban chuyên môn (giám sát, điều trị, huyết học - truyền máu, da liễu, phòng lây nhiễm trong hệ thống thai nhi, thông tin truyền thông - giáo dục). Tại 3 bệnh viện đa khoa trên địa bàn tỉnh đều có khoa truyền nhiễm bảo đảm điều kiện điều trị và chăm sóc bệnh nhân AIDS. Ban PC HIV tuyến huyện cũng được thành lập và tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn có cán bộ chuyên trách. Ngành Y tế triển khai nhiều khóa đào tạo, tập huấn chuyên môn và thực hiện các chương trình tư vấn, xét nghiệm, điều trị và quản lý người nhiễm. Đặc biệt là hiện đang có một số dự án quốc tế và nghiên cứu khoa học về HIV/AIDS được triển khai tại Hà Tây, như dự án “Phòng lây nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam”; dự án “Can thiệp thí điểm hạn chế lan tràn dịch HIV tại Hà Tây” từ năm 2001-2003...
Hoạt động truyền thông, giáo dục PC HIV/AIDS được triển khai trên diện rộng với sự tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương. Những thông tin về PC HIV/AIDS được chuyển tải thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức trong nhân dân về tác hại của đại dịch; từ đó huy động các lực lượng trong cộng đồng vào cuộc. 11 sở, ban, ngành - thành viên Ủy ban PC AIDS của tỉnh bước đầu có sự phối hợp trong các hoạt động; đồng thời mỗi cơ quan đều thực hiện những nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, hiệu quả và nội dung PC HIV/AIDS đã được đưa vào là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác hàng quý, hàng năm của các cơ quan, đơn vị. Trong 5 năm, ngành GD-ĐT tuyên truyền PC HIV/AIDS tới 255.000 học sinh các trường phổ thông và hàng năm tổ chức thành công các cuộc thi tìm hiểu về HIV/AIDS. Đài truyền thanh các huyện, thị xã tổ chức hơn 10.000 buổi tuyên truyền HIV/AIDS. Đoàn TN triển khai mô hình “Chiến dịch TN tình nguyện PC HIV/AIDS” trong toàn tỉnh, xây dựng các CLB PC TNXH...
Tuy nhiên, thách thức trong PC HIV/AIDS còn lớn. Hệ thống tổ chức PC AIDS và sự đầu tư về nguồn lực chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác PC đại dịch. Lực lượng cán bộ làm công tác này còn rất mỏng, phần lớn là kiêm nhiệm, chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho điều trị, quản lý còn thiếu thốn và lạc hậu. Hoạt động truyền thông chưa phủ khắp vùng nông thôn, miền núi; thông tin chưa tới được các đối tượng nguy cơ cao. Vẫn còn nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan đơn vị đoàn thể chưa thực sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư thỏa đáng cho công tác PC HIV/AIDS. Sự phối hợp hoạt động giữa các ngành thành viên Ủy ban PC AIDS của tỉnh chưa chặt chẽ và đồng bộ nên hiệu quả đạt được chưa cao. Và vẫn còn sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng đối với người nhiễm HIV/AIDS... Những khó khăn và thách thức này đặt ra yêu cầu sớm can thiệp bằng những giải pháp thực sự hiệu quả và thiết thực thì mới mong có thể giảm thiểu sự lây nhiễm của HIV/AIDS trong cộng đồng.
Đề cập tới nhiệm vụ mang tính khẩn cấp hàng đầu trong cuộc chiến PC HIV/AIDS, vẫn phải nói rằng, giáo dục giới tính, giáo dục ý thức PC HIV/AIDS cho giới trẻ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; bởi đây là lực lượng lao động sung sức nhất, thì hiện nay lại chiếm tỷ lệ lây nhiễm cao nhất. Vì vậy, truyền thông phải đạt được mục tiêu một mặt giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu đúng và biết cách dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; mặt khác làm thế nào để thay đổi được hành vi có nguy cơ đối với giới trẻ là một yêu cầu quan trọng, thông qua nhiều kênh, nhiều loại hình truyền thông để chuyển tải nội dung PC HIV/AIDS và phải tổ chức được các chiến dịch truyền thông có quy mô; tuyên truyền tốt hơn và hiệu quả hơn đối với chương trình can thiệp, giảm thiểu tác hại lây nhiễm. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác PC HIV/AIDS; đưa các hoạt động PC HIV/AIDS một trong các mục tiêu ưu tiên của chương trình và kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương và đơn vị. Xây dựng kế hoạch PC HIV/AIDS thành chương trình phối hợp liên ngành; đồng thời huy động cộng đồng vào cuộc; đầu tư kinh phí và lực lượng PC HIV/AIDS một cách thỏa đáng. Về chuyên môn kỹ thuật, hệ thống giám sát HIV/AIDS và tư vấn xét nghiệm tự nguyện cần được tăng cường, mở rộng ở các địa phương; bảo đảm an toàn truyền máu. Các cơ sở y tế của Nhà nước và tư nhân phải bảo đảm đầy đủ trang thiết bị vô trùng qua các dịch vụ y tế trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân, sao cho người bị lây nhiễm phải được chăm sóc và điều trị thích hợp. Làm tốt công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và tăng cường phòng, chống lây nhiễm qua đường tình dục. Từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình PC HIV/AIDS.
Mục tiêu của Hà Tây đến năm 2010 khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% và không tăng sau năm 2010; giảm tác hại của nó đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh. Thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp có tính quyết định nêu trên, cùng với việc đấu tranh ngăn chặn sự gia tăng của tệ nạn ma túy, mại dâm thì mới hy vọng đạt được mục tiêu đề ra. Bằng không, hoặc thiếu quan tâm, coi thường HIV/AIDS, thì hậu quả sẽ khôn lường. Cuộc chiến chống HIV/AIDS nan giải, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi quyết tâm cao và sự vào cuộc của toàn xã hội./.
BS Nguyễn Hùng Mưu, Giám đốc Sở Y tế Hà Tây
Sửa bởi quản trị viên 03/08/2009 lúc 10:18:15(UTC)
| Lý do: Chưa rõ