Cứ vào dịp Giáng sinh và năm mới Dương lịch, tòa soạn báo Văn Nghệ và Quỹ mái ấm Tình thương lại tổ chức chuyến viếng thăm từ thiện Việt Nam.
Năm nay là lần thứ ba và đoàn đã tới thăm phát quà cho các trẻ em khuyết tật, mồ côi, các cụ già không thân nhân, các bệnh nhân cùi, bệnh Aids, các thương phế binh và người nghèo... tại Việt Nam.
Ðặc biệt năm nay Quỹ Mái Ấm Tình Thương còn tài trợ để xây 2 cây cầu cho các học sinh nghèo tại xã Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.
Cảm tưởng
Một em học sinh nhân dịp này đã nói: ''Trước đây chúng em thường mơ có một ông tiên trong chuyện cổ tích đến giúp cho trường chúng em có một cây cầu để mọi người qua lại an toàn, mà không sợ đến những hiểm nguy chực chờ dưới chân cầu khỉ. Thì nay đã có Quỹ Mái Ấm Tình Thương, đến xây cầu, thật là một hạnh phúc lớn lao, và em mong sao các học sinh ở nơi khác cũng có được chiếc cầu tương tự''.
Nhiều cụ ông và cụ bà nói, sống ở vùng này đã hơn 70 năm và đây là lần đầu tiên chứng kiến xã ấp có chiếc cầu vững chãi để mọi người qua lại thăm viếng nhau cũng như để con em họ đến trường mà không bị trở ngại nào cản ngăn như xưa nữa.
Có bà cụ nói, đưa con qua cầu khỉ mà vẫn phải dõi mắt ngóng trông, vì sợ con cháu mình qua được, còn các đứa khác lỡ có rớt xuống sông lại chẳng có ai cứu.
Nhiều người nói, khi chưa có cầu do báo Văn Nghệ xây, trời nhá nhem tối là chẳng ai dám mạo hiểm bám lên cầu khỉ để đi qua bên kia sông, vì nhiều khi cầu gẫy đoạn trước rồi mà vì trời tối nên không nhìn thấy - và gặp cảnh ấy thì chết mất xác chẳng ai hay.
Giếng nước sạch
Tại xã Ðinh An, tỉnh Kiên Giang, Quỹ Mái Ấm Tình Thương cũng đã tài trợ để khoan năm giếng nước sạch.
Các địa điểm được chọn là nơi đông dân nghèo, sống bên cạnh các ao tù, và phải dùng nước rạch, hay ao hồ để tắm rửa, ăn uống.
Các trẻ em dùng nước dơ ở đây thường bị bệnh về mắt và các bệnh về đường tiêu hóa, nhiều em còn bị bệnh sán lãi và còi cọt vì thường xuyên dùng nước ao tù kể từ khi mới lọt lòng mẹ.
Các gia đình và chòm xóm được quyền dùng chung các vòi bơm nước sạch do Quỹ Mái Ấm Tình Thương đóng tặng - và dân chúng ở đây rất vui mừng vì từ nay đã có nguồn nước sạch để tắm rửa, giặt giũ cũng như nấu để uống, và nhờ đó giảm thiểu được một số bệnh tật, bởi có rất nhiều gia đình đã dùng nước sông rạch, nơi có rất nhiều xác thú vật và mùi xú uế do chính họ đại tiện xuống.
Nguồn nước mới từ các giếng nước đóng của độc giả báo Văn Nghệ hiến tặng, rất mát, sạch và trong lành, bởi đã được đóng sâu hơn mức bình thường, dù rằng ở miền này đóng giếng không cần sâu cũng đã có nước - nhưng đóng càng sâu thì nguồn nước càng tinh khiết hơn.
Giúp bệnh nhân HIV
Đoàn báo Văn Nghệ đã đến thăm Nhóm Tiếng Vọng, một nhóm thanh niên trẻ chuyên lo cho các bệnh nhân Aids trên đường phố.
Năm nay là năm thứ hai Quỹ Mái Ấm Tình Thương hỗ trợ cho nhóm này, để họ có thêm phương tiện chăm sóc và an ủi các người không may vướng phải căn bệnh nan y của thế kỷ.
Từ sáng sớm, các bệnh nhân Aids đã được thông báo, đã đến địa điểm bằng đủ thứ phương tiện để chờ được lãnh quà.
Qua buổi phát quà, chúng tôi mới nhận thấy có rất nhiều thanh niên trẻ, trông khá khoẻ mạnh, đẹp đẽ, nhưng đều là những người mang mầm bệnh HIV trong người.
Có nhiều trường hợp rất thê thảm như chồng bị bệnh, đổ sang vợ và con, và tất cả nhà đều phải sống trong nỗi cùng cực và tuyệt vọng. Trong cuốn DVD quý vị sẽ trông thấy một bé gái rất đẹp hát bài ''Em có ba và em có má...'' nhưng sự thật ba em đã chết vì bệnh Aids và trong người em cũng có vi khuẩn HIV!
Chúng tôi cũng chứng kiến tận mắt cảnh phục vụ các bệnh nhân Aids đường phố của Nhóm Tiếng Vọng. Họ là những người trẻ, không sợ lây nhiễm, và sẵn sàng lau rửa các vết thương và chích thuốc chống đau cho các bệnh nhân Aids đã tới thời kỳ cuối, và lo liệu phần tang ma cho những người không thân nhân!
Cần biết Nhóm Tiếng Vọng được thành lập với các thanh niên nam nữ thiện chí, làm việc không lương, và chữa trị không lấy tiền. Phương tiện chính của họ đến từ các nhà từ thiện và chính gia đình họ, vì thế thường gặp rất nhiều khó khăn và thiếu hụt.
Các bệnh nhân Aids tại Việt Nam thường không có chỗ dung thân và nương tựa, và họ chỉ còn một con đường duy nhất là chờ ngày tử thần đến rước. Và chính vì nhìn thấy sự kỳ thị và bị loại bỏ khỏi xã hội như vậy, nên Nhóm Tiếng Vọng đã là chỗ dựa tinh thần rất lớn lao cho những người kém may mắn này.
Xây mộ và thăm thương phế binh
Quỹ Mái Ấm Tình Thương hàng năm cũng đều dành ra một số quà để tặng các thương phế binh QLVNCH.
Năm nay trong số những người nhận tiền và quà có Biệt kích quân Trần Văn Cộng đã qua đời ngày 14.1.2005 tại Tây Ninh.
Ông là người không có thân nhân, bị miểng pháo làm mù cả hai mắt và rất nhiều chỗ trên thân thể còn hằn in dấu đạn, nhưng ông nhất định không đi ăn xin mà chỉ dùng sức tàn của mình để tự lực mưu sinh.
Nhiều năm qua ông đã sống bằng nghề đào giếng, dùng tay và lưng của mình để đào thành vòng tròn cho giếng, nhiều ngón tay của ông bị cụt vì bom đạn nay đã trở thành láng bóng vì đào giếng, khiến nhiều người không biết tưởng ông bị bệnh cùi.
Mấy năm gần đây, ông sống bằng số tiền hàng năm do báo Văn Nghệ gửi tặng, nhưng sức khoẻ ông ngày một suy yếu, nên ông đã trút hơi thở cuối cùng nơi một căn nhà tranh vách đất (ở thuê). Người ở chung nhà, lần tìm trong xác ông thì thấy có số tiền hơn hai triệu đồng (là số tiền mà báo Văn Nghệ cho), nên đã dùng số tiền này để làm lễ an táng cho ông.
Khi chúng tôi liên lạc với vị Linh mục tại họ đạo ở Tây Ninh, thì được biết mộ ông Trần Văn Cộng chỉ là mộ đất, nếu không xây thì chỉ một năm sau là mất dấu, và có thể lại bị mộ khác chôn đè lên sau này.
Thấy thế, chúng tôi liền ủng hộ tài chính để xây mộ cho Biệt kích quân Trần Văn Cộng
Một số thương phế binh khác cũng đã được chúng tôi đến thăm, trong đó có ông Trần Văn Lạng, một phế binh đã hơn 30 năm bại liệt nằm trên giường, phế binh Trần Văn Tình đã sắp mù luôn con mắt còn lại, và phế binh Lê văn Long bị cụt cả hai chân.
Thăm trại cùi Di Linh, Lâm Ðồng
Năm nay là năm thứ hai báo Văn Nghệ đến thăm hai trại cùi Di Linh 1 và Di Linh 2 tại tỉnh Lâm Ðồng.
Trại 1 là nơi các bệnh nhân cùi còn lây lan, và còn phải theo dõi chữa trị, còn trại 2 là những bệnh nhân cùi đã lành lặn các vết thương và đi làm mưu sinh được.
Họ cũng còn dùng thuốc men, và sinh con đẻ cái trông rất mũm mĩm dễ thương, nhưng không rõ là những đứa bé này lớn lên có bị di truyền hay không? Và cuộc đời của các em này chắc cũng sẽ giống bố mẹ chúng là chỉ ở và sinh sống ở trong hai trại cùi này?
Trại cùi Di Linh 1
Nơi này có khoảng 150 gia đình bệnh nhân phong cùi.
Chúng tôi có tặng họ thịt heo và các hàng nhu yếu phẩm khác.
Nhiều bệnh nhân cùi xua tay không lấy thịt, thật ra là những người đó không còn tay hay ngón tay để mà cầm dao thái thịt, nên đã nhờ các nữ tu ở đây thái ra và kho nấu dùm.
Ðối với dân miền núi, thịt là một trong những món ăn quý giá và họ ăn rất dè xẻn.
Một nữ tu ở đây kể: Ða số khi nhận được thịt là họ mang về treo lên gần bếp và hun khói hoặc phơi khô, rồi khi nào ăn thì xé một miếng đem trộn với muối và ăn.
Họ không thích kho hay nấu thịt, vì như thế phải ăn hết trong một thời gian ngắn, còn cách phơi khô và hun khói thì để được lâu hơn, nhưng cũng gặp vấn đề là nhiều khi miếng thịt ấy bị lên men, có dòi hoặc bị thối rữa vì không ướp muối.
Sau khi phát quà xong, Quỹ Mái Ấm Tình Thương cũng gửi lại văn phòng trại một số tiền để điều hành phòng thuốc và chi dụng những thứ cần thiết cho trại.
Trại cùi Di Linh 2
Nơi đây cũng có gần 150 gia đình bệnh nhân phong cùi. Trại này khá hơn trại trước, vì các bệnh nhân lành lặn tự túc sinh sống bằng cách đi hái trái cà phê, trà hay làm rẫy cho trại, và được trại trả tiền công.
Tuy vậy, họ sống cũng rất thiếu thốn, vì một năm chỉ làm có mấy tháng, và khi gặp hạn hay cà phê rớt giá thì lại thiếu cơm ăn. Vì vậy, chuyến viếng thăm hàng năm của Quỹ Mái Ấm Tình Thương đến nơi này thực sự đã mang lại cho họ rất nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Cũng như trại trên, mỗi gia đình đều nhận được gạo, thịt, đường, bánh trái và tiền để có cái Tết ấm cúng và đầy đủ miếng ăn.
Dân vùng này là vùng cao, thường xuyên phải mặc áo ấm vì gió rét, vì thế không ai rõ bên trong thân xác của họ như thế nào, vì có người nhìn bề ngoài tưởng còn lành lặn đầy đủ, nhưng khi họ vén tay áo lên thì đã thấy bị cùi ăn hết cả cánh tay...
Họ cũng muốn được phát quần áo, nhưng việc chuyển quần áo từ Úc về là cả một vấn đề, rất khó thực hiện. Tuy nhiên chúng tôi cũng đang nghiên cứu, vì nếu tìm ra được cách chuyên chở giá rẻ, thì việc phát quần áo cho họ cũng là điều nên làm.
Tại trại này, chúng tôi cũng vào thăm nhà trẻ do các nữ tu coi sóc. Nơi này chăm sóc con của các bệnh nhân cùi, để chúng không bị lây lan bệnh tật của bố mẹ, cũng như để bố mẹ chúng có giờ đi làm rẫy, hoặc làm các việc khác trong gia đình.
Các em này cũng nhận được sự giáo dục để thoát khỏi cảnh mù chữ, và được nuôi nấng rất sạch sẽ, nên em nào em nấy trông cũng rất dễ thương. Nhìn cách tổ chức của hai trại cùi này, chúng ta mới thấy óc tổ chức và tình thương của những người sáng lập thật là vô bờ bến.
Nguyễn Vy Túy
Văn Nghệ Tuần Báo, Sydney, Australia
Sửa bởi quản trị viên 06/08/2009 lúc 12:21:16(UTC)
| Lý do: Chưa rõ