Quán cà phê của người nhiễm HIV
Thu Phương
Đường Nguyễn Văn Cừ phía bắc cầu Chương Dương, xuống hết dốc rẽ phải vào ngõ 118 chừng trăm mét là tới quán cà phê PP do nhóm những người nhiễm HIV "Vì ngày mai tươi sáng" mở ra ba năm nay, số nhà 14. Từ một quán cà phê vắng khách dần, PP trở thành địa chỉ tư vấn tin cậy có mạng lưới thành viên trên 500 người HIV/AIDS chưa kể tư vấn qua điện thoại hàng nghìn lượt. Điều gì làm nên sự thay đổi đó?
· Người nhiễm HIV không phải là kẻ tội đồ
Bên Gia Lâm (Hà Nội) có một quán cà phê đặc biệt, "quán của những người không dám xưng tên", biển hiệu có biểu trưng phòng chống AIDS. Nghe vậy dễ hình dung khách của quán chủ yếu là những người "lang thang trong nỗi cô đơn mênh mông". Chỉ khi mở cánh cửa kính bước vào, mới thực tin những người HIV/AIDS đã có được "ngôi nhà của chính mình" như mong muốn. Chiều 27-2 ở đây, tôi gặp hơn 10 bạn trẻ tự tin và khỏe mạnh ngồi quanh hai chiếc bàn đang bàn nhiều chuyện. Một nửa số họ từ Thái Nguyên về Hà Nội khám sức khỏe.Tôi ơi đừng tuyệt vọng, Bạn ơi đừng tuyệt vọng, người nhiễm HIV tới đây đã gác lại nỗi buồn riêng, họ đã vượt qua mặc cảm tự kỳ thị để học yêu cuộc sống.
"Những người HIV/AIDS không ai muốn sống trong tuyệt vọng - điều đó phi tự nhiên - nhưng không dễ thoát khỏi sự kỳ thị của bản thân và cộng đồng", anh Văn Ong chủ quán PP, trưởng nhóm "Vì ngày mai tươi sáng", một nhà hoạt động vì quyền lợi của những người HIV/AIDS nói. Người đàn ông này năm nay tuổi 35, nhỏ con nhưng phong độ, dáng dấp cử chỉ đàng hoàng chững chạc. "Tôi sống chung với HIV khoảng 11 năm nay đến giờ vẫn khỏe, có thể làm tất cả những việc liên quan đến xây dựng. Tôi có vợ và có hạnh phúc". Anh giải thích vì sao các nhà báo hay than rằng họ khó tiếp cận với người nhiễm: "Vì chưa mang đến được lòng tin, lại hay dựng hình ảnh người nhiễm HIV tiêu cực, đáng ghê sợ, trong khi họ đủ quyền con người và cần được cư xử như những người có phẩm giá. Đầu tiên gặp gỡ, bao giờ các nhà báo cũng hỏi anh/ chị lây nhiễm từ đâu?. Nghe đã không muốn trả lời. Không ai muốn nhắc lại chuyện cũ". Quán PP ra đời trước hết là nơi để họ cùng nhau vượt qua những cái chết tinh thần như thế. "Nhà báo còn viết chúng tôi là kẻ lĩnh án tử hình. Làm gì có ai lĩnh án tử hình mà vẫn tự do, vẫn sống cả chục năm? Tôi đã gặp anh Rol người Uác, người có HIV từ 1982 đến nay, đã đi khắp toàn cầu giúp đỡ những người nhiễm. Chúng ta mấy ai làm được điều đó? Biết chia sẻ sự đồng cảm, biết thấu hiểu và hãy cho chúng tôi lòng tin thì sẽ không khó tiếp cận".
Ngừng lời, anh Ong vắt lại chiếc khăn quàng carô xanh và trầm ngâm, vẻ trầm ngâm thường thấy ở những người chiêm nghiệm đủ lẽ đời. Anh nói với tôi: "Chưa bao giờ tôi muốn tự tử, dù khi biết mình mang HIV thì cũng chán chường thật. Nhưng chỉ là chán như những người mắc bệnh nan y, ung thư chẳng hạn, biết mình sẽ về cõi vĩnh hằng một thời gian nữa. Nhờ có bản lĩnh nên rất nhanh, tôi đã tiếp cận các thông tin cần thiết để sống lạc quan, cưới vợ. Vậy mà năm 2004, một nhà báo có tên tuổi hẳn hoi lại viết tôi đã lội xuống sông tự tử, nước ngập dần đến cổ ra sao..., bóp méo sự thật. Tôi đọc bài báo, ngã ngửa vì mình chưa bao giờ kể vậy. Đâu phải viết về người nhiễm cứ đổi tên đi là có thể bịa ra đủ điều não nề để câu khách, lên giọng kẻ cả, chứng minh mọi nỗi kinh khiếp và hệ lụy bốc ra từ căn bệnh này".
Anh Ong dẫn chứng thêm trường hợp viết về chị M. ở Hải Phòng. Đó là người phụ nữ lương thiện. Nhà báo viết chỉ tới khi có mang và đi khám thai, chị M. mới biết mình nhiễm HIV do lây từ chồng. Cuối bài, tác giả lại kết luận "xanh rờn" là chị M. giờ đây đã hoàn lương! Phi lý.
Một thành viên của nhóm "Vì ngày mai tươi sáng" bày tỏ ngạc nhiên khi ở hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 8, ngày 20-2 vừa qua thảo luận Dự thảo Luật phòng chống HIV/AIDS, có vị thắc mắc không thấy Luật quy định cấm người nhiễm HIV sinh con, có vị còn đề nghị nên triệt sản họ. "Theo khoa học, nếu không có sự can thiệp thuốc men, cũng chỉ có 30% trẻ sinh ra từ bố mẹ nhiễm HIV bị nhiễm. Nếu can thiệp thì nguy cơ giảm xuống tối đa chỉ có 5% nhiễm và tối thiểu là 0%. Phát biểu cảm tính đến thế chỉ làm tăng kỳ thị, mọi người ghê sợ, rất bất lợi cho việc tuyên truyền chống phân biệt đối xử", anh Đăng nói. Đăng sinh năm 1976, có hai bằng đại học và từng làm cán bộ nhà nước. Sau một lần đi khám sức khỏe định kỳ ở cơ quan, phát hiện bị nhiễm HIV, Đăng lãnh đủ sự kỳ thị. "Tôi không bị đuổi việc nhưng cũng không thể tiếp tục làm việc vì không chịu nổi thái độ ghẻ lạnh của nhiều đồng nghiệp...". Anh tham gia "Vì ngày mai tươi sáng" từ những ngày đầu tiên khi nhóm còn tá túc ở chùa Pháp Vân.
Giới truyền thông quả đã và đang mắc không ít sai lầm khi dựng thảm cảnh về người HIV/AIDS nhiều hơn là giúp cộng đồng hiểu rằng đó chỉ là những người đang phải đối mặt với căn bệnh nan y, rất cần sự giúp đỡ. Bệnh nan y nào ở giai đoạn cuối mà không khủng khiếp? Song, sẽ không ai có thể đi giảng giải và chia sẻ kinh nghiệm sống chung với AIDS, kinh nghiệm vượt qua mặc cảm kỳ thị, sống tích cực cho những người HIV/AIDS tốt hơn là chính những con người này.
· Vì ngày mai tươi sáng
Trên dải đất hình chữ S này, 64 tỉnh thành có trên 104.000 người nhiễm HIV được phát hiện, hơn 17.000 đã chuyển sang AIDS và hơn 10.000 người đã qua đời. Ở đâu cũng vậy liên tục ra đời nhóm tương trợ của những người nhiễm thành lập giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn tâm lý, sức khỏe. Có những điều bạn không biết nói cùng ai - Có những thông tin không ai chia sẻ cùng bạn - Nỗi niềm của bạn cũng là của tôi - Điều gì tôi biết tôi sẽ nói cho bạn biết... là những điều "Vì ngày mai tươi sáng" chia sẻ bấy lâu nay trên nguyên tắc tin cậy, đảm bảo bí mật, an toàn, đùm bọc, hỗ trợ, yêu thương...
Mở từ đầu năm 2003, quán cà phê PP chỉ rộng chừng 30 mét vuông, mới vẩy thêm tầng 2 năm ngoái. Thuê được ngôi nhà này cũng nhờ vào lòng tử tế của đôi vợ chồng chủ nhà vốn là bạn với Ong. Ngày đó chỉ 8 thành viên, tổ chức Phụ nữ quốc tế giúp trang bị. Quán mở, khách tới khá đông, có ngày thu nhập vài trăm ngàn đồng. Báo chí đưa tin về quán của những người nhiễm HIV, khách thưa dần, ba, bốn tháng khách không đến nữa. Không nản, các thành viên trong nhóm chuyển sang tư vấn hỗ trợ đồng đẳng, vừa trực tiếp vừa qua điện thoại 04.8724148. Mạng lưới thành viên của nhóm đến nay đã có 553 người ở 10 tỉnh, thành, với 13 nhóm. Riêng Quảng Ninh có ba nhóm ở Hạ Long, Vân Đồn, Quan Lạn. Mở rộng mạng lưới hoạt động toàn quốc là mong ước của "Vì ngày mai tươi sáng".
Cuối năm ngoái, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã tới quán PP thăm và động viên. Trên tường vẫn treo tấm ảnh Phó Chủ tịch chụp cùng các thành viên hôm đó. Gần đó treo một búp bê vải ngộ nghĩnh, kỷ vật của trưởng nhóm Văn Ong mang về từ Thái Lan khi anh đi dự hội thảo. Gần đây, nhóm đã phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS ở hai đầu cầu Chương Dương, tổ chức mít tinh tuyên truyền ở bến xe Gia Lâm... "Chúng tôi hoạt động tự nguyện. Kinh phí tuyên truyền không nhiều, chủ yếu trông vào các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ".
Quán bây giờ chỉ còn chiếc tủ quầy đặt ở phía sau ghi dấu "thời cà phê". Những bộ bàn ghế nhỏ đã dẹp. Tôi leo lên chiếc cầu thang gỗ mộc lên tầng hai, nơi có khá đông chị em đang làm việc bên máy vi tính, có cả bạn đời của trưởng nhóm. Loan, người mẹ nhiễm HIV qua chồng nhưng ba con của chị không nhiễm, tâm sự: "Có người, tụi em tư vấn hàng năm trời mà vẫn chán đời đòi tự sát. Có người không thể hé răng tiết lộ bí mật với gia đình. Tư vấn vì vậy phải sâu và kiên trì. Phải lấy mình ra chứng minh mình nhiễm mà vẫn sống khỏe, yêu đời, có ích. Gia đình bao giờ cũng là chỗ dựa vững chắc nhất không chỉ vì kinh tế mà còn vì người thân sẽ giúp ta tuân thủ điều trị khi cần"...
· Đã có hoa hậu HIV/AIDS...
Trong hàng ngàn câu chuyện về HIV/AIDS trên Internet có chuyện về hoa hậu ở đất nước Botswana (châu Phi), một trong những nước có tỉ lệ nhiễm HIV cao nhất thế giới, 37% dân số. Để giúp người dân có ý thức phòng chống căn bệnh thế kỷ này, hàng năm chính phủ Botswana tổ chức cuộc thi hoa hậu HIV/AIDS. Năm ngoái 2005, cuộc thi chung kết tổ chức tại một khách sạn sang trọng ở thủ đô Gaborone và phần thắng thuộc về cô Cynthia Leshomo, 32 tuổi, sau khi vượt qua 12 thí sinh tham dự đều nhiễm HIV. Đêm trao giải, thông điệp mà tân hoa hậu Cynthia Leshomo gửi tới mọi người là: "Tôi kêu gọi chính phủ hãy để những người nhiễm HIV như chúng tôi làm việc cho các chương trình phòng chống HIV, đặc biệt là ở bệnh viện, bởi vì chúng tôi có kinh nghiệm chung sống với HIV/AIDS". Nhiệm vụ của cô là đi khắp đất nước tuyên truyền về cách phòng chống căn bệnh thế kỷ đang hủy diệt đất nước mình. Cô cũng đã nhận được một suất học bổng, một năm chăm sóc sắc đẹp miễn phí và tiền trợ cấp hàng tháng. Bức ảnh chụp Cynthia nhận giải đêm chung kết tay ôm đầy hoa, ngửa mặt cười tươi như một đóa hoa...
Kể chuyện này với Lê (sinh năm 1980), thành viên trẻ nhất trong Ban điều hành "Vì ngày mai tươi sáng", tôi hỏi thông điệp mà Lê muốn gửi tới mọi người nếu cô cũng được bầu chọn như Cynthia Leshomo? - "Em ư? Em sẽ nói rằng nạn nhân HIV đang tăng lên ở nước ta thuộc đủ mọi thành phần. Chẳng nên đặt câu hỏi tại sao họ lại nhiễm mà chỉ nên tự hỏi về những gì chúng ta có thể làm để hỗ trợ". Lê trầm lặng nói với tôi trong bóng chiều tà đang giăng trên ngõ hẹp... Vóc dáng và gương mặt cô đẹp như một hoa hậu. Lê có chồng và một con trai.
Sửa bởi quản trị viên 07/01/2010 lúc 05:41:14(UTC)
| Lý do: Chưa rõ