Tại buổi thảo luận, 34 thành viên đã chia làm 5 nhóm, mỗi nhóm thảo luận một vấn đề được các thành viên trong nhóm quan tâm nhất.
Nhóm 1: Vấn đề nhóm quan tâm nhất là “Điều trị dự phòng cho người có H”. Theo nhóm 1, hiện nay tại tỉnh Lâm Đồng đã chính thức triển khai điều trị ARV cho người có H tại Đà Lạt, Bảo Lộc và Đức Trọng. Đây là một bước chuyển biến khá tích cực và rất có lợi cho người có H tại Lâm Đồng. Họ không còn phải đi các tỉnh lân cận để được nhận thuốc ARV, qua đó tiết kiệm được chi phí và thời gian. Tuy nhiên, có một khó khăn là bản thân người có H đang còn rất e ngại và chưa có ý thức trong việc tự tìm đến với các dịch vụ này. Nguyên nhân chính vẫn là vì họ sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nếu không may thông tin cá nhân của họ bị lộ. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là do họ chưa được tiếp cận với các thông tin liên quan đến những dịch vụ điều trị dự phòng này. Một số thành viên của các nhóm khác có ý kiến cho rằng nên đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm giảm thiểu sự kỳ thị của cộng đồng đối với HIV/AIDS; thành lập nhiều hơn nữa các trung tâm điều trị cho người có H để họ có thể dễ dàng tiếp cận với cách dịch vụ điều trị hơn; ngoài ra, công việc chăm sóc và hỗ trợ cho người có H cũng cần được đẩy mạnh; vai trò của các tổ chức xã hội dân sự tại địa phương cần nâng cao hơn nữa.
Nhóm 2: Vấn đề nhóm 2 quan tâm nhất là “Giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người có H”. Dù sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người có H đang trong xu hướng giảm tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, tuy nhiên người có H nói chung vẫn đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống bởi họ hàng ngày vẫn phải đối mặt với tình trạng này. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử này xuất phát từ rất nhiều tầng lớp, thành phần khác nhau trong xã hội, trong đó có cả y tá và bác sỹ, những người chắc chắn đã được trang bị rất nhiều kiến thức về HIV/AIDS. Ai cũng biết nếu người có H được quan tâm, được hòa nhập vào cộng đồng thì cuộc sống của họ sẽ được kéo dài hơn và có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, để làm được điều này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của các tổ chức xã hội dân sự, của các cơ quan truyền thông đại chúng, mà còn cần cả sự tự nhận thức của mỗi cá nhân trong xã hội. Ý kiến đóng góp cho vấn đề này là nên giúp đỡ, khuyến khích, động viên người có H để bản thân họ cố gắng trở thành những thành viên, những nhân tố tích cực trong cộng đồng, thông qua đó xây dựng cho họ một hình ảnh tốt hơn trong suy nghĩ của mọi người xung quanh.
Nhóm 3: Vấn đề nhóm 3 quan tâm nhất là “Dự phòng lây truyền từ mẹ sang con”. Nhóm 3 đã đặt ra 1 câu hỏi cho 4 nhóm còn lại là “NCH nên có con hay không?”. Một số thành viên tham gia thảo luận cho rằng người có H không nên có con vì e rằng do sức khỏe không cho phép nên có thể họ sẽ không lo được chu toàn cho tương lai con cái của họ. Như vậy vô tình tạo thêm một gánh nặng cho xã hội. Ngược lại, một số thành viên khác lại cho rằng người có H nên có con vì đó là một nhu cầu tự nhiên của mỗi con người. Ai cũng có quyền được sinh con, được duy trì nòi giống. Hơn nữa hiện nay, với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con đã giảm xuống đáng kể. Con cái của người có H sinh ra không có HIV đạt tỉ lệ rất cao. Theo các ý kiến đóng góp của những thành viên các nhóm khác, người có H nên có con hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh của họ. Nếu họ có điều kiện về kinh tế, lại được sự trợ giúp của gia đình, người thân… họ hoàn toàn có thể sinh con như bao người khác. Ngược lại, nếu người có H đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, nguồn thu nhập không được ổn định, khi sinh con họ có thể sẽ không nhận được bất kì sự trợ giúp nào từ người thân, bạn bè… họ không nên sinh con.
Nhóm 4: Vấn đề nhóm 4 quan tâm nhất là “Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc đẩy lùi đại dịch AIDS”. Nhóm 4 lấy chính câu lạc bộ Ban mai xanh – Đà Lạt làm ví dụ. Kể từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ Ban mai xanh đã thực hiện rất nhiều hoạt động hỗ trợ người có H như tham gia giúp đỡ, chăm sóc, bảo vệ những người có H ở vùng sâu, vùng xa; tổ chức rất nhiều đợt truyền thông về HIV/AIDS; làm nhiều cuộc hướng dẫn sử dụng bao cao su cho các sinh viên trường đại học Đà Lạt cũng như một số trường phổ thông trung học tại Đà Lạt; tổ chức sinh hoạt nhóm lồng ghép với cung cấp thông tin, kiến thức liên quan đến HIV/AIDS; khuyến khích các thành viên tham gia tích cực vào các công tác xã hội. Số lượng trường học đã được CLB truyền thông là 5 trong đó 1 trường cao đẳng, 3 trường trung học phổ thông, 1 trường Thiểu năng Hoa Phong Lan và một số quán cà phê. Ngoài ra, còn tổ chức truyền thông cho 5 khóa sinh viên của ngành Công tác xã hội – Phát triển cộng đồng, trường Đại học Đà Lạt, tổ chức 3 lần sinh nhật CLB với sự tham gia của nhiều sinh viên trong trường... Nếu bản thân từng thành viên trong mỗi nhóm/câu lạc bộ cũng như chính nhóm/câu lạc bộ ấy cố gắng không ngừng trong việc thực hiện thật tốt các hoạt động của nhóm/câu lạc bộ, chắc chắn sự đóng góp của các tổ chức dân sự trong việc đẩy lùi đại dịch AIDS là vô cùng to lớn và thiết thực. Một số thành viên có ý kiến cho rằng hiện tại, số lượng người tham gia vào câu lạc bộ Ban mai xanh còn rất hạn chế, chủ yếu là sinh viên khoa Công tác xã hội của trường đại học Đà Lạt. Nên thu hút thêm các thành phần khác tham gia.
Nhóm 5: Vấn đề nhóm 5 quan tâm là “Thuận lợi và khó khăn của các thành viên khi tham gia 1 tổ chức xã hội dân sự (trong trường hợp này là câu lạc bộ Ban mai xanh)”. Hầu hết các thành viên câu lạc bộ đều đang là sinh viên nên khó khăn lớn nhất các bạn gặp phải là quỹ thời gian khá eo hẹp, áp lực của việc học ở trường, vấn đề sức khỏe, và thiếu kỷ năng cũng như kiến thức. Tuy nhiên, khi tham gia clb các bạn cũng có được những thuận lợi nhất định như có thể bổ sung kiến thức, học hỏi thêm được nhiều kỷ năng cần thiết trong cuộc sống, giúp các bạn năng động hơn, được giao lưu và gặp gỡ rất nhiều người… Ý kiến đóng góp cho vấn đề này là ban điều hành câu lạc bộ nên chọn một thời điểm phù hợp mỗi tháng để tất cả các thành viên câu lạc bộ đều được tham gia sinh hoạt.
Trước khi kết thúc buổi thảo luận, bạn Nguyễn Thị Lan, chủ nhiệm câu lạc bộ đã hướng dẫn các bạn trong nhóm phương pháp sử dụng bao cao su đúng cách và an toàn.
Nhìn chung, đây là một buổi thảo luận khá thành công về mặt tổ chức cũng như điều hành, hướng dẫn, khuyến khích các thành viên tham gia thảo luận. Vì là sinh viên và đang chịu áp lực của học tập nên có thể các bạn còn thiếu kiến thức về các vấn đề xã hội, tuy nhiên các bạn đã đến tham gia cuộc thảo luận với tinh thần rất cởi mở và ham học hỏi. Bạn Lan, chủ nhiệm câu lạc bộ Ban mai xanh cùng các thành viên ban điều hành đã rất khôn khéo khi lồng ghép buổi thảo luận với hoạt động hướng dẫn sử dụng bao cao su cũng như cung cấp thêm thông tin về HIV/AIDS tới các thành viên tham gia.
Hải Vương
Một số hình ảnh của buổi thảo luận.