
Chúng tôi bắt đầu như thế đó
Nhóm
chúng tôi hình thành từ đầu những năm 2003 cái thời mà mọi người không
gọi là NCH như bây giờ mà người ta gọi là bọn Sida. Chúng tôi chỉ với 6
thành viên ban đầu tụ họp nhau lại mở một quán café, một phần là tạo
thu nhập cho chính bản thân sau đến mở rộng cánh cửa để đón những người
cùng cảnh, chia sẻ, trao đổi thông tin và hỗ trợ nhằm cải thiện chất
lượng cuộc sống. Nhưng chỉ sau vài tháng, với việc bị kỳ thị nặng nề
quán cafe vắng không còn một bóng khách và chúng tôi chỉ còn biết nhìn
nhau ngậm ngùi.
Được biết đến tổ chức CARE quốc tế tại Việt
Nam vào tháng 4/2004, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng thu hút sự
tham gia của NCH vào các buổi chia sẻ kiến thức hàng tháng. Đề xuất
được duyệt trong niềm hân hoan và lo lắng của 6 con người còn lại.
Thế
rồi buổi họp nhóm đầu tiên chúng tôi cũng đã có 18 thành viên tự mình
làm chủ quán kiêm luôn bồi bàn pha cho nhau những tách café hay những
cốc nước và cùng nhau chuyện trò râm ran quên đi những ánh mắt tò mò
nhìn từ phía bên kia đường. Ban đầu tiêu chí của chúng tôi chỉ mong có
NCH tự mình vượt qua được sự kỳ thị và công khai nhận những dịch vụ hỗ
trợ mà xã hội dành cho họ. Trong các buổi họp chúng tôi luôn lên kế
hoạch giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh như mình. Từ những chị bị
gia đình không quan tâm nằm một chỗ chờ chết đến những anh ngoan cố
không thay đổi hành vi tránh lây nhiễm HIV cho vợ. Không biết bao nhiêu
trường hợp mà chúng tôi đã hỗ trợ, thế rồi thành viên của nhóm cứ tăng
dần theo từng ngày. Sau 6 tháng hoạt động không biết mệt mỏi những
thành viên trong nhóm không chỉ riêng Hà Nội mà còn ở rất nhiều các
tỉnh hay thành phố khác có những người xa tận vài trăm cây số đều háo
hức chờ ngày tụ họp định kỳ để được giao lưu, chia sẻ tìm hiểu thêm
kiến thức và tâm sự cùng nhau.
Đưa đón chuyển gửi trở thành công việc thường xuyên lúc nào không hay
Thế
rồi tiếng lành đồn xa, một hôm có một người bạn đến nhóm và nói "Tôi có
một người bạn thân hiện nay anh ấy mới biết mình bị nhiễm HIV, tâm
trạng khủng hoảng và bị tiêu chảy rồi cũng không ăn uống được gì. Các
anh có thể đến và giúp đỡ tôi tư vấn đưa anh ấy đi viện được không".
Chúng tôi sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ và ca tư vấn này thành công
ngoài sức tưởng tượng. Chúng tôi cũng không ngờ anh là con của một cán
bộ cấp cao của chính phủ nhưng vì sợ mang tiếng cho gia đình nên anh đã
quyết định không cho ai biết và chờ chết ở nhà.
Rồi cái thời
HIV không còn chỉ có tại những thành phố lớn mà nó đã len lỏi vào các
thôn, xóm, làng mạc vùng sâu hay hải đảo. Chính các bạn những thành
viên của nhóm Vì ngày mai tươi sáng đã khuyến khích các thành viên của
mình đem những tấm lòng nhiệt huyết với HIV trở về nơi họ sinh ra hỗ
trợ cho nhiều hoàn cảnh giống mình. Để không phụ lòng những người đi
trước, hạt mầm này vẫn lấy tên Vì ngày mai tươi sáng tại các tỉnh. Nắm
bắt được nhu cầu và mong muốn của người có H, chúng tôi ở tại thành phố
Hà Nội có nhiều các phòng khám OPC, VCT. Mỗi người trong chúng tôi đều
nắm rõ các địa chỉ hay phòng khám chuyên khoa về HIV. Những cuộc điện
thoại từ các tỉnh gọi về mong hướng dẫn chuyển tuyến vì bệnh viện tỉnh
đã "bó tay" rồi.
Có những khi 5h sáng một tình nguyện viên của
chúng tôi đã có mặt ở vị trí đã hẹn để đợi xe của một thành viên trong
nhóm từ Quảng Ninh chuyển lên. Không có cả giấy chuyển tuyến nhưng
chúng tôi vẫn cố gắng hướng dẫn gia đình hoàn thành thủ tục để được
nhập viện một cách nhanh chóng. Có những ca lên Hà Nội vào lúc hết giờ
làm việc, người nhà thì chậm chạp, bệnh nhân thì đau đớn kêu la. Những
tình nguyện viên của chúng tôi cảm thấy như có ngàn con dao đâm vào tim
và cố gắng rồi cố gắng cuối cùng thì 22h00 đã hoàn thành thủ tục nhập
viện. Về đến nhà cũng là lúc cả thành phố tắt đèn đi ngủ, bụng thì sôi
ùng ục nhưng tâm hồn thì thanh thản và vui mừng khôn tả vì đã làm một
việc rất tốt.
Rồi những lần đưa những người bạn của mình đến
nơi khám bệnh là một lần chúng tôi rút kinh nghiệm cho mỗi thành viên
và cả đội chăm sóc. Trong những buổi giao lưu hoặc hội thảo thường
chúng tôi dành thời gian tiếp cận tạo sự thiện cảm với những người quản
lý và làm việc tại nơi nhóm cần đến. Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua sau
ngần đấy năm thì mức độ tin tưởng của họ với chúng tôi rất tốt như câu
các cụ thường nói "mưa dầm thấm lâu”. Đến cuối năm 2005 chúng tôi đã
đưa đón chuyển gửi gần 200 bệnh nhân tại huyện đảo Vân Đồn lên Hà Nội
khám bệnh. Tại sao một nhu cầu lớn cần khám bệnh đông như vậy mà chưa
có một OPC nào ở đó cả? Cũng vì lý do như vậy tổ chức FHI đã thiết lập
một phòng khám ngoại trú tại Vân Đồn. Đến nay NCH ở Vân Đồn không còn
khăn gói quả mướp lên Hà Nội để khám bệnh nữa.
Chính vì những
hoạt động mà chúng tôi đã làm được thì không chỉ các phòng khám hay
bệnh viện mà đến cả những vị cấp cao như bà Phó chủ tịch nước Trương Mỹ
Hoa hay các bác ở Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội, Ban Tuyên Giáo
T.Ư, các Đại sứ quán và nhiều tổ chức nước ngoài khác… cũng đến nhóm
thăm hỏi và động viên chúng tôi trong cuộc sống cũng như trong công
việc.
Không quan trọng chuyện vì sao anh nhiễm mà quan trọng nhiễm rồi anh sống như thế nào
Thế
rồi mạng lưới VNMTS cứ nhân rộng ra đến tháng 4/2006 đã có 10 tỉnh và
1800 thành viên tham gia. Ở nhiều nơi có nhóm VNMTS chúng tôi đã thấy
xuất hiện các phòng khám ngoại trú. Như Thái Bình, Nam Định, Thái
Nguyên... Rất nhiều người quản lý tại các phòng khám cũng tò mò muốn
biết Vì ngày mai tươi sáng là gì, là ai, làm những gì mà sao nhiều
người nói đến thế ? Họ cũng sắp xếp thời gian đến tận văn phòng của
chúng tôi thăm và giao lưu cùng các bạn. Vì vậy nhóm chúng tôi cũng có
một số hoạt động chuyển gửi hai chiều. Bệnh nhân sẽ nhận được những
dịch vụ tốt nhất tại các phòng khám, nhận được những tư vấn thích hợp
nhất để sống tích cực từ các nhóm tự lực và quan trọng là sự hỗ trợ hai
chiều đã làm giảm chi phí y tế cho mỗi bệnh nhân, giảm gánh nặng cho
ngành y tế và cuộc sống trở lên tốt đẹp hơn trong mỗi con người. Cứ như
vậy hàng tuần chúng tôi thường qua lại các phòng khám để giới thiệu về
hoạt động của nhóm đồng thời để danh thiếp lại.
Vào những năm
gần đây, sự kỳ thị của NCH đã giảm đi rõ rệt. Nhiều bạn đã coi Vì ngày
mai tươi sáng như ngôi nhà thứ hai của họ. Nhiều các bạn ở tỉnh xa khi
ốm đau cần nhập viện hay khám tại viện tuyến trung ương vẫn mong chúng
tôi hướng dẫn cho thủ tục hợp lệ tránh những tình trạng vượt tuyến vừa
mất công lại mất sức. Nhiều bạn khi ốm đau nhưng giấy tờ chưa đầy đủ
thì các phòng khám yêu cầu nhóm chúng tôi đứng ra bảo lãnh còn thủ tục
thì hoàn thành sau. Có bạn gái ở tận Lào Cai – Yên Bái, chị tự một mình
nên gặp chúng tôi mong muốn chúng tôi giới thiệu phòng khám điều trị
ARV. Nhận thấy sự nhiệt tình của chúng tôi và biết được điều trị ARV
là miễn phí hoàn toàn chị gọi điện ngay về cho chồng động viên chồng đi
luôn vào buổi tối hôm đấy để sáng mai cho chồng tiếp cận lấy thuốc ARV
cùng chỗ chị. (Chồng cứ nghĩ uống thuốc phải mất nhiều tiền nên nhịn
cho vợ uống trước). Cũng có bác cựu chiến binh mang nạng đang công tác
trong tổ chức nhà nước tận Nghệ An do một lần trót dại đã mang căn bệnh
này cũng tìm đến chúng tôi nhờ chúng tôi hỗ trợ giúp đỡ chuyển gửi tiếp
cận ARV. Lại có cặp vợ chồng ở Việt Trì - Phú Thọ là dân trí thức cứ
khăng khăng là không biết tại sao nhiễm và không tiếp cận chương trình
ARV tại tỉnh mình. Chúng tôi nói "Không quan trọng chuyện vì sao anh
nhiễm mà quan trọng nhiễm rồi anh sống như thế nào. Như chúng tôi đây
sống vẫn có ích và có làm lây nhiễm cho ai đâu" . Tính đến nay nhóm Vì
ngày mai tươi sáng Hà Nội đã đưa đón chuyển gửi khoảng hơn 100 bệnh
nhân mỗi năm.
Trên đây là một số ví dụ cụ thể, còn rất nhiều,
rất nhiều các hoàn cảnh khác nhau mà chúng tôi đưa đón chuyển gửi trong
hơn 6 năm qua. Chúng tôi nhận thấy đây cũng là một công việc mà chúng
tôi đã hoàn thành tốt. Chúng tôi tự đặt cho mình một khẩu hiệu "Hỗ trợ
chăm sóc đưa đón chuyển gửi là trách nhiệm, niềm vui và hạnh phúc của
nhóm chúng tôi". Khẩu hiệu không chỉ là lời nói suông mà còn là tiêu
chí để chúng tôi luôn hướng tới.
Bùi Hoàng - Thùy Linh