ND - Những người thường xuyên tiếp xúc với các loại dịch bệnh nguy hiểm như Sars, cúm A(H5N1), A(H1N1), HIV/AIDS,... phần lớn là nhân viên y tế cho nên nguy cơ lây nhiễm bệnh khá cao. Vì vậy, việc nâng cao ý thức và bảo đảm an toàn lao động cho các nhân viên y tế là việc làm cần thiết.
Rủi ro từ kim tiêm
Nhân viên y tế, dù ở bất kỳ vị trí nào, từ buồng bệnh đến phòng tiêm, phòng mổ cũng như tại phòng xét nghiệm... đều có thể bị lây nhiễm bệnh. Nhưng trong đó, khu vực buồng bệnh là nơi dễ lây nhiễm bệnh nhất, vì công việc tiêm chích cho người bệnh là công việc hằng ngày và tai nạn là điều dễ xảy ra. Bác sĩ Phan Thị Diệu Hiền, Phó trưởng khoa nhiễm, Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương cho biết: Ðộng tác sai lầm khi đặt ống chích có kim sau khi lấy máu hoặc tiêm tĩnh mạch thất bại lên khay chích, lên giường người bệnh để chuẩn bị lấy lại lần hai là động tác có nguy cơ bị lây nhiễm cao nhất. Việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật khi thực hiện thao tác chăm sóc người bệnh giúp hạn chế thấp nhất các trường hợp lây nhiễm xảy ra. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp do không thực hiện đúng quy trình như: không mang găng tay, không mang kính bảo hộ khi chọc dò màng phổi, màng ối, đặt nội khí quản, phẫu thuật cấp cứu...Do đó, khi máu và dịch tiết của người bệnh bắn vào mắt nguy cơ bị lây nhiễm là không tránh khỏi.
 |
Nhân viên y tế dễ bị phơi nhiễm
khi chăm sóc người bệnh. |
Trong tám năm qua, Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương có 44 nhân viên y tế bị phơi nhiễm HIV/AIDS. Nguy cơ phơi nhiễm xảy ra nhiều nhất là công việc của điều dưỡng viên. Ðiều dưỡng viên luôn là người theo dõi người bệnh 24/24 giờ, phải làm các thao tác như tiêm tĩnh mạch, lấy máu xét nghiệm, truyền dịch... có nhiều khả năng bị kim đâm nhất. Lây nhiễm thường rơi vào những nhóm đối tượng có kinh nghiệm chưa cao, kỹ thuật chưa thuần thục. Chị Kiều Thị Thựng, điều dưỡng trưởng Khoa Nhiễm của Bệnh viện Trưng Vương tâm sự: Chăm sóc cho những người bị mắc bệnh truyền nhiễm rất khó khăn và vất vả. Ðặc biệt là đối với những người bị nhiễm HIV/AIDS họ hay có thái độ bất cần đời, thường giãy giụa khi các điều dưỡng làm nhiệm vụ cho nên nguy cơ kim tiêm đâm vào tay, máu bắn vào mặt là không tránh khỏi. Những người bị bệnh này thường bị xã hội xa lánh và kỳ thị nếu mình chăm sóc thật lòng thì họ sẽ hợp tác, còn ngược lại họ sẽ trở thành những người bệnh khó chịu bất hợp tác nên dễ xảy ra tai nạn.
Nâng cao ý thức phòng tránh
Tại Khoa Nhiễm của Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, hiện có 50 đến 60 người bệnh, mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có người bệnh bị nhiễm cúm A(H1N1). Chị Thu Thảo, nhân viên điều dưỡng của Khoa dẫn chúng tôi vào phòng thủ thuật, chị vừa nói và chỉ cho tôi cách mặc áo bảo hộ trước khi vào khu vực cách ly: Trước và sau khi vào khu vực cách ly, tất cả mọi người đều phải vào phòng này rửa tay, mặc áo, quần bảo hộ, đeo khẩu trang, đeo kính. Vì sống trong môi trường lúc nào cũng có khả năng lây bệnh, cho nên để phòng chống dịch bệnh và bảo đảm sức khỏe của mình các nhân viên y tế cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh lao động. Chính vì vậy, trải qua các đợt dịch nguy hiểm chưa có nhân viên y tế nào của khoa bị mắc cúm A(H1N1). Theo BS Phan Thị Diệu Hiền, hiện nay những trường hợp bị phơi nhiễm HIV/AIDS đã có phác đồ điều trị và các loại thuốc kháng vi-rút HIV/AIDS. Việc sơ cấp cứu ban đầu bằng những biện pháp đơn giản cũng có khả năng giảm nguy cơ vi-rút xâm nhập như: khi bị kim tiêm đâm vào da có thể rửa vết thương dưới vòi nước sạch, để máu chảy trong một thời gian ngắn, rửa kỹ vết thương bằng xà-phòng và nước sạch rồi sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn. Người bị phơi nhiễm HIV/AIDS nên uống thuốc điều trị sớm từ hai đến sáu giờ sau khi bị phơi nhiễm và không nên điều trị muộn sau 72 giờ.
Bác sĩ Bùi Trọng Hợp, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương cho biết: Những năm qua, bệnh viện luôn luôn có những khóa huấn luyện cho nhân viên y tế về kiến thức dự phòng phơi nhiễm, cũng như quy trình xử lý khi bị phơi nhiễm HIV/AIDS; nhất là ở những khoa có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, đối với những trường hợp bị phơi nhiễm do tai nạn nghề nghiệp, bệnh viện có hướng dẫn điều trị cụ thể và cũng có những chính sách ưu đãi để họ yên tâm điều trị và sớm trở lại với công việc.
ĐỨC CUNG và NHẤT PHƯỢNG