  Danh hiệu: Thành viên gắn bóNhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 09-03-2010(UTC) Bài viết: 1.216 Đến từ: Quảng Trị
Cảm ơn: 34 lần Được cảm ơn: 116 lần trong 86 bài viết
|
CAND.com
|
 |
Tiệm cầm đồ - nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ phạm tội. |
|
|
Thành phố Hà Nội hiện có hàng ngàn tiệm cầm đồ. Thoạt nhìn, người ta có thể ngộ nhận rằng đây là một hình thức tín dụng nhanh, tiện, rẻ. Nhưng qua một thời gian thâm nhập tìm hiểu, PV ANTG đã nhận thấy đằng sau nó ẩn chứa không ít những mối nguy cơ, đặc biệt và trước tiên là đối với giới trẻ.
Ra ngõ gặp... cầm đồ!
Để thâm nhập vào giới "kiếm ăn" trong lúc người ta thiếu thốn (là các chủ tiệm cầm đồ), tôi mượn một chiếc xe máy Trung Quốc biển ngoại tỉnh để đem đi... cắm. Điểm đầu tiên tôi nhắm đến là phố Bạch Mai - vốn nức tiếng là phố cầm đồ dành cho sinh viên các trường đại học Bách khoa, Kinh tế, Xây dựng...
Tấp vào cửa hiệu cầm đồ số 35... phố Bạch Mai, một thiếu niên người mảnh khảnh, tóc dài chấm gáy lao ra dắt chiếc xe vào thẳng trong nhà. Không chờ tôi mở lời, cậu chàng hỏi luôn: "Anh định lấy bao nhiêu?". "Bốn triệu được không chú em?". "Cho em xem đăng ký xe và chứng minh thư nhân dân". "Soi" một lúc, thanh niên này bấm máy gọi cho ai đó. Tôi nghe được loáng thoáng: "Xe Jupiter... có đăng ký... bốn triệu...".
Vài phút sau, một thanh niên to cao lực lưỡng đi giày khủng bố, áo "quân khu", xăm trổ đầy mình cưỡi SH từ đâu phi về. Vừa thoáng nhìn thấy xe của tôi, thanh niên này đã... chửi tục, rồi gay gắt: "Mắt anh mù à? Nhận xe này rồi bán cho... chó à...". Chửi xong một chập, thanh niên này quay xe biến mất dạng, để lại sự... chưng hửng cho tôi và cả cậu bé ngồi trông hàng.
Thu lại đăng ký xe và chứng minh thư nhân dân, tôi dắt con xe đi chào hàng ở... 5 tiệm cầm đồ khác. Thế nhưng, đều phải lủi thủi dắt ra vì không tiệm nào nhận.
Sáng hôm sau, tôi lại vác con xe tấp vào một tiệm cầm đồ gần ngõ chùa Liên Phái. Một chị trạc "băm mấy nhát" (hơn 30 tuổi) tóc phi-dê, xăm mắt xăm môi, mặc bộ quần áo ngủ đang che miệng ngáp: "Xe Trung Quốc à? Đưa xem đăng ký với chứng minh". Liếc qua, chị bảo: "5 "lít" nhá" (1 "lít" tương đương với 100 ngàn). "Chị cho em 1 "củ" (1 triệu đồng) được không? Em đang cần tiền để đóng học phí gấp" .
Chị này ném toẹt cái chứng minh nhân dân cùng giấy tờ xe xuống bàn: "Thằng nào đi cầm đồ chả kêu thiếu tiền? Một triệu chị mua xe anh về... làm giống à?". Rồi quay ra chửi đổng: "Mới sáng sớm đã gặp quân... hãm tài!". Tôi lại lủi thủi dắt xe ra, còn kịp trông thấy chị đang lúi húi lấy giấy tiền, vàng mã ra... đốt vía!
Đem xe vào Trường Bách khoa gửi, tôi đi bộ khảo sát dọc con phố Bạch Mai. Đúng là, "ra ngõ gặp cầm đồ". Chỉ tính từ ngõ chùa Liên Phái cho tới đoạn giao cắt với phố Đại La, tôi có thể đếm được tới 40 tiệm cầm đồ. Có những đoạn mà 3-4 nhà chung một số cùng mở tiệm cầm đồ. Nhìn vào trong, nhà nào nhà nấy case máy tính xếp dài san sát. Ngoài ra xe máy, xe đạp, màn hình máy tính, chưa kể những thứ... không nhìn thấy được như chứng minh thư, thẻ sinh viên, dây chuyền, nhẫn vàng v.v...
Có một điều khá "tiện lợi" cho giới sinh viên (hay chủ tiệm cầm đồ?) ở khu vực này là từ con phố máy tính Lê Thanh Nghị, chỉ cần qua một vài trăm mét trên phố Tạ Quang Bửu là sang tới Bạch Mai. Và điều khôi hài là hàng tuần, hàng tháng liên tục có sự luân chuyển case, màn hình LCD, laptop... từ Lê Thanh Nghị vào ký túc xá, phòng trọ của sinh viên rồi ra thẳng... Bạch Mai. Bình thường, mỗi thứ đồ đem cắm chủ nhân chỉ nhận được số tiền bằng khoảng 1/3 giá trị. Cụ thể như 1 chiếc case trị giá 6 triệu đồng đem cắm được tầm 2 triệu. Mỗi ngày phải trả lãi 3-5 ngàn đồng. Nếu để quá một tuần mà không gia hạn, vật ấy sẽ chính thức... "lên đường đi Tây Trúc".
Phố Lương Thế Vinh có thể coi là "thánh địa cầm đồ" của sinh viên các trường đại học: Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Hà Nội... Con phố chỉ dài mấy trăm mét mà cũng có tới hơn chục tiệm cầm đồ. Ở đây, người ta có thể cắm được đủ loại, từ chổi cùn rế rách cho tới hàng cao cấp. Ví dụ như thắt lưng, ví da được từ 50-100 ngàn đồng, xe đạp 100-150 ngàn. Xe máy, máy tính thì tùy loại. Đặc biệt, thẻ sinh viên, chứng minh thư, bằng tốt nghiệp... cũng có thể mang ra tiệm để "xoay” lấy một ít tiền. Những loại này chỉ được chừng 100-500 ngàn đồng.
Các tiệm cầm đồ khu vực Ao sen (cuối đường Nguyễn Trãi, gần Hà Đông) và khu vực Cổ Nhuế (phía nam cầu Thăng Long) lại đặc biệt khoái "món" thẻ học viên của các sinh viên. Mỗi chiếc có thể định giá từ 3-5 triệu đồng - đắt nhất trong các trường đại học. Tại khu vực huyện Từ Liêm, nơi tập trung khá nhiều trường đại học, cao đẳng như Đại học Mỏ - Địa chất, Học viện Tài Chính, Cao đẳng Tài nguyên - Môi trường..., các cửa hàng cầm đồ cũng mọc lên nhan nhản.
Cầm đồ - cầm cố cả tương lai
Phạm Văn T. - sinh viên năm cuối Trường đại học Bách khoa - là một trong những "khách hàng quen thuộc" của các tiệm cầm đồ trên phố Bạch Mai. T. rất thông minh, bạn bè học cùng từ thời phổ thông cho tới đại học đều phải công nhận như vậy, song lại học hành rất tài tử. Học được kỳ đầu năm thứ nhất, T. lĩnh xong học bổng liền "khao" đám bạn ở cửa hàng điện tử. Không ngờ, đó đã trở thành vết trượt khiến cậu chết chìm trong đó.
T. nghiện "đế chế", và tuần nào cũng phải đi "đọ tài" cùng các cao thủ trên mạng. Dần dà, T. cùng nhóm bạn lập hội đánh ăn tiền. Và thế là bao nhiêu thời gian, công sức T. dồn cho niềm đam mê bất tận là đế chế. Chơi có thắng, có thua, chỉ biết rằng tiền học phí bố mẹ cho, tiền ăn, tiêu hàng tháng bị T. ném hết vào trò chơi này. Đỉnh điểm, chiếc máy tính mà cậu coi như "tri kỷ" cũng bị ném vào cửa hiệu cầm đồ để lấy tiền đi thi đấu. Học hành chểnh mảng, T. đã bị nhà trường “mời” ở lại học tiếp để kiến thức cho thêm phần chắc chắn.
Tuy thế, "trình độ cầm đồ" của T. chỉ đáng "xách dép" cho Nguyễn Minh Đ., sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân. Là dân Hà Nội gốc, Đ. được cha mẹ tạo điều kiện sắm cho xe đẹp, điện thoại xịn... Thế nhưng sẵn có máu đỏ đen trong người, chỉ cần 1-2 trận bóng là "đi đứt" con xe. Còn con điện thoại cáu cạnh cũng được gửi tạm ở tiệm cầm đồ để rải lô, đề nhằm gỡ gạc.
Sau khi đám đồ của mình đã ra đi không hẹn ngày về, Đ. quay sang đồ của... bạn. Biết Đ. là công tử Hà thành, bạn bè cũng chả nghi ngờ gì mà không giao chìa khóa xe cho cậu ta. Một cái, hai cái, ba cái... cho đến cái thứ bảy thì Đ. mò về nhà nằm vật ra... ăn vạ. Mẹ Đ. xót con, mới hỏi nguyên do. Đ. vừa thẽ thọt với mẹ thì ông bố nghe được. Ông nổi giận lôi đình, cho Đ. thưởng thức tác phẩm "năm anh em đi tìm má" rồi đuổi thẳng cổ. Bà mẹ chờ cho chồng nguôi giận mới lén dẫn Đ. đi chuộc đủ 7 chiếc xe về cho con rồi bắt Đ. viết "bản kiểm điểm", "hứa sẽ cải tạo tốt".
Sau một tuần tỏ ra ngoan ngoãn, một ngày nọ bà mẹ không thấy Đ. về nhà ăn cơm. Gọi điện thoại cho các bạn cũng không thấy cậu quý tử đâu. Đang định đi báo công an thì Đ. gọi điện về khóc mếu: "Con đang ở trong... Đồng Nai. Con trót cắm xe của bạn, bọn nó siết nợ ghê quá...". Bà mẹ hoảng hồn: "Con cắm ở đâu? Làm gì đến nỗi phải trốn vào tận trong đó hả con ơi?". Lúc bấy giờ Đ. mới "lật bài ngửa": "Con cắm chiếc... Honda Civic của bạn cơ ạ"... Cuối cùng thì xe cũng về với chủ, Đ. cũng trở lại Hà Nội. Thế nhưng từ đó, Đ. được... nghỉ học hẳn. Suốt ngày ở nhà dưới sự quản thúc của mama.
|
Những hậu quả mà Phạm Văn T., Nguyễn Minh Đ. gây ra sau một thời gian làm bạn với các tiệm cầm đồ như trên mới chỉ dừng lại ở phạm vi ảnh hưởng với bản thân và gia đình. Theo một điều tra viên cao cấp của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội thì năm nào đơn vị này cũng phải thụ lý những vụ mà học sinh, sinh viên trộm cắp, thậm chí cướp giật đồ rồi mang đi cắm để lấy tiền ăn chơi. Điển hình là vụ đối tượng Lê Anh Tạo, sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ kỹ thuật Thái Nguyên đã dùng dao cướp xe ôm vào đầu năm ngoái.
Đêm 4/2/2009, tại khu vực bãi An Dương, quận Tây Hồ xảy ra vụ giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân là anh Lê Văn Duy trú tại thôn Lương Nỗ (Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội). Anh làm nghề "xe ôm", đã bị một nam thanh niên điều đến khu vực phía trong bãi An Dương, dùng dao nhọn đe dọa và dùng dây điện, vật cứng tấn công vào đầu, cổ làm anh bị ngất, để cướp chiếc xe máy Honda Wave và 1 chiếc điện thoại di động Nokia.
Lực lượng chức năng đã ngay lập tức tổ chức điều tra, truy bắt đối tượng gây án. Người bị hại cho biết, 22h đêm 4/2, anh Duy điều khiển chiếc xe Honda Wave, màu xanh, BKS: 29T2-9024, đứng chờ khách ở Quốc lộ 3, gần ga Đông Anh. Lát sau một nam thanh niên dáng người nhỏ con, mái tóc dài phủ sau gáy, mặc áo bludong màu tối, quần bò màu xanh, chân đi giày thể thao có hoa văn màu trắng đến thuê 1 cuốc xe. Sau khi thỏa thuận giá cả, người thanh niên leo lên xe ngồi rồi "điều" lái xe chạy lòng vòng khắp nơi. Cuối cùng đối tượng này đòi vào nhà bạn ở khu An Dương.
Đến một đoạn đường lầy lội và vắng vẻ, vị khách bất ngờ rút trong người ra 1 con dao bấm, loại dao nhọn, vung lên dọa anh Duy. Thấy vậy, anh Duy gạt chân chống xe máy, định nhảy khỏi xe đã bị đối tượng dùng sợi dây điện thít cổ. Tuy nhiên, anh Duy đã vùng vẫy thoát được sự khống chế bằng dây điện của đối phương, nhưng lại bị hắn dùng gạch tấn công. Sau đó, anh Duy bị đối tượng dùng vật cứng đập liên tiếp vào đầu làm vỡ mũ bảo hiểm và ngất đi...
Căn cứ vào lời khai của người bị hại, lực lượng Chống tội phạm cướp - cướp giật tài sản (Đội 8), Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Tây Hồ đã tổ chức rà soát tất cả các hiệu cầm đồ, cửa hàng sửa chữa điện thoại trên địa bàn thành phố để truy tìm tang vật vụ cướp. Song song với việc đó, lực lượng phá án đã gửi thông báo truy tìm tang vật vụ cướp và thông báo đặc điểm đối tượng nghi vấn tới Công an các quận, huyện để cùng phối hợp phát hiện, truy bắt hung thủ.
 |
Nhóm sinh viên Đạt "ma", Đạt "chuột", Thắng và Triển chuyên đi cướp giật, gửi ở tiệm cầm đồ để lấy tiền uống cà phê! |
Trong quá trình điều tra, lực lượng phá án đã phát hiện chiếc điện thoại di động tang vật vụ cướp đang nằm tại một hiệu cầm đồ ở phố Đặng Dung, quận Ba Đình. Theo người chủ cửa hàng, có một nam thanh niên đã tới đây đặt chiếc điện thoại. Qua mô tả nhận dạng người thanh niên này, Cơ quan Công an thấy hoàn toàn trùng khớp với đối tượng đã gây ra vụ giết, cướp trên.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan điều tra đã nhanh chóng tìm ra thủ phạm là Lê Anh Tạo, sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ kỹ thuật Thái Nguyên. Tại Cơ quan điều tra, Tạo khai nhận: Gia đình y sống ở Khu 3, xã Liên Phương (Hạ Hòa, Phú Thọ). Là con một trong gia đình bố mẹ làm nghề nông, sau khi tốt nghiệp THPT năm 2008, Tạo được gia đình cho lên nhà bác ở tổ 14, thị trấn Đông Anh ở để theo học Trường cao đẳng Công nghệ kỹ thuật. Tuy nhiên, Tạo đã phụ công nuôi dạy của bố mẹ, ham chơi bời và thường xuyên vào các quán Internet để chát tìm bạn và chơi game thâu đêm suốt sáng. "Mục đích đi cướp tài sản để có tiền chơi điện tử và chát trên mạng Internet".
Gần đây nhất, ngày 1/4/2010 tổ công tác của Đội 8, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội, phát hiện hai thanh niên giật đồ của một phụ nữ. Cuộc rượt đuổi kéo dài tới vài kilômét, tổ công tác mới tóm được hai tên cướp táo tợn. Tại Cơ quan điều tra, chúng khai tên là Khúc Thành Đạt, tức Đạt "ma" trú tại quận Thanh Xuân và Trần Xuân Đạt, tức Đạt "chuột".
Chúng khai nhận, từ tháng 8/2009 đến nay, cả hai cùng với Trần Ngọc Thắng (trú tại quận Thanh Xuân) và Nguyễn Mạnh Triển (trú tại quận Đống Đa) đã gây ra 15 vụ cướp giật trên các tuyến phố. Thời gian hoạt động của bọn chúng thường từ 19 đến 21h, nạn nhân đa phần là phụ nữ, những người đi bộ, xe đạp hoặc chạy xe máy một mình. Những món đồ cướp được, chúng đem “gửi” hết tại các tiệm cầm đồ để lấy tiền đi... uống cà phê! Điều đáng buồn là 3 trong số 4 thanh niên này là sinh viên của một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội.
Với hành vi trên, các đối tượng chắc chắn sẽ được “mời” đi "bóc lịch", ít nhất là vài ba năm. Một tương lai mịt mờ đang chờ đón chúng...
Nếu như Lương Thế Vinh, Bạch Mai được coi là phố cầm đồ cho "dân nhà quê" thì phố Đặng Dung, Phùng Hưng... lại được biết đến là nơi chỉ dành cho dân chơi, người lắm tiền. | Em, Hướng Dương bị ánh sáng bỏ bùa Người chăm chút vào em tìm sự thật Những ánh nhìn dịu dàng và trong vắt Xoay tròn theo từng sợi sắc mặt trời Giữ vững quyết tâm phòng, chống Ma túy! Giữ vững quyết tâm ngăn chặn AIDS! Vì sự bình yên của gia đình và cộng đồng, toàn dân hãy tích cực tố giác tội phạm! |
 1 người cảm ơn Tình_ca cho bài viết.
|
|
|
|
|
  Danh hiệu: Thành viên gắn bóNhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 09-03-2010(UTC) Bài viết: 1.216 Đến từ: Quảng Trị
Cảm ơn: 34 lần Được cảm ơn: 116 lần trong 86 bài viết
|
|
 |
Bị cáo Phạm Thế Huy. |
|
|
Nhiều chiêu lách luật, quản lý lỏng lẻo đã khiến cho không chỉ những khách hàng của tiệm cầm đồ mà ngay cả chủ tiệm cũng phải nếm "trái đắng". Dường như, mảnh đất màu mỡ cho tội phạm hiện vẫn đang bị "bỏ ngỏ"?
Phố cầm đồ cho “dân chơi”
Đặng Dung - con phố mà mới chỉ nhắc tên đã khiến rất nhiều người dân Hà Nội nghĩ ngay tới "mặt hàng" chủ lực của nó, đó là những tiệm chuyên cầm đồ "xịn" với giá cả khá hữu nghị. Tuy vị thế của nó đã ít nhiều bị suy chuyển, song hiện tại nó vẫn đang là địa chỉ tin cậy của những ai cần vay nóng.
Một đêm tháng 4, chúng tôi có mặt tại con phố được mệnh danh là đệ nhất Hà thành về khoản cầm đồ. So với vài năm trước đây, con phố này đã có chút đổi khác. Vẫn là những tiệm cầm đồ san sát, đèn đuốc sáng choang, nhưng đã có một quán cà phê và một nhà hàng khá sang trọng mọc lên giữa tuyến phố.
Tân - một chủ tiệm cầm đồ vừa mới nhượng lại cửa hàng cho một đại gia khác để chuẩn bị mở quán cà phê - kể: Cách đây hơn chục năm, có thể gọi Đặng Dung là... con phố chết. Nằm kẹp giữa hai tuyến đường một chiều là Phan Đình Phùng và Quán Thánh, con phố này sẽ vẫn mãi êm đềm, vắng lặng nếu như không có ngày, một nữ đại gia phố cổ tên Hiền ôm cả tỉ đồng đến... mở tiệm.
Nguyên tắc của các tiệm cầm đồ ở đây là cầm cao, sát giá, lãi suất thấp, bảo quản đồ tốt. Năm 1997 - 1998, Hà Nội đua xe ''rộ'' nhiều ''đội đua'' tìm đến đây cầm xe vì giá cầm cao ngất ngưởng: một con ''rim chiến'' (Dream II Thái Lan) cầm được 20 triệu đồng. Khách có thể yên tâm ''gửi'' vào kho mà không lo mất một con ốc, đừng nói chuyện đổi đồ. Với khách lạ, các hiệu cầm đồ ở Đặng Dung cho cầm quá thời hạn 5-15 ngày; khách quen cho cầm... 1 năm, thích thì lên trả lãi theo tuần, theo tháng.
Vào khoảng 22h, tôi và Tân đang ngồi nhấm nháp chén trà nóng tại vỉa hè thì gặp một đội hình "ca sĩ" từ đâu "bay" đến. Ba cô gái trẻ, cô nào cô nấy áo hai dây trễ ngực, quần đùi ngắn tới chỗ không thể ngắn được nữa, đỗ xịch trước một tiệm cầm đồ. Một cô đứng ngoài trông xe, còn hai cô đi thẳng vào trong nhà.
"Bọn này chắc là thắng lô đến để "nhổ" đồ về đây mà"- Tân ghé tai tôi nói nhỏ. Lát sau, mấy cô gái đi ra mỗi cô cầm trên tay một chiếc điện thoại di động bấm loách choách. Theo lời Tân, dù được mệnh danh là phố cầm đồ cho nhà giàu, song khách hàng chính của phố lại là các "cầu thủ" (dân cá độ bóng đá) và đám "hàng họ" (gái bán dâm, gái đú).
Cứ tầm khoảng 5, 6 giờ chiều các cầu thủ lại đem xe cộ, điện thoại... ra cầm để lấy tiền úp đề, rải lô và bắt bóng. Với mức giá 2.000 đồng/ngày cho món hàng dưới 1 triệu đồng và 3.000 đồng/ngày cho món trên 1 triệu đồng, có thể nói bước giá như vậy là "ngon" nhất Hà Nội rồi. Đám hàng họ sau giờ sát phạt cũng cần ít tiền để rải con lô dăm ba chục điểm nhằm gỡ gạc.
Ở Đặng Dung có cặp “vợ chồng” điển hình của mô-tip chồng cầu thủ - vợ ca sĩ hiện đang khá nổi trong giới "sao Việt". Thanh Tuấn sau vài chuyến đi buôn bán xuôi ngược kiếm được tí vốn liền về lại thủ đô làm ăn. Cờ bạc đãi tay mới, Tuấn ăn một lúc bảy trận cả Ngoại hạng Anh, Series A của Italia và Champious League... Thế nhưng sau đó liền tù tì ba tuần, không hôm nào Tuấn thắng nổi một trận cho nên vốn liếng cũng... lặn luôn. Cũng qua bóng bánh mà Tuấn quen được Lan - một "ca sĩ" quán nhậu mà nghề chính là... buôn bán vốn tự có.
Chiều nào người ta cũng thấy cặp “vợ chồng” cưỡi SH mò lên Đặng Dung. Thường là cắm đồ để lấy tiền "quay vòng vốn". Cũng có khi gặp may, cả hai lại tự thưởng cho mỗi người một chiếc điện thoại di động vào loại "cáu cạnh".
Nhắc tới điện thoại di động, Tân kể tiếp. Thực ra, người ta cứ hay quan niệm điện thoại trên Đặng Dung là "hàng xịn", là đồ thanh lý từ các tiệm cầm đồ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, điện thoại Trung Quốc ồ ạt tràn về, và không ít những ông bà chủ ở Đặng Dung nhập hàng, lợi dụng danh nghĩa hàng "cắm" để bán với giá cao.
Cũng chính vì lý do này, thương hiệu Đặng Dung đã ít nhiều bị phai nhạt. Bây giờ, đám dân chơi bắt đầu... chuyển dịch ra một số khu vực khác. Đó là khu Phùng Hưng, Láng, một số tiệm nhỏ lẻ ở Phó Đức Chính, Phạm Hồng Thái...
Sẽ là thiếu sót nếu nhắc tới những phố cầm đồ mà không đề cập tới các "họ nhà gia" (đại gia) của làng cầm đồ Hà thành. Có thể nói, họ mới là người chủ thực sự, đứng phía sau "sân khấu" để điều hành thị trường cầm đồ.
 |
Công an quận Ba Đình kiểm tra định kỳ các tiệm cầm đồ trên địa bàn. |
Đại gia H. "liều" là chủ một dãy tiệm cầm đồ liên hoàn trên phố Đặng Dung. Khởi nghiệp từ một tiệm nhỏ tí xíu có 5-6m2 với số vốn vài ba trăm triệu, sau vài năm số tài sản của H. “liều” đã tăng gấp hàng chục lần. Và công việc hiện tại của H. "liều" bây giờ không phải là đứng quầy ghi sổ sách nữa. H. "liều" giao toàn bộ quyền điều hành cho một người khác, còn H. "liều" chỉ việc đi ăn, uống và... quan hệ. Rất ra dáng doanh nhân!
Những dạng như H. "liều" ở đất Hà thành này có cả trăm. Song nhắc tới T. "mo" thì những ai trong giới cầm đồ hầu như đều phải ngả nón. Không ai biết chính xác, song số vốn của của T. "mo" không dưới vài trăm tỉ đồng. Một dãy cửa hiệu cầm đồ trên phố Phùng Hưng, Láng Thượng... đều là do T. "mo" mở ra.
Một đàn em của T. "mo" tiết lộ, nghề gì cũng có cái mánh của nó. Trong nghề cầm đồ thì nhiều khi các chủ tiệm thích đồ... vô chủ hơn. Bởi vì thứ nhất, đồ này sẽ "dìm" được giá, và khả năng chủ quay lại "nhổ" là không cao. Do đó sẽ bán được giá hời. Ví dụ một chiếc xe SH vô chủ, cắm chỉ được tầm 9-10 triệu đồng. Tới khi phát mại tài sản thì bỏ rẻ các chủ tiệm cũng bán được 20-30 triệu. Và dĩ nhiên, những đồ vô chủ này sẽ không bao giờ được ghi vào sổ sách mà được lưu trong một "sổ chìm" khác. Đây chính là một nguy cơ lớn về việc tiếp tay cho các hành động phạm tội như trộm cắp, cướp giật...
Một "món" ưa thích của các chủ tiệm cầm đồ là giấy tờ nhà đất. Thường những ai đi cắm nhà, nhất là đoạn trên quận Ba Đình, Hoàn Kiếm... thì phải cần số tiền hàng tỉ đồng. Và với lãi suất 2.000-3.000đồng/triệu/ngày thì đây mới thực sự ra tấm ra món. Nhưng để được cho vay, thì người vay sẽ phải ra công chứng, viết giấy bán nhà cho chủ tiệm cầm đồ. Sau đó, người vay sẽ phải viết tiếp một giấy vay nợ, cam đoan sẽ trả đủ trong x (ngày), nếu không căn nhà đó sẽ có chủ mới.
Lắm lúc một chủ tiệm cầm đồ không kham nổi vì số tiền cho vay lên tới vài tỉ đồng thì sẽ phải liên kết với các chủ tiệm khác, đồng thời "cắt phế" khoảng 30% lãi suất.
|
Những "trái đắng"
Song song với sự tồn tại của các tiệm cầm đồ luôn tiềm ẩn những nguy cơ về tội phạm như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Chị Nguyễn Thị Thanh - một chủ tiệm cầm đồ ở phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) chắc chưa quên được "thằng em kết nghĩa" tên Phạm Thế Huy của mình. Với bộ dạng một công tử đại gia, con của một vị phó chủ tịch tỉnh, Huy đã làm thân với chị Thanh để thuê nhiều xe ôtô rồi đem đi "cắm" lấy tiền nướng sạch vào đỏ đen.
Ban đầu, mỗi lần thuê xe ôtô của chị Thanh, Huy đều thanh toán tiền thuê xe đầy đủ và đúng hẹn nên đã lấy được lòng tin. Sau đó, Huy nảy ý định thuê xe rồi đi đặt lấy tiền đánh bạc. Với thủ đoạn sau khi thuê được ôtô, Huy làm giả tờ đăng ký xe và giấy tờ mua bán ôtô rồi lấy tên khác là Nguyễn Thái Huy. Chỉ đến khi chờ dài cổ vẫn không thấy tài sản của mình đâu, họ mới biết đã bị Huy cho ăn "bánh vẽ".
Tháng 8-2008, Huy gặp chị Thanh hỏi thuê xe ôtô tự lái. Chị Thanh đã cho Huy thuê chiếc xe ôtô Ford Everest BKS 30M-6408 trị giá 530 triệu đồng. Khi thuê, Huy để lại sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và 10 triệu đồng, hợp đồng thuê xe một tháng với số tiền thuê là 25 triệu đồng.
Chị Thanh đã giao xe ôtô cho Huy cùng toàn bộ giấy tờ (bản sao đăng ký xe). Nhận xe xong, Huy đã làm giả đăng ký xe ôtô rồi mang chiếc xe đến đặt cho anh Nguyễn Hồng và Trần Trung Thành để vay 440 triệu đồng trong thời gian một tháng với lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày. Sau khi lấy được tiền, Huy cho anh Sơn 4 triệu đồng tiền công môi giới. Toàn bộ số tiền còn lại, Huy cờ bạc hết. Đến khi vụ việc vỡ lở, các bị hại chỉ biết kêu trời.
Trong vòng 4 tháng cuối năm 2008, Huy đã gây ra 5 vụ lừa đảo xe ôtô của chị Nguyễn Thị Thanh. Tổng số tiền lừa đảo chiếm đoạt 5 chiếc ôtô là 2,425 tỉ đồng. Ngoài ra, Huy còn làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa đảo, chiếm đoạt của chị Đỗ Thị Thu Hương số tiền là 1,15 tỉ đồng. Như vậy, toàn bộ số tiền Huy lừa đảo có trị giá là 3,575 tỉ đồng.
 |
Phố cầm đồ Đặng Dung. |
Cũng liên quan tới chuyện lừa đảo trong lĩnh vực cầm cố, nhiều chủ tiệm cầm đồ trên địa bàn quận Ba Đình đang... khóc dở mếu dở vì bị mượn hàng tỉ đồng mà không biết bao giờ thu hồi vốn được. T.Đ.K. là một chủ tiệm cầm đồ trên phố Phạm Hồng Thái, không biết do làm ăn thua lỗ thế nào mà phải vác cả giấy tờ nhà đi... cắm. Biết K. là người trong nghề nên nhiều chủ tiệm đồng ý cho K. vay đến vài tỉ đồng với vật thế chấp là giấy tờ nhà. Một thời gian sau, K. lại đến năn nỉ các chủ tiệm này cho mượn lại sổ đỏ rồi mang ra ngân hàng vay, để lấy tiền trả cho họ. Lúc đầu không ai nghe. Nhưng sau K. "văn" giỏi quá, lại nóng ruột muốn nhận lại tiền nên họ đã trả lại K. giấy tờ nhà đất. Nhưng khi đã vay được tiền của ngân hàng rồi, K. vẫn không trả cho ai một xu.
Các chủ tiệm "cay" K. lắm, nhưng không ai dám làm lớn chuyện. Bởi nếu lôi nhau ra tòa thì khả năng số tiền cho K. vay sẽ đành phải... để gió cuốn đi.
Quản lý được không?
Đại úy Trần Minh Hải, Phó trưởng Công an phường Trúc Bạch cho chúng tôi biết, trên địa bàn phường hiện có 19 cửa hiệu kinh doanh cầm đồ, có hồ sơ giấy phép kinh doanh. Công an phường đã lập hồ sơ quản lý theo đúng Nghị định 72 của Chính phủ. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, tổ chức ký cam kết định kỳ các tiệm cầm đồ luôn được quan tâm. Thông báo tang vật trong các vụ án cũng luôn được thông báo, rà soát tại các cửa hàng cầm đồ trên địa bàn phường.
Còn Trung tá Nguyễn Mạnh Long, Phó trưởng Công an phường Quán Thánh khẳng định, hoạt động cầm đồ trên địa bàn phường đang giảm mạnh và có xu hướng chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Cách đây khoảng 8 năm, phường có 23 tiệm kinh doanh cầm đồ thì nay chỉ còn 15. Bên cạnh đó có tới 36 cửa hiệu kinh doanh điện thoại di động. Trong năm 2009, nhờ sự cảnh giác của chủ tiệm cầm đồ mà Công an phường đã phát hiện, bắt giữ một đối tượng cướp giật trên đường Láng, mang về đây tiêu thụ.
Tuy nhiên, theo số liệu của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội thì khá nhiều tang vật của các vụ án như trộm cắp, cướp giật, chiếm đoạt tài sản, công nhiên chiếm đoạt được tìm thấy tại... các tiệm cầm đồ. "Lực lượng công an tuy đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, song vẫn không xuể" - một cán bộ trong lực lượng tâm sự thẳng thắn với tôi như vậy.
Nếu xét trên khía cạnh quản lý nhà nước, thì việc cấp phép cho các tiệm cầm đồ hiện có vẻ dễ dãi. Nếu cá nhân (doanh nghiệp) muốn kinh doanh loại hình này chỉ cần lên Phòng Kinh tế quận, huyện hoặc Sở Kế hoạch - Đầu tư làm giấy phép đăng ký kinh doanh. Tiếp đó lên công an cấp quận, huyện để làm thủ tục bảo đảm phòng cháy chữa cháy, ký cam kết bảo vệ an ninh trật tự. Vậy là có thể... ngồi mát ăn bát vàng được rồi.
Tuy nhiên, lỗ hổng ở đây là cơ quan cấp phép không thẩm định được số vốn thực có của hộ kinh doanh cá thể hoặc công ty TNHH. Họ có thể khai bao nhiêu tùy thích. Bên cạnh đó, từ một giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh này, có thể thành lập được nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ khác, dựa trên cơ sở hoạt động dưới sự kiểm soát của công ty "mẹ". Tình trạng chủ tiệm cầm đồ "đi đêm" với khách hàng để tiêu thụ hàng cấm cũng không ai kiểm soát được.
Có lẽ đã đến lúc các cơ quan quản lý phải có những biện pháp mạnh tay hơn, siết chặt việc kinh doanh cầm đồ mới mong giảm thiểu mối nguy cơ này.
Minh Tiến. | Em, Hướng Dương bị ánh sáng bỏ bùa Người chăm chút vào em tìm sự thật Những ánh nhìn dịu dàng và trong vắt Xoay tròn theo từng sợi sắc mặt trời Giữ vững quyết tâm phòng, chống Ma túy! Giữ vững quyết tâm ngăn chặn AIDS! Vì sự bình yên của gia đình và cộng đồng, toàn dân hãy tích cực tố giác tội phạm! |
 1 người cảm ơn Tình_ca cho bài viết.
|
|
|
  Danh hiệu: Thành viên danh dựMedals:  Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 25-06-2007(UTC) Bài viết: 6.076  Đến từ: Tp. Hồ Chí Minh Thanks: 175 times Được cảm ơn: 407 lần trong 310 bài viết
|
Mùa
World Cup: Cầm đồ hút khách, “thầu bóng” né luật
|
CAND online - Mới hơn 9h sáng nhưng các cửa hàng cầm đồ phố Đặng Dung đã ken đặc khách. Một thanh niên choai choai cưỡi SH ghé vào một cửa hàng: "Cầm cho anh cái này, 10 triệu…". Nhanh như cắt, cô nhân viên phục vụ cầm bút ghi biên lai. Theo bật mí của cô nhân viên này, từ 7h đến thời điểm hiện tại, cửa hàng cô
đã tiếp hơn chục khách hàng.
Như đã dự liệu, cùng với những cuộc tranh tài trên sân cỏ World Cup 2010, vấn nạn cá độ bóng đá lại tái xuất. Cường độ, khoản tiền cá cược theo đó cũng gia tăng đáng kể. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng vào cuộc và dân cá độ cần dừng lại, đừng để xảy ra hệ lụy đau
lòng…
Cái giá phải trả cho những cuộc chơi "không bến"
Khác với thời điểm trước đây, những ngày qua, nhất là sau ngày 11/6, lúc mà vòng chung kết World Cup 2010 bắt đầu khởi tranh, lượng khách lui tới các cửa hàng cầm đồ, cầm cố tài sản tọa lạc trên nhiều trục đường, tuyến phố nằm trong khu vực nội đô Hà Nội gia tăng một cách đáng kể. Nguyên nhân của tình trạng này có phần do nạn cá độ bóng
đá World Cup gây ra.
Để kiểm định thực tế, sáng 14/6, chúng tôi có mặt tại phố Đặng Dung (quận Ba Đình - Hà Nội) - nơi được giới dân chơi "thế giới ngầm" áp cho cái tên "phố cầm đồ". Mới hơn 9h sáng nhưng các cửa hàng
cầm đồ nơi đây đã ken đặc khách lui tới cầm cố tài sản đủ các loại.
Ghé vào một cửa hàng nằm đầu tuyến phố, chưa kịp hỏi han chủ hiệu, chúng tôi đã bị một thanh niên choai choai cưỡi SH chen ngang: "Cầm cho anh cái dây này, 10 triệu…". Nhanh như cắt, cô nhân viên phục vụ cầm cây bút ghi biên lai. Khoản tiền cầm đồ nhanh chóng được chuyển tới tay khách. Theo bật mí của cô nhân viên này, từ 7h đến thời
điểm hiện tại, cửa hàng của cô đã tiếp hơn chục khách hàng.
Nán lại nơi đây ít phút, chúng tôi nhận thấy, việc nhiều khách lui tới các cửa hàng cầm đồ, nguyên nhân không gì khác là việc Đội tuyển Đức thắng với Đội tuyển Australia 4-0 rạng sáng ngày 14/6. Một kết quả khiến cho dân mê độ "sửu" - cách gọi của dân chơi dùng cho việc chọn kết quả thấp hơn 3-0 (tổng tỷ số của 2 đội) bị thua
độ.
 |
Giao diện một trang web cá độ bóng đá trên
mạng hiện nay. |
Không chỉ phố Đặng Dung, các hiệu cầm đồ tại đường Láng (quận Đống Đa) vào những ngày này cũng rơi vào tình trạng "quá tải" khách hàng lui tới để cầm cố tài sản. Theo Công an phường Láng Thượng (quận Đống Đa), tính đến thời điểm hiện tại, tuyến đường Láng thuộc địa bàn phường quản lý có hơn 60 cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Số lượng khách hàng lui tới nơi đây trong mấy ngày qua gia tăng đáng kể.
Khảo sát tại những điểm kinh doanh cầm đồ này, chúng tôi nhận thấy một điểm chung là, số khách này đều trong diện "thua độ" bóng đá mấy ngày qua. Số tài sản đem đến cầm cố đủ loại từ máy tính, dây
chuyền… cho đến xe máy, ôtô. Thậm chí còn có cả "sổ đỏ".
Theo Nam - nhân viên quản lý tại một cửa hàng kinh doanh cầm đồ trên trục đường này cho biết: Mấy ngày vừa qua, do các đội "cửa trên" thua nên dân độ đã dạt về cửa hàng để cầm cố tài sản, thanh toán cho các "thầu bóng". Giờ mở cửa của các cửa hàng theo đó cũng thay đổi, mở cửa sớm hơn, bắt đầu từ 7-8h, thay vì 9-11h trước đây. Mục đích
không gì khác ngoài việc đáp ứng nhu cầu của khách đang "khát tiền"(!).
Những thủ thuật của "thầu bóng"
Về "thầu bóng" - dân điều hành các đường dây cá độ bóng đá thông qua mạng Internet liên tỉnh, Báo CAND đã không ít lần phản ánh, "mổ xẻ" các vấn đề có liên quan. Tuy nhiên, như một quy luật, nắm được tâm lý thích cá cược của một bộ phận không nhỏ người dân, mấy ngày qua, khi World Cup 2010 khởi tranh, các "thầu bóng" đã xuất nhiều chiêu
thức mới, nhằm hút dân độ cũng như đối phó với các cơ quan chức năng.
Tiếp xúc với một "master" - mạng tổng nắm giữ password, tài khoản của đường dây cá độ có quy mô lớn cả về lượng dân độ cũng như số tiền đặt cược, có tên H. “đen" trú tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), chúng tôi được biết, ngay từ thời điểm khi các trận đấu World Cup 2010 chưa khởi tranh, các "nhà cái" đã dắt mối, vươn "vòi" cá độ tới tận các vùng ngoại thành Hà Nội như: huyện Phúc Thọ, Đan Phương, Chương Mỹ v.v… Số tiền "com" - khoản tiền hoa hồng trả cho nhân viên giao dịch
theo đó cũng được các "nhà cái" chi trả nhiều hơn so với bình thường.
 |
Tang vật một vụ cá độ bóng đá bị lực lượng Công an triệt xóa.
|
Đáng chú ý, theo H. “đen" cũng như nhiều "master" tổng cầm đầu trong các đường dây cá độ bóng đá quy mô hiện nay, để đối phó với các cơ quan chức năng, thay vì thanh toán tiền hàng ngày, "nhà cái" thường quy gộp số tiền chung độ, thanh toán theo thể thức một tuần, một lần. Chỉ có những "mạng nhỏ", mạng có số tiền chung độ không đáng
kể thì mới thanh toán theo ngày, vào 17h chiều hôm sau.
Cũng liên quan đến vấn đề này, PV Báo CAND sau khi thâm nhập thực tế, tiếp xúc với một số "thầu bóng" ở Hà Nội như H. “đen", Q. “bò", D. “tàu", T. “trắng"… đã nhận ra một điều: Tại World Cup 2010 năm nay, dân độ, ham mê cá độ bóng đá, nếu không muốn mất tiền "phế"- khoản tiền chênh lệnh sau mỗi trận đấu, thì có thể đem khoản
tiền đặt trước tương ứng để nhận mạng về.
Thông thường "mạng con" có số tiền cược tương đương là 20 triệu đồng trở lên, còn "mạng lớn" thì từ 100 triệu đồng, thậm chí còn đạt ngưỡng 1 tỷ đồng. Đặc biệt, số tiền "đô" ảo trên mạng cá cược mà các "master" đưa ra cho các "phân nhánh" của mình chỉ là 12-17USD ứng với 1 "đô" ảo. Thế nhưng, từ các mạng phân nhánh này sẽ áp cho khách hàng là 50USD với 1 "đô" ảo. Điều này kéo theo việc lợi nhuận cũng như
rủi ro đi kèm sẽ cao.
Bên cạnh đó, quái chiêu để né luật, né các cơ quan chức năng của các "nhà cái" hiện nay trong quá trình nhận tiền, chung độ chính là việc "sắm" thêm đội ngũ xe ôm, chuyên đảm nhận nhiệm vụ nhận và chuyển tiền tới khách hàng. Khi có lực lượng chức năng "hỏi thăm", số
đối tượng này sẽ "vờ như không biết gì hết"…
Cầm đồ, thua độ và… phạm tội. Vòng luẩn quẩn đã từng được cảnh báo và thực tế đã diễn ra. Ngày 12/6, Công an TP HCM đã bắt
được hai đối tượng cướp giật tài sản vì… thua cá độ bóng đá.
Trước thực tế hiện nay, bên cạnh việc các cơ quan chức năng cần ráo riết tiến hành công tác kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm liên quan đến vấn nạn cá độ bóng đá, những người đã và đang bị "cơn bão" cá độ bóng đá lôi cuốn cần dừng lại để
tránh mất tiền, dẫn đến phải cầm đồ và nhiều hệ lụy khác
|
Tuấn Thọ |
| - Kiến thức cơ bản về HIV/AIDS là một trong những hành trang bạn cần đem theo, trong cuộc đời mình. - Với tình dục hãy sử dụng bao cao su đúng cách, đúng mục đích để phòng tránh nhiều hệ lụy. Trong số đó có những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. - Sử dụng ma túy không chỉ hủy hoại riêng bản thân mà là cả gia đình và xã hội của bạn. - Biết dừng đúng lúc trong mọi cuộc chơi, biết tạo cho mình thói quen sống lành mạnh, bạn thực sự là người chiến thắng. |
 1 người cảm ơn na74 cho bài viết.
|
|
|
Di chuyển
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.
|