Sau một đêm ngủ dậy...
Giữa trưa nắng gắt ngày 30/8, gần 200
công nhân của Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội và hàng trăm người dân
phường Dương Nội, quận Hà Đông vẫn đang mải miết lầy lội dưới đống bùn
nhão tanh khẳn.
Một nữ công nhân chừng 40-45 tuổi bỗng
ngất xỉu được đưa vào nơi râm mát nghỉ ngơi. Những người dân, người nghì
ngụp múc bùn xúc đất, người đứng trên bờ gào khóc chửi rủa... Tất cả họ
đang chịu đựng sự vất vả khổ sở vì một việc làm vô lý, thất đức đến khó
tin: Những người thân đã chết của họ bỗng nhiên bị đống rác rưởi phế
thải do những kẻ bất lương thẳng tay đổ xuống.
Bà Nguyễn Thị Lan, có mộ con trai đang
bị chôn vùi dưới bùn cho biết, đã đứng suốt ở đây canh chừng từ hôm phát
hiện ra vụ việc. Mộ con trai bà cũng mới được xác định cùng với nhiều
người khác.
Bà nói: "Nghĩa trang này ai cũng
biết, đều là những người trong làng, các phần mộ được chăm sóc tử tế,
bảo để hiểu nhầm là bãi đất trống hay thế nào là không thể xảy ra. Đây
chỉ có thể nói là những kẻ táng tận lương tâm nhất mới dám làm như vậy.
Xót lòng lắm, con tôi chết rồi mà vẫn không được yên. Sáng hôm xảy ra sự
việc, nhìn cảnh tượng như thế, tôi không khóc được. Chỉ ước giá như
những kẻ bất lương đó xuất hiện, để tôi chôn luôn xuống bùn...".
 |
Bà Nguyễn Thị Lan: "Chỉ ước giá như những kẻ bất lương đó xuất hiện, để tôi chôn luôn xuống bùn..." Ảnh Hoàng Hường
|
Chuyện đổ trộm phế thải hầu như không
còn xa lạ ở các đô thị. Thi thoảng các khu dân cư hay các đường phố,
người dân lại ngỡ ngàng, sau một đêm tỉnh dậy đã thấy những đống phế
liệu xây dựng ngồn ngộn ngay cửa ngõ, hoặc chính giữa đường phố, khiến
Công ty Môi trường Đô thị phải theo sau thu dọn.
Rất nhiều vụ tai nạn đã xảy ra khi những
người tham gia giao thông đâm vào gạch đá phế thải và va vào phương
tiện khác. Thế nhưng, vấn nạn đó vẫn tồn tại, ngang nhiên giữa cộng
đồng, và vụ nghĩa trang Đồng Trưa là đỉnh điểm của sự vô đạo đức.
"Không ai có thể chấp nhận được hành vi này, chà đạp lên mồ mả người chết như thế chỉ có thể những kẻ mất hết nhân tính mới làm". Chị Dương Thị Chung, người dân phường Dương Nội quả quyết.
Chị khẳng định thêm: "Được biết những
kẻ đổ trộm đã bị bắt và sẽ đưa ra truy tố, người dân chúng tôi rất
mừng. Nhưng tôi vẫn cho rằng không thể không truy cứu trách nhiệm của
lãnh đạo địa phương trong vụ việc này. Nghĩa trang Đồng Trưa nằm giữa
đoạn đường Lê Văn Lương đang được làm, hai đầu đều có barie chắn, nếu
không có người bật đèn xanh, chắc chắn hai chiếc barie đấy không được mở
để kẻ xấu chở cả chục xe tải phế liệu vào như thế."
 |
Gần 200 công nhân đào bới tìm mộ dưới trời nắng gắt, Ảnh Hoàng Hường |
Không phải lần đầu tiên
 |
Bà Nguyễn Thị Tỉnh chỉ vị trị mộ mẹ bà đang nằm dưới lán công nhân, Ảnh Hoàng Hường
|
Bà Nguyễn Thị Tỉnh, một người dân khác
trong làng Dương Nội lại lâm vào cảnh ngộ cũng éo le không kém. Theo bà
kể, khoảng giữa và đầu tháng 7, bà vào miền Trung dự đám cưới người cháu
và ở lại chơi vài hôm.
Khi về nhà, ngôi mộ của người mẹ, bà
được chăm sóc thường xuyên bỗng chốc... biến mất dưới biển cát và đất
ủi. Được biết khu đất này nằm trong dự án Tái định cư LK 19 AB do Công
ty Cổ phần Xây dựng Long Thành thi công.
Giữa cánh đồng mênh mông, bà Tỉnh căn cứ
vào hàng cột điện còn sót lại và xác định được mộ mẹ bà hiện đang
nằm... ngay dưới lán công nhân hàng ngày đang ăn ở sinh hoạt.
"Tôi bàng hoàng quá, nhà lại neo
người, tôi cũng chưa biết phải kêu ai. Mấy hôm tôi đến lán định nói
chuyện thì những người công nhân nói tôi phải đến gặp chủ công trình,
nhưng tôi không biết tìm chủ công trình ở đâu. Hàng ngày cứ nghĩ mẹ tôi
bỗng nhiên phải nằm dưới cái lán đó, xót hết ruột..."
Bà Lan, chị Chung cho biết thêm, ngay
đầu năm 2010, nghĩa trang Na Dương nằm trong khu vực bị giải tỏa lấy mặt
bằng cho đường Lê Văn Lương đã bị cưỡng chế di dời. Tháng 7 vừa rồi,
chính quyền địa phương và đơn vị thi công giải phóng mặt bằng cho dự án
Tái định cư LK 19 AB cũng đã san lấp nghĩa trang Đường Mía, trong đó có
rất nhiều ngôi mộ chưa kịp di dời.
Biên bản làm việc giữa Ban Chỉ huy công
trường Tái định cư LK 19 AB (do ông Nguyễn Hùng Cường chỉ huy công
trường ký ngày 28/7/2010), và gia đình anh Nguyễn Tài Chung và chị
Nguyễn Thị Tâm, đại diện người có thân nhân ở nghĩa trang Đường Mía ghi
rõ: "Do thiếu sót và vô trách nhiệm trong thi công đã dẫn đến việc
đơn vị thi công ủi mất 05 (năm) ngôi mộ tại Xứ Đồng, Đường Mía thuộc địa
bàn phường Dương Nội. Trong đó có 01 (một) ngôi mộ là thân nhân của ông
Nguyễn Tài Chung và bà Nguyễn Thị Tâm".
Theo phản ánh của chị Tâm, hôm đó gia
đình không hề biết trước việc di dời, chỉ khi người dân cấp báo mới biết
chạy ra đã thấy các ngôi mộ đã bị lật tung, lẫn lộn không rõ ai vào ai.
Sau khi gia đình và người dân phản ứng dữ dội, phía thi công đã dừng và
cho mời pháp y tới đưa những bộ xương bị lật lên đi xét nghiệm. Biên
bản làm việc trên ghi rõ: Trong ngày 29/7/2010 đơn vị thi công phải
có trách nhiệm mời cơ quan chuyên môn về xét nghiệm ADN để xác định
chính xác đâu là thân nhân ông Nguyễn Tài Chung.
 |
 |
Biên bản làm việc giữa Đại diện đơn vị thi công và gia đình |
anh Nguyễn Tài Chung, Ảnh Hoàng Hường |
"Hy hữu" hay "cố hữu"?
 |
Ông Trịnh Như Hà: "Đây là sự cố hy hữu", Ảnh Hoàng Hường |
Khi đặt câu hỏi tại sao địa phương để xảy ra tình trạng này, ông Trịnh Như Hà - Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội trả lời: "Đây là sự hiểu lầm vì nghĩ rằng bãi đất trống".
Nhưng vài câu sau đó ông Hà lại tả: "Có ngôi mộ đắp đất, có ngôi mộ đã được xây kiên cố" (!) Vậy sự "hiểu lầm" ở đây là gì?
Ông Hà cũng nhận là người trực tiếp chỉ huy buổi giải phóng mặt bằng nghĩa trang Đường Mía, và khẳng định: "Sự việc ủi nhầm là có nhưng hôm đó máy ủi chỉ xới và làm vỡ các tiểu và các phần mộ phía trên, chứ không tung hài cốt" (?!) và "có sự lẫn lộn không xác định được vị trí các mộ nữa, buộc phải đưa hài cốt đi giám định"
Ông Hà trần tình, "đây là sự việc hiểu lầm đáng tiếc, chúng tôi rất thông cảm với các gia đình nạn nhân".
Một Phó Chủ tịch phường mà không phân
biệt nổi bãi đất trống và nghĩa trang gồm toàn mộ người dân trong địa
bàn mình quản lý, thì đúng là đáng tiếc thật!
Trở lại sự việc đang diễn ra tại nghĩa
trang Đồng Chưa, trên thực tế đây không phải là lần đầu tiên những ngôi
mộ bị xâm phạm. Chị Đặng Thị Mai Lâm, có mộ bố là ông Đặng Văn Sinh cũng
nằm trong nghĩa trang Đồng Chưa, ngay phía tiếp giáp đường Lê Văn Lương
cho biết, đây là lần thứ ba mộ bố chị bị chôn vùi. Lần thứ nhất gia
đình phải tự xử lý, lần thứ hai chính quyền phường Dương Nội thuê máy
xúc cùng hỗ trợ gia đình. Sự việc lần này là nghiêm trọng nhất, mộ bố
chị Lâm cùng khoảng gần 40 ngôi mộ khác hoàn toàn biến mất dưới lớp bùn.
 |
 |
Nghĩa trang Đường Mía sau khi bị cày ủi, ngôi mộ họ Đinh mới được người nhà đắp lại |
Phần còn lại của một ngôi mộ sau khi bị cày ủi, Ảnh Hoàng Hường |
 |
Chị Dương Thị Chung: "nếu không có người bật đèn xanh, chắc chắn hai chiếc barie đấy không được mở để kẻ xấu chở cả chục xe tải phế liệu vào như thế." Ảnh Hoàng Hường
|
Trong buổi gặp gỡ giữa chính quyền địa
phương và các thân nhân người bị mất mộ, nhiều người dân đã đặt cho ông
Trịnh Như Hà nhiều câu hỏi bức xúc.
Chị Đặng Thị Mai Lâm: "Ngay từ khi vụ
việc xảy ra lần đầu tiên, chúng tôi đã báo cáo chính quyền địa phương
nhưng không hiểu sao tình trạng này vẫn tái diễn, ngày càng nghiêm
trọng. Thậm chí lần đầu tiên chúng tôi lên trình bày vấn đề, phường còn
không tiếp".
Ông Trịnh Như Hà bày tỏ sự "thông cảm sâu sắc" đến gia đình chị Lâm và nói rằng: "Chính
quyền địa phương đã hết sức nỗ lực. Trong lần mộ ông Sinh bị xâm phạm
lần thứ hai chính tôi đã cho thuê máy xúc giúp gia đình chị Lâm thu dọn
hiện trường". Thế nhưng, cách đây mấy ngày, trên một tờ báo, ông Hà có nói rằng: "Đây là sự cố hy hữu chúng tôi chưa bao giờ gặp phải. Chúng tôi hết sức phẫn nộ"??
Trả lời câu hỏi của phóng viên về nghi
vấn của người dân, sự liên đới của chính quyền địa phương trong vụ "bật
đèn xanh" mở barie cho nhóm xe tải vào, ông Hà nói: "Chúng tôi nói sẽ
không khách quan, và barie không nằm trên địa bàn phường Dương Nội. Sự
việc này sẽ có cơ quan điều tra kết luận".
Đồng thời ông Hà cũng nhắc lại "đây là sự cố hy hữu xảy ra trên địa bàn'.
Được hỏi trách nhiệm của chính quyền địa
phương ở đâu khi sự việc phần mộ của ông Đặng Văn Sinh bị xâm phạm đến 3
lần mà địa phương không có động thái gì ngăn chặn, dẫn đến sự việc ngày
càng trở nên nghiêm trọng như vụ việc hôm nay? Ông Hà trả lời: "Chúng
tôi đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn không ngăn chặn kẻ xấu làm những việc
này...Về góc độ quản lý nhà nước, để xảy ra chuyện, trước hết chúng tôi
là lãnh đạo địa phương xin nhận lỗi với người dân"
Hỏi: "Chuyện đã quá tam ba bận, sao
có thể nói là 'sự cố hy hữu', và sắp tới địa phương đưa ra giải pháp gì
để đảm bảo sự việc không tiếp tục tái diễn?" Ông Hà lại: "Rất tiếc...Chưa bao giờ gặp phải việc thế này" và hứa: "Ngay
sau khi thu dọn sạch sẽ hiện trường, đắp những ngôi mộ nguyên vẹn như
cũ, chúng tôi sẽ cho xây một bức tường chắn khu nghĩa trang với đường Lê
Văn Lương để đảm bảo những kẻ đổ trộm không thể xâm phạm người đã khuất
nữa".
Thôi thì "sự cố hy hữu" cũng đã xảy ra,
những kẻ thất đức sẽ bị trừng trị, nhưng đằng sau tất cả những câu
chuyện này là những gì nữa chắc hẳn phải là câu chuyện khác, rất dài.
Xin tạm kết thúc ở đây bằng lời nói của bà Nguyễn Thị Lan: "Sự việc hiện nay đã được chính quyền đứng ra giải quyết. Chúng tôi đặt cả lòng tin vào sự nghiêm khắc của pháp luật".