  Danh hiệu: Thành viên gắn bóNhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 09-03-2010(UTC) Bài viết: 1.216 Đến từ: Quảng Trị
Cảm ơn: 34 lần Được cảm ơn: 116 lần trong 86 bài viết
|
Cuộc đào hầm trốn cũi cai nghiện oái oăm nhất VN (I)
Cập nhật lúc 07:49, Thứ Hai, 23/08/2010 (GMT+7)
Vietnamnet - “Thành tích của anh ta là biết “độn thổ”, đào hầm dài 6-7m, xuyên từ nền xi-măng nhà mình sang cái nhà nghỉ Hoa Lâm nhà hàng xóm, đội giường của vợ chồng người ta lên, và… biến mất”.
Ông Vượng, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Yên Bái đưa tôi đi thăm các hòn đảo cai nghiện của quần đảo khổng lồ gồm 1.300 hòn đảo của lòng hồ Thác Bà. Vui chuyện, tôi mới hỏi anh Lâm Ngọc, giám đốc cái trung tâm cai nghiện có thâm niên 17 năm hoạt động “nghiện lại cai, cai lại nghiện” cho miền đất của Tây Bắc nồng say với ít nhất 5.000 con nghiện đó, rằng: ma túy là thế giới của tất cả những gì có lý và vô lý nhất trên đời. Ngần ấy năm gắn bó, kẻ nghiện nào làm anh ám ảnh rụng rời nhất? Không hẹn mà Ngọc và 2 phó giám đốc của anh ta đều thốt lên: Đỗ Lê Chiến.
 |
Đỗ Lê Chiến đang kể lại chuyện “độn thổ” và “đời ngục tù” của mình. |
Anh ta bị gia đình “trấn áp”, trói, xích, “đóng cũi” nhốt như “tù binh” trong hai cái “nhà ngục” suốt bảy tám trăm ngày. Thành tích của anh ta là biết “độn thổ”, đào hầm dài 6-7m, xuyên từ nền xi-măng nhà mình sang cái nhà nghỉ Hoa Lâm nhà hàng xóm, đội giường của vợ chồng người ta lên, và… biến mất. Trốn lại nhốt, nhốt lại cai, cai lại nghiện, hết cách “đóng cũi”, Chiến lại được gửi ra đảo cai nghiện và anh ta cũng không dám chắc mình còn trở lại “trại” bao nhiêu lần nữa...
“Đảo nghiện” với em là thiên đường rồi
Chúng tôi không dám tin vào câu chuyện buồn tê tái mà Chiến kể suốt cả một buổi chiều, ngay tại hội trường của Trung tâm cai nghiện, trước sự chứng kiến của khoảng 50 người, trong đó có cả các lãnh đạo “trại”. Về TP. Yên Bái, đến nhà Chiến ở tổ 34, phường Đồng Tâm, gặp bà mẹ đẻ tội nghiệp từng bị con vác cuốc uy hiếp lấy tiền đi hút của Chiến, gặp cô em gái Chiến (27 tuổi, là cán bộ bưu chính viễn thông, người từng khóc hết nước mắt vì sự quậy phá tung trời của anh trai); gặp cả ông Nguyễn Ngọc Tuấn, chủ nhà nghỉ Hoa Lâm, người gặp ác mộng khi thấy “quỷ sứ” lem luốc độn tung nền nhà nhà mình nhô lên mặt đất; gặp cả ông tổ trưởng dân phố 34, nơi quá đau đầu vì một công dân lầm lạc bởi “nàng tiên nâu”, cái chết trắng…như Chiến.
 |
Chân dung Đỗ Lê Chiến |
Gặp ngần ấy người, tôi mới dám chắc mẩm kể lại câu chuyện sau đây, có lẽ nó phải ứng vào cái mục “Chuyện khó tin nhưng có thật” do một ông nhà văn - nhà báo nổi tiếng từng khai sinh ra cho làng báo Việt Nam thời mới. Chúng tôi suýt bật cười (chẳng đặng đừng để bật cười), khi ông tổ trưởng dân phố Vũ Văn Quỳnh thật thà và… buồn bã lấy giấy bút ra, viết vào tờ giấy đưa cho chúng tôi: “Tôi, tổ trưởng dân phố số 34, phường Đồng Tâm…, tôi xác nhận việc anh Đỗ Lê Chiến độn thổ trốn khỏi “buồng giam”, xuyên sang nhà nghỉ Hoa Lâm của anh Tuấn là… đúng!”. Phải nói là cái bật cười buốt lòng.
Khi được ban quản lý Trung tâm cai nghiện gọi lên, Đỗ Lê Chiến chào mọi người rất lỏn lẻn. Cán bộ ở đây ai cũng thuộc lòng thành tích và tính tình của Chiến, bởi đã 3 lần anh ta là “khách mời” bất đắc dĩ của “đảo nghiện” (cách thành phố 45km). Mắt nhìn xuống e ngại, nụ cười đầy băn khoăn xấu hổ, Chiến thăm dò: “Em chẳng kể thì mọi người chắc cũng biết nhiều chuyện của em rồi, chứ nếu không biết, thì không có cớ gì cán bộ lại yêu cầu gặp em làm gì, đúng không?”.
 |
Cảnh xếp hàng, nghe kẻng ở các hòn đảo cai nghiện ngoài hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái.
|
Mẹ Chiến nói với tôi, Chiến thông minh. Anh ta luôn khoe: nhìn vào miệng người đi qua mặt Chiến, đủ để Chiến biết người ta đang nghĩ gì - quả là, “danh bất hư truyền”. “Chuyện của em nó cũng hơi đặc biệt. Vì em nghiện nó cũng lâu rồi, khoảng từ năm 1996, thế là được 15 năm rồi còn gì nữa. Em sinh năm 1972, cũng học hết lớp 12, lúc đầu cũng có vợ con, cũng đi làm ăn như bao nhiêu người khác, em làm nghề trang trí nội thất và làm thợ mộc có tiếng ở TP Yên Bái (vào trung tâm cai nghiện, Chiến vẫn được coi như “bàn tay vàng” trong tổ thợ mộc).
Nhưng rồi, em bị chúng nó rủ rê chơi bời. Thật ra thì cũng không thể đổ lỗi cho bạn bè xui khiến được, vì làm gì có ai cưỡng mình chơi ma túy đâu. Có cái là mình không ra gì nữa chứ. Cai xong, lại tụ bạ lêu lổng, thoáng thấy bạn nghiện và thuốc (ma túy) là nó “tái” (nghiện) ngay. Chóng lắm. Đầu tiên em chơi thuốc phiện, rồi sau này, để “phê” nhanh hơn, em chuyển sang hê-rô-in.
Bố mẹ em là công chức, cũng cai cho em đủ kiểu, từ cách ly đến đi trại, từ năn nỉ van xin em, cho đến biện pháp mạnh là trói, xích, nhốt, đánh đập, nhưng không hết nghiện được. Bố con cũng mâu thuẫn, giờ thì đường ai nấy lo, tiền ai nấy tiêu, bố con cứ “xe của ông ông đi, bát của ông ông ăn, giường của ông ông ngủ”. Cuối cùng gia đình đành dùng biện pháp “cực mạnh”, xây một cái lô-cốt, đổ bê tông, rộng 9m2, nhốt em trong đó suốt 3 năm ròng. Anh bảo, hơn 700 ngày ở lỳ trong “cũi”, ai mà chịu được?
Cũng chọn ngày lành tháng tốt rất đàng hoàng nhé. Em vào “cũi” từ 1/1/2007, cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, sinh hoạt, tắm rửa, vệ sinh các thứ ở tất trong “nhà ngục”. Cửa sắt, tường bê tông, nền láng xi-măng, có bể phốt tự hoại, có miếng kính dày trên nóc “hầm” để ánh sáng mặt trời rọi vào, hai lần khóa sắt. Khóa xong, thậm chí gia đình còn ném bỏ chìa khóa đi để khỏi có nguy cơ mềm lòng trước những lời… xin xỏ và dọa dẫm của em.
Bố mẹ em bảo, nhốt em khoảng 8-10 năm, để không còn chút hơi hướng ma túy nào trong người em nữa, thì mới thả ra. Bố em đọc tài liệu của nước ngoài người ta nói như vậy, và ông quyết tâm dùng ‘biện pháp cứng rắn” đó. Mà sự thật là ông đã nhốt em hơn 700 ngày! Nghĩ đến cảnh phải dằng dặc ba nghìn sáu trăm ngày trong “ngục”, em sợ lắm. Bây giờ, được vào trại cai nghiện ngoài hồ Thác Bà thế này, đúng là thiên đường so với cái lô cốt kia, anh ạ”.
 |
Cảnh sinh hoạt ở các hòn đảo cai nghiện ngoài hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái.
|
Chiến nói rồi cười vang, nhìn sang phía các cán bộ trung tâm, ý như là: Em đang ca ngợi trung tâm với các nhà báo đấy nhé. Không khí ngày càng trở nên cởi mở, dẫu Chiến cứ gãi đầu gãi tai cân nhắc mỗi lần kể thêm một “bí mật” về 700 ngày “phá ngục xông ra”, với lý do “nó chẳng ra thể thống gì đâu”.
Đường hầm oái oăm
“Bây giờ, ở khu em đang lao động sau cắt cơn, em gặp những ông anh đầu đã bạc, con gái đã vào “mời” bố về dự đám cưới con rồi, mà anh ấy vẫn nghiện oặt, cai lại nghiện, nghiện lại cai, em lo lắm. Vợ em đã bỏ đi theo người khác giàu có, con Cún (con gái Chiến) nhà em cũng đã lớn, mà em không dám khẳng định là sau lần cai này, hết 2 năm ở “đảo” về “đất liền” em sẽ không tái nghiện như những lần trước…” - chợt giọng Chiến nghẹn lại.
Có vẻ như ông Ngọc, Giám đốc Trung tâm cai nghiện, đã nói rất đúng: hơn ai hết, các đối tượng nghiện họ biết rất rõ tác hại kinh hoàng của ma túy. Có những lúc họ nguyền rủa ma túy, họ ân hận, họ xót xa và họ quyết tâm cai rất chân thành. Nhưng rồi, cũng chính họ lại quyết tâm… tái nghiện theo chúng bạn rất chân tình. Thành thử, người đời không tin vào con nghiện và gái điếm lắm, “đừng nghe ca-ve kể chuyện, đừng nghe con nghiện trình bày”.
 |
Nhờ nghề thợ mộc tài hoa của những “học viên cai nghiện” như Đỗ Lê Chiến, mà cái trung tâm khang trang, ngự giữa phong cảnh hữu tình như lòng hồ Thác Bà ấy có thêm các “kiệt tác” gỗ lũa như thế này. Hoá ra Chiến không chỉ có tài “độn thổ”.
|
“Em nằm trong buồng kín, nghĩ mà uất, cả gia đình và công an phường đều hứa là em cứ “nằm cai” 6 tháng sẽ cho ra. Vậy mà họ nhốt rồi, vứt chìa khóa rồi, họ bảo sẽ tiếp tục nhốt em 10 năm, gấp 20 lần lượng thời gian đã hứa. Thế là em quyết tâm tìm cách trốn khỏi lô-cốt trong nhà. Hằng ngày, mẹ em mang cơm vào cho em ăn, trong buồng có một cái giường nhỏ, nếu muốn nhìn thấy hình ảnh trong tivi đặt ngoài nhà, thì em phải nhòm qua hai lần khe cửa. Đôi khi, tiếng động, tiếng người ở ngoài đường cũng vẫn vọng vào đấy, nhưng em nghe được, còn khi em nói ra thì không ai nghe được cả. Các anh chị cứ tưởng tượng, 700 ngày như thế. Em phát điên, em gào khóc, chửi bới, em cãi nhau với tiếng người trong ti-vi. Em gào chửi đến mức, hồi trước bố mẹ nhốt em ở gian nhà ngoài khu vực gần Trụ sở Báo Yên Bái (tổ 31, phường Đồng Tâm), em kêu ghê quá, cả khu vực mất ăn mất ngủ, gia đình bèn bỏ gần 20 triệu, dọn một “chuồng cọp” khác, chuyển em vào cái gian nhà phía tổ 34, nơi mà em “độn thổ” 6m kia (Chiến cười ái ngại).
Lần đầu tiên em “vượt ngục”, bấy giờ vào mùa nóng. Em giả vờ lồng lộn, kêu gào, để mẹ (bà Thảo) phải kéo cho em một cái quạt bàn đặt gần lồng sắt. Em đợi bố mẹ đi làm (bà Thảo bán cửa hàng đồ gia dụng bằng sắt), rồi lôi cái quạt vào gần cửa sắt, em thò tay tháo tung các bộ phận của quạt, rồi “thủ” lấy cái trục bằng thép của quạt. Em mài sắc trục, rồi khoét mạch vữa của các viên gạch ở khu nền được lát. Em bóc gạch, đào nền, bới một hố sâu và rộng, đủ để luồn cơ thể của em xuống dưới lòng đất, em bò xuyên qua cửa sắt, đội nền nhà ngoài lên, trốn ra, đi hút hít.
Bấy giờ là Tết năm 2008. Sau hơn 1 năm bị nhốt, em tung ra ngoài. Em gào lên, cãi nhau với bố mẹ, vác gậy đập phá nhà cửa và dọa đánh bố em, rằng bảo nhốt 6 tháng sao nhốt 10 năm, rằng em đã hiểu tự do là quý nhất, là không có gì quý bằng. Em có quyền được thấy mặt trăng, thấy mặt trời, được tiếp xúc giao lưu với con người chứ. Em gào lên, em trách cả công an phường, rằng sao lời hứa nhốt tôi 6 tháng để cắt cơn của các ông không có trọng lượng (?!) Em đi ra thành phố, lượn lờ, gặp bạn bè và… hút hít. Và uống rượu. Một hôm, em trở về nhà ngủ li bì. Khi tỉnh dậy, thấy có khoảng 10 người lạ mặt và gia đình ập đến, họ trói em lại, tống vào buồng giam cũ. Và họ lại nhốt em 700 ngày nữa, cho đến khi em “độn thổ” được sang nhà nghỉ Hoa Lâm của anh Tuấn. Chuyện dài lắm…”.
Phải xích cả bố đẻ mình vào một “còng”, cùng áp giải lên ô tô với Chiến thì Chiến mới đồng ý tiếp tục vào… “chuồng cọp”!
Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, chủ nhà nghỉ Hoa Lâm, vợ chồng anh là hai người đầu tiên chứng kiến cảnh Đỗ Lê Chiến bê bết đất chui từ “địa đạo” hơn 6m từ “buồng giam con nghiện” nhà Chiến sang nhà anh, kể: "Lúc đầu, vợ chồng tôi nghe tiếng lục cục. Chúng tôi cứ nghĩ là có kẻ trộm, mới rình nghe. Rồi bục một cái, lớp xi-măng dưới gậm giường bung ra, Chiến xuất hiện như từ dưới âm ty lên. Anh ta trông rất tội nghiệp, miệng lắp bắp: “Em xin lỗi anh chị, em xin phép đi nhờ ra ngoài… cuộc đời”.
Bà Nguyễn Thị Thảo, tỏ vẻ rất phiền lòng khi phải nhắc chuyện con mình “độn thổ”, bà nói: "Nó bị “giam” lâu quá, đầu nó bị nấm, tróc ghẻ tội lắm. Lúc đầu nhốt ở nhà ngoài, sau nó chửi bới, gây tiếng ầm ĩ lớn quá, vợ chồng tôi phải sửa buồng trong thành cái “xà lim” để giam. Nó đào hầm bỏ trốn mấy lần, chúng tôi không biết phải làm sao nữa. Thậm chí, có lần nó còn ra cửa hàng của tôi xin tiền, tôi bảo không có, nó vác cái cuốc giơ thẳng vào đầu tôi, đe dọa: “Bà có tiền hay không thì tôi không biết nhưng tôi thì phải có tiền để hít (hê-rô-in)!”. Nó vác cây, vác gậy hành hạ chúng tôi đủ kiểu, trông thấy nó là nó đòi tiền, gia đình tôi với Công an Phường Đồng Tâm thân thiết như người nhà, phải có các anh ấy chúng tôi mới tạm an tâm mà sống với… con mình.
Có hôm nó về nhà ăn trộm, cậu em nó tức tối đánh nó, hai bên ẩu đả, Chiến bị chém phải nhập viện, máu me lênh láng. Vào viện, Chiến vẫn đòi tiền để sử dụng ma túy, chứ không thèm… chữa bệnh. Hôm nhốt Chiến ở gần Tòa báo Yên Bái (tổ 31), Chiến chửi đến mức cả khu phố mất ngủ, thế là phải áp giải Chiến lên ô tô, về tổ 34 tiếp tục “giam”. Điều kiện Chiến “ra giá”, là phải xích cả bố đẻ Chiến (chồng bà Thảo) vào một sợi xích (còng) với Chiến, thì anh ta mới đi, gia đình cũng phải “xuống nước” thực hiện !!!
|
-
Lãng Quân
  còn tiếp)
| Em, Hướng Dương bị ánh sáng bỏ bùa Người chăm chút vào em tìm sự thật Những ánh nhìn dịu dàng và trong vắt Xoay tròn theo từng sợi sắc mặt trời Giữ vững quyết tâm phòng, chống Ma túy! Giữ vững quyết tâm ngăn chặn AIDS! Vì sự bình yên của gia đình và cộng đồng, toàn dân hãy tích cực tố giác tội phạm! |
|
|
|
|
|
  Danh hiệu: Thành viên gắn bóNhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 09-03-2010(UTC) Bài viết: 1.216 Đến từ: Quảng Trị
Cảm ơn: 34 lần Được cảm ơn: 116 lần trong 86 bài viết
|
Cuộc đào hầm trốn cũi cai nghiện oái oăm nhất VN (II)
Cập nhật lúc 08:04, Thứ Tư, 25/08/2010 (GMT+7)
Vietnamnet - "Ta sẽ đào từ bể phốt, đào bằng cái thìa, đào xuyên ra… ngoài phố. Có thể, ta mất vài năm để hoàn thành công trình".
Càng kể, Chiến càng tỏ ra ái ngại, nhưng rồi bị thuyết phục với quan điểm, “nhà báo và dư luận cần hiểu tâm trạng của những bệnh nhân sử dụng ma túy, việc đóng cũi và giam nhốt họ như gia đình đã nhốt em (Chiến) là không thể chấp nhận được”, Chiến đã khẳng khái kể tất cả. Anh ta luôn có câu: “Người quân tử, ngại gì”. Tất nhiên, thông tin anh ta nói, chúng tôi đều có biện pháp xác minh kỹ càng trước khi chuyển tới độc giả. Chiến tiếp:
 |
Đỗ Lê Chiến đang kể lại chuyện “độn thổ” và “đời ngục tù” của mình.
|
“Sau lần “vượt ngục” của em, đại gia đình đã họp và quyết định đầu tư kinh phí để kiên cố hóa buồng giam hơn nữa (theo mẹ Chiến, số tiền “gia cố” này là 18,5 triệu đồng). Tường gạch dày hơn 20cm, bê tông ốp bốn xung quanh, có nhiều biện pháp chống phá - đục, “Việt Tiệp hóa” toàn bộ các ổ khóa. Đặc biệt, mẹ em rất cảnh giác với đồ sắt, không để bất cứ thìa dĩa, sỏi đá (vật cứng) nào ở gần khu vực em có thể với tới. Thậm chí, cả thìa, bát, đũa em ăn hằng ngày, đều được “nhựa hóa”, có khi ăn trực tiếp trong túi ni-lon. Tuy nhiên, vỏ quýt dày có móng tay nhọn.
Khi con Cún nhà em được 10 tuổi, em gọi cháu vào, hai bố con ngồi trò chuyện cho vui. Vợ em đi lấy người khác năm 2001, cháu ở với ông bà nội, nhưng bản thân em, lúc ở trại cai nghiện, lúc ở “buồng giam”, ít có dịp gặp gỡ Cún lắm. Nhiều khi, rớt nước mắt thương con. Em chơi ô ăn quan với cháu, con “cái” và con “quân” đều là những viên sỏi. Lúc buồn tay, em lừa cháu, giữ lại viên sỏi “cái” (to nhất) làm thứ tung hứng chơi chơi trong “nhà ngục”. Ai ngờ, em ném lên trần nhà, nó vỡ toang một miếng kính trắng, từ lỗ thông hơi đó, em nghe rõ hơn tiếng người ta nói cười ở ngoài phố. Chỉ tiếc rằng, em nói lại với họ, thì họ lại không nghe được, em như con chuột trong lỗ cống ấy.
Có khi anh Tuấn (hàng xóm) thương tình ném cho em gói mì tôm qua lỗ kính vỡ, em vui lắm. Có hôm em tung hòn sỏi lên, nó làm nứt cái bệ ngồi của bể phốt (wc) trong phòng. Em chợt nảy ra ý định đập vỡ cái bể phốt, rồi theo vệt nền gạch bị vỡ đó mà đục lỗ thông thiên ra ngoài “đời”. Toàn bộ tường và nền bên trong là bê tông, có xà beng cũng chẳng phá được. Khi có phương án “tác chiến” rồi, em tiếp tục tỉ tê với con Cún. Có hôm nó vào trước cửa sắt ngồi ăn cơm rồi nói chuyện với bố. Lúc ra nhà ngoài, cháu bỏ quên cái thìa i-nốc, mắt em sáng lên một phương án “mới”. Ta sẽ đào từ bể phốt, đào bằng cái thìa, đào xuyên ra… ngoài phố. Có thể, ta mất vài năm để hoàn thành công trình. Thế còn hơn là ở trong hầm tối này đến 10 năm. Vả lại, đào hầm nó cũng là thứ giải trí và… rèn luyện thể lực luôn (cười).
 |
Cảnh xếp hàng, nghe kẻng ở các hòn đảo cai nghiện ngoài hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái.
|
Nhiều người bảo em là sao mà đào tài thế, sao mà nghĩ ra lắm trò “vượt ngục” kinh khủng thế, em nghĩ, đúng như tivi nói: đường đi nó nằm dưới chân mình, cứ thế đi là khắc tìm thấy lối ra. Lúc đầu em nghĩ là cứ đào, đến đâu hay đến đó. Lúc đào mới nghĩ ra: nghiền đất vụn, xả vào trong bể phốt, dùng nước xả nó trôi đi. Những hòn đá, hòn gạch to quá thì kê nó vào gậm giường, phủ cái chiếu lên trùm kín phía trước của giường, để khi mẹ em bưng cơm vào cho em, bà sẽ không nhìn thấy. Đá gạch, sỏi lớn nhiều đến mức, nó đội cái giường trong “phòng giam” lên rất cao, cũng may, mẹ em không tinh ý phát hiện ra. Đào đến mức, hai bàn tay chảy máu đỏ lòm, có xá gì, em vẫn quyết tâm.
Đôi lúc, cái quyết tâm không phải vì ma túy đâu, mà vì mong muốn được ra ngoài ánh sáng tự do. Chân mình đi lang thang các tỉnh mãi, quen rồi. Lúc đào được đến 5m địa đạo, xuyên từ bể phốt ở phòng em, xuyên sang vùng nào đó, mà theo định hướng của em là đường phố hay sân hiên nhà hàng xóm gì thì phải, em lo lắm. Chui hang suốt ngày, em sợ lúc đang “thi công” mà bố mẹ về mang cơm vào, thì sẽ lộ. Nên em chỉ đào “hầm” vào giờ… hành chính thôi, nghĩa là khi bố mẹ đi làm vắng. Trưa hoặc cuối buổi chiều, em lại tắm rửa sạch sẽ, chải đầu, ngồi đợi mẹ bưng cơm vào, càng đào càng được “lao động cải tạo”, em càng béo khỏe ra. Bố mẹ không nghi ngờ gì.
Đến lúc đào được khoảng 6m hầm em chui vừa, quay đầu, chui vào chui ra rất “tiện nghi”, thì cũng là lúc cái thìa i-nốc của con Cún nhà em bị mòn vẹt tới mức chỉ còn phần cán hình ô-van nhỏ như… đồng xu. Em nhìn “kỷ vật” đi đến tự do đó mà thấy… khâm phục mình quá. Cai ma túy là thứ người ta bảo rất khó, nhưng em thấy nó rất dễ, bởi đơn giản là em đã làm việc đó… nhiều lần (cười). Nhưng việc “độn thổ” được như em đã làm, ai cũng bảo, chưa từng nghe thấy bao giờ ở một con nghiện, giữa thời bình.
Em nhớ mãi cảm giác lúc nhìn thấy vùng ánh sáng lờ mờ ở gậm giường nhà anh Tuấn. Khi đào được khoảng gần 7m “đường hầm”, người bẩn như con chuột chũi, chạm tới lớp xi-măng láng nền nhà anh Tuấn, em lo lắm. Em không hiểu chỗ em nhô lên là sân, hay trong nhà của người ta. Liệu họ có bảo là em ăn trộm không, có hô hoán mọi người trói em lại và mấy trăm ngày miệt mài “vượt ngục” của em sẽ thành công cốc không? “Nuôi quân ba năm chỉ dùng trong một giờ”, em mà “độn thổ” lên không khéo, là công toi.
 |
Cảnh sinh hoạt ở các hòn đảo cai nghiện ngoài hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái.
|
Em khoét cái lỗ bằng đồng xu, nhìn ra, lúc nào cũng thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng, là chỗ nào, sao tăm tối thế, hay là trời đang âm u suốt ngày? Bây giờ là mấy giờ? Em quay về phòng “giam”, định thần lại, nhìn ra nhà ngoài, bố mẹ đi vắng cả, không thể là khi tối trời. Cuối cùng, em đục “oàng” một cái xông ra, bất ngờ thay, em chui lên từ gậm giường nhà anh Tuấn! Vợ chồng anh Tuấn đang nằm với nhau, họ sợ quá, em bê bết bùn đất, em đã chuẩn bị “bài”, nói ngay: “Em xin lỗi anh chị. Em bị giam cầm nhục quá. Cho em đi nhờ ra bên ngoài, em xin lỗi anh chị”.
Sợ bố mẹ đánh thuốc mê để tiếp tục nhốt!
Tôi ngắt lời Chiến: “Khi anh nhô lên, giáp mặt anh Tuấn, anh Tuấn bảo thế nào?”. Chiến điềm đạm cười: “Lúc ấy người em toàn bùn đất, bẩn lướt thướt thế, em chuẩn bị hết các tư thế để “tẩu thoát” bằng mọi giá rồi. Chắc anh Tuấn sợ lắm. Không nhớ anh ấy nói gì, em cho rằng, ý nghĩ đầu tiên của anh ấy, là: “Thằng này “vượt ngục” tài thật! Bởi vì chính em cũng thấy em… giỏi quá mà”.
Đứng như trời trồng rất lâu, vợ chồng anh Tuấn mới định thần lại được. Anh ấy chắc cũng sợ em lắm, vì em đã đánh nhau, đã chửi bới bố mẹ, đã đe dọa rất nhiều người khi họ “dám” nhốt em hơn 700 ngày khổ sở như thế, anh ấy sợ em quẫn chí làm liều hoặc trả thù ai đó… Anh Tuấn mời em hút thuốc, nói chuyện, anh lấy quần áo của anh ấy đưa cho em đi tắm rửa, ăn uống rất đàng hoàng. Anh bảo, quân tử nhất ngôn, anh không kêu ai đến bắt chú đâu, cứ bình tĩnh rồi ta nói chuyện.
Quả thật, tối đến, anh Tuấn còn đưa em đi chơi phố, anh em tâm sự rất nhiều về cuộc đời, anh ấy muốn em tỉnh ngộ. Gia đình em, sau khi thấy mất người, phá cửa xông vào thấy đường hầm chạy xuyên sang nhà anh Tuấn, thì mới chia nhau các ngả đi tìm kiếm. Nhà có 5 anh em, 3 anh em trai, nên họ tìm ra em cũng rất nhanh. Mọi người đề phòng lắm, vì thấy em phẫn uất, sợ em sẽ đôi co, gây án.
 |
Nhờ nghề thợ mộc tài hoa của những “học viên cai nghiện” như Đỗ Lê Chiến, mà cái trung tâm khang trang, ngự giữa phong cảnh hữu tình như lòng hồ Thác Bà ấy có thêm các “kiệt tác” gỗ lũa như thế này. Hoá ra Chiến không chỉ có tài “độn thổ”.
|
Dẫu mọi người im lặng và tránh xa, em vẫn rất đề phòng bị “ụp” (bắt lại) như lần trước. Đến mức, bữa đến, nếu em không đi lang thang, em cũng về nhà ăn với bố mẹ và con gái của em, nhưng phải chờ mọi người ăn xong em mới dám ngồi vào mâm, mà em chỉ ăn những gì con Cún nhà em nó đã ăn thôi. Vì em sợ trong cơm canh có thuốc mê, đợi em lả đi là mọi người sẽ ụp luôn để tiếp tục nhốt theo kế hoạch… 10 năm thì chết. Lúc mọi người chưa ngủ, em cũng chưa dám ngủ, em sợ họ sẽ trói em lúc em đang… say giấc nồng.
Sau 3 tháng, tránh xa các chỗ bán ma túy, tránh xa bạn nghiện, thấy ôn ổn, em đi làm ăn ở khắp Lào Cai, Hà Giang, cái tay nghề của em, nếu không nghiện, cũng hái ra tiền đấy. Em nghiện là do em, em nhắc lại, không dám đổ lỗi cho ai cả, vì có ai cưỡng chế mình hút hít chích choác đâu. Nhưng đúng là, nếu không có các con nghiện vây quanh, không thấy người ta sử dụng ma túy trước con mắt “nhà nghề” - “ngưu tầm ngưu mã tầm mã”, của người nghiện thâm niên như em, thì em hoàn toàn có thể quên hê-rô-in được. Đằng này, thấy chúng bạn “chơi”, người em nó rồ lên, và lại bập vào. Kết quả là em vào “trại” này đã 10 tháng, còn 14 tháng nữa hết đợt cai. Em không dám chắc là mình sẽ không tiếp tục nghiện khi ra ngoài cuộc đời, nhất là khi mà cái “danh” nghiện 15 năm ròng như em đã “vang dậy” khắp cả thành phố, cả tỉnh, khi “tái hòa nhập cộng đồng” em rất khó để xin được một công việc tử tế. Người ta kỳ thị ghê lắm.
Chiến nói đến đây, anh ta nhìn ra muôn vàn hòn đảo của hồ Thác Bà mênh mông, anh ta cứ thế mênh mông là buồn. Sương chiều bủa phủ khắp bốn bề rồi. Nhưng vẫn còn những tia hy vọng le lói như ánh mặt trời ẩn sau làn sương chiều. Phải sống, phải hy vọng, phải đứng dậy, phải xứng đáng với kiếp người. Đấy là mệnh lệnh thép của những thân phận đang vấp ngã.
| Em, Hướng Dương bị ánh sáng bỏ bùa Người chăm chút vào em tìm sự thật Những ánh nhìn dịu dàng và trong vắt Xoay tròn theo từng sợi sắc mặt trời Giữ vững quyết tâm phòng, chống Ma túy! Giữ vững quyết tâm ngăn chặn AIDS! Vì sự bình yên của gia đình và cộng đồng, toàn dân hãy tích cực tố giác tội phạm! |
|
|
|
Di chuyển
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.
|