"Ết" về làng
Cách đây khoảng dăm năm, người dân xã
Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam cũng có phong trào rời bỏ quê
hương đi làm ăn ở xa. Trong số những người ra đi ấy, ở xóm Đồi Ngang heo
hút có một tốp trai trẻ thuộc dòng họ Nguyễn là Nguyễn Văn H (SN 1983),
Nguyễn Văn T (SN 1980), Nguyễn Ngọc N (SN 1975), Nguyễn Văn C (SN
1976), Nguyễn Ngọc S (SN 1967), Nguyễn Văn Ch (SN 1972)... cũng hăm hở
"lên đường" làm giàu. Họ rời quê hương vào miền trong làm ăn với đủ thứ
nghề từ phụ hồ, xe ôm, cửu vạn, thợ sơn tường... Nhưng ước muốn chưa kịp
thực hiện, thì người ta lại thấy họ lặng lẽ quay trở về làng với thân
hình tiều tụy, tong teo... vì hầu hết đã mắc nghiện ma tuý. Và rồi chỉ
ít lâu sau, gia đình và người dân xóm Đồi lần lượt chứng kiến những cái
chết vật vã trong cơn đau...
3 năm trước, năm 2007, khi mà người dân
nơi đây vẫn còn lơ mơ về con "ết" thì cả xóm Đồi lặng người khi hay
hung tin- Nguyễn Văn C chết và có nhiều biểu hiện lâm sàng giống như
AIDS giai đoạn cuối... Hôm đưa ma, cả làng lánh biệt. Nhưng khi mộ của C
vẫn còn chưa xanh cỏ, dân xóm Đồi lại sửng sốt chứng kiến cái chết tiếp
theo của một "voi đầu đàn" khác, đó là Nguyễn Văn Ch, một người nghiện
hút có hồ sơ quản lý ở xã. Và mới đây nhất, năm 2009, Nguyễn Ngọc N,
Nguyễn Văn H... cũng lần lượt vĩnh biệt cõi dương gian khi tất cả còn ở
tuổi ngoài đôi mươi và cùng có các biểu hiện lâm sàng trước khi chết
giống C.

Đội CSĐT tội phạm về ma tuý công an TP. Phủ Lý đang khám xét nhà đối tượng Th.
Vùng quê yên ả thanh bình bỗng nháo nhác
và sự việc nay đã trở thành "liên xã"... chứ không của riêng xóm Đồi
nữa. Người dân quanh vùng lo sợ cho bản thân và chính con em mình, họ
hồi hộp chờ đợi và sợ hãi những cái chết tiếp theo, có người cấm tiệt
con em bén bảng đến Thanh Lưu. Những cái chết "bí ẩn" trên chỉ được xem
như là một "phát hiện" của dân cày xóm Đồi. Người thì cho rằng các biểu
hiện lâm sàng trước khi chết rành rành là AIDS giai đoạn cuối, nhưng có
người lại tuyên bố, họ chết là do những căn bệnh nan y, đại loại như ung
thư, viêm phổi...!
Thực tế cho tới nay, ngôi mộ của những
người xấu số đã xanh cỏ mà những người có trách nhiệm của địa phương vẫn
chưa một lần tới đây tìm hiểu và người chết vẫn chưa được... công nhận
là do "ết" (!?). Bởi trước khi chết, người chết... không "xuất trình"
giấy chứng nhận nhiễm "ết", vả lại "chết rồi, lấy đâu ra... máu mà xét
nghiệm" (!?) như ông Phó chủ tịch xã Đỗ Văn Dũng nói khi tôi đặt vấn đề
tìm hiểu về HIV/AIDS ở địa phương. Thậm chí ông còn khuyên: "Nhà báo tìm
hiểu sẽ bị dân trì chiết"...?
"Ết" chạy... rông
Gã thanh niên ngoài 30 tuổi tên Q hiện
đang sống cùng bà ngoại ở thôn Bói Thượng (Thanh Lưu), bố mẹ bỏ nhau,
mắc nghiện ma tuý đã nhiều năm, tung hoành ngang dọc khắp miền. Bà ngoại
Q kể: Q thường đi tối ngày, hôm rồi đưa cô vợ hờ làm ca ve kiêm bán
hàng trắng trên thành phố Phủ Lý về nhà. Cả ngày lẫn đêm, cả hai nằm
trong buồng hút hít, tiêm chích. Chung chạ với nhau được vài tháng, bà
đành viện con gái tống tiễn "nàng dâu" ra khỏi nhà, Q cũng "dông" luôn
từ dạo đó, thi thoảng mới về...
Một "voi đầu đàn" khác phải kể tới mà
dân ở đây không ai lạ gì cái tên X.Đ, là con trai duy nhất của một goá
phụ nghèo ở xã kế bên (Liêm Thuận). Vì đua đòi, X.Đ đã sớm trở lên có
tiếng tăm khắp vùng về khoản ăn chơi trác táng. Mới đây, trước khi vĩnh
biệt cõi trần ai ở tuổi 32 vì tiêm chích ma tuý, X.Đ đã kịp kiếm cho
mình một cậu con trai 9 tháng tuổi với cô vợ tên L là con của một gia
đình khá giả ở thành phố Phủ Lý, cũng chơi bời chẳng kém. Lúc chồng đổ
bệnh, nghe ai mách dùng "độc trị độc" sẽ mau khỏi.
Thương chồng, L về nhà ngoại "xoay" được
gần chục triệu đồng để "thuốc thang" (Hê-rô-in) cho X.Đ "hít thở" mỗi
ngày, được non 2 tháng thì chồng chết. Làm ma chồng xong, L để lại con
cho bà mẹ chồng đang sống trong căn nhà ẩm mốc mùi rạ rồi biệt tăm. Có
người kể lại, gặp L đi làm "tiếp viên" ở thành phố...
Người nhiễm HIV/AIDS hơn cả sự mất mát
về thể xác còn bị coi như một suy đồi nghiêm trọng về đạo đức, một thứ
"danh nhục" và một nỗi "gia nhục"; Chính vì vậy, người bị nhiễm HIV và
gia đình thường che giấu căn bệnh thế kỷ của mình, gây khó khăn trong
việc quản lý của cơ quan chức năng, dẫn tới việc lây lan sang cộng đồng
là rất có thể.
Nói đến ma túy ở Hà Nam, chẳng ai lạ gì
với điểm nóng xã Thanh Châu (giáp ranh với xã Thanh Lưu). Nằm ven Quốc
lộ 1, đây là điểm trung chuyển ma túy từ Sơn La, Lai Châu vào các tỉnh
phía Nam, có những đối tượng từ Quảng Nam, Đà Nẵng cũng nhảy xe ra lấy
hàng ở đây. Có thời điểm, bọn bán lẻ ma túy công khai hoạt động, chúng
bán cho bất cứ ai không kể quen lạ, chỉ cần có tiền. Trong thời gian gần
đây, Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Phủ Lý đã "hạ nhiệt" được
điểm nóng này khi đã khởi tố khoảng 60 vụ án về ma túy, khởi tố 93 bị
can.
Những đường dây vận chuyển, buôn bán ma
túy ở Thanh Châu hoạt động theo tính chất khép kín trong gia đình, họ
hàng. Chúng xây dựng những ngôi nhà kiên cố, có hàng rào cao cắm mảnh
sành, thủy tinh, thép B40 có ròng theo dây điện để chống trả lực lượng
chức năng. Nóng nhất vẫn là ba thôn Hồng Phú, Bảo Lộc 1 và Bảo Lộc 2. Ở
thôn Bảo Lộc 2, gia đình bà Nguyễn Thị Th nổi tiếng vì có 11 lượt con,
cháu, dâu, rể bị xử tổng cộng 129 năm tù. Một gia đình "đình đám" không
kém về thâm niên, mức độ phạm tội, đó là nhà ông Nguyễn Sỹ H ở thôn Bảo
Lộc 1 có 7 con trai, gái, dâu, rể đã bị bắt giữ và tòa án xử 9 lượt với
tổng cộng khoảng 100 năm tù.