Bút ký người điều tra:
Từng là những kẻ cầm đầu các băng đầu gấu, vào tù vẫn còn
quậy phá nhưng khi về với đời thường, họ đã dốc hết khả năng của mình để
“góp mặt” với đời. Có người trở thành ông chủ thành đạt, có người an
phận với cơ ngơi mà mình làm ra, có người muốn cống hiến cả sức lực, trí
tuệ của mình vào việc giữ gìn ANTT.
Kỳ 1: GẬP GHỀNH ĐƯỜNG HOÀN LƯƠNG
Đi đến đâu, từ bãi vàng, bãi đá đỏ, thậm chí ngay trong trại giam, Dũng
cũng là kẻ đầu trò. Làm trùm giang hồ, chủ bưởng, đại ca, đại bàng mãi
cũng chán, một ngày Dũng bỗng thay đổi khi bắt gặp khuôn mặt thánh thiện
của một nữ phạm nhân.
CÚ VẤP ĐẦU ĐỜINgười đàn ông đó tên thật là Lê Văn Dũng (SN 1960, ở Lạc Sơn, Phổ Yên,
Thái Nguyên). Đang học lớp 8, Dũng bỏ học theo chúng bạn vào đội thủy
lợi để “kiếm điểm”, lấy thóc. Năm 1978, trong một lần ham chơi bị bố
mắng, Dũng âm thầm viết đơn xin đi bộ đội và được chấp thuận. Sau ba
tháng huấn luyện, Dũng được bố trí về Trung đoàn 338 chiến đấu. Thấy
Dũng nhanh nhẹn, thông minh, mặt mũi sáng sủa, lãnh đạo đơn vị cho đi
học lớp tiểu đội trưởng ở cấp sư đoàn và chưa đầy hai năm sau, năm 1980,
anh được kết nạp Đảng, trở thành đảng viên trẻ tuổi nhất trung đoàn khi
đó.
Được giao phụ trách nổ mìn các công trình nên Dũng thường xuyên là người
tiếp nhận mìn, thuốc nổ, trông coi khối tài sản đó cho đơn vị. Một vài
lần Dũng lấy thuốc nổ ra suối đánh cá. Khi kiểm kê, khối lượng thuốc nổ
hao hụt mất khoảng 200kg. Dũng bị khai trừ ra khỏi Đảng, một năm sau thì
ra quân. Dũng bắt đầu bươn chải với đủ nghề từ chăn vịt thuê, buôn quần
áo khắp các chợ vùng cao đến đi buôn trâu. Một hôm nằm rỗi ở nhà, tình
cờ Dũng thấy nhiều người cần các loại giấy để ra vào Viện 91 gần nhà
mình nên nảy sinh ý định sẽ làm giả các loại giấy tờ này, bán kiếm lời.
Vậy là thay vì đi buôn trâu như mọi khi, Dũng ở nhà mày mò tự sản xuất
giấy vào, ra viện, giấy thanh toán, phiếu thuốc... của Viện 91, bán cho
người sử dụng. Với hành vi này, năm 1986 Dũng bị CAQ Hai Bà Trưng bắt
giữ, sau đó bị Tòa án Quân khu I xử 18 tháng tù giam về tội làm giả giấy
tờ.
Mãn hạn tù, Dũng mặc cảm trước con mắt dò xét của dân làng nên khoác
balô ra đi và bước chân vô định đã đưa anh vào thị trấn huyện Na Rì, Bắc
Cạn. Dừng chân ở một quán nước ven đường, nghe dân tình bàn tán có một
bưởng trưởng trong bãi vàng quê ở Thái Nguyên, Dũng liền xốc balô, đi
thẳng lên đó xin việc. Tại bãi vàng ở xã Kim Sơn, Na Rì, bưởng trưởng có
tên Giang “còi” nhận Dũng vào làm và chỉ một thời gian ngắn sau đã giao
toàn bộ việc điều hành trong bưởng cho Dũng để anh ta có thời gian ăn
chơi. Để ra oai, Dũng bắt đầu nuôi râu và khuôn mặt vuông vức, thêm bộ
râu được xén tỉa cẩn thận, uốn vểnh ngược, trông chẳng khác nào mặt
người trong con bài “K cơ” của bộ tú lơ khơ nên biệt danh Dũng “K cơ”
xuất hiện từ đó.
Dũng với hai súng trong tay, xua quân đi các bưởng khác kiếm người. Chỉ
nhìn dáng cao to của Dũng với trang phục rằn ri, chân đi giày đinh là
những kẻ bị chọn không dám cãi lời, răm rắp đi sang. Nhiều bưởng trưởng
căm tức nhưng không dám ra mặt chống đối vì ngán vẻ lầm lỳ đến khó hiểu
của kẻ có khuôn mặt giống con bài này. Khi lực lượng làm thuê đã hùng
hậu, Dũng “K cơ” và Giang “còi” khoanh một vùng rộng lớn, cắm biển “có
chủ” để cảnh báo những kẻ có ý định lấn chiếm. Ngày đó vàng kiếm được
nhiều nên để khuyến khích hơn 200 “kiến thợ” làm việc, Dũng cho dựng
nhiều công trình có quy mô lâu dài, từ nhà ăn, nhà chỉ huy đến khu vui
chơi giải trí. Dũng còn tự mình về Hà Nội mua hai chiếc máy phát điện cỡ
to phát suốt 24/24 giờ, mua thêm cho mỗi lán một chiếc đài cassette
Toshiba loại “nồi đồng cối đá”. Chuyện thưởng cho “lính” bằng thuốc
phiện và gái đẹp bắt đầu xuất hiện. Anh cũng không bỏ qua việc khám chữa
bệnh cho anh em nên thuê hẳn bác sĩ vào, lập trạm xá để cấp thuốc vì
thế mà tên tuổi Dũng được đồn khắp bãi vàng, dân tứ chiếng trong đó
nhiều kẻ là tù tội, giang hồ nô nức kéo về làm thuê cho Dũng, tôn anh
làm bưởng trưởng, cai quản cả một vùng vàng rộng lớn.
Đầu tháng 5-1990, Dũng dẫn quân về vùng vàng ở Thần Sa, Võ Nhai (Thái
Nguyên) nhưng ở đâu cũng có chủ, muốn có điểm khai thác mới phải cướp.
TƯỚNG CƯỚP TRỐN TRẠIChiều 22-5-1990, Dũng lận lưng hai khẩu súng dẫn đàn em dao mác đầy
mình, đón xe khách về Thái Nguyên sau đó đi tiếp lên Võ Nhai. Đến Thác
Riềng, cách thị xã Bắc Cạn 12km, Dũng yêu cầu dừng xe nhưng do không
biết mặt Dũng “K cơ”, thấy nhóm của anh ta đi xe không trả tiền nên lái
xe không dừng. Rút súng, bắn ra ngoài hai phát liền, Dũng làm cả lái,
phụ xe cùng hành khách có mặt run rẩy. Nhân đà đó, Dũng cho đàn em thu
dọn hết tài sản của khách trên xe, đem bán được 64 triệu đồng rồi dẫn
quân quay lại Na Rì. Trong số hành khách đi trên xe hôm đó có người biết
Dũng, đã tới Công an tỉnh Bắc Thái (sau này tách thành tỉnh Bắc Cạn và
Thái Nguyên) trình báo.
Bị truy bắt với tội danh cướp, Dũng bắt đầu cuộc đào tẩu. Sau nhiều ngày
lẩn quất ở các bãi vàng, anh trốn lên Cao Bằng và tình cờ gặp lại một
“đồng nghiệp” cùng đi tù trước đó. Tưởng gặp được người cùng cảnh, Dũng
dốc hết gan ruột với anh ta, định bàn cách làm ăn do ngày ở Trại T4 hay
bị Dũng đánh, người bạn tù này rất hận, bèn tìm cách báo công an. Ngay
sau đó, Dũng bị Công an Cao Bằng bắt giữ, chuyển cho Công an Bắc Thái
thụ lý. Trong khi chờ ngày bị đưa ra xét xử, đêm 23 Tết năm đó, Dũng bỏ
trốn, trở thành kẻ có lệnh truy nã đặc biệt toàn quốc. Quay lại nơi từng
làm bưởng trưởng, Dũng “K cơ” xin được khoảng 4 cây vàng, liền đón xe
ra Quảng Ninh tính chuyện buôn bán động vật hoang dã. Dũng thường đón xe
vào Đăk Lăk gom hàng đưa ra Móng Cái bán với giá phải chăng. Một mình
một ngựa, buôn từ gốc đến ngọn, Dũng kiếm được không ít tiền. Việc bỗng
dưng xuất hiện của Dũng đã khiến nhiều “thổ địa” mất thị phần liền tìm
cách “chơi bẩn”. Rửa hận, sau khi đánh cho kẻ đầu chòm là một đại ca
giàu có nhà ở gần cầu Ka Long một trận thừa sống thiếu chết, Dũng nhảy
lên xe ôm chuồn khỏi Quảng Ninh. Về Hà Nội kiếm việc, trong lúc lang
thang, Dũng nghe người ta kháo nhau về vùng đất Lục Yên (Yên Bái) đang
rộ lên phong trào đào đá đỏ liền “đổ bộ” lên đây dù chưa có bất cứ thông
tin gì về vùng này.
Vừa đặt chân đến đây, anh ta “thửa” luôn cái tên Phong, quê Vĩnh Phúc,
xin được làm cửu vạn, để tìm hiểu xem chất đất như thế nào thì có đá đỏ,
đá như thế nào thì có giá trị... Thế nhưng, Dũng lại được phân công làm
bếp, chuyên nấu ăn. Những trận chửi mắng vì nấu không ngon diễn ra như
cơm bữa nhưng Dũng không dám hé lộ thân phận.
Làm đầu bếp được khoảng một tuần, chịu không thấu, Dũng gọi ngay trưởng
nhóm tên Phòng ra ngoài rừng thổ lộ: “Nói thật tôi vốn là dân “bộ đội”
chỉ làm tướng, chưa bao giờ làm quân. Bọn Dũng “K cơ”, Giang “còi”, ông
thích tôi tả từng cái nốt ruồi của từng thằng cho”. Trong lúc trưởng
nhóm còn sững sờ, Dũng bồi luôn: “Tôi muốn được ra làm độc lập, chỉ xin
các ông cho tôi ở nhờ tại đây, nhưng từ nay cử người khác nấu nướng, anh
em ai làm việc nấy”. Nghe khẩu khí, biết ngay gặp đại bàng, Phòng gật
đầu chấp nhận luôn.
Ngay ngày hôm sau, Dũng tìm đến các “thoòng” nước mới, nghe ngóng xem
hang đất nào đang rộ lên chuyện trúng đá đỏ; đất có đá được vác từ hang
nào đến đây. Đêm đến, Dũng vác bao tải và một con dao nhỏ, chui xuống
hang đào trộm đầy bao đất mang về. Sáng hôm sau, khi mọi người đi làm
việc hết, Dũng mang bao đất ra suối đãi. Sau ba đêm, ăn cắp được ba bao
đất, Dũng gặp vận may, trúng được một viên đá đỏ khá đẹp. Sau khi bán
được 8 triệu đồng viên đá này, anh quyết định không đi đào đá đỏ nữa mà
làm nghề xe ôm, một nghề ở Lục Yên bấy giờ chưa có. Về Hà Nội mua chiếc
Minsk, Dũng phóng thẳng lên Lục Yên hành nghề. Bãi đá đỏ rộng lớn, nhu
cầu đi lại nhiều nên Dũng làm không hết việc nhưng khách chủ yếu là dân
giang hồ tứ xứ tìm đến nên chuyện va chạm giữa “Phong ôm” (biệt danh của
Dũng “K cơ”) với họ cũng thường xuyên xảy ra nhưng phần thắng luôn
nghiêng về Dũng. Bản tính ngỗ ngược, nếu làm ăn chân chính, mỗi ngày
cũng kiếm được tiền triệu nhưng chỉ được một thời gian là Dũng bắt đầu
quậy, bảo kê các xe chở hoa quả, chi phối mọi hoạt động buôn bán ở đây.
Ban đầu nạn nhân chỉ là những người buôn thúng bán mẹt từ nơi khác đến,
tiếp đến là các gia đình sở tại rồi những tay có máu mặt. Nhiều vụ dằn
mặt nhau xảy ra; nhiều xe hàng bị hất hết cam, quýt xuống đường. Sau
những cuộc tranh chấp đó, các xe hàng ở tỉnh ngoài đến, mỗi khi ra vào
bến xe đều phải xin “ý kiến” Dũng. Tiếng tăm nổi như cồn, được đà, Dũng
“K cơ” quay lên vùng đá đỏ làm chủ đề. Khi đã có được số tiền kha khá
trong tay, Dũng “K cơ” mới thấy cuộc sống đơn thương độc mã thật vô vị
liền tính chuyện về quê rồi ra đầu thú. Vậy là sau bốn năm kể từ ngày
gây ra vụ cướp ôtô chấn động dư luận tỉnh Bắc Thái, ngày 22-5-1994 Dũng
“K cơ” quyết định về đầu thú tại Công an tỉnh Thái Nguyên.
“ĐẠI BÀNG” TRẠI GIAMLên trại tạm giam Công an tỉnh Thái Nguyên, Dũng “K cơ” bị đưa vào phòng
giam đặc biệt, trong đó có hai kẻ đang kháng nghị án tử hình là Khánh
“Roành” và Hồng “Quý”. Cho rằng mình đã đầu thú nghĩa là muốn làm người
tử tế vậy mà lại bị giam với những kẻ tiền án, tiền sự đầy mình, Dũng
nảy sinh tiêu cực, trút giận lên các bạn tù cùng buồng. Những kẻ mới đến
đều bị Dũng bắt làm thủ tục nhập phòng tức là nuy 100% cho mọi người
trong buồng chiêm ngưỡng dung nhan sau đó có đồ tiếp tế gì thì phải mang
ra chiêu đãi. Đêm đến, Dũng bắt các bạn tù kể cả hai kẻ có án tử hình
kia phải thay nhau hầu quạt, khiến bạn tù tuy sợ nhưng trong lòng rất
hận. Khánh bàn với Hồng liên kết với mấy phạm nhân khác tính chuyện trả
thù.
Một đêm đầu hè năm 2005, khoảng 1 giờ sáng, Dũng “K cơ” đang ngủ chợt
thấy nghẹt cứng ở cổ liền vùng dậy thì thấy có người đang dùng dây thít
cổ mình, chưa kể còn liên tục bị các vật cứng đập thẳng vào đầu làm máu
trào ra lênh láng. May có sức khoẻ nên cuối cùng Dũng thoát được trận
đòn hội đồng của bạn tù, trở nên cảnh giác hơn và cũng bớt tính ăn hiếp
người khác như trước. Hơn một năm sau, Dũng bị đưa ra xét xử và bị phạt
14 năm tù. Được chuyển lên trại Phú Sơn 4, tỉnh Thái Nguyên thụ án.

Anh Dũng kiểm tra công nhân làm đá quý
ÔNG CHỦ XƯỞNG TRANHVào Trại Phú Sơn 4 được khoảng hơn một năm, nghe kể về một phạm nhân nữ
vừa nhập trại nhưng rất xinh và hào phóng, đã chia hết số quà mang vào
cho những phạm nhân cũ. Bí mật tìm hiểu, Dũng được biết tên đầy đủ của
cô là Nguyễn Thị Kim Oanh, SN 1966, giáo viên dạy giỏi một trường chuyên
ở Bắc Giang, vào tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã
hội chủ nghĩa”. Ngày đó nơi Oanh công tác có phong trào buôn hàng từ
biên giới Lạng Sơn về. Oanh đã dùng tiền của nhà trường cho một số người
vay để đi buôn nhưng khi họ vỡ nợ thì Oanh phải gánh hậu quả và bị xử
tám năm tù giam. Thầm thương Oanh, bằng nhiều cách chỉ những kẻ tù tội
mới nghĩ ra, Dũng liên lạc với cô giáo này và nhận được sự đáp trả. Tuy
nhiên, họ vẫn chưa một lần biết mặt nhau. Khi trại Phú Sơn 4 tổ chức
trao đổi hạt giống giữa các phân trại, Dũng được sang phân trại nữ để
“xem mặt” cô gái vẫn liên lạc với mình lâu nay. Nhìn thấy Oanh, Dũng cảm
thấy đây sẽ là bến đậu cho con thuyền lênh đênh của mình nên từ đó liên
tục trao đổi thư tín với Oanh. Trong thư, Dũng hứa sẽ cải tạo tốt, sớm
ra tù tổ chức đám cưới với người mà mình yêu thương. Cảm động trước tấm
chân tình của Dũng, Oanh hẹn sẽ cùng Dũng làm lại cuộc đời.
Năm 2000, cả Oanh và Dũng đều được tha tù trước thời hạn. Nước mắt rưng
rưng, họ chưa kịp giãi bày tâm sự khi có dịp ở bên nhau thì gia đình
Oanh tới đón, cô chỉ kịp dúi vào tay Dũng địa chỉ của mình rồi từ biệt.
Về quê, nhìn bố mẹ già trong ba gian nhà tranh vách đất, Dũng chợt nhớ
tới miền đá đỏ Lục Yên. Anh quyết định lên đó lập nghiệp, đem cả Oanh
theo cùng.
Lại nói về Oanh, vốn là con nhà gia giáo, bố mẹ có chức sắc ở Sở Giáo
dục tỉnh Phú Thọ nên khi biết con muốn gắn cuộc đời với một tên tướng
cướp đã kịch liệt phản đối. Không nhận được sự ủng hộ, Oanh trốn nhà lên
với Dũng, trong tay chỉ có ba triệu đồng do một người bạn tốt cho mượn,
hai người đưa nhau lên Lục Yên làm lại cuộc đời. Số tiền mang theo chỉ
vừa đủ thuê căn nhà nhỏ, sắm một cái giường và xe đạp mini để đi lại.
Với kinh nghiệm trước đó, Dũng bày cho vợ cách đi buôn đá nhỏ còn mình
lên núi, cào cuốc kiếm đá. Sáu tháng sau Dũng đã có người làm thuê, anh
quyết định lập thêm đội công nhân nữa chuyên làm đá xây dựng. Lượng đá
đỏ khai thác được, một ít vợ chồng Dũng bán đi để trả lương công nhân,
còn bao nhiêu giữ lại như một duyên trời định cho việc mở xưởng tranh đá
quý sau này. Năm 2003, thị trường có vẻ “no”, đá đỏ không được thu mua
nhiều như trước, Dũng nghĩ đến chuyện về quê làm ăn. Với lưng vốn kha
khá và bao đá đỏ để dành, vợ chồng anh về thị xã Sông Công (Thái Nguyên)
bắt đầu công việc kinh doanh trên mảnh đất vừa mua ven đường.
Lại bắt đầu xoay đủ nghề từ cho thuê xe, nhận cầm đồ đến buôn bán tranh
đá quý từ Lục Yên về Hà Nội, Hải Phòng. Cuối năm 2005, vợ chồng anh xây
nhà rồi lập một xưởng làm tranh đá quý. Số đá giữ lại từ xưa có dịp đem
ra trưng dụng cùng với một lượng nguyên liệu mua từ Lục Yên, xưởng tranh
của vợ chồng Dũng bắt đầu hoạt động với khoảng 20 thợ. Ngày khai trương
cơ sở làm tranh đá quý, rất đông cán bộ lãnh đạo các cấp ở Thái Nguyên
đã tới dự. Đó là cơ sở sản xuất tranh đá quý đầu tiên của tỉnh Thái
Nguyên.
HÀ MY - THANH HÒA