“Con ơi, chăm sóc các em giùm mẹ!”
Phút lâm chung, mẹ nắm chặt tay anh và gửi gắm ba người em tật nguyền, bại não cùng người cha già bị bại liệt toàn thân.
Suốt mười mấy năm nay, anh một tay chăm lo cho bốn người bệnh nằm một chỗ.
Người anh tận tâm, hiếu thảo đó là anh Giang Vi Quang (47 tuổi, ngụ quận 10, TP HCM). Anh chia sẻ: “Chỉ nhìn vào cử chỉ ngây ngô, nghe tiếng cười, tiếng khóc mếu máo của ba đứa em là tôi có thể biết được em mình cần gì”.
|
Mỗi ngày anh Quang phải dành ra hơn 10 tiếng để chăm sóc, tắm rửa cho ba và các em.
|
Vừa là anh vừa là mẹ
Vừa chăm hai đứa em tật nguyền, chân tay co quắp, anh vừa kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh gia đình. Ngay khi mới sinh ra, các em của anh vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng rồi tai ương giáng xuống, sau một trận sốt các em của anh bắt đầu đổ bệnh. Một đứa bệnh, hai đứa bệnh rồi ba đứa bệnh. Gia đình chạy chữa nhiều nơi, bao nhiêu tiền dốc vào, bao nhiêu công sức nhưng đều không có kết quả. Ba mẹ dần già yếu, là anh cả trong nhà nên anh là người đảm đương gánh vác chuyện chi tiêu và chăm sóc các em.
Làm thợ tiện thuê thu nhập không bao nhiêu, anh quyết tâm vay mượn bạn bè, người thân tự mua máy móc về tìm mối làm kiếm thêm thu nhập. Cũng có lúc gia đình túng bấn vì các em bệnh tật triền miên, anh đành bán hết máy móc lấy tiền trang trải và lại đi làm thuê. Rồi mẹ lâm bệnh nặng và qua đời. Còn ba, sau một tai nạn đã biến chứng và toàn thân bất toại cách đây hơn 10 năm.
Là con cả trong nhà, anh thay mẹ gánh vác trọng trách nuôi em, chăm ba. Anh nói: “Do ít cử động nên hàm các em cứng lắm, nhai thức ăn rất khó khăn, ít nhất phải hai giờ mới có thể cho các em ăn xong!”. Những lần các em khó chịu, ói ngược, anh tỉ mẩn lau rửa cho các em, dọn dẹp chỗ dơ xong lại tiếp tục bón cơm.
Ăn cơm đã khó, cho các em uống nước cũng là vấn đề khó khăn. Anh phải tỉ mẩn bón từng thìa để các em không bị sặc. Thông thường 2 giờ chiều mới là thời gian ăn cơm trưa của cả ba đứa em. Sức khỏe rất kém, không hấp thu được nhiều thức ăn cùng một lúc nên anh đành phải chia nhỏ các bữa ăn, có ngày mỗi em ăn 4-5 bữa. Phút thảnh thơi của anh chỉ có thể là lúc các em đã ngủ.
Những ngày đầu các em đổ bệnh, anh thường tìm bác sĩ nhưng lâu dần anh học luôn cách châm cứu để tự lo cho các em khi gặp vấn đề. “Tại nhiều khi các em đau lúc 2 hay 3 giờ sáng, chạy lo bác sĩ cũng khó nên tôi học châm cứu cho tiện” - anh tâm sự.
|
Ngoài việc chăm sóc ba và các em, anh còn cần mẫn
làm thợ tiện để nuôi sống cả gia đình. Trong ảnh:
Anh Quang đang vận hành máy tiện gỗ
|
Làm hộ lý cho cả nhà
Quay sang nắn bóp tay chân cho em trai, anh khẽ nói: “Phải thường xuyên nắn bóp thế này để cho em thoải mái. Ngồi, nằm một chỗ, không đi lại được các em khó chịu lắm”.
Bồng đứa em trai hơn 40 tuổi trên tay rồi ru cho em nằm ngoan, anh kể cho chúng tôi nghe về bệnh tật của các em. Lúc bé, các em còn có thể đi được nhưng chân yếu nên đi đâu té đó. Ngày đó các em còn nói được nhưng bập bẹ một cách khó khăn và qua cái tuổi 20 thì cũng lần lượt ngừng nói, chân tay bắt đầu co quắp dữ dội, các cơ cứng lại. Hằng ngày anh thường nắn bóp tay chân cho các em để cơ không bị cứng.
Nhìn hai đứa em ngây ngô cười, anh vui vẻ nói: “Chúng ngoan lắm đó, cười suốt ngày. Thương anh vất vả nên không mấy khi quấy khóc”. Rồi anh nhớ lại đứa em vừa mất cách đây chưa đầy sáu tháng cũng bị bại não: “Chú ấy cũng ngoan lắm nhưng bệnh dữ dội hơn. Căn bệnh quái ác mang chú đi rồi, chú hưởng dương chưa đầy tuổi 40”.
Sau mỗi buổi ăn, anh thường mở tivi cùng các em xem phim rồi quay sang trò chuyện, giải thích. Anh nói: “Các em nhìn thế thôi, chứ tôi nói gì các em cũng hiểu”.
Anh Quang còn là người anh hết sức tâm lý. “Những người bị bệnh hay tự ái. Biết vậy nên tôi phải nói năng một cách nhẹ nhàng, không bao giờ la mắng. Có lần đứa út tự ái bỏ cơm, tôi phải năn nỉ hoài mới chịu ăn”.
Anh hiểu tính và bệnh tình của từng đứa em một. “Chú Biếu nhìn vậy nhưng bệnh nặng hơn chú Quy. Chú Quy thì chỉ hay nhức mỏi thôi nhưng chú Biếu thì sốt, đau đầu thường xuyên và dễ tự ái hơn!”.
Hơn 10 năm chăm sóc em nên anh đã quá hiểu từng đứa: “Cái mắt nhìn hoài, cái tai nghe mãi nên tôi quá quen rồi. Chỉ cần nhìn cử chỉ, nghe điệu cười của các em là tôi biết em cần gì”.
Tựa cho đứa em ngồi ngay ngắn, anh nói: “Nóng hả, lau mặt nha!”. Đứa em ngây ngô gật đầu, anh khoe: “Mấy cô chú thấy không, em tôi biết hết đó!” rồi anh lấy khăn lau nhẹ gương mặt cậu em trai hơn 40 tuổi của mình, vừa lau anh vừa nịnh: “Em cố gắng ngoan nha, anh rửa mặt cho sạch kẻo các cô chú cười anh chăm các em chưa tốt”.
Không nản lòng
Anh còn phải chăm người cha bại liệt, mất trí nhớ với những cơn trái tính. “Ba liên tục la mắng một cách vô cớ. Có lần còn hất tung mâm cơm vì bức bối, tức giận. Biết tính ba nên tôi phải chịu đựng, không bao giờ nói lại nửa lời, sợ ba bệnh càng nặng thêm” - anh Quang kể.
Đôi lúc căng thẳng anh muốn buông xuôi tất cả. “Vợ không chịu được cảnh cơ hàn nên ôm con sống ly thân, lúc đó tôi thấy buồn, chỉ muốn chết quách cho rồi. Nhưng nghĩ lại mình mà buông tay, các em sống sao đây. Các em đã bất hạnh rồi, mình phải gắng mà sống để bù đắp phần thiệt thòi cho chúng chứ!”.
Người đàn ông gần 50 tuổi này dường như bỏ qua mọi thú vui để chăm lo cho em và ba được chu toàn. Phút thảnh thơi anh lại lao đầu vào công việc thợ tiện kiếm thêm thu nhập. Làm thợ tiện cũng phải cần mẫn như chăm sóc các em vậy. Anh xem hai công việc này như một để cố gắng vươn lên mà sống.
Mối lo lớn nhất của anh bây giờ là mình bị ốm. Anh sợ mình ốm thì biết lấy ai chăm lo cho các em bệnh tật. Có lần anh bị ngộ độc thức ăn phải nằm bệnh viện hai ngày. “Hai ngày thôi mà tôi nằm không yên. Ở nhà đã có cô em gái về lo phụ nhưng mình không yên tâm nên đành xin về. Ban đầu bác sĩ không chịu nhưng năn nỉ hoài cũng được họ chấp nhận”.
Chị Mai, lối xóm nhà anh, tâm sự: “Nhìn thấy cảnh anh Quang tận tình chăm các em mà thấy phục. Hiếm có người nào mà chu đáo tới mức đó”. Còn với anh: “Số phận đã bắt các em phải thế nên được chăm sóc các em thêm ngày nào là ngày đó tôi còn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống”.
Đã có rất nhiều người khuyên anh đưa các em vào trung tâm người khuyết tật nhưng anh không chịu. Chúng tôi hỏi lý do, anh nói: “Đó là em mình. Mình còn lo được thì phải lo. Em cần mình, cần tình thương của mình nữa. Trung tâm có thể lo cho các em ăn, cho các em tình thương nhưng đó không phải là tình máu mủ ruột rà”.
Theo PLTPHCM
http://giadinh.net.vn/20101110105714956p0c1000/con-oi-cham-soc-cac-em-gium-me.htm