Không biết các "bác nhà ta" nghĩ gì khi đọc được bài này nhỉ ? Trong khi thời gian qua cả miền Trung ngụp lặn trong nước .....Họ đã làm những gì nào ?
Những doanh nhân "họ hứa"
Năm nào cũng vậy, ở nước ta
thiên tai, dịch bệnh, tai nạn, … thường xuyên xảy ra, nhất là đối với
đồng bào miền trung. Do đó, như thể đến hẹn lại lên, việc vận động quyên
góp thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là ở các thành phố
lớn.
Cứ mỗi lần như vậy, tấm lòng hảo
tâm, sự chia sẻ, động viên của mọi người lại có dịp được thể hiện.
Trong nhiều tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài nước, thì đối tượng
doanh nhân có đóng góp rất lớn cho ngân sách các quỹ từ thiện. Công bằng
mà nói thì đối tượng những người giàu có, đa phần họ là những doanh
nhân thành đạt, thường xuyên là những người đi tiên phong trong công tác
từ thiện. Sự đóng góp bằng tiền bạc hoặc vật chất của họ thường rất
lớn, đã và đang làm giảm bớt gánh nặng về ngân sách quốc gia mỗi khi có
sự việc hệ trọng xảy ra.
Thời gian gần đây, hình thước
quyên góp phổ biến nhất là thông qua một chương trình văn nghệ hay một
buổi đấu giá một số hiện vật nào đó, số tiền thu được sẽ được chuyển cho
các quỹ từ thiện. Thông qua các chương trình này, ngoài sự đóng góp cho
xã hội, cho những người bất hạnh thì các doanh nghiệp cũng có cơ hội
khuếch trương thương hiệu, đánh bóng tên tuổi của mình. Công việc này có
thể nói là nhất cữ lưỡng tiện và cũng là xu hướng chung trong công tác
vận động quyên góp của các hội từ thiện hiện nay.
Ngoài một số người có tấm lòng
hảo tâm thực sự thì hiện nay hình thức này đang bị lạm dụng và biến
tướng, một số người đã tận dụng sự quan tâm của nhiều người thông qua
các chương trình truyền thanh, truyền hình để đánh bóng tên tuổi một
cách thô thiển, đáng lên án, làm hoen ố hình ảnh những người làm từ
thiện chân chính.
Đỉnh điểm của hiện tượng trên là
sự việc các nhà hảo tâm đã hứa mà không giữ lời trong một chương trình
đấu giá bên lề sự kiện Hoa hậu Trái đất vừa diễn ra tại Việt Nam. Theo
báo Tiền Phong thì trong chương trình “Đêm hội Hoa hậu Trái đất và Doanh
nhân hướng về miền Trung” diễn ra tại TP HCM đêm 11-11 với việc đấu giá
các hiện vật để lấy tiền ủng hộ cho đồng bào miền trung trong các đợt
mưa lũ vừa qua, với số tiền “hứa hẹn” lên đến … 74 tỷ đồng. Tuy nhiên,
đến nay qua nhiều lần liên lạc với các “mạnh thường quân” này thì mới
biết rằng đó chỉ là những lời … hứa “ảo”.
Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch
Hội Chữ thập đỏ TPHCM cho biết thì trong số hàng chục doanh nghiệp
“hứa” đóng góp cho đêm hội từ thiện này đến ngày 25/11/2010 mới chỉ có
duy nhất một doanh nghiệp đóng góp 100 triệu đồng!
Một trường hợp khác cũng tương
tự. Theo VnExpress thì một doanh nhân ở Long An sau khi gọi điện đến Hội
chử thập đỏ của tỉnh đăng ký ủng hộ cho đồng bào bị thiên tai ở miền
trung 2 tỷ đồng, nhân viên của hội đã lặn lội đến nơi nhận tiền thì vị
doanh nhân này trả lời là đã “suy nghĩ lại”. Tuy nhiên sau đó vị doanh
nhân ấy cũng đã đồng ý ủng hộ nhưng không phải 2 tỷ như đã hứa mà là
200.000 đồng kèm với yêu cầu tên mình phải được xướng lên trong chương
trình văn nghệ gây quỹ từ thiện sau đó!?
Điều đáng nói là những mạnh
thường quân “dỏm” này ngày một nhiều, đa phần họ thường xuất hiện trước
công chúng, trước ống kính truyền hình, trước các cơ quan thông tấn báo
chí đang theo dõi, đưa tin. Một số đặc điểm thường thấy ở những vị doanh
nhân này là tác phong bảnh bao, đỉnh đạc, sang trọng, … và tất nhiên họ
… “hứa”. Sau khi đạt được mục đích của mình, đa phần họ đều có cách cư
xử thường giống nhau, đó là giả vờ làm … lơ hoặc là để “suy nghĩ lại”!
Thật là trớ trêu thay, những sự
việc trên đây không phải là cá biệt mà nó đã và đang phát triển một cách
một cách nhanh chóng. Theo một cán bộ ở Hội chữ thập đỏ TP.HCM khẳng
định rằng, 100% các đợt quyên góp đều xảy ra tình trạng hứa “ảo” này.
Điều này cho thấy rằng hiện có rất nhiều người đang lạm dụng các diễn
đàn từ thiện, các chương trình từ thiện để tư lợi cá nhân một cách vô
liêm sỉ.
Những lời hứa “ảo” này không
những làm đổ vỡ các chương trình từ thiện vối được tổ chức công phu, tốn
kém mà còn làm cho những người làm công tác từ thiện ở các đoàn, hội và
người dân mất niềm tin vào sự thanh cao của công việc nhân đạo và còn
lành ảnh hưởng đến uy tín của những mạnh thường quân chân chính.
Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch
Hội Chữ thệp đỏ TP HCM thì bà đã không còn lòng tin vào những lời hứa
tiền tỷ. Chính những người đã có một thời gian dài làm công tác từ thiện
như bà Huệ cũng thốt lên sự mất niềm tin thì còn ai dám tin vào những
tấm lòng nhân đạo “bạc tỷ” mà chúng ta thường hay thấy trên các phương
tiện báo, đài?
Từ thiện là một việc làm cao cả,
thể hiện tình yêu thương của con người với con người trong lúc khó khăn
hoạn nạn. Công việc từ thiện luôn luôn được xã hội tôn vinh và ghi
nhận. Người làm từ thiện thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách, của ít
lòng nhiều. Đóng góp cho các quỹ từ thiện hay ủng hộ người khác dưới bất
cứ hình thức nào, dù ít hay nhiều cũng đều đáng quý.
Tuy nhiên lợi dụng tấm lòng tốt
của nhiều người, lợi dụng các diễn đàn, các chương trình từ thiện để
được báo chí nhắc đến nhằm đánh bóng tên tuổi của mình rồi phủi tay chối
bỏ trách nhiệm với lời hứa của mình là sự đùa cợt trên nỗi đau của
người khác, hành động này đáng bị lên án và cần ngăn chặn kịp thời.
Thời gian gần đây người dân đã
quá quen với những lời hứa. Bất kỳ ai cũng có quyền hứa và thường thì
lời hứa bị chìm vào lãng quên. Và lần này cũng vậy, những người dân miền
trung đang đối mặt với sự tàn phá nặng nề của thiên tai đang cần sự
giúp đỡ của cộng đồng, của xã hội cũng đang dài cổ chờ đợi câu trả lời
của những doanh nhân … họ “hứa”!
Khi lòng từ thiện quá đát
![ap_20101109050549197[2]](http://quechoablog.files.wordpress.com/2010/11/ap_201011090505491972.jpg?w=242&h=300)
Chuyện về mấy thùng áo quần cứu
trợ bị đem dùng làm giẻ lau xe trở thành tâm điểm của dư luận suốt mấy
tuần qua. Mổ xẻ đã nhiều, phê phán, thậm chí lên án cũng đã quá nhiều.
Đúng. Song có một điều không báo
nào đi truy ngược để hỏi: Tại sao nó lại bị biến thành giẻ lau và nó có
đáng bị đem đi làm giẻ lau hay không?
Trước, trong và sau lũ, tôi cũng
đã có mấy bài cảnh báo về những vấn nạn cứu trợ phản văn hóa dạng này.
Không nên phê phán người dân bưng mì tôm cứu trợ đi bán. Bởi cứu trợ
toàn mì tôm, lũ rút cả tháng rồi, về cứu trợ vẫn phát mì tôm cho dân. Ăn
mì tôm phát ngán, họ phải đem bán đi lấy tiền mua gạo nấu cơm chứ, ai
nhai mãi được ?
Không thể trách người dân vùng
lũ như năm rồi ở Quảng Nam đem đào hố chôn vứt những thùng thịt hộp cứu
trợ, bởi khi nhận về mở ra thì thịt bốc mùi đến lợn cũng chê không thèm
ăn. Không thể trách chính quyền huyện Núi Thành (Quảng Nam) năm rồi khi
họ “chê” không nhận hàng trăm tấn gạo cứu trợ vì toàn thứ gạo đã mốc meo
nhìn đã phát ngán. Không thể trách người dân vùng lũ Nghệ An khi họ
buộc lòng phải vứt những mớ áo quần lót cũ rách kia vào tiệm lau rửa xe.
Nhìn những bức ảnh sau (ảnh của
Trần Hải, Nghệ An gửi cho Trương Duy Nhất blog), bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn,
đúng hơn về hành vi đem áo quần cứu trợ đi lau xe của người dân vùng
lũ. Người Việt có câu rất hay “đói cho sạch rách cho thơm”. Những thùng
hàng cứu trợ với áo quần cũ rách và những chiếc si líp, xu chiêng loăng
nhoăng rách nát như thế có đáng để đồng bào vùng lũ phải nhận? Nếu là
bạn, bạn có nhận không và sẽ dùng những của nợ kia vào việc gì? Trả lời
xong câu này hãy đi trách hay… chửi người nhận!
Nhiều khi, nhìn những vật phẩm
cứu trợ đó, người dân vùng lũ cảm thấy họ bị xúc phạm, bị xem thường, bị
khinh khi, hơn là được cứu giúp.
Dân vùng lũ cần, rất cần được
cứu trợ. Nhưng cứu trợ chứ không phải là bố thí! Dân vùng lũ đã gánh
chịu quá nhiều mất mát, đau thương, tang tóc rồi. Xin đừng xúc phạm họ
nữa. Đừng ném thêm mì tôm, thịt-gạo thối, thậm chí cả si líp, xu chiêng
vào những thùng hàng “cứu trợ”!
![ap_20101109050556943[2]](http://quechoablog.files.wordpress.com/2010/11/ap_2010110905055694322.jpg?w=500&h=375)
![ap_20101109050604974[2]](http://quechoablog.files.wordpress.com/2010/11/ap_201011090506049742.jpg?w=500&h=375)
![ap_20101109050541134[2]](http://quechoablog.files.wordpress.com/2010/11/ap_201011090505411342.jpg?w=500&h=375)
![ap_20101109050549197[2]](http://quechoablog.files.wordpress.com/2010/11/ap_2010110905054919721.jpg?w=404&h=500)
KHI LÒNG TỪ THIỆN… QUÁ ĐÁT
Lòng từ thiện quá đát, giống như những sản phẩm hết hạn dùng, cũng cần bị cấm sử dụng và đem thiêu hủy.
Những “diễn viên” từ thiện bậc thầy
Một hộp sữa bột cho trẻ em được
bật nắp trước đó và hạn sử dụng chỉ còn vỏn vẹn một tháng, một chai nước
mắm hết hạn từ hơn hai năm trước, một gói bột ngọt và 10 gói mì ăn
liền. Đó là suất quà từ thiện mà mỗi hộ dân thuộc 656 đối tượng nghèo và
gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn của Hà Tĩnh nhận được. Những
con người này, chỉ chưa đầy 2 tháng trước đang oằn mình chống chọi cơn
bão số 3, tận mắt chứng kiến những người bị thương, chết, chứng kiến cả
nghìn ngôi nhà sập, tốc mái và hàng nghìn héc ta lúa ngập úng…
Và họ không phải trường hợp hi
hữu có “may mắn” được nhận những món quà như vậy. Tính từ đầu năm 2010
đến nay, đã có ít nhất 2 vụ việc tương tự được báo chí “vinh danh”. Cuối
tháng 3, các em học sinh một trường khuyết tật ở Hà Nội nhận được 3.000
gói bột dinh dưỡng ăn liền hết hạn từ lâu do một doanh nghiệp chuyển
qua Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam. Tiếp đến, tháng 6, Đoàn y, bác
sĩ từ thiện do một bác sĩ ở Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh làm
trưởng đoàn đã lặn lội về vùng sâu, xa tiến hành khám chữa bệnh và phát
thuốc… quá đát, thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc cho người
nghèo.
Trong những “bộ phim” từ thiện
kiểu này, thường có một “kịch bản” khá tương đồng. Trong đó, “diễn viên”
sắm vai nhà từ thiện là những người ít nhiều cơm no áo ấm, khỏe mạnh và
lành lặn về thể chất. Trước niềm hân hoan và vui sướng của những con
người thiệt phận, các “diễn viên” này rưng rưng cảm động giơ tay phân
phát món quà từ tâm. Chỉ khi những chiếc nhãn dán đè, những hạn dùng
thuốc bị cắt lộ ra, ánh đèn trường quay vụt tắt, dàn diễn viên mới trở
về đúng nghề nghiệp đích thực của mình: các bậc thầy trong một lĩnh vực
đầy tiềm năng – tiêu thụ hàng quá đát.
Để thực sự “tỏa sáng” trong nghề
nghiệp hấp dẫn này, họ phải chinh phục được hai thử thách sống còn:
bước qua lương tri con người, lương tâm nghề nghiệp và bôi đen trách
nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của mỗi doanh nghiệp, tổ chức.
Những hộp sữa đã bật nắp, nước nắm dán nhãn “hàng tài trợ không bán” đè lên hạn sử dụng đã được làm quà tặng cho người nghèo.
Trong một xã hội nhân văn, những
con người thiệt thòi luôn là nỗi ám ảnh của cộng đồng. Ở đó, những số
phận thiệt thòi, sự mất mát của người khác là nỗi đau chung của cộng
đồng và được cộng đồng giang tay đón nhận, che chở. Đối với một đất nước
có truyền thống “lá lành đùm lá rách” như Việt Nam thì đó chính là
những chiếc lá rách cần che chở, đùm bọc nhất.
Bởi không chỉ thiệt thòi về số
phận, thân thể, đây còn là tầng lớp dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Điều họ cần không chỉ là những món quà vật chất, lòng thương mà còn là
sự tôn trọng và tình cảm đồng loại xuất phát từ đáy lòng.
Trong một thế giới nhân văn, các
doanh nghiệp ngoài và trên cả mục tiêu kinh doanh, phải luôn nhận thức
được trách nhiệm xã hội. Bởi đó là một cách để các doanh nghiệp đền đáp
và hoàn trả món nợ với cộng đồng của mình. Các hoạt động bảo vệ môi
trường, từ thiện… nằm trong món nợ phải trả này.
Hơn nữa, tính toán một cách sằng
phẳng, những hoạt động này cũng góp phần mang lại danh tiếng, củng cố
thương hiệu cho các doanh nghiệp. Với các chứng nhận, với cơ hội xuất
hiện trên các phương tiện truyền thông lớn nhỏ, dù cố ý hay vô tình, các
doanh nghiệp cũng đã PR cho tên tuổi “vì cộng đồng” của mình.
Và trong một thế giới nhân văn,
bất kỳ bệnh viện, bác sỹ nào cũng nhận thức sâu sắc, đầy đủ sứ mệnh cứu
người cùng trọng trách “lương y như từ mẫu” của mình.
Nhưng tất cả những con người đó,
tổ chức đó đã sử dụng phần trách nhiệm, lương tâm của mình thế nào khi
phát quà quá đát vào tay người nghèo, người khuyết tật, ốm yếu. Họ lạm
dụng lòng tin của người khác ra sao khi chỉ chăm chăm tăng “doanh số”
hàng quá đát lên cao nhất, nhanh nhất và “làm duyên” điệu nghệ nhất
trước mắt người dân và báo chí?
Bằng việc làm của mình, liệu họ
có khiến những người thiệt thòi cảm thấy bị xỉ nhục và mất lòng tin vào
lương tâm và tình yêu thương đồng loại? Liệu những con người đó có bị
đẩy sâu thêm vào bi kịch của mình?
Tất cả những điều đó được đánh đổi bằng vài “mớ” phế phẩm hoàn toàn vô giá trị, liệu có phải cái giá quá đắt?
Đổ phế thải vào… người sống?
Những món quà trên theo đúng quy
định pháp luật, lẽ ra đã phải được mang đi thiêu hủy, và các doanh
nghiệp hẳn cũng phải chi một khoản không nhỏ cho việc này. Nhưng chúng
đã được các chủ nhân khôn ngoan tái sử dụng theo cách lợi cả đôi đường:
vừa được tiếng lại vừa tiết kiệm tiền.
Khá kỳ lạ, nhưng câu chuyện này
có thể khiến người ta liên tưởng tới vụ đổ phế thải lấp mộ người chết
khiến dư luận phẫn uất gần đây. Có lẽ là vì việc tặng quà hết đát làm từ
thiện cũng chẳng khác nào đổ phế thải vào… người sống. Chỉ có điều, cái
việc đổ phế thải xây dựng thì bị cấm rành rành, nên người ta luôn phải
thực hiện chuyện này một cách vụng trộm, chui lủi và nếu bị bắt thì sẽ
bị phạt. Còn cái việc đổ phế thải vào người sống lại được thực hiện một
cách tinh vi, dưới ánh sáng ban ngày và trước con mắt của vô số người.
Tất nhiên, nếu không bị phát
hiện ra thì hẳn còn được xưng tụng và biết ơn dài dài. Còn nếu bị phát
hiện thì cũng chẳng biết… phạt ai và phạt thế nào.
Có một công thức “đổ lỗi vòng
quanh” rất hiệu nghiệm trong những trường hợp thế này. Ví dụ, trong vụ
3.000 gói bột dinh dưỡng hết hạn, khi sự vụ vỡ lở thì: “Trung ương Hội
Chữ thập Đỏ Việt Nam sau khi kiểm tra lại thì cam đoan rằng đã nhận
hàng, khi mà hạn đã hết. Trách nhiệm của Hội chỉ là đã không kiểm tra kỹ
nên để lọt. Doanh nghiệp tặng 3.000 hộp dinh dưỡng kia thì cho biết đã
chuyển hàng cho Hội trước khi hết hạn. Bằng chứng là có phiếu xuất kho”.
(Giadinhnet). Ai cũng có chứng cứ rõ rành, hùng hồn, chỉ có các em
khuyết tật và phụ huynh các em là vẫn băn khoăn sao hạn dùng mới lại
“bay trúng” vào hạn dùng cũ và sao người ta lại nỡ dành cho những số
phận tội nghiệp của vứt đi.
Và những “vụ án” tưởng chẳng có
gì phức tạp như thế dần rơi vào mơ hồ, cũng không thấy ai công khai nhận
trách nhiệm hay lên tiếng xin lỗi những người “chẳng may” được quà.
Loại bột dinh dưỡng quá đát mà các em nhỏ khuyết tật nhận được
Vậy là một câu hỏi lại bỏ ngỏ:
sẽ ra sao nếu những món quà này được đưa vào sử dụng rộng rãi? Đừng
quên, chúng không phải là những mặt hàng thông thường. Nếu là chai dầu
gội đầu hết đát có lẽ nặng cũng đến mức gây rụng tóc, hay lọ mỹ phẩm thì
cũng đến gây dị ứng. Nhưng đây là bột dinh dưỡng, thuốc và sữa… Đó đều
là những sản phẩm dành những đối tượng yếu đuối, cần nhiều sự bảo vệ che
chở hơn cả: trẻ em, người ốm, người già.
Và sự cố tình vi phạm của các
“tác giả” là rất rõ, nó thể hiện ở những hạn dùng được dán đè hạn mới
hoặc bị “thủ tiêu”, hay âm thầm nằm dưới nhãn “hàng tài trợ không bán”.
Bình thường, những sản phẩm này
đều là một nguồn thực phẩm/ thuốc rất tốt cho cơ thể con người, hoặc cứu
người, nhưng một khi quá hạn, chúng không chỉ giảm hoặc mất tác dụng mà
còn có thể gây độc. Ai có thể đảm bảo những mặt hàng quá đát này nếu
được đưa vào sử dụng không gây ra hậu quả khôn lường, lâu dài thậm chí
là cái chết thương tâm.
Theo pháp luật, các doanh nghiệp
kinh doanh hàng quá đát hoặc kém chất lượng sẽ bị xử phạt, truy cứu
trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội nghiêm trọng. Hẳn chúng ta
còn nhớ trong vụ sữa nhiễm Melamine của Trung Quốc (khiến ít nhất 6 em
nhỏ tử vong và gần 300.000 em khác bị ảnh hưởng), đã có 21 bị cáo bị kết
án, trong đó có 2 kẻ phải nhận án tử hình.
Nhưng sẽ ra sao khi những mặt
hàng quá đát này lại được gắn lên mình cái mác đẹp đẽ – TỪ THIỆN? Còn
cần “giọt nước tràn ly” nào nữa thì những “phi vụ” từ thiện như thế mới
bị phanh phui và chịu sự trừng phạt thích đáng? Một nạn nhân? Hai nạn
nhân?… Bao nhiêu là đủ để thức tỉnh?…