Cơ cực ông phụ hồ nuôi cháu mồ côi
Thứ tư, 15/12/2010, 06:19(GMT+7)
GiadinhNet - Vợ chết khi con gái lên 10, không muốn cảnh mẹ ghẻ con chồng, ông ở vậy nuôi con thành người.
|
Hai ông cháu trong ngôi nhà cũ nát.
|
Nhưng số phận trớ trêu, vài năm sau khi con về nhà chồng, nó nước mắt lã chã ôm cháu ngoại về cậy nhờ bố nuôi nấng vì mang trong người căn bệnh thế kỷ.
Ở cái tuổi 73, ông phải ngày ngày đánh vật với nghề phụ hồ nặng nhọc nuôi cháu. Ông là Trương Văn Sách, ở xóm 7 xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa).
Đau lòng khi con gái chết dần, chết mòn
Khi về với bố, con gái ông Sách đã chỉ còn tấm thân tàn ma dại. Ông Sách giấu con bán dần mọi thứ để mua thuốc giảm đau cho con. Trong nhà không còn món đồ nào đáng giá, ông đi làm đủ thứ nghề để kiếm tiền. Khi cháu gái nhỏ của ông lên 6, đứa con gái xấu số qua đời. Trong lúc hấp hối, con gái ông níu tay bố dặn đi dặn lại dù khó khăn đến đâu cũng phải giữ bằng được chiếc xe đạp cũ để sau này cho con gái cô đi học - món quà duy nhất người mẹ xấu số để lại.
Ông Sách kể trong nước mắt: "Khi biết con bị nhiễm HIV, tôi như người điên, không tin nổi tại sao mình lại bất hạnh đến thế. Bà nhà tôi mất khi mẹ cái Phương (cháu gái ông) hơn 10 tuổi, tôi ở vậy nuôi con. Bây giờ lại đến lượt căn bệnh quái ác ấy đến mang nó đi. Ngày sống cuối cùng của con khắc nỗi đau vào sâu trong tim bố. Cứ 20- 30 phút một lần, con bị cơn đau hành hạ. Hai tay nó nắm chặt vào thành giường, hai môi mím chặt, gồng mình quằn quại, mồ hôi vã ra như tắm. Nó cố để không kêu la, vì sợ tôi đau lòng. Có những lúc đau quá, nó cất tiếng gọi yếu ớt: "Bố ơi! Bố đi đâu mà con không nhìn thấy nữa rồi... Con gái con đâu". Nghe thấy những lời nói đó, nước mắt tôi cứ trào ra. Tôi dùng khăn mặt dấp nước đá chườm lên trán con, đặt tay lên người con để truyền chút sức già cho nó".
Theo lời ông Sách, con gái ông bị nhiễm HIV từ chồng. Ngày con ông về đây sống, nó phải chịu sự xa lánh của những người xung quanh. Hàng xóm cứ thấy con gái ông từ xa là họ tránh. Buồn nhất là trong xóm có mấy đứa trẻ nhìn thấy con gái ông là vừa chạy, vừa hét toáng lên: "Ếch đến, ếch đến... chạy không nó nhảy sang người". "Lúc ấy nó buồn lắm nhưng tôi bảo: Chúng là trẻ con, nghĩ làm gì. Khi nó trút hơi thở cuối cùng, mắt vẫn không thể nhắm lại. Nó cố nói với tôi những lời sau cuối: "Con đã không đền đáp được công ơn của bố, giờ lại bắt bố "gà trống" nuôi đứa con côi cút của con", ông Sách rầu rĩ kể.
Ông ơi, cháu muốn đi học
Ông Sách tâm sự: "Sau khi con gái mất cũng là lúc cháu tôi đến tuổi đến trường. Nhưng ngày khai giảng đến mà tôi vẫn chưa có tiền mua quần áo, sách vở cho cháu. Vì có đồng nào tôi đã dồn hết cho con gái thuốc men, rồi làm ma chay cho nó. Ngày khai giảng, thấy bạn bè háo hức đến trường, nó cứ cuống lên nói: "Ông cho cháu đi học". Lúc đó, tôi chỉ biết ôm cháu vào lòng khóc rồi bảo: Con ngoan, con vẫn đứng thấp hơn cái Hà, cái Yến, sang năm cao bằng chúng nó ông cho cháu đi học. Cái Phương 7 tuổi mới được đi học lớp 1 là tại tôi đấy".
Vì tuổi đã cao và hoàn cảnh phải thường xuyên ứng tiền công trước nên mỗi ngày công của ông Sách chỉ được nhận 39.000 đồng (trong khi người khác được trả 70.000 đồng). Cũng bởi thế mà bữa cơm của hai ông cháu chủ yếu là rau dưa. Món ăn bé Phương luôn ao ước là mì tôm nấu rau muống. "Có lần thương cháu vì phải ăn rau mãi, buổi trưa tôi tranh thủ ra đồng bắt ít cua ốc cải thiện. Nhưng cái Phương nó không chịu ăn, bảo: "Ông mang bán đi để mua hương. Cháu ăn cơm rau cũng được. Hương sắp hết rồi, cháu muốn có hương để nói chuyện với mẹ". Nó chăm thắp hương lắm. Cứ có điểm 10 là lại thắp hương khoe mẹ. Điểm 10 toán thì cháu có nhiều rồi nhưng chưa có điểm 10 viết. Vậy là hôm được điểm 10 viết, đi học về nó chạy vội ra vườn lấy gậy chọc 1 quả xoài xanh, ngắt một bông hoa dâm bụt ở bờ rào vào thắp hương cho mẹ", ông Sách kể.
Nói về lực học của cháu, gương mặt ông Sách chợt bừng sáng: "Đi họp phụ huynh nghe cô giáo nói cái Phương học giỏi tôi vui lắm. Muốn lo cho cháu được học hành đến nơi, đến chốn nhưng không biết tôi còn sống được mấy năm nữa. Cứ nghĩ đến ngày mình nhắm mắt xuôi tay, cháu lại bơ vơ mà xót xa quá". Niềm vui vừa lóe lên lại vụt tắt trên gương mặt già nua, khắc khổ của ông Sách.
Bé Phương đang học lớp 2 và luôn là học sinh dẫn đầu của lớp 2C trường Tiểu học Nga Thanh. Tuy nhiên, đã lên 7 tuổi nhưng trông Phương còi cọc như đứa trẻ mẫu giáo lên 5. Ông Sách cho biết, quãng đường từ nhà đến trường hơn 2 cây số nhưng ông chỉ đưa cháu đi học được 3 ngày đầu. Còn lại cháu tự đi, dẫu trời mưa hay nắng. "Nếu đưa cháu đến trường rồi mới về đi làm thì không ai muốn thuê làm nửa buổi cả", ông Sách lý giải.