Do đặc điểm địa bàn tỉnh Quảng Ninh có tuyến biên giới đường
bộ và đường biển với Trung Quốc nên những năm vừa qua, hoạt động mua
bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới diễn biến rất phức
tạp. Thời gian gần đây nổi lên các hoạt động câu kết giữa các đối tượng ở
2 bên biên giới mua bán, vận chuyển các loại ma túy tổng hợp từ Trung
Quốc qua khu vực biên giới của tỉnh Quảng Ninh để đưa sâu vào nội địa
tiêu thụ.
Qua các chuyên án, những thủ đoạn mới, loại ma túy mới nào đã được phát hiện?
Bên cạnh thủ đoạn thường thấy là cất giấu ma túy trong người, giấu
lẫn với các loại hàng hóa để vận chuyển qua biên giới, gần đây có những
trường hợp các đối tượng phạm tội đóng gói ma túy tổng hợp dưới các hình
thức như vỉ thuốc tân dược, trà hoặc cà phê hòa tan… gây rất nhiều khó
khăn cho công tác phát hiện và đấu tranh.
Năm 2010, công an tỉnh đã điều tra một số vụ có các loại ma túy mới
như: vụ Bùi Thị Hòa, SN 1956, trú tại Yên Hưng, Quảng Ninh, vận chuyển
1.035 viên nén có thành phần 2,5-Dimethoxy-4- Ethylphenethylamine
(2C-E); vụ Hoàng Văn Tắc, SN 1983, và Trần Viết Thắng, SN 1986, quốc
tịch Trung Quốc, vận chuyển 1.280 viên nén có thành phần Piperatene
(TFMPP); vụ Koemsokda, SN 1980, quốc tịch Campuchia, vận chuyển 2.841,36
gam
Dimethyl Amphetamine. Đây là 3 loại ma túy tổng hợp mới, chưa nằm
trong danh mục các chất ma túy ở VN theo quy định pháp luật, vì vậy chế
tài chưa đủ mạnh để răn đe, giáo dục đối tượng phạm tội, hình thức xử
phạt nhẹ. Do vậy, đề nghị Chính phủ sớm bổ sung các loại ma túy này vào
danh mục các chất ma túy ở VN.
Chúng ta phải làm gì để ngăn chặn tình trạng ma túy “vượt biên”?
Những năm qua Công an tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu cho cấp ủy, chính
quyền địa phương thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể kiểm soát ma túy
qua biên giới; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị vũ trang, lực lượng
chuyên trách phòng chống ma túy… và chỉ đạo công an các đơn vị, địa
phương triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ trên tuyến biên
giới.
Tuy nhiên, để ngăn chặn có hiệu quả, công tác phối hợp giữa các lực
lượng cần được quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa, nhất là tại các khu vực
biên giới, cửa khẩu. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Hiệp định
song phương Việt - Trung cần được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu nhằm phối
hợp tốt việc kiểm soát ma túy ở biên giới của lực lượng chức năng 2
nước.
Cần sớm có Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ tội phạm
giữa VN và các nước liên quan, nhất là với Trung Quốc, để nâng cao hiệu
quả bóc gỡ các đường dây ma túy xuyên quốc gia.
Phạm Hải Sâm (thực hiện)