Dạy nghề không cấp chứng chỉ
Cơ sở (CS) Nhân Tâm được Sở LĐ-TB-XH
TP.HCM cấp giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề năm 2004. Đăng ký hoạt
động tại một địa chỉ trên P.Đông Hưng Thuận (Q.2), song CS di dời nhiều
địa điểm, khác với địa chỉ được cấp phép.
Cách đây vài ngày, khi chúng tôi đến CS
Nhân Tâm (ở đường Phan Văn Hớn, P.Tân Thới Nhất, Q.12 – không phải địa
chỉ trên giấy phép) thấy cổng chính và cổng phụ đóng im ỉm, có hai mẩu
thông báo dán ở tường ghi: “CS tạm ngừng chiêu sinh và tiếp nhận học
viên nội trú và ngoại trú”.
Một cán bộ P.Tân Thới Nhất cho hay:
“Nhân Tâm chuyển về phường này từ tháng 9/2010. Danh nghĩa là dạy nghề
gần cả chục năm nay nhưng có bao nhiêu em được CS cấp chứng chỉ học
nghề? Trong khi đó, ở những CS dạy nghề khác dạy nghề theo trình độ, cấp
chứng chỉ, học xong còn giới thiệu việc làm, học viên nào chưa đạt sẽ
dạy tiếp. Còn CS này hoạt động âm thầm, không báo cáo với địa phương…”.
PV Báo Phụ Nữ trò chuyện với trẻ học nghề tại Nhân Tâm
Ông Lê Thanh Phương - chủ CS Nhân Tâm
cho biết, từ khi thành lập năm 2004, CS đã dạy được khoảng 300 trẻ với
các nghề như vẽ, điêu khắc, sơn mài, thiết kế đồ họa, thêu, may, khảm
trai… Trong đó, 70% trẻ đã có việc làm. Khi được hỏi, đã cấp được bao
nhiêu chứng chỉ học nghề, ông Phương phân trần: “Thực tế nhu cầu học
viên rất cần chứng chỉ, nhưng do CS không mua được phôi nên chưa thể cấp
chứng chỉ”.
Về ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Bạch Hường
- Phó trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nói: “Phôi chứng chỉ
được cấp khi CS dạy nghề trình được quyết định tốt nghiệp, danh sách học
viên, thời điểm tốt nghiệp, nhưng Nhân Tâm không thực hiện các quy định
đó thì làm sao chúng tôi cấp được. Đổ trách nhiệm như thế là không
đúng”.
Một thành viên của Nhân Tâm phân bua
rằng, chủ CS (ông Phương) “dạy nghề bằng tấm lòng”, không cần phải cấp
chứng chỉ. Mặt khác, CS chưa có pháp nhân đầy đủ, mới chỉ có dấu vuông
nên chưa hình thành CS dạy nghề đúng nghĩa. Tuy nhiên, bà Hường khẳng
định, giấy phép dạy nghề cấp cho CS năm 2004 là hoàn toàn hợp pháp. Do
đơn vị hoạt động chuyên ngành, Sở cấp giấy phép, nên có con dấu vuông.
Cùng thời gian này, các CS khác đều cấp chứng chỉ cho người học và có
giá trị toàn quốc, Nhân Tâm không cấp chứng chỉ là không đúng.
Thích làm bảo trợ
Dù không có giấy phép hoạt động bảo trợ
xã hội song CS Nhân Tâm lại rất hăng hái làm bảo trợ, tiếp nhận hàng
chục em đến ăn ở nội trú và thường tổ chức các chương trình gây quỹ. Em
Hoàng Ngọc Sơn, 13 tuổi, quê Đồng Nai, cho biết do bố mẹ bị mất sức lao
động nên gửi em vào Nhân Tâm học nghề điêu khắc và vẽ, được nơi đây nuôi
ăn học…
Theo ông Lê Thanh Phương thì Nhân Tâm
hoạt động xuất phát từ tấm lòng, không thu học phí, thanh thiếu niên
khuyết tật sẽ được hỗ trợ dạy nghề. Hiện CS có 11 em đang ở nội trú. Khi
được hỏi tại sao hoạt động bảo trợ không phép, ông Phương giải thích:
“CS còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng quỹ để ổn định nhân sự và vấn
đề cơ sở hạ tầng. Việc xin pháp nhân bảo trợ xã hội khó khăn nên dùng
pháp nhân dạy nghề để nhận tiền bảo trợ, sửa chữa, nâng cấp CS”.
Ông Phạm Cầu, tình nguyện viên của Nhân
Tâm cho biết, CS tồn tại được chủ yếu là nhờ các đơn vị ủng hộ tiền -
gạo; các nhân vật nổi tiếng, nghệ sĩ, hoa hậu cũng thường đến thăm, hỗ
trợ. Nhân Tâm có thiếu sót do chủ CS là họa sĩ Phương không có kinh
nghiệm trong công tác quản lý, chỉ chuyên tâm vào việc giúp đỡ, dạy nghề
cho các em.
Tuy nhiên, theo một cán bộ Phòng
LĐ-TB-XH Q.12, Nhân Tâm vi phạm có hệ thống chứ không phải là hiện
tượng. Các cơ quan chức năng khi phát hiện vi phạm tại Nhân Tâm đã có
hàng loạt cuộc kiểm tra, làm việc trực tiếp nhưng chủ CS nhiều lần không
có mặt, không có thiện chí khắc phục. Chẳng hạn, tháng 11/2009, đoàn
kiểm tra Q.12 làm việc và kết luận CS hoạt động dạy nghề không đúng địa
chỉ đã được cấp phép; các ngành nghề đang đào tạo chưa đăng ký với cơ
quan quản lý; CS vật chất, nơi ăn ngủ, phòng vệ sinh cho các em không
đảm bảo; trang thiết bị không đảm bảo cho việc giảng dạy; không đăng ký
tạm trú tạm vắng… Đến tháng 7/2010, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM kiểm tra thì phát
hiện hầu hết các kiến nghị xử lý trước đó đều không được CS thực hiện.
Tháng 8/2010, đoàn kiểm tra Q.12 yêu cầu thực hiện quy định về giấy phép
trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, song đơn vị vẫn hoạt động sai chức năng.
Vì sao vẫn hoạt động mạnh?
Đơn giản hóa thủ tục
Ông Nguyễn Phúc Nguyên Cường - cán bộ Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), nhận xét: “CS Nhân Tâm vừa dạy nghề vừa bảo trợ xã hội. Ở đây, các anh đã đơn giản hóa việc làm từ thiện là chỉ cần tấm lòng. Trong khi đó, bảo trợ xã hội yêu cầu phải đảm bảo quy định pháp luật như: ngân sách; việc tiếp nhận các đối tượng trẻ mồ côi, khuyết tật; thực hiện tiêu chuẩn ăn ở, y tế, sinh hoạt, tinh thần… Có thể, CS có các lý do khách quan nhưng
không có nghĩa là vì vậy mà cứ làm sai mãi”.
Không công khai tài chính
Theo Phòng LĐ-TB-XH Q.12, CS Nhân Tâm trong thời gian dài hoạt động không đúng chức năng, sai địa chỉ, thiếu hợp tác. CS vi phạm ở nơi này, bị phản ứng thì nhảy sang chỗ khác. Khi đứng ra tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp, đơn vị không báo cáo, xin ý kiến cơ quan quản lý ở địa phương. Đặc biệt, công tác bảo trợ quan trọng nhất là phải công khai tài chính nhưng Nhân Tâm không công khai được. Do đó, nếu CS không khắc phục sai
phạm, đề nghị cơ quan chức năng kiên quyết cho ngừng hoạt động.
|
|
Năm 2009, có ba doanh nghiệp tự nguyện tặng
hàng ngàn m2 đất cho Nhân Tâm để xây trường tại Củ Chi, TP.HCM và Nhơn
Trạch, Đồng Nai. Theo giới thiệu, sẽ hình thành dự án xây dựng Nhân Tâm
hoành tráng có tổng kinh phí khoảng 18 tỷ đồng bao gồm các khu dạy nghề,
sản xuất, y tế, vật lý trị liệu, vui chơi thể thao văn hóa, nhà triển
lãm, giới thiệu sản phẩm của người khuyết tật…
Bà Nguyễn Thị Thu Thuấn, Giám đốc Công
ty TNHH MTV TM-DV thời trang Hồng Ty Vy Lan - một trong những đơn vị
tặng đất cho Nhân Tâm, nói: “Chúng tôi có hiến 3.000m2 đất tại huyện
Nhơn Trạch cho Nhân Tâm, hiện đang xúc tiến làm dự án, chờ tỉnh Đồng Nai
duyệt. Tôi quen anh Lê Thanh Phương từ năm 2004, một lần thăm CS thấy
nhà ở dột nát, các em nằm ngủ dưới đất nên có hỗ trợ tiền sửa chữa. Sau
đó gặp lại Phương, Phương nói chỗ thuê hết hợp đồng không biết dời các
cháu đi đâu. Lúc đó mình có quỹ đất nên quyết định giúp đỡ”.
Ngày 26/5/2010, Nhân Tâm đứng ra tổ chức
chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện “Chung sức tương lai” tại Nhà hát
TP, được truyền hình trực tiếp trên HTV 9. Chương trình được quảng bá
“là dịp chia sẻ với công chúng về quá trình xây dựng và phát triển CS
dạy nghề Nhân Tâm dành cho người khuyết tật; tôn vinh các em khuyết tật
đã vượt khó trở thành người có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, qua cầu nối
truyền hình, nhà tổ chức mong nhận được thêm sự ủng hộ, đóng góp của các
cá nhân, đơn vị, tổ chức...”. Các đơn vị, cá nhân đã hỗ trợ CS trên 11
tỷ đồng.
Trong hoạt động từ thiện, điều cần thiết
là công khai tài chính, nhưng chưa có cơ quan chức năng nào nắm chính
xác số tiền Nhân Tâm đã huy động do CS không công khai, báo cáo sổ sách.
Tại sao một đơn vị có chức năng dạy nghề lại nhảy sang làm từ thiện,
dùng pháp nhân dạy nghề để nhận tiền bảo trợ? Phải chăng CS dạy nghề
Nhân Tâm đã lợi dụng hoàn cảnh các em nhỏ để trục lợi?
Quỳnh Mai - Trần Huỳnh