Thế giới không phẳng
Người nghèo ở xứ không nghèo
TTCT - Từng làm việc ở những nước nghèo như Bangladesh,
Ấn Độ, Lào, Campuchia, Nepal, Bhutan, tôi đã chứng kiến những cảnh
nghèo đến khốn cùng. Tuy nhiên, những người nghèo tôi gặp ở các nước
không nghèo lại là câu chuyện khác.
 |
Sau vài giờ được đặt lưng ở nhà tạm trú dành cho người vô gia cư, người đàn ông này sẽ phải thu dọn đồ đạc và ra đi, nhường chỗ cho người
khác - Ảnh: Quế Mai |
Mùa hè năm 2010, ở ngoại ô thành phố Munich (Đức), tôi
đã “chạm tay” vào người nghèo ở một trong những nước của Liên minh châu
Âu. Trong một buổi chiều nắng nhạt, tôi thong thả đạp xe đến một khúc
quanh thì chợt thấy dòng sông êm đềm đang dập dềnh một cách khác lạ dưới
một vòm cây: một người đàn ông đang nằm xoãi người dốc theo triền sông,
đầu gần chạm nước, chân đạp điên cuồng, tay cố gắng níu giữ cành cây để
khỏi lao đầu xuống nước.
Nhờ sự trợ giúp của nhiều người, tôi mới có thể lôi ông
Klaus Schmidt - tên ông ta - lên khỏi triền sông dốc ngược. Khi tôi ngỏ
ý đưa ông về nhà, ông khóc và nói rằng nhiều năm nay ông không còn gia
đình, con cái đã bỏ đi vì mâu thuẫn, vợ chết vì nghiện rượu vài năm
trước. Ông sống lay lắt ngày qua ngày, hoàn toàn phụ thuộc vào trợ cấp
ít ỏi của chính phủ.
Tìm việc ngày càng khó
Theo tờ Deutche Welle (số ra ngày 7-1-2010),
năm 2008 ở Đức số người vô gia cư được chính thức công nhận là 227.000
người. Con số này được công bố cùng với cái tít rất giật gân của bài
báo: “Mùa đông trừng phạt những người vô gia cư Đức: người thứ 10 chết
rét”.
Theo chân một người bạn đến một trong những trung tâm
chăm sóc người vô gia cư ở ngoại ô Munich, tôi gặp bao hoàn cảnh thương
tâm: những người già bị con cái hắt hủi, những người nghiện rượu, bị
bệnh tâm lý hoặc tâm thần... Đặc biệt, tôi gặp một người CH Czech sang
Đức tìm việc làm nhưng mãi vẫn chưa tìm được. Anh kiên quyết không về
nước, cố gắng nán lại Đức để tìm cơ hội việc làm. Không một xu dính túi,
anh phải nhờ đến sự giúp đỡ của trung tâm chăm sóc người vô gia cư.
Người bạn đồng hành chỉ cho tôi một chàng trai Đức trẻ
tuổi, mới cưới vợ nhưng mất việc. Hằng ngày anh vẫn giả bộ đi làm, thực
tế là đi tìm việc. Vì túng quẫn, anh vào trung tâm này để xin mua rẻ bữa
trưa. Đôi khi những bữa trưa ở đây được phát miễn phí nhờ sự tài trợ
hảo tâm của một siêu thị trong vùng (hàng tài trợ thường là thực phẩm
đóng hộp sắp hết hạn).
Dù Chính phủ Đức có chế độ bảo trợ xã hội khá tốt, thực
tế vẫn còn nhiều người không thể tiếp cận được với dịch vụ hỗ trợ nên
đành phải ăn xin trên đường phố. Vì thế khi sang Đức, tôi cũng dần quen
với cảnh nhiều người đứng trên phố ăn xin hoặc lục lọi thùng rác nơi
công cộng để tìm đồ ăn.
Năm rồi tôi đến Bonn, được một người bạn Đức mời về nhà
ăn trưa cùng với một cô bạn người Việt mà tôi quen cả chục năm nay. Cô
sang Đức theo diện au pair (vừa học vừa giúp việc gia đình), sau đó ở
lại và kết hôn với một anh chàng Đức. Cả hai hiện thất nghiệp. Cô và
chồng đến bữa ăn trưa đem theo một tảng bánh mì đen tự làm ở nhà để tiết
kiệm khoảng 20 cent (tương đương 6.000 đồng).
Tôi không hỏi cô về thời gian gần một giờ phải hì hụi
trộn bột, nướng bánh để có thể tiết kiệm được 6.000 đồng ấy, vì biết
rằng nếu hỏi sẽ chạm vào nỗi đau sâu thẳm của cô. Ở trời Âu, thất nghiệp
lâu năm rất dễ lâm vào cảnh màn trời chiếu đất và bị cuốn vào vòng quay
không công việc, vì chẳng ai muốn nhận một người đã thất nghiệp lâu
năm.
Anh Stefan Froschhammer, một người bạn Đức, nói với tôi
rằng người nghèo ở Đức có những vấn đề sâu xa hơn vấn đề tiền nong - đó
là những vấn đề về gia đình hoặc tâm lý. Đức là một nước có chế độ bảo
trợ tốt, người nghèo và người vô gia cư có thể tìm được rất nhiều loại
trợ giúp. Tuy nhiên, nhiều người vô gia cư không muốn và không thể tiếp
cận được với sự trợ giúp vì họ không thể nói chuyện với những người lạ,
không thể quản lý tiền và không thể chịu đựng được thủ tục hành chính.
Stefan kể cho tôi nghe chuyện một người bạn của anh
đang sống ngoài đường phố ở Munich, người ấy là con trai của một giáo
sư. Tuy nhiên, anh ta không thể đi làm bình thường như mọi người và cũng
không thể quản lý được nơi ở của mình. Sau mọi cố gắng giúp đỡ, anh ta
vẫn sống ngoài đường phố, cả trong những ngày thành phố phủ tuyết trắng
xóa.
Di dân đầy rủi ro
Sang Bỉ vài lần, tôi thấy khoảng cách giàu nghèo ở đây
còn bi thảm hơn tại Đức. Cạnh nhà thờ chính của thành phố Brussels luôn
có nhiều người vô gia cư với một túi đồ bên mình, nằm ngủ ở ghế đá công
viên. Họ thường có một con chó to làm bạn và cả hai cùng sống vất vưởng
trên đường phố. Thành phố Brussels được xem là thủ đô của châu Âu, với
những trụ sở của nhiều cơ quan đầu não châu Âu và được xem là một trong
những thành phố phồn thịnh nhất. Tuy nhiên, những người di dân lại là
tầng lớp nghèo nhất.
Căn hộ tôi thuê nằm trong một ngôi nhà có hai người di
dân Albania ở tầng trệt. Họ là kỹ sư ở Albania, nhưng sang Bỉ đành chấp
nhận làm người thất nghiệp vì bằng cấp không được công nhận. Không thể
cạnh tranh với số lượng khổng lồ người đang tìm việc (tỉ lệ thất nghiệp ở
Bỉ gần đây lên đến 17%), hai kỹ sư Albania ấy phải đi lau dọn nhà cửa
thuê và làm công việc bốc vác.
Nhưng dường như họ vẫn may mắn hơn những người da đen
tôi gặp ở các nhà vệ sinh công cộng khắp Brussels: là những người di dân
không bằng cấp, họ tự nguyện lau dọn phòng vệ sinh công cộng và chầu
chực ở đó để xin tiền boa của người sử dụng. Một lần, sau khi được tôi
boa số tiền kha khá, một phụ nữ da đen đã dúi vào túi tôi rất nhiều kẹo.
Giống như Đức, Hà Lan cũng có nhiều người thất nghiệp
và lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Sang Hà Lan, tôi tìm hiểu và biết
rằng những người bỏ việc không bao giờ được nhận trợ cấp thất nghiệp của
chính phủ. Vì thế, dù có bị sếp mắng chửi, nhiều người bạn tôi không
dám ho he nửa lời. Chỉ khi nào bị đuổi, trợ cấp thất nghiệp của nhà nước
mới được áp dụng.
Trong thời gian được trợ cấp thất nghiệp, hai tuần một
lần, người hưởng trợ cấp phải chứng minh được rằng mình đã nỗ lực tìm
việc (bằng việc cung cấp bản sao đơn xin việc trong thời gian hai tuần
trở lại) thì mới tiếp tục nhận được trợ cấp.
NGUYỄN PHAN QUẾ MAI