Trang chủ HIV  |  Web Link  |  Giới thiệu |  Liên hệ  |  English 
hiv logo

Thông báo

Icon
Error

Đăng nhập


Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to last unread
Tu-an  
#1 Đã gửi : 11/05/2011 lúc 03:32:31(UTC)
Guest
Danh hiệu: Guest

Nhóm:
Gia nhập: 24-06-2009(UTC)
Bài viết: 25.549

Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết


(Thứ Năm, 05/05/2011-3:13 PM)
Sống và khát vọng


Cai nghiện bằng methadone mang lại hiệu quả tích cực cho người nghiện.
KTNT - Từ khi TP. Hải Phòng được chọn là một trong những địa phương thực hiện thí điểm chương trình điều trị methadone và hướng nghiệp cho người nghiện ma túy, nhiều người sa ngã đã có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống.

 

Bài 1: “Cứu tinh” của hạnh phúc

Sinh con, nuôi con lớn thành người là niềm hạnh phúc của bậc làm cha mẹ. Và dù con có sa ngã, hư hỏng đến đâu, người mẹ vẫn là chỗ dựa đáng tin cậy. Bà Lê Thị B. ở quận Lê Chân (Hải Phòng) đang cố gắng giành giật phần người còn sót lại của đứa con trai út.

Nỗi lòng người mẹ

Nhìn những hạt mưa hiu hắt trước sân Cơ sở điều trị methadone quận Lê Chân, bà B. khẽ lau những giọt nước mắt và nói: “Tôi và ông nhà có với nhau 3 cậu con trai. Sau một cơn đau tim ông ấy mất. Với đồng lương ít ỏi của nhân viên nhà ga nghỉ mất sức, tôi suốt ngày đầu tắt mặt tối cũng chỉ lo được cho con ngày 2 bữa cơm và có đủ tiền đóng học phí. Năm 1995, đa số những đứa trẻ mới lớn ở xóm tôi đều sa ngã vì ma túy, trong đó có 2 đứa con tôi”.

Nói đến đây, giọng bà nghẹn lại: “Bây giờ, cuộc sống của tôi chẳng khác gì con nợ. Hàng ngày, ngồi bán rau ở chợ Cột Đèn được đồng nào là bị chúng nó lột hết... Nhiều lúc tôi định bỏ đi nhưng lại nghĩ “hổ còn chẳng bỏ con”, mình đã trót mang nặng đẻ đau ra chúng nên phải cố gắng động viên, giúp chúng nó làm lại cuộc đời”.

Sau hơn một giờ được các chuyên gia của trung tâm tư vấn, anh Nguyễn Văn V. đi ra đỡ mẹ lập cập đứng dậy. Gặp con, bà B. hỏi với: “Thế nào hả con?”. Anh V. cúi mặt khi gặp người lạ, ngập ngừng nói: “Tuần sau con sẽ được uống thuốc mẹ ạ! Sau khi nghe các bác sỹ tư vấn và thấy những người cùng nghiện như mình uống thuốc phục hồi sức khỏe nhanh, con nghĩ là mình sẽ vượt qua”.

Cuộc sống mới

Được thành lập từ tháng 4/2008, Cơ sở điều trị methadone quận Lê Chân là nơi đầu tiên thử nghiệm điều trị cho người nghiện ma túy bằng liệu pháp thay thế methadone. Ban đầu, do thông tin về thuốc methadone còn hạn chế nên việc tiếp cận và vận động các gia đình có con em nghiện ma túy đến điều trị rất khó khăn. Cán bộ của cơ sở phải đến từng nhà tuyên truyền, tư vấn cho người dân hiểu. Sau một thời gian tiếp cận, cơ sở đã tiếp nhận 12 bệnh nhân đầu tiên.



“Methadone là chất đồng vận với các chất dạng thuốc phiện, là một biện pháp khá hiệu quả trong điều trị người có ma túy muốn từ bỏ ma túy”.

Bà Trần Thị Bích Thủy, Trưởng cơ sở điều trị methadone quận Lê Chân cho biết: “Đa phần bệnh nhân đến đây đều đã cai nghiện rất nhiều lần và dùng nhiều phương pháp khác nhau nhưng không hiệu quả. Sau khi được điều trị bằng methadone, họ không còn cảm giác thèm, nhớ ma túy nữa, sức khỏe được cải thiện”.

Bệnh nhân điều trị tại cơ sở không chỉ được uống methadone miễn phí mà còn được tham gia các buổi tư vấn. Chị Phạm Thị Giang, tư vấn viên của cơ sở kể lại: “Có một trường hợp do họ sử dụng ma túy quá lâu dẫn đến trầm cảm. Chúng tôi đã cố gắng tâm sự, động viên để họ sớm vượt qua khó khăn”.

Sau 2 năm triển khai, cơ sở điều trị methadone quận Lê Chân đã tiếp nhận điều trị cho 430 người nghiện ma túy, trong đó có 2 bệnh nhân cai nghiện thành công và xin ra khỏi chương trình. Không những thế, hai bệnh nhân này còn trở thành cộng tác viên truyền thông của cơ sở. Bằng sự nhiệt tình, tâm huyết với công việc của các y, bác sỹ, cộng thêm hiệu quả của thuốc methadone, hàng trăm người nghiện tại quận Lê Chân đã dần thoát khỏi nỗi ám ảnh của ma túy, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Bài 2: Nỗ lực vào cuộc

Văn Thương

http://kinhtenongthon.com.vn/Story/xahoi/2011/5/28200.html
Quảng cáo
Tu-an  
#2 Đã gửi : 11/05/2011 lúc 03:34:11(UTC)
Guest
Danh hiệu: Guest

Nhóm:
Gia nhập: 24-06-2009(UTC)
Bài viết: 25.549

Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết


Thứ Tư, 11/05/2011-2:01 PM)
Sống và khát vọng (Bài 2): Nỗ lực vào cuộc


Các y, bác sĩ nhiệt tình tư vấn trong các chương trình tư vấn xét nghiệm tự nguyện.
KTNT - Quận Đồ Sơn (TP.Hải Phòng) là địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng mô hình tư vấn, xét nghiệm HIV lưu động miễn phí. Và đối tượng được ưu tiên là nhóm phụ nữ bán dâm.

 

Bài 1: “Cứu tinh” của hạnh phúc

Những người “chai mặt”

Tuy mới là đầu mùa du lịch nhưng những ngày này đã có rất nhiều du khách đổ về bãi biển ở Đồ Sơn. Hòa trong những đoàn người đông đúc là các thành viên trong nhóm tiếp cận cộng đồng của Phòng khám ngoại trú Đồ Sơn. Họ đang nỗ lực đến từng nhà nghỉ, khách sạn để tuyên truyền cho những tiếp viên ở đây cách phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS.

Hàng ngày, chị Nguyễn Thị H. cùng 3 người khác trong nhóm thường chia thành 2 tổ thay phiên nhau đến các cơ sở lưu trú để tư vấn. Tùy khách hàng là người mới hay cũ, hiểu biết đến đâu mà các chị lựa chọn cung cấp những kiến thức về HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, cách sử dụng bao cao su và giới thiệu về dịch vụ xét nghiệm HIV lưu động miễn phí. Kết quả xét nghiệm HIV sẽ được mang tới trả sau 1 tuần, đảm bảo riêng tư và bí mật.

Không chỉ thế, các chị còn phát bao cao su miễn phí cho các tiếp viên và chủ nhà hàng. Thế nhưng, không phải ngay từ đầu họ đã được chào đón. Chị H. kể, lần đầu tiên khi vừa bước chân vào khách sạn và giới thiệu lý do mình đến đây, chị đã bị mời ra ngay.

Trao đổi với các thành viên trong nhóm tiếp cận cộng đồng, chúng tôi mới biết, các chị cũng chính là những người đã từng có quá khứ không vui và đang mang trong mình vi-rút HIV. Vì thế, các chị đã nỗ lực truyên truyền với mong muốn những cô gái trẻ này không bị lây nhiễm HIV như mình. Chồng chị H. từng bị nghiện ma túy, sau khi cai nghiện thành công, anh được nhóm Sóng biển Đồ Sơn giới thiệu đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với HIV. Khi lấy máu xét nghiệm, chị H. cũng đã chuẩn bị tinh thần vì biết với hơn 10 năm chung sống với chồng, chị khó tránh khỏi lây bệnh. Chị đã đem chính hoàn cảnh của mình ra kể lại, làm tấm gương để các cô gái bán dâm hiểu họ là nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao nếu không sử dụng bao cao su và các biện pháp phòng tránh khác.

Đã không ít lần các chị bị xua đuổi không chút nể nang và thô bạo. Thế nhưng, với lòng kiên trì, các chị vẫn tiếp tục làm công tác tuyên truyền tại đây. Cuối cùng, với sự hỗ trợ của phòng khám, công an và Hiệp hội du lịch địa phương, các chị trong nhóm tư vấn viên đồng đẳng cũng chinh phục được nhóm người này. Từ khi mô hình được đưa vào hoạt động (tháng 7/2008) đến nay, nhóm đã tiếp cận được gần 100 trong tổng số 120 cơ sở lưu trú ở Đồ Sơn. Theo đó, khoảng 300 người đã được ít nhất 1 lần tiếp cận tư vấn, nhận bao cao su và xét nghiệm HIV.

Mô hình tuyên truyền hiệu quả

Nói về kinh nghiệm của mình, chị H. cho biết: “Mình phải cố gắng, kiên trì vì ban đầu tiếp cận rất khó, nhưng chỉ cần tư vấn được một người ở đây thì tất cả những người khác trong nhóm tiếp viên sẽ mạnh dạn làm theo”.

Y sĩ Vũ Ngọc Phảng, giám sát viên của Phòng khám ngoại trú Đồ Sơn cho biết: “Các chị trong nhóm tư vấn viên đồng đẳng là những tuyên truyền viên nhiệt tình. Họ đã thực sự trở thành những người bạn thường xuyên tâm sự chuyện buồn vui; nhiều tiếp viên đã chủ động xin bao cao su và đến phòng khám để được tư vấn. Trong số hơn 18.000 lượt xét nghiệm HIV ở Đồ Sơn thì hơn 1.300 mẫu được lấy từ dịch vụ lưu động này”.

Hơn 2 năm tồn tại song song với dịch vụ xét nghiệm tại Phòng khám ngoại trú Đồ Sơn, mô hình lưu động tư vấn, xét nghiệm HIV/AIDS đã góp phần đưa dịch vụ này tới gần hơn những người có nguy cơ cao: nhóm phụ nữ bán dâm. Theo y sĩ Phảng, đây là mô hình thầy thuốc đi tìm khách hàng. Với những kết quả ban đầu, dịch vụ đã mở rộng ra 7 phường thuộc quận Đồ Sơn và một số khu công nghiệp, cơ quan thuộc quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy.

Đặc biệt, nhóm tư vấn cũng được mời tham gia chia sẻ kinh nghiệm tại Nghệ An, Khánh Hòa, Hà Nội, Bình Định và được đánh giá rất cao. Thạc sĩ Chu Quốc Ân, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đánh giá: “Đây là mô hình phù hợp với địa bàn dân cư tập trung, khu giải trí có dịch vụ nhạy cảm và có thể nhân rộng, đóng góp tích cực vào việc dự phòng lây nhiễm HIV với đối tượng có nguy cơ cao”.

Bài 3: Cơ hội việc làm cho người có H

Văn Nguyên

Tu-an  
#3 Đã gửi : 18/05/2011 lúc 03:27:26(UTC)
Guest
Danh hiệu: Guest

Nhóm:
Gia nhập: 24-06-2009(UTC)
Bài viết: 25.549

Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
Sống và khát vọng (Bài 3): Cơ hội việc làm cho người có H

(Thứ Tư, 18/05/2011-2:01 PM)





Nhờ sự động viên, giúp đỡ của nhóm hướng nghiệp và đào tạo việc làm, anh Nguyễn Hùng Thắng đã có việc làm ổn định.
KTNT - Nhiều người nghiện ma túy và có HIV đã tự tin tái hòa nhập cộng đồng nhờ chương trình hướng nghiệp và hỗ trợ việc làm cho người sau cai nghiện của TP. Hải Phòng. Hiện, chương trình được thực hiện thí điểm hiệu quả ở nhiều địa phương, tạo cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống cho người có HIV.

 

Sống và khát vọng (Bài 2): Nỗ lực vào cuộc

Đổi đời nhờ được hướng nghiệp

Chị Nguyễn Thị V. từng trải qua những ngày tháng kinh hoàng trong cuộc đời mình. Lấy một người chồng không nghề nghiệp, lại cờ bạc nghiện hút, bản thân chị đã trở thành nô lệ của "nàng tiên nâu" lúc nào không biết. Sống trong cảnh "chồng chích vợ hút" không lâu thì chị ly dị.

Sau khi đi bước nữa với một người đàn ông biết cảm thông chia sẻ, cuộc sống của chị V. bước sang trang mới. Nhờ sự quan tâm của gia đình và sự sẻ chia của chồng, chị đã đến đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ cai nghiện tại cơ sở điều trị methadone (quận Lê Chân). Tại đây, chị được định hướng, đào tạo nghề... và một tương lai tươi sáng bắt đầu mở ra...

Chị Nguyễn Thị Thanh Hường, nhân viên tư vấn và hỗ trợ Chương trình hướng nghiệp và đào tạo nghề cho người sau cai nghiện TP.Hải Phòng cho biết: "Chị V. là một trong số những hoàn cảnh khá đặc biệt được chúng tôi hỗ trợ tư vấn và hướng nghiệp học nghề. Sau một thời gian dài ngụp sâu trong nghiện ngập, chị được trung tâm cho đi học nghề làm móng, cắt tóc. Kết thúc khóa học, chị đã mở được quán riêng tự tạo việc làm cho gia đình và bản thân". Giờ đây, trung bình mỗi tháng chị V. thu nhập 3-5 triệu đồng. Điều khiến V. hạnh phúc nhất không hẳn vì có một công việc ổn định mà còn vì chị có một gia đình đầm ấm, luôn bên chị, giúp chị vượt qua khó khăn, tự tin làm lại cuộc đời.

Không nghiện ma túy, nhưng hoàn cảnh của anh Nguyễn Xuân Tr., sinh năm 1980 (Thủy Nguyên - Hải Phòng) vô cùng éo le. Gia đình nghèo khó, bản thân từng là người lính nhưng vì một phút bất cẩn, anh đã bị lây nhiễm HIV. Luôn sống trong sự mặc cảm nên phải mất một thời gian khá dài anh mới có đủ dũng khí vượt qua nỗi đau, hòa nhập cộng đồng. Sau khi được các nhân viên tư vấn hỗ trợ giới thiệu học nghề sửa chữa xe máy, hiện anh đã có việc làm ổn định, mua sắm xe máy, sửa được nhà.

Tư vấn viên Ngô Quang Thành, làm việc 3 năm tại Trung tâm Tư vấn và Hướng nghiệp cộng đồng, cho biết: "Để điều trị thành công đòi hỏi nhiều điều kiện, trước hết là người nghiện phải quyết tâm và bản lĩnh vững vàng. Đồng thời, phải có sự quan tâm, động viên của người thân, gia đình và cộng đồng. Quan trọng nhất là có việc làm và thu nhập ổn định. Vì thế, hơn một năm triển khai chương trình, 100% số người được hướng nghiệp đã thực sự đổi đời".

Hạnh phúc nảy mầm

Nhớ lại một thời lầm lỡ, anh Nguyễn Hùng Thắng (quận Lê Chân - Hải Phòng) vẫn vẹn nguyên nỗi ám ảnh: "Ngày còn nghiện ngập, tôi chỉ toàn vòi tiền mẹ, có khi còn rủ rê bạn bè trộm cắp, vào tù, ra tội, vợ con chán nản, thất vọng".

Sau 20 năm chìm đắm trong ma túy, tháng 3/2008, anh Thắng được quận Lê Chân xét duyệt đưa vào chương trình hỗ trợ điều trị bằng thuốc methadone. Sau một thời gian uống thuốc, anh còn được hướng dẫn viên tư vấn học nghề. Anh được hỗ trợ hoàn toàn kinh phí học nghề và tư vấn tạo việc làm bằng chính nghề đã học. Hai năm qua, nhờ có sự quan tâm của cộng đồng, cuộc sống của anh dần ổn định, hạnh phúc thật sự đâm chồi khi anh lấy lại niềm tin yêu từ những người thân trong gia đình. "Cuộc sống của tôi giờ đã hoàn toàn đổi thay, cha mẹ, vợ con tin tưởng, yêu thương, tôi thấy mình sống có trách nhiệm hơn", Thắng hồ hởi khoe.

Không riêng gì anh Thắng, đến nay, đã có 198 học viên được hướng nghiệp, hỗ trợ nghề và tạo việc làm. Họ đều có chung niềm vui khi quá khứ đau khổ dần qua đi, hạnh phúc, yêu thương, niềm tin, hy vọng quay trở lại. Trong số đó, có rất nhiều người nhiễm HIV đã thực sự hòa nhập cộng đồng.

Hỗ trợ điều trị cai nghiện, đồng thời tư vấn, hướng nghiệp đào tạo nghề ở quận Lê Chân được coi là giải pháp giúp người nghiện ma túy, người có HIV hòa nhập cộng đồng bền vững, giảm sự phân biệt, kỳ thị của cộng đồng với người nghiện, người có HIV. Mô hình này rất cần được nhân rộng để đẩy lùi căn bệnh thế kỷ.

Văn Nguyên

http://kinhtenongthon.com.vn/story/xahoi/2011/5/28392.html
Rss Feed  Atom Feed
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.