(GDVN) – Sau khi đưa ra tiên
đoán về động đất, “dị nhân đuổi mưa” thách thức và mong muốn 2 nhà khoa
học gọi ông bằng “thầy”, tuy nhiên, trao đổi ngược với Giáo Dục Việt
Nam, PGS.TS Cao Đình Triều, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Địa vật lý
Việt Nam nhấn mạnh: Ông cảm thấy buồn nếu có một cậu học trò kiêu căng,
hợm hĩnh như Nguyễn Vũ Tuấn Anh.
“Tôi thấy buồn nếu có một cậu học trò như vậy”
Trong bài viết “Dị nhân đuổi mưa”: Sắp
xảy ra một trận động đất kinh hoàng! ,“dị nhân” Tuấn Anh khẳng định:
“Tôi cam kết từ ngày 29/5 đến 30/12 Tân Mão (lịch âm) Việt Nam sẽ không
có trận động đất nào mạnh quá 4,0 độ richter”. Đồng thời cũng đưa ra lời
thách đố: “Các nhà khoa học có dám cá rằng trong thời gian này, nếu xảy
ra trận động đất dưới 4,0 độ richter thì khi đó, các chuyên gia ở Viện
vật lý địa cầu sẽ phải gọi tôi bằng “thầy”; còn nếu mạnh hơn thì tôi
hoàn toàn chịu trách nhiệm. Liệu các chuyên gia có dám cá không?”.
 |
Trận động đất tại Điện Biên năm 2001 để lại nhiều hậu quả nặng nề |
Trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam,
PGS.TS Cao Đình Triều, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Địa vật lý Việt Nam
cho rằng: Đây chỉ là một trò bói toán, “có cảm giác ông Tuấn Anh giống
như một thầy cúng hay một nhà pháp sư”.
Theo ông Triều, để có một dự báo động
đất phải trả lời được đồng thời 3 câu hỏi: Động đất xảy ra ở đâu? Động
đất mạnh đến mức nào và khi nào động đất xảy ra. Nếu nói như “dị nhân
đuổi mưa”, chẳng khác nào “Nhắm mắt nói mò như các thầy bói cũng đúng
50%, hoặc xuất hiện hoặc không xuất hiện. Việc khẳng định sẽ không có
trận động đất nào mạnh quá 4,0 độ richter ở Việt Nam trong thời gian tới
hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Ông Tuấn Anh phải đưa ra cơ sở khoa
học cụ thể để chứng minh cho mọi người thấy chứ?!”.
PGS.TS Cao Đình Triều cũng cho biết:
Không riêng gì ông Tuấn Anh, mới đây, cũng đã có một nhà nghiên cứu và
yêu thích Kinh dịch Trung Quốc đã từng tới Viện Vật lý địa cầu tìm ông.
Người này đã đưa ông một cuốn sách tự biên cùng lời khẳng định: Có thể
dự báo chính xác động đất dựa vào tử vi, phân chia các trục của trái
đất. Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ những gì đã viết, PGS.TS Triều đã gọi
người này tới và dành cả buổi chiều để chỉ ra những điểm thiếu cơ sở
khoa học trong việc dự báo thời tiết mà cụ thể ở đây là dự báo động đất.
“Kinh dịch khởi nguồn từ Trung Quốc,
hiện nay, với nhận thức hiện đại hơn, khoa học phát triển hơn, bản thân
người Trung Quốc đã không còn dùng vào việc dự báo động đất, vậy tại sao
Việt Nam mình lại sử dụng. Hơn nữa, tử vi cũng chỉ áp dụng cho con
người, chứ không áp dụng cho tự nhiên, tôi đã phê phán cách lý luận chưa
chặt chẽ của người kia và họ đã phải đồng tình” - PGS.TS Triều nhấn
mạnh.
Bên cạnh đó, trong buổi trò chuyện với
phóng viên giaoduc.net.vn, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Địa vật lý
Việt Nam này cũng tỏ ra ngạc nhiên: GS.Viện sĩ Đào Vọng Đức, Nguyên Viện
trưởng Viện Vật lý, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con
người sao lại có một người học trò như ông Tuấn Anh?
“Tôi cũng như các anh em khác của Viện
Vật lý cảm thấy rất buồn khi nghe vị “dị nhân đuổi mưa” này gọi GS. Đức
là thầy và xưng con? Lẽ nào GS.Đức lại có một học trò như ông Tuấn
Anh?” – ông Triều tỏ ra nghi vấn đặt câu hỏi.
Bởi lẽ, trong mắt của PGS.TS Triều,
GS.Viện sĩ Đào Vọng Đức là một nhà khoa học rất uy tín, có tầm ảnh hưởng
lớn với các thế hệ các nhà khoa học trẻ, cũng là người góp công nhiều
trong các lĩnh vực: Lý thuyết đối xứng các hạt cơ bản, lý thuyết thống
nhất các tương tác các hạt cơ bản, lý thuyết dây và siêu thống nhất, máy
tính lượng tử, thông tin lượng tử, chuyển vị lượng tử thuộc chuyên
ngành vật lý lý thuyết. GS. Đức đã công bố khoảng 100 bài báo khoa học
trên các tạp chí trong nước và quốc tế, biên soạn và giảng dạy 10 giáo
trình đại học, sau đại học và chuyên khảo cho nghiên cứu sinh.
Trong khi đó, học trò Tuấn Anh lại
ngược lại, “đối với khoa học, thái độ kiêu căng, hợm hĩnh như vậy là
không được” - PGS.TS Triều nói.
Theo PGS.TS Triều: Các nhà khoa học
chân chính luôn coi trọng ý kiến của người khác dù đó là ý kiến hoàn
toàn trái ngược. “Đặc biệt, những người theo triết học phương Đông không
hề như thế. Văn hóa phương Đông bao giờ cũng dạy con người ta biết tôn
trọng quan điểm cá nhân, ý kiến của người khác, không xúc phạm bất cứ
điều gì của người khác”.
“Nếu tôi có một học trò như vậy, tôi sẽ rất buồn” - PGS.TS Triều nhấn mạnh.
Động đất ở Việt Nam không yếu
“Mấy năm vừa qua động đất diễn ra khá
liên tục ở Việt Nam”, vừa qua tại buổi thảo luận ngày 29/3 ở Hà Nội bàn
về bài học cho Việt Nam từ thảm họa Nhật Bản, các nhà địa chất đã cảnh
báo như vậy.
PGS.TS Cao Đình Triều cũng cho biết,
từ năm 1923 tới năm 2000 không có động đất trên 3,0 độ richter xuất hiện
tại ven biển Nam Trung Bộ, nhưng từ năm 2000 trở lại đây, số liệu quan
trắc ghi nhận được nhiều hoạt động động đất.
 |
"Tôi rất buồn nếu có học trò kiêu căng, hơm hĩnh như ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh" |
Đánh giá về thực trạng động đất ở Việt
Nam, PGS.TS Cao Đình Triều khẳng định: Mặc dù không có “siêu động đất”
như một số nước trên thế giới, không ghê gớm như mức độ càn quét, hủy
diệt như ở Nhật Bản vừa qua, nhưng “động đất tại Việt Nam rõ ràng không
phải yếu”.
Quá khứ đã chứng minh như trận động
đất Thin Tóc (hay còn gọi là động đất Điện Biên) năm 2001 với magnitude
5,3 độ Richter, gây thiệt hại vô cùng lớn cho người và của. Nhiều người
bị thương nặng, 98% trụ sở làm việc, trường học ở thành phố Điện Biên bị
hư hỏng, các nhà dân đều bị nứt vỡ, tổng thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ
đồng, đồng thời kéo theo hàng loạt dư chấn cho các vùng lân cận.
Bên cạnh đó, một số nhà khoa học Việt
Nam cho rằng, các trận động đất lớn đã được lịch sử ghi nhận có tính chu
kỳ, trong khi đó, nhiều khu vực trong cả nước vừa bước qua khỏi thời kỳ
yên tĩnh địa chấn, đây có thể coi là dấu hiệu báo trước một chu trình
động trong thời gian sắp tới. Bởi lẽ, thời kỳ yên tĩnh địa chấn trước đó
thực chất chỉ là thời kỳ tập trung năng lượng để xuất hiện động đất trở
lại. Biểu hiện động đất rõ nét nhất là ở khu vực Nam Trung Bộ.
Thêm vào đó, các nhà khoa học còn nhận định: Nhiều khả năng đã và đang
xảy ra động đất kích thích. Vụ động đất này có thể không trực tiếp gây
ra vụ động đất kia, nhưng cũng là tác nhân gián tiếp thúc đẩy quá trình
vận động địa chất, tạo ra các đứt gãy mới.
Do đó, có thể thấy: Thời kỳ yên tĩnh
tạm thời có vẻ đã trôi qua và người dân Việt Nam nên chuẩn bị tâm lý sẵn
sàng để đón nhận, chủ động đối phó với một chu trình động, nguy cơ động
đất có thể xảy ra trong thời gian sắp tới.
Phương Hạ