SGTT.VN - Sau khi bài báo Khóc với học kỳ quân đội
(Sài Gòn Tiếp Thị ngày 8.7) được đăng tải, nhiều phụ huynh học sinh đã
bày tỏ sự lo lắng về chất lượng của chương trình huấn luyện kỹ năng sống
được cho là “hot” nhất hiện nay.
Học kỳ trong quân đội (Semester in army – viết tắt là
SIA) là mô hình giáo dục đặc biệt dành cho thanh thiếu niên có nguồn gốc
từ Mỹ và Hàn Quốc, được trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên miền Nam
thực hiện thí điểm năm 2008, có cải biên, bổ sung cho phù hợp với điều
kiện Việt Nam.
Học
kỳ quân đội được đón chào vì nhiều bậc cha mẹ hy vọng rằng trong môi
trường giả lập quân ngũ, con mình không chỉ học được kỹ năng sống mà còn
tập nhiễm những tính cách tích cực. Ảnh: TL nhà văn hoá Thanh Niên
Hầu hết chương trình chưa được giám sát chất lượng
Hệ thống chương trình của học kỳ quân đội – lớp bộ binh
đầu tiên được thiết kế với ba giai đoạn: năm ngày trong quân đội – rèn
luyện kỷ luật; hai ngày lên rừng – kỹ năng sinh tồn và trưởng thành; ba
ngày trở về – tình đồng đội và chia sẻ cộng đồng. Tháng 10.2009, một hội
nghị toàn quốc về học kỳ quân đội đã được tổ chức tại trung tâm Thanh
thiếu niên miền Nam với sự tham dự của ban bí thư Trung ương Đoàn, đại
diện bộ Quốc phòng, bộ Giáo dục và đào tạo… Sau đó, Trung ương Đoàn
chính thức đề nghị chuyển giao mô hình này đến các tỉnh thành.
Từ 2009 đến nay, có hơn 60 đơn vị cùng khai thác mô
hình này dưới nhiều cách thức khác nhau với mức phí không hề thấp. Những
mẩu quảng cáo về các khoá học kỹ năng sống trong mùa hè có tên gọi gắn
với hai từ “quân đội” nhiều đến mức phụ huynh học sinh choáng ngợp. Tuy
nhiên, các chương trình này hầu như không được cơ quan nhà nước nào giám
sát về mặt chất lượng.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, bà Trần Thị
Kim Liên, phó giám đốc phụ trách trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên
miền Nam (thuộc Trung ương Đoàn) cho biết, ngoại trừ mô hình của trung
tâm đã được ban bí thư Trung ương Đoàn thẩm định và cho phép chuyển
giao, ngoài ra không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm về nội
dung. Các chương trình do nhiều đơn vị khác nhau đứng ra tổ chức với
nhiều tên gọi khác nhau nhưng hầu hết đều cóp nhặt từ giáo trình nước
ngoài, na ná về nội dung và thêm chút ít cho phù hợp với điều kiện Việt
Nam. Một số nơi tự liên hệ với đơn vị quân đội để mượn tên gọi, thật ra
nội dung chẳng dính dáng gì đến quân đội cả.
Ngay cả nhiều nơi có kinh nghiệm tổ chức cũng không
phải là không có sai sót. Bà Liên cho biết, trung tâm Thanh thiếu niên
miền Nam từng phải xử lý tình huống phụ huynh phản ứng vì điều phối viên
tát tai học viên.
Vai trò của điều phối viên là rất quan trọng. “Thành
công của chương trình được quyết định bởi các điều phối viên – những cán
bộ Đoàn có thâm niên và kỹ năng sinh hoạt. Nhưng nếu không có phương
pháp tổ chức tốt thì cũng rất khó thành công”, bà Liên mô tả.
Học kỳ quân đội không phải là cây đũa thần để biến những thiếu niên khiếm khuyết trở thành con ngoan trò giỏi. |
Không phải cây đũa thần
Một phụ huynh tên Thuỷ có con tham gia học kỳ quân đội
hải quân do nhà văn hoá Thanh Niên tổ chức phản ánh, mặc dù học phí khá
cao từ 5 triệu đến gần 7 triệu đồng, nhưng sau khoá học, nghe cháu kể có
vẻ hơi thất vọng rằng học kỳ hải quân mà chỉ duy nhất được một lần
xuống tàu chiến tham quan, rèn luyện thể lực là tập thể dục buổi sáng,
học võ qua loa. Học lao động sản xuất là ra xem bộ đội trồng rau, nhổ
cỏ, chỉ có sinh hoạt tập thể vui chơi là được nhưng như thế thì cần gì
phải đi trại!
Bà Lê Phương Nga (quận 5, TP.HCM), mẹ của một “chiến
sĩ” từng tham gia học kỳ quân đội nói: “Vẫn biết chỉ trong vài ngày chắc
chắn con mình không thể thay đổi được bản tính, thói quen... nhưng ít
nhất chúng có thể hình thành được những khái niệm, chuẩn mực nhất định,
mà đôi khi do chúng ta – những người cha người mẹ, quá bận bịu với cơm
áo gạo tiền đã vô tình bỏ qua, để tự định hướng bản thân”. Sau chuỗi
ngày sống với “kỷ luật quân ngũ”, có người vui mừng thấy con trưởng
thành, cũng không ít bậc phụ huynh thất vọng.
Nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền cho con tham
dự các khoá học để mong con mình thay đổi. Nhiều em sau khi tham gia
trại đã có những biến đổi tích cực, nhưng sau một hai tuần đâu lại vào
đó. Theo bà Trần Thị Kim Liên, học kỳ quân đội không phải là cây đũa
thần để biến những thiếu niên khiếm khuyết trở thành con ngoan trò giỏi.
Về việc đảm bảo chất lượng của các khoá học kỳ quân
đội, ông Phan Văn Mãi, bí thư Trung ương Đoàn thừa nhận, sau hai năm
triển khai, mô hình học kỳ quân đội được đánh giá là hiệu quả để giáo
dục truyền thống yêu nước song song với việc hình thành các kỹ năng
sống, hoạt động xã hội cho thanh thiếu nhi. Hiện nay 2/3 tỉnh thành đã
triển khai mô hình này nhưng mức độ thành công mỗi nơi có khác nhau. Về
việc quản lý học viên, theo ông Mãi, mỗi đơn vị phải đảm bảo thực hiện
đúng chuẩn mực đạo đức, theo nội quy đã đề ra và trong khuôn khổ pháp
luật cho phép. Đối với các tổ chức, cá nhân lấy danh nghĩa giáo dục kỹ
năng sống khai thác mô hình này, Trung ương Đoàn không phải là cơ quan
quản lý nhà nước nên không thể kiểm tra giám sát được.
Diệu Thuỳ