Những
lời bàn tán nhỏ to thì thào càng làm tăng thêm sự huyền bí của câu
chuyện. Nó lan tràn mạnh mẽ đến mức, nhiều lúc người nghe xung quanh có
cảm tưởng rằng, trên đời chẳng có tài năng nào, mối quan tâm nào lớn hơn
tài năng và mối quan tâm về việc có thể lần theo những tín hiệu của tâm
linh nối kết với cõi âm để tìm ra những công dân đã tan hủy thân xác
chỉ còn là hồn vía đi lang thang không nhà, không địa chỉ dưới cõi âm.
Trờì ơi, đi tìm một đứa trẻ lạc trên dương gian đã
khó, lần theo dấu vết một người không địa chỉ có mặt ở đời đã thiên khó
vạn nan; vậy mà làm sao có thể tìm ra một con người dưới cõi âm ty nơi
chưa từng ai biết, một thế giới mà ngay cả những hình dung về nó là bất
khả chẳng có gì ngoài mấy lời võ đoán đơn sơ.
Tại sao sự kiện đó lại bắt đầu từ những năm 1980? Đó
là bởi sau chiến tranh, người ta có nhu cầu tìm lại con em mình đã mất
tích trên chiến trường! Tại sao khi nói chuyện đó người ta cứ phải thì
thào? Vì đó là chuyện hệ trọng liên quan đến sinh-tử của kiếp người, đặc
biệt là chuyện liên quan đến người mất mát hy sinh, một kết cục bất
hạnh cho liệt sĩ cũng như gia đình họ, cho nên tự nhiên câu chuyện không
thể cao giọng như một bài diễn văn, hay bắt nhịp hát hành khúc. Chính
vì sự thì thào nhỏ to mà đề tài câu chuyện càng trở nên huyền bí!
Câu chuyện huyền bí không có nghĩa là nó không có
thực, đã có không ít người tìm được hài cốt thân nhân do được báo mộng,
có một vụ điển hình xảy ra với nhóm cựu chiến binh ở quận Đống Đa, mọi
thành viên sống sót năm xưa cùng lúc được báo mộng về chín đồng đội đã
hy sinh của họ, đặc biệt có một đồng đội khi vượt rào dây thép gai bị
mìn nổ tan xác cũng được báo mộng về khu vực những mảnh xương bắn tung
tóe... Như vậy sự báo mộng không chỉ dành cho những bà cô, bà đồng cốt,
mà nó còn có thể nhắm thẳng đến người bình thường theo đường dây của cõi
âm nối với cõi dương.
Nhưng câu chuyện huyền bí cũng không hẳn thoát khỏi hư
không, thậm chí đến 90% hư không. Nói chung đó là thứ chuyện nửa hư nửa
thực. Và chúng ta có nên đưa tất cả cái khối hư hư thực thực đó vào
trong đầu? Không! Bằng những phân tích xác đáng của lý trí cũng như hiện
thực, chúng ta hãy nhìn ra cái gì là thực, cái gì là hư.
Người Việt có câu "Giầu vì mồ vì mả, không ai giầu vì
cả bát cơm", cho thấy người Việt coi trọng chuyện "Âm phần" cũng là
chuyện của người đã khuất ông bà tổ tiên lớn đến cỡ nào. Người chết có
liên quan đến người sống không? Tại sao chúng ta lại đưa ảnh người đã
khuất là tổ tiên ông bà lên bàn thờ? Đó có phải là chuyện đơn giản nhớ
mong thôi? Không hẳn, theo phát hiện mới nhất, vĩ đại nhất, cũng là tân
kỳ nhất của thành tựu con người mở màn cho đầu thiên niên kỷ thứ ba, đó
là bản đồ gien của con người.
Các nhà khoa học dựa trên bản đồ gien vừa mới chứng
minh, có thể hiểu số phận con người chính xác từ 70% đến 90% qua bản đồ
gien. Tổ tiên ông bà cha mẹ không chỉ đơn giản là để nhớ nhung, mà đó
chính là cách con người lưu giữ bản đồ gien gốc của mình, cái gọi là
gien di truyền, quyết định không nhỏ đến cuộc đời mình.
Các tín đồ Đạo Phật thường nói "Âm dương đồng nhất
lý", cũng còn nói "Trần sao âm vậy", có nghĩa gì? Chúng ta hãy ngắm một
ngôi nhà dù nhỏ hay cao tầng thì đều thấy, phần móng của nó dù không
được nhìn thấy luôn luôn liên quan đến phần tường phía trên. Thậm chí,
người ta chỉ cần nhìn cách xây móng của một ngôi nhà sẽ đoán được tầm
cao của nó.
Rõ ràng hơn đến từng chi tiết, chúng ta hãy nhìn một
tấm huân chương, nó có mặt phải và mặt trái, mặt phải thì lồi lên, mặt
trái thì lõm xuống, mặt lồi là mặt dương, mặt lõm là mặt âm. Như vậy
tương quan âm - dương không chỉ là tương quan tâm linh mà đó còn là
tương quan tất yếu của vật lý. Chỉ có điều con người sống như mọi người
vẫn gọi đó là đang sống trên dương gian, chúng ta không thể biết tường
tận tất cả những gì đã trôi vào thế giới âm phần của người đã khuất.
Từ tương quan bố cục nhỏ là gien dòng họ, cho đến
tương quan toàn thể là tương quan đối xứng tất yếu của âm dương, chúng
ta có thể suy diễn (nhưng dựa trên rất nhiều câu chuyện của hiện thực)
rằng, một người có người thân đã mất mà mộ phần không yên ổn, tất có ảnh
hưởng đến gien hiện tại, cũng như tâm linh họ vướng phải khúc mắc cho
nên cuộc sống và làm ăn khó hanh thông. Thêm nữa, một người có lương tâm
và đạo đức, người ta sẽ lấn bấn giày vò về bổn phận mà mình chưa làm
với người đã chết.
Trong tất cả các loài vật, chỉ có con người mới có nếp
sống chết, truyền thống chết, và văn hoá chết. Chỉ có con người bị buộc
phải nhận ra tính mạng của đồng loại cũng như người khác là vô cùng hệ
trọng. Chỉ có con người mới đưa ma người chết. Chỉ có con người mới có
được cuộc sống sau cái chết, tức là được tưởng nhớ, được nhớ nhung, được
đưa lên bàn thờ cúng bái. Từ rất xa xưa, dân tộc nào cũng hình thành
văn hoá hệ trọng về cái chết của con người. Đặc biệt rất rõ nét, trong
thần thoại Hy Lạp, kẻ nào giết người, sẽ bị vị thần lương tâm truy đuổi,
dù hắn có trốn ở bất kỳ đâu thâm sơn cùng cốc nhưng người truy đuổi hắn
lại nằm ngay trong khối óc, trái tim, và lương tâm hắn. Hành hạ hắn
sống không bằng chết, cho đến khi hắn phải tự thú.
Trong hiện thực sự kỳ diệu huyền bí của sinh tử con
người xảy ra chẳng kém gì thần thoại. Tỉ lệ phá án giết người là cao
nhất, thậm chí đạt tới 99%. Vì sao? Vì từ "thần thánh" đến oan hồn, đến
người đang sống được móc xích trong một tương quan liên thông đặc biệt
để tìm ra hung thủ trả lại công lý cho người bị hại.
Chẳng hạn, có án mạng chỉ có hai người đi vào rừng
sâu, một kẻ nổi máu tham đã giết bạn đường. Chẳng có nhân chứng, chẳng
có ai nhìn thấy cả, cho đến khi xác của nạn nhân đã mục ruỗng, vậy mà
vẫn bị phát giác như phép lạ. Hoặc một vụ khác, kẻ giết người đâm nạn
nhân, nạn nhân gục xuống vồ tay vào túi thủ phạm, ngay lúc đó trạng thái
co quắp xảy ra đã tóm được chứng minh nhân dân nơi túi ngực của thủ
phạm. Thủ phạm xoá dấu vết trơn tru tưởng 100% an toàn, nào ngờ khi về
thấy mình mất chứng minh nhân dân ở hiện trường có khác gì lạy ông tôi ở
bụi này, đành đêm đêm lẻn sang nhà nạn nhân thắp đèn tìm kiếm, tìm khắp
nơi nhưng không ngờ nên không tìm nơi tay nạn nhân. Đến lúc xác nạn
nhân thối, cảnh sát đến và thấy ngay tên thủ phạm trong tay nạn nhân.
Về chuyện tâm linh, tiền định hay thế giới thần thánh,
không chỉ có các người bình dân bị mê tín chi phối mà ngay cả nhiều
tổng thống, thủ tướng cũng xem tử vi để tham chiếu vào chính sách, đường
đi nước bước của quốc gia. Không ai khác, chính triết gia Descartes nổi
tiếng uyên thâm đã nói: "Tôi học tất cả các môn kể cả môn huyền học để
không bị chúng lừa bịp". Triết gia Hegel thì còn có cả một lý thuyết gọi
là "duy tâm tuyệt đối", ông cho rằng mọi thứ thuộc con người, quốc gia
và lịch sử đều được chương trình thánh thần hoạch định.
Còn người Á Đông, thì cho rằng "thiên nhân tương ứng",
người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Ngay trong phương ngôn "thiên thời,
địa lợi, nhân hoà" thì cũng có nghĩa, từ bầu trời đến mặt đất đến con
người , đều có tương quan với nhau. Trong lịch sử cũng đã có rất nhiều
đấng tiên tri, bói mộng được các thần thánh chỉ định. Nhưng chỉ định
trong một vài trường hợp thôi, không có chuyện tiên tri được chỉ định
chuyên nghiệp suốt đời.
Vì thế, chuyện báo mộng hay gọi hồn để tìm mộ cho
người chết, đã có không ít trường hợp chính xác và thành công. Nhưng khi
thấy CẦU nhiều quá, nhiều đồng cô bói toán, gọi hồn xuất hiện để đáp
ứng nhu cầu CUNG... Các thầy tử vi bói dịch, bói toán nói rằng: nếu suốt
ngày lúc nào cũng gieo quẻ thì quẻ mất thiêng. Quẻ chỉ đến khi số phận
trông chờ mòn mỏi ngày Vỡ Quẻ.
Mới đây theo Dân Việt, ở Nghệ An có 13 trường hợp đi
tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm bị bệnh tâm thần phải vào viện điều
trị. Có thể còn nhiều trường hợp không vào viện điều trị nên không thể
thống kê được hết. Cho nên cả người xem lẫn người muốn "áp vong", chúng
ta nên nhớ , mọi việc đều có nguyên lý của nó, cho dù là việc của cõi
âm, chớ có lạm dụng, thấy cầu thì đòi áp cung cách phi lý, sẽ dẫn đến
kết quả tai hại. Vậy xin mọi người, ngay cả trong việc của tâm linh hãy
chịu khó suy xét bằng cả lý trí. Vì lý trí xứng đáng là trí khôn cao
nhất của con người cũng như thần thánh