Con đường sa ngã của người đẹp ma tuý
Đỗ Thị Ngọc sinh ra và lớn lên ở thôn An Lạc, xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, sau khi bố mất (bố Ngọc là liệt sỹ chống Mỹ), Ngọc được mẹ đưa ra Hà Nội sinh sống. Gái quê ra tỉnh, trong khi người mẹ mải lo vun vén cho cuộc sống thì Ngọc chỉ mong muốn thoát càng sớm càng tốt khỏi ngôi nhà mình đang sống, bởi mẹ Ngọc đã đi tiếp bước nữa và sinh thêm em cho Ngọc.
Không muốn sống chung nhà với dượng và em, khi vừa học xong THPT, Ngọc quyết định lấy chồng rồi hai người cùng nhau đi xuất khẩu lao động tại Nga. Tuy nhiên, chỉ được một năm, cả hai trở về nước, mở cửa hàng bán quần áo. Do tính hoang toàng, tiêu nhiều hơn làm nên chỉ được một thời gian họ tay trắng. Bức xúc trước việc may sắm thái quá của vợ, chồng Ngọc nhiều lần khuyên nhủ nhưng không được nên giữa họ xảy ra mâu thuẫn. Đỉnh điểm của mâu thuẫn xảy ra vào đêm 30 Tết, khi anh L. chở Ngọc và cậu con trai về nhà mình ở phố Bùi Thị Xuân ăn tết, mẹ anh L. đã thẳng thừng đuổi cô con dâu ra khỏi nhà. Ngọc chỉ kịp lên thắp hương cúng vái tổ tiên nhà chồng rồi phải đi ngay trong đêm 30 Tết. Trong khi căng thẳng giữa hai vợ chồng chưa được giải tỏa thì Ngọc đã gặp được dì và được dì chỉ bảo, Ngọc quyết định đi buôn ma túy để đổi đời.
Có tiền, Ngọc đã thể hiện "đẳng cấp" của mình! Người ta biết đến Ngọc như một "đại nương" trau chuốt, đi xe SH mới coong, quần áo hàng hiệu, trang điểm đồ "xịn" khi ra phố. Chi tiêu vung vít vào những trò chơi xa xỉ, thú mua sắm, vũ trường nên mặc dù bị kết án tham gia mua bán trái phép 105 bánh heroin, nhưng khi bị bắt, Ngọc chẳng có nhiều tiền mặt, thậm chí còn nợ một số người khoảng 600 triệu đồng. Phiên tòa xét xử đường dây buôn bán ma túy của chân dài Đỗ Thị Ngọc đã kết thúc chiều 13/12/2007 với 9 án tử hình, 9 án tù chung thân chia đều cho 26 bị cáo. Bà trùm đường dây và người tình cùng chung án cao nhất - tử hình.
Khi bị bắt, Ngọc hiểu rằng thế là hết, con đường duy nhất cứu được chị ta là khai báo thành khẩn để nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Ngọc xin lập công chuộc tội bằng cách hợp tác với cơ quan công an trong việc truy bắt đối tượng chuyên bán ma tuý cho mình là Sùng A Cánh, ở Hoà Bình. Vì A Cánh đang hẹn Ngọc lên lấy 8 bánh heroin với giá 1, 8 tỷ đồng nên Ngọc đã xin đưa lực lượng công an đi phục bắt. Thế nhưng, khi Cánh xuất hiện, mở cửa ôtô có Ngọc và trinh sát đang nằm phục dưới sàn, hắn đã nhanh mắt phát hiện, đạp cửa chạy lao xuống dưới khu rừng già bên dưới. Sùng A Cánh đã bị truy nã đặc biệt nguy hiểm.
Ngọc là người khá từng trải nên nên sau khi qua hai cấp Toà mà vẫn bị HĐXX tuyên mức phạt tử hình, thị đã phần nào chấp nhận kết cục ấy. Ngọc thừa nhận đó là cái giá phải trả cho hành vi phạm tội của mình. Nhưng cô ta vẫn có hy vọng le lói vì mình có nhiều tình tiết được giảm nhẹ, khai báo thành khẩn, con duy nhất của gia đình liệt sỹ. Vào tháng 12/2007 và tháng 4/2008, Ngọc đã hai lần xin giấy bút của cán bộ quản giáo để viết đơn xin Chủ tịch nước ân giảm, thoát khỏi cái án tử hình. Ngọc bảo rằng, nếu có cơ hội được sống, cô ta sẽ cải tạo thật tốt để có ngày được trở về cuộc sống ngoài xã hội...
Nỗi đau của hai bà mẹ
Bà Nguyên - mẹ của Ngọc là một người phụ nữ giỏi giang, phúc hậu. Tuy kiếm ra tiền nhờ việc buôn hàng tuyến Bắc - Nam nhưng bà Nguyên luôn dạy con rằng, mình là dân lao động, đồng tiền kiếm ra cũng chứa chan mồ hôi nước mắt, thế nên phải sống cho đúng mực với cuộc sống của người lao động. Thế nhưng cha mẹ sinh con trời sinh tính, Ngọc có thói quen phung phí tiền bạc từ nhỏ. Dường như với cô nữ sinh này, tiền không phải là thứ quan trọng. Do được mẹ giao cho đi lấy hàng và cũng phụ giúp bà trong nhiều việc buôn bán nên Ngọc cũng có đồng ra đồng vào.
Giờ đây, bà Nguyên có nằm mơ chắc bà cũng không thể ngờ tai hoạ lại ập xuống cuộc đời của bà nhanh như vậy, cô con gái lớn thì bị án tử hình, không còn được cơ hội gặp lại, cô con gái thứ hai đang khỏe mạnh xinh đẹp, bỗng dưng mắc chứng bệnh máu đỏ từ vài năm nay, tiền của đổ vào không biết bao nhiêu mà chưa chắc đã khỏi. Bà ăn ở tử tế, hiền lành, vậy mà không hiểu sao tai họa lại giáng xuống liên tiếp như thế. Nếu như bà không dạy bảo con gái đã đành, đằng này bà luôn khuyên răn, nhắc nhở Ngọc, thậm chí bà thường mắng mỗi khi nhìn thấy Ngọc ăn mặc quần áo hở hang. Sau hôm công an khám nơi thuê trọ của Ngọc ở B10 Kim Liên, bà Nguyên cùng một số người trong gia đình đến nơi cô con gái tá túc để đem đồ đạc cá nhân của Ngọc về. Bà bảo mọi người đem vứt hết những chiếc áo hai dây, những chiếc quần cạp trễ và rất nhiều thứ của Ngọc mà bà không hài lòng trong nỗi đau đớn tột cùng.
Còn bà Lại Thị Lâm, mẹ chồng của Đỗ Thị Ngọc cũng nằm trong tình cảnh như vậy. Bà có 4 người con, 3 trai, 1 gái thì anh Lộc - chồng Ngọc là con trai thứ hai. Bà Lâm cũng như tất cả những bà mẹ khác, chỉ biết dựng vợ gả chồng và mong con cái mình có một cuộc sống hạnh phúc, chứ bà làm sao can thiệp, giải quyết được từng mâu thuẫn ngày một lớn dần giữa hai vợ chồng Ngọc. Đến bây giờ bà cũng không biết, con dâu bà dính dáng đến buôn bán ma túy từ khi nào, và cũng không biết Ngọc chán chồng, đi cặp với một đối tượng nghiện hút (cũng bị bắt trong đường dây buôn ma túy của chị ta) từ lúc nào nhưng chắc chắn, những biển hiện lạ của Ngọc đã là một nguyên nhân khiến tình cảm giữa hai vợ chồng Ngọc ngày một rạn nứt.
Bà Lâm tâm sự: "Nếu nói về tình cảm mẹ chồng con dâu giữa tôi và em nó thì đúng là không có mâu thuẫn gì nhưng cũng không có tình cảm. Từ khi em nó bị bắt, tôi cũng chưa vào thăm lần nào vì cũng khó nói, biết nói gì bây giờ bởi lâu lắm rồi có nói chuyện với nhau đâu, có hỏi han gì nhau đâu. Cô con gái tôi vào thăm chị dâu một hai lần gì đó. Nghĩ cũng xót lắm, dù sao cũng là dâu con nhà mình, không xót xa sao được. Bao nhiêu lâu sau khi Ngọc bị bắt tôi mới biết, có người gọi điện cho thằng Lộc thì nó mới biết thôi. Tôi hay tin Ngọc bị bắt là lúc tôi đang ở quê Hưng Yên, có chú em chú nói. Đúng là quá sức tưởng tượng".
Bà Lâm chỉ buồn là sau mọi chuyện xảy ra, bà thông gia (tức bà Nguyên mẹ đẻ của Ngọc) cũng không hề nói lại với bà một câu, coi như cắt đứt liên lạc luôn. Bà Lâm và bà Nguyên cùng quê, cùng huyện, cùng xã, thậm chí cùng làng, Lộc và Ngọc lấy nhau cũng là do hai bên gia đình quen biết mai mối. Bởi thế, giữa hai nhà ngoài cái tình thông gia thì còn tình đồng hương quê quán, giỗ Tết rồi vẫn phải giáp mặt nhau, bà không muốn vì chuyện cô con dâu mà hai gia đình không còn đi lại với nhau nữa. Sợi dây liên lạc giữa hai bên giờ chỉ là đứa con trai duy nhất của Ngọc.
Rồi đây, không biết số Ngọc có được cơ hội sống lại lần thứ hai hay không nhưng nỗi đau mà thị gây ra quá lớn. Và hơn ai hết, chính những người thân yêu ruột thịt của người đẹp ma tuý này phải gánh chịu là nặng nề và kinh khủng nhất.
Như Thuỷ
Cơn điên lắc lư kiểu "nhà quê" của "dân bay" phố biển