Mánh khóe của các “đại gia” hàng lậu
Chủ nhật 18/12/2011 07:55
ANTĐ - Không chỉ nhập lậu hàng giả, hàng kém chất lượng mà các “đại gia”
hàng lậu còn đặt làm hàng giả tại nước ngoài. Không chỉ vận chuyển thô
sơ, tuồn hàng qua đường biên giới mà có cả những chuyến hàng lậu hàng
giả được đánh về nội địa bằng... container. Điều đó cho thấy thủ đoạn
buôn bán hàng giả hàng lậu ngày càng phức tạp và tinh vi. Đặc biệt là
vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu mua sắm hàng Tết tăng cao.
Các cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều vụ hàng lậu, hàng giả
Những cung đường hàng lậu
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Đây là thời
điểm hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp, các mặt hàng thực phẩm và
hàng tiêu dùng “dởm” được dự báo sẽ tăng mạnh. Từ nhiều năm nay, Lạng
Sơn vẫn luôn là điểm nóng về buôn lậu. Từ bên kia biên giới, hàng lậu
được vận chuyển qua các lối mòn ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh, đường Lọ
Bon (Nà Lầu, Tân Thanh), Hang Dơi, gốc Bưởi, Khơ Đa, thuộc xã Tân Mỹ,
(Văn Lãng); đường Bãi Danh, Co Luồng, đường 05, 06 thuộc khu vực thị
trấn Đồng Đăng, hai bên cánh gà cửa khẩu Chi Ma... Còn tại phía Nam,
quốc lộ 91 từ Long Xuyên ngược lên thị xã Châu Đốc, An Giang đã trở
thành cung đường thuốc lá lậu bởi đây là con đường ngắn nhất đưa thuốc
lá lậu từ biên giới vào nội địa. Ngoài An Giang, Long An và Quảng Trị
cũng đang trở thành điểm nóng về buôn lậu. Đối tượng buôn lậu chủ yếu là
cư dân biên giới, thạo ngôn ngữ, địa bàn, có quan hệ với các đối tượng
buôn bán người nước ngoài cùng một số doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động
kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu.
Thủ đoạn của các đối tượng là thường khai sai tên hàng, số lượng, chất
lượng, nhãn hiệu, mục đích sử dụng của hàng hóa, giá khai báo thấp hơn
giá thanh toán thực tế, nhập hàng không đủ điều kiện tiêu chuẩn, kỹ
thuật theo quy định của pháp luật, quay vòng hồ sơ chứng từ. Các mặt
hàng buôn lậu chủ yếu là thuốc lá, rượu, pháo, tiền giả, quần áo, giầy
dép, hàng bách hóa, linh kiện điện tử… Về Hà Nội, bằng nhiều phương tiện
vận chuyển khác nhau, hàng lậu được tập kết tại bãi rồi chia lẻ vận
chuyển vào các điểm kinh doanh nhỏ lẻ trong nội thành. Còn hàng giả được
bày bán công khai không chỉ ở các chợ chuyên doanh, phố chuyên doanh mà
còn cả trên mạng thông qua hệ thống Internet với các tên fake 1, 2, 3.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính từ 15-12-2010 đến hết
15-10-2011, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ trên 15 nghìn vụ
vi phạm, trị giá hàng hóa trên 580,994 tỷ đồng, thu nộp ngân sách
106,492 tỷ đồng, ra quyết định khởi tố 5 vụ; thu giữ 500 khẩu súng, đao,
kiếm, các loại; 1.951 chai rượu ngoại; 318.000 bao thuốc lá các loại.
Ông Trần Việt Hưng - Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát bảo vệ quyền SHTT (Cục
Điều tra Chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian qua
nhờ đẩy mạnh công tác chống buôn lậu trên các tuyến biên giới, cơ quan
chức năng đã phát hiện, cảnh tỉnh nhiều thủ đoạn buôn lậu hết sức tinh
vi của các đối tượng qua các con đường tiểu ngạch. Khoảng 90% hàng hóa
buôn lậu, vi phạm về nhãn mác, bao bì được phát hiện trên thị trường có
nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc.
Đặt làm… hàng giả
Đặc biệt, gần đây xuất hiện nhiều hàng hóa làm giả ngay từ nước ngoài
(thực phẩm, kính, rượu giả ở Nga, Hồng Kông và Singapore) với các thủ
đoạn ngày càng tinh vi. Thực tế trên thị trường Việt Nam xuất hiện rất
nhiều hàng giả với mẫu mã rất khó phân biệt với hàng thật. Theo đại diện
của hãng mỹ phẩm Nivea, sản phẩm dưỡng da nhãn hiệu này đang có mặt tại
Việt Nam được nhập khẩu duy nhất từ Thái Lan. Tuy vậy, trên thị trường
vẫn xuất hiện rất nhiều hàng giả có mẫu mã tương tự. Còn theo đại diện
của hãng thời trang Nike thì hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu Nike trên thị
trường giống đến 90% nên không dễ phân biệt. Hiện hãng Nike có sản xuất
ví, bóp nhưng không bán tại Việt Nam nên 100% ví Nike bán trên thị
trường Việt Nam là hàng giả. Vì vậy, các cơ quan chức năng đã đặt ra câu
hỏi rằng rất có thể doanh nghiệp trong nước đã đặt hàng giả từ nước
ngoài. Sau đó, hàng được “xé nhỏ” và tuồn qua biên giới một cách dễ dàng
bằng các phương tiện thô sơ như xe máy, xe thồ hàng, do đó đã dễ dàng
“qua mặt” được lực lượng kiểm soát.
Tại Hà Nội, thời gian vừa qua, lực lượng QLTT TP đã chủ động phối hợp
với các doanh nghiệp, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại
Việt Nam để kiểm tra một số điểm kinh doanh hàng hóa nhãn hiệu hàng
nước ngoài như: Nike, Louis Vuiton, Adidas, Gucci, Magic Bullet,
Phillips… Từ đầu năm đến nay, theo số liệu của Đội QLTT số 2 Hà Nội, đội
đã phát hiện hơn 100 vụ vi phạm, chủ yếu là hàng giả như trên. Sở dĩ
hàng giả vẫn còn “đất sống”, thậm chí khó đẩy lùi, trước hết do trình độ
làm giả của đối tượng vi phạm rất cao, đến mức gần giống như hàng thật.
Bên cạnh đó, nhiều người có thu nhập khiêm tốn vẫn thích dùng hàng
“xịn” nhái vì loại hàng na ná như thật với mức giá phải chăng, vô tình
tiếp tay cho nạn hàng nhái. Mặt khác, phần lớn vụ việc hàng giả vẫn chỉ
dừng lại ở mức xử lý phạt hành chính, tác dụng răn đe chưa cao.
Cũng trong những ngày đầu tháng 12 này, lực lượng chức năng TP.Hà Nội
cũng liên tục phá các vụ hàng lậu, hàng giả với số lượng lớn. Ngày 3-12,
Công an TP.Hà Nội phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục
Hải quan), Đội QLTT số 1, số 4 - Chi cục QLTT TP.Hà Nội bắt giữ 6 xe ôtô
chở hàng lậu. Qua kiểm tra, tổ công tác đã thu giữ số hàng hóa gồm quần
áo, bánh kẹo, hàng gia dụng, gạch men, thiết bị vệ sinh... Ước giá trị
lô hàng 10 tỉ đồng. Ngày 6-12, tại số 10 phố Hàng Chiếu, Đội Chống hàng
giả, Phòng Cảnh sát Kinh tế Hà Nội bắt quả tang 3 đối tượng đang vận
chuyển lượng lớn thuốc lá lậu. Qua khai thác, lực lượng chức năng làm rõ
chủ nhân của số thuốc lá trên là Nguyễn Tiến Tỉnh (ở Tiên Du, Bắc
Ninh). Kiểm tra tại 2 địa điểm mà Tỉnh thuê làm kho hàng ở Tiên Du, công
an thu giữ hàng trăm cây thuốc lá ngoại nhập lậu khác như Kent, Zest,
Camel, 555… Tổng số thuốc lá thu giữ được lên tới 13.500 bao. Ngày
20-11, Công an thành phố Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục
Quản lý thị trường cũng phát hiện lô hàng 13 bao tải có nhiều nghi vấn
trong sân ga Gia Lâm. Sau khi kiểm tra đã phát hiện trong đó chứa gần
400 chai rượu do nước ngoài sản xuất mang nhãn hiệu Hennessy XO và
Martell. Toàn bộ số rượu trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn
gốc, có dấu hiệu dán tem nhập khẩu giả.
Chống trả lực lượng chức năng, nhập cả container hàng lậu
Hiện nay, các đối tượng vận chuyển kinh doanh hàng lậu ngày càng tinh vi
về thủ đoạn, quyết liệt, manh động với lực lượng kiểm tra. Tại các địa
phương đã hình thành đường dây bảo kê buôn lậu chuyên nghiệp sẵn sàng
chống trả lực lượng chức năng như hàng loạt vụ cướp hàng trên tàu hỏa từ
Lạng Sơn về Hà Nội, vụ cán bộ hải quan bị tấn công gây thương tích, ép
đưa sang Trung Quốc làm con tin. Đặc biệt trên tuyến cảng biển, hàng
lậu, hàng giả được đánh về nội địa bằng cả container chứ không đơn thuần
là những xe hàng như trước đây. Lượng hàng hóa nhập qua cảng biển được
hải quan miễn kiểm đến 75% càng dẫn đến khả năng buôn lậu và gian lận
thương mại tăng cao. Thực tế lực lượng chống buôn lậu đã phát hiện, xử
lý nhiều vụ buôn lậu lớn qua cảng TP.HCM như vụ Công ty Vĩnh Hảo nhập
lậu một container máy tính xách tay trị giá trên 3 tỉ đồng, vụ Công ty
Tô Minh Vân móc nối với cán bộ hải quan thay đổi tờ khai nhập lậu hàng
tiêu dùng bách hóa trị giá hơn 1 tỉ đồng. Các mặt hàng trọng điểm buôn
lậu trên tuyến biển gồm ôtô, xe máy, phụ tùng ôtô, xe máy, sắt thép,
nguyên liệu thực phẩm, hàng tiêu dùng, gỗ, vải, quần áo, rượu, thuốc lá,
hàng điện tử, điện lạnh… Tuy nhiên, do dạng tội phạm này rất tinh vi
nên việc phát hiện còn thấp.
Một vấn đề cũng hết sức nan giải khác là chi phí cho việc tiêu hủy hàng
nhập lậu, hàng giả sau khi bắt giữ là rất tốn kém. Theo quy định hiện
nay thì có những mặt hàng sau khi bắt giữ sẽ được hóa giá, số tiền thu
được sẽ trích lại một phần làm kinh phí hoạt động cho lực lượng chống
buôn lậu. Nhưng có những mặt hàng bắt buộc phải tiêu hủy như thiết bị an
ninh, công cụ hỗ trợ, rượu, mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất,
gia súc gia cầm, phủ tạng động vật... nhập lậu thì không biết lấy kinh
phí ở đâu ra để tiêu hủy. Các cơ sở tiêu hủy hiện nay ở nước ta còn rất
ít. Ngay ở các tỉnh biên giới phía Bắc, là những nơi tập trung hàng lậu
tuồn qua biên giới nhưng cũng chưa chủ động được công tác tiêu hủy.
Tiêu biểu như tại Quảng Ninh thời gian qua phát hiện các lô hàng lớn dầu
nhớt động cơ xe máy vi phạm nhưng cũng phải mất nhiều thời gian tìm
giải pháp (chiết tách các chất để tiêu hủy, quy trình đảm bảo không nguy
hại tới môi trường và sức khỏe con người), trong khi trên địa bàn cũng
chỉ có 1 cơ sở tiêu hủy.
Mặc dù việc chống hàng giả hàng lậu từ nhiều năm nay luôn được chú trọng
nhưng vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Lực lượng kiểm
tra quá mỏng trong khi vi phạm quá nhiều, các đối tượng phạm tội ngày
càng nhiều mánh khóe với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, sẵn sàng
manh động chống trả lực lượng làm nhiệm vụ. Đặc biệt thời gian gần đây
đã thấy những biểu hiện mới của các đối tượng buôn bán hàng lậu, không
còn là phương thức làm ăn nhỏ lẻ mà cả đường dây, có hệ thống, có sự
liên kết móc ngoặc với các “đối tác”, đặt hàng làm giả từ nước ngoài,
vận chuyển về Việt Nam với số lượng lớn. Điều đó đặt ra thách thức cho
các cơ quan quản lý cũng như lực lượng làm nhiệm vụ chống hàng lậu.
Trong khi đó chế tài xử phạt hiện nay còn quá nhẹ, “làn roi” pháp lý
chưa thực sự mạnh để đủ sức răn đe đối tượng. Có lẽ đó chính là một
trong những lý do khiến công tác chống hàng giả hàng lậu hiện nay chỉ
như “bắt cóc bỏ đĩa”, chưa thực sự hiệu quả.
Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, 11 tháng của năm 2011, các lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra trên 480 nghìn vụ việc, xử lý trên 180 nghìn vụ vi phạm pháp luật về quản lý thị trường (QLTT), với tổng số thu
trên 3 nghìn tỷ đồng.
|
Khánh Hòa