Chia sẻ của người có H 40 lần cai nghiện
Chẳng ai lại tự công khai mình là xấu cả
Là người nhiễm HIV, anh có "ngại" không khi "chường mặt" lên cả triển lãm và sách để cả thiên hạ biết như vậy?
Hỏi gì mà "hóc", khó trả lời thế? Thú thực nếu chưa bỏ được ma túy và
bản thân không tham gia hoạt động giúp đỡ những người nghiện ma túy,
nhiễm HIV... thì chắc chẳng bao giờ tôi lại xuất hiện cả.
Như vậy, có nghĩa là anh vẫn còn biết "xấu hổ"?
Những lúc lên cơn "thèm thuốc", những người như bọn mình mới mất
"nhân tính". Còn bình thường, họ vẫn là những con người, biết yêu
thương, chia sẻ, thậm chí họ là những người rất chăm chỉ, chăm chỉ hơn
bình thường. Lúc "no thuốc", họ có thể làm mọi việc nghĩ ra hoặc làm bất
kỳ việc gì bạn nhờ: cọ rửa toa lét, trời nắng chang chang lên cọ rửa
mái tôn nhà... Đặc biệt, những người nghiện luôn che giấu mình bị
nghiện, một phần vì xấu hổ, một phần cũng không muốn mọi người lánh xa
mình.
Thật mâu thuẫn, khi mọi người muốn giấu mình, còn anh lại "phơi ra"?
Chẳng có ai lại tự công khai mình là xấu cả, nhất là khi "mình" đã
thuộc lớp người được coi là đáy bùn của xã hội. Việc "phơi ra" cũng
không chứng tỏ sự "đánh bóng" tên tuổi khi cuộc sống và cái chết đang
ngự trị rất mong manh. Mình chỉ muốn giúp những người cùng cảnh ngộ thấy
rằng cuộc sống vẫn tiếp diễn.

Nguyễn
Xuân Cường - người có HIV - đã cùng một số bạn bè thành lập ra nhóm "Vì
ngày mai tươi sáng Thái Nguyên" để giúp nhau tránh xa ma túy
Buồn, mệt, mấy anh em mua thuốc phiện về hút!
Chắc anh từng là cậu bé hư hỏng, ăn chơi nên mới nghiện ngập sớm thế?
Bố mình là liệt sĩ, nhà có 4 anh chị em, mình là con thứ ba. Các anh
chị đều ngoan ngoãn, thành đạt, chỉ riêng mình "phá hoại" gia đình.
Năm 1990, sau khi học xong phổ thông, mình theo bạn bè đi đào vàng ở
Bắc Cạn. Bãi ở tít trong núi, cách đường 30km, đi bộ mất nửa ngày. Trong
bãi có đến mấy nghìn người. Đêm buồn và mệt mỏi mấy anh em lại mua
thuốc phiện về hút. Ở xa vậy, cái gì thiếu chứ thuốc phiện sẵn lắm. Được
3 tháng mình bị sốt rét bỏ về nhà thì đã nghiện rồi.
Biết nghiện rồi, sao anh không đi cai mà cứ dấn sâu vào nó?
Không muốn cai thì cũng bị "gô cổ" bắt đi. Tưởng cai nghiện dễ lắm à,
dù mình có quyết tâm đến mấy, thì đến cơn "thèm" mọi sự cũng vứt bỏ
hết. Trói buộc, đánh đập... cũng chẳng có ý nghĩa gì. Cai xong về nhà,
gặp bạn là lại tái nghiện như thường.
Tôi đã có 40 lần "cai", rồi lại tái đấy. Thống kê số người cai nghiện
thì nhiều, nhưng những người từ bỏ được thuốc chỉ đếm trên đầu ngón tay
thôi.
Nghe nói người nghiện chẳng biết sợ là gì. Với anh, có điều gì đủ làm anh sợ không?
Lúc lên cơn thèm thì như con thú chẳng còn nhân tính và biết sợ gì
cả. Để có tiền hút thuốc, mọi của cải trong gia đình đã bị tôi bán hết.
Hết "chôm" của nhà mình, rồi đến hàng xóm... có gì hở ra là lấy cả. Để
có tiền hút, chích, không ít lần tôi cùng bạn bè lập mưu đâm đầu vào ô
tô ăn vạ lấy tiền. Đến tính mạng mình còn chẳng lo thì còn biết sợ gì?
Có cô nàng nào "vô tình" thành nạn nhân HIV vì anh không?
Ở quê, trông thấy kẻ nghiện người ta đã tránh xa, nên chẳng kiếm được
cô nào. Hơn nữa, mình "quyết tâm" chỉ thèm thuốc chứ không thèm "cô".
Thế sao không "chơi" với các cô cùng cảnh ngộ như mình?
Đối với dân nghiện thì lại đặc biệt "kinh" con gái nghiện, nên thường tránh xa.
Hình như có một người đang sống cùng nhà với anh? Đó là...
Bà xã mình là nạn nhân của những người như mình. Chồng bà xã bị AIDS
đã chết. Năm 2004, sau khi cai nghiện thành công, đi học lớp tập huấn
cho người bị bệnh để phòng tránh lây nhiễm, mình đã gặp, cả hai cảm
thông và tìm đến với nhau.
Quyết không chết vì ma túy
Sao nhiều người lại đến nhờ vả một người từng nghiện hút như anh vậy? Họ không sợ phải tránh xa à?
Trước đây cứ thấy mình là người ta "lủi" mất. Từ ngày thấy mình tự
cai được, tụi bạn cứ nhờ giúp. Rồi bà con cũng đến nhờ giúp cho con cái
họ. Lâu dần bây giờ anh em ở các tỉnh khác cũng về đây chui vào cái lồng
này cắt cơn.
Sau đó ở lại ổn định rồi về. Mấy năm rồi không nhớ bao nhiêu trường hợp
nữa, chắc khoảng vài trăm. Riêng năm vừa rồi nhà mình có khoảng 80 lượt.
Có lúc nhà mình có đến hai chục chú ăn ở. Mình rất vui vì làm được công
việc có ích cho cộng đồng.
40 lần cai nghiện "bất thành", sao tự dưng anh lại trở thành "kẻ" giúp người khác cai nghiện được vậy?
Lúc đó, bệnh lao phổi hành hạ, mẹ già không một xu dính túi... mình
quyết tâm "có chết vì gì thì chết chứ quyết không chết vì ma túy". Cũng
phải rất cảm ơn một người bạn trước đây bị nghiện đã giúp mình chống tái
nghiện thành công.
Việc cai nghiện thì dễ nhưng cái khó là chống tái nghiện. Lần này
mình đã sử dụng kiên trì thuốc chống tái nghiện, cộng với sự hỗ trợ của
gia đình, lòng khao khát tình cảm, không muốn mọi người tránh xa nên đã
thành công.
Trại cai nghiện hiện nay của anh đã được thành lập như thế nào? Liệu nó có biến anh thành ông chủ "giàu có"?
Sau khi cai nghiện thành công, mình đã cùng một số bạn bè trong nhóm
tự thành lập ra nhóm "Vì ngày mai tươi sáng Thái Nguyên" để giúp nhau
tránh xa ma túy. Sau đó, được sự giúp đỡ của các tổ chức, nhóm hoạt động
để tư vấn, hỗ trợ cho những người cai nghiện và thành lập văn phòng cai
nghiện của nhóm.
Hiện nay, ngoài văn phòng, mình cũng xây dựng thêm tại nhà để giúp đỡ
người cùng cảnh ngộ. Lương mỗi tháng 1,5 triệu đồng, người đến cai gia
đình cũng chỉ đóng góp một phần, sống còn khó khăn, lấy đâu giàu có.
Anh có thể chia sẻ một số kinh nghiệm cho những người cai nghiện?
Việc cai nghiện thành công phải có rất nhiều yếu tố kết hợp. Trước
hết, là có sự hỗ trợ, tạo điều kiện cương quyết cả về vật chất, tinh
thần và đặc biệt là tình cảm của gia đình dành cho người "bệnh".
Sau cai, nên chọn những người bạn đã cai thành công để chơi, cố gắng
bỏ xa môi trường ma túy. Cần phải thấy rằng, mọi người không quay lưng
lại với ta, cuộc sống vẫn còn nhiều ý nghĩa.
Xin cảm ơn anh!
"Để có tiền hút, có lúc
Cường đã lao đầu vào ô tô ăn vạ. Cuộc đời tưởng như khép lại đối với
Cường, sau 40 lần cai nghiện bất thành. Cuối cùng bản chất "con người"
cũng "tỉnh lại", Cường cai nghiện thành công và trở thành một "ông chủ
trại vui tính" cùng với 40 thành viên trong nhóm giúp đỡ lẫn nhau và
chung sức đấu tranh với HIV/AIDS tại địa phương.