Trang chủ HIV  |  Web Link  |  Giới thiệu |  Liên hệ  |  English 
hiv logo

Thông báo

Icon
Error

Đăng nhập


Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to last unread
Tu-an  
#1 Đã gửi : 15/03/2012 lúc 10:11:02(UTC)
Guest
Danh hiệu: Guest

Nhóm:
Gia nhập: 24-06-2009(UTC)
Bài viết: 25.549

Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
Người phụ nữ dân tộc Thái đầu tiên dám công khai mình có H ở Điện Biên
3:38, 15/03/2012



Trong một buổi họp dân cư bản Noong Chứn, Thanh đã làm mọi người ngỡ ngàng và sửng sốt khi đứng lên nhận mình là người đang có H. Cô bảo rằng đã đến lúc bước ra khỏi bóng tối, đối diện với sự thật nghiệt ngã để làm lại cuộc đời. Thanh muốn chuyển đến mọi người, nhất là thanh niên trong bản một thông điệp rằng HIV không có nghĩa là chết, là chấm hết.

Tôi gặp Lù Thị Thanh (trú tại bản Noong Chứn, phường Nam Thanh, Điện Biên) trong một lần Thanh xuống Hà Nội dự hội nghị về phòng chống HIV. Với những cú sốc đã qua khiến Thanh trông già dặn hơn nhiều so với tuổi 25 của mình. 25 tuổi cô đã là một quả phụ cô đơn. Chồng cô mất vì nhiễm virus HIV. Bản thân cô cũng lây nhiễm căn bệnh đó từ chồng. Một mình đối mặt với đớn đau, kỳ thị và nuôi đứa con gái tật nguyền nên đã hơn một lần Thanh muốn tự kết liễu đời mình. Nhưng rồi cứ nghĩ đến việc con trẻ sẽ bơ vơ, Thanh lại không đành lòng. Giờ đây khi sóng gió đã đi qua, Thanh mới thấy “được sống trên đời dù chỉ là một ngày cũng phải sống cho thật ý nghĩa”…

Bí mật mãi mãi bị chôn vùi

Trò chuyện với tôi, Thanh chia sẻ: “Em chỉ biết mình bị lây nhiễm HIV từ chồng, còn chồng em bị nhiễm theo con đường nào thì đến giờ này em và tất cả mọi người đều không ai biết. Anh ấy mất đột ngột quá nên không nói được với ai lời nào”.



Thanh nhớ lại, hôm đó cô xin phép chồng và bố mẹ chồng xuống nhà ngoại cắt lúa cho bố mẹ đẻ. Cũng buổi sáng hôm ấy, chồng Thanh là Cà Văn Tiến vẫn vác xẻng đi đắp bờ ao như bao ngày trước đó. Vậy mà đến trưa, khi đang ăn cơm Thanh nhận được tin báo chồng bị ngã đang đưa đi cấp cứu. Bỏ lại bát cơm đang ăn dang dở, Thanh nhanh chóng lao vào bệnh viện của tỉnh. Tại đây các bác sĩ thông báo cho Thanh hay, chồng cô bị chấn thương não.

Người nhà kể lại, buổi trưa hôm đó Tiến ho nhiều, chân tay co giật và ngã ra sàn nhà. Tiến nằm viện một tuần, sau khi đã có trong tay đầy đủ các xét nghiệm, các bác sĩ đã gọi riêng Thanh ra và thông báo cho cô một tin động trời rằng chồng cô nhiễm HIV. Thanh nghe như sét đánh bên tai, đầu óc cô choáng váng. Trong phút giây ấy cô nghĩ mình đang gặp ác mộng. Làm gì có chuyện đó được, bởi lẽ chồng cô hiền lành thế cơ mà. Không nghiện ngập, chuyện gái gú lại càng không. Thế nên Thanh vẫn nghĩ là đã có sự nhầm lẫn nào đó.

Cô khóc khẩn cầu các bác sĩ hãy xét nghiệm lại cho chồng cô. Nhưng rồi kết quả vẫn như ban đầu. Hi vọng mong manh le lói cũng là lúc Thanh hoàn toàn sụp đổ trước cái gật đầu chứng thực của bác sĩ. Một tuần sau khi rời bệnh viện về nhà chồng Thanh ra đi vĩnh viễn. Kể từ lúc phải nhập viện cho tới lúc trút hơi thở cuối cùng anh Tiến không nói được lời nào mà chỉ biết nắm thật chặt tay vợ, nước mắt lặng lẽ trào ra. Tiến ra đi mang theo bí mật vĩnh viễn được chôn giấu. Đó vừa là mối hoài nghi, là câu hỏi lớn và cũng là điều khổ tâm nhất của người vợ hiền lành.

Không lâu sau đó các bác sĩ của bệnh viện cũng động viên Thanh đi xét nghiệm. Không thoát khỏi bản án nghiệt ngã của số phận, Thanh đón nhận hung tin trong tâm thế của một người hoàn toàn mất niềm tin vào cuộc đời, tương lai. Hôm đó Thanh đã chọn một góc khuất lan can trên tầng 3 của bệnh viện với ý định sẽ kết thúc đời mình tại đó.

Nhưng trong giây phút sinh tử ấy, hình ảnh đứa con gái bé bỏng tật nguyền lại ùa về. Hơn lúc nào hết nó cần Thanh, nó cần một bàn tay người mẹ ở bên che chở sau nỗi đau mồ côi cha còn chưa kịp nguôi ngoai. Thanh phải sống để bù đắp những thiệt thòi cho con. Tình mẫu tử đã ngăn Thanh làm điều dại dột. Chiều hôm đó Thanh cứ vất vưởng, lang thang, bước chân vô định mãi tới đêm khuya Thanh mới về tới nhà. Nhìn di ảnh chồng trên bàn thờ vẫn còn khói hương nghi ngút, nhìn con thơ đang khóc đòi mẹ, lòng Thanh đau như cắt. Sau một ngày bão tố, cuộc đời Thanh trở nên bi kịch thế này đây.

Nhiều đêm nằm ôm con khóc ròng, Thanh cứ thử cắt nghĩa xem vì sao chồng cô lại nhiễm phải căn bệnh đó nhưng càng nghĩ Thanh càng không thể lý giải được. Bởi trong cuộc sống thường ngày, chồng Thanh là một người nổi tiếng hiền lành và đứng đắn. Hơn nữa do đặc thù công việc nên hai vợ chồng Thanh hầu hết luôn ở bên nhau.

Cưới nhau năm 2003, theo phong tục của dân tộc Thái, Tiến về ở rể nhà Thanh một năm. Đến năm 2004, bố mẹ chồng Thanh lên xin phép gia đình nhà ngoại cho hai vợ chồng về sống tại bản Nghịu, xã Mường Phăng. Cũng năm đó vợ chồng Thanh sinh cô con gái đầu lòng đặt tên là Cà Thị Kim Ngân. Thấy con đến năm ba tuổi vẫn không nói được lời nào, vợ chồng Thanh đã đưa cháu đến bệnh viện tỉnh để khám. Tại đây vợ chồng Thanh đã rất đau khổ khi các bác sĩ cho hay cháu bị câm điếc bẩm sinh.

Chẳng may con gái đầu lòng bị như vậy nhưng vợ chồng Thanh không vì thế mà tỏ ra chán chường. Dường như trong đau khổ họ lại càng cảm thấy yêu thương và đồng cảm với nhau hơn. Họ luôn động viên nhau rằng tuổi còn trẻ nên còn nhiều cơ hội nữa để sinh con. Vậy mà rồi tai họa bất ngờ ập xuống. Chồng Thanh vĩnh viễn ra đi để lại người vợ trẻ với đứa con gái tật nguyền.

Có lẽ hết cả đời này Thanh không thể nào quên được ánh mắt như van xin, day dứt và ẩn chứa nhiều điều muốn nói của chồng. Ánh mắt ấy ám ảnh Thanh trong mỗi bữa cơm, trong từng giấc ngủ chập chờn không trọn vẹn. Thanh cứ ước giá như một lần thôi Thanh được nghe những lời giải thích từ chồng mình thì có lẽ Thanh đã không khổ sở, đớn đau và dằn vặt đến thế. Và khi ấy, dù chồng cô có phạm phải lỗi lầm gì cô cũng sẵn sàng bỏ qua và tha thứ tất cả.

Sóng gió đã qua

Chồng mất, bản thân cũng mang trong mình căn bệnh nan y khiến Thanh không chỉ buồn, đau đớn mà cái quan trọng nhất là cô đã mất đi niềm tin vào cuộc sống. Không những thế, sau khi biết cô bị nhiễm H, nhiều người đã xa lánh và kỳ thị cô. Cuộc sống vì thế càng trở nên nặng nề và áp lực. Thấy con gái tinh thần suy sụp, cơ thể gầy hốc hác, thương con, thương cháu, bố mẹ Thanh đã lên nhà chồng cô xin ông bà thông gia đón mẹ con Thanh về nhà ngoại sống. Trước tình yêu thương vô bờ bến của bậc sinh thành và người em trai, Thanh dần dần lấy lại thăng bằng.

Thanh tâm sự rằng nếu không có bố mẹ, cậu em trai và những người thân yêu chia sẻ, động viên thì cô đã không có ngày hôm nay. Chính trong vòng tay ấm áp, bao dung của cha mẹ, cô đã dần bớt mặc cảm trước căn bệnh của mình, niềm tin và nụ cười trở về trên đôi môi người góa phụ trẻ.

Trong một buổi họp dân cư bản Noong Chứn, Thanh đã làm mọi người ngỡ ngàng và sửng sốt khi đứng lên nhận mình là người đang có H. Cô bảo rằng đã đến lúc bước ra khỏi bóng tối, đối diện với sự thật nghiệt ngã để làm lại cuộc đời. Thanh muốn chuyển đến mọi người, nhất là thanh niên trong bản một thông điệp rằng HIV không có nghĩa là chết, là chấm hết. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của HIV, nhưng điều quan trọng là phải biết chấp nhận sống chung với nó, phải có biện pháp phòng ngừa lây lan cho người khác. Cô hiểu rằng cũng như mình, nếu còn giấu giếm thì một ngày nào đó sẽ có thêm rất nhiều người vợ trẻ sẽ lại trở thành nhóm nhạy cảm và yếu đuối dễ bị lây truyền HIV nhất từ chính người chồng của mình…

Thanh xin đi làm cấp dưỡng cho một xưởng mộc. Một năm sau cô gặp được nhóm chăm sóc tại nhà của trung tâm HIV của tỉnh. Tại đây, các bác sĩ đã động viên, “lên dây cót” tinh thần cho Thanh và tạo điều kiện cho cô về làm việc tại phòng khám. Tháng 12/2009, Thanh chính thức trở thành nhân viên chăm sóc tại nhà của Phòng khám ngoại trú OPC, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.

Bản thân mang bệnh nên Thanh không khó khăn gì để chia sẻ, đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ. Không chỉ làm việc tại Trung tâm mà Thanh còn tham gia Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương là nơi tập hợp những chị em không may nhiễm H. Sống trong một tập thể với những con người cùng cảnh ngộ nên Thanh trở nên tự tin hơn, biết trân trọng cuộc sống hơn. Không chỉ củng cố tinh thần cho mình mà Thanh còn giúp rất nhiều chị em khác tự tin làm lại cuộc đời.

Những ngày đầu tham gia câu lạc bộ, khi thuyết phục một số chị em nghiện ma túy đi xét nghiệm HIV, Thanh đã bị từ chối, thậm chí còn bị chửi mắng. Nhưng trước sự chân thành của Thanh, những phụ nữ ấy đã nghĩ lại, họ đồng ý đi xét nghiệm. Khi phát hiện thần chết gõ cửa, không ít người phụ nữ sinh ra chán nản, sống buông thả hơn trước với tư thế “đằng nào cũng chết”. Không nản lòng, Thanh đến bên động viên, an ủi những phận trớ trêu ấy trong cơn tuyệt vọng.

Chẳng vậy, giờ đây, mỗi khi nhắc tới Thanh, những người đàn bà mang H ấy đều trân trọng và cảm phục chị. Trong số những người đã vượt qua thử thách nghiệt ngã của cuộc sống, tự tin làm lại cuộc đời là Ngọc. Ngọc quê ở miền gái đẹp Mường Lay gạo trắng nước trong. Cũng như Thanh, cô bị nhiễm HIV từ chồng -  một người nghiện ma tuý. Không có được bàn tay gia đình cưu mang, đùm bọc giống như Thanh, người nhà Ngọc quay lưng lại với cô khi biết con gái mình mang virus HIV. Họ coi Ngọc là “đứa con bỏ đi”, là người đã chết. Điều ấy chẳng khác nào một nhát dao hạ gục Ngọc. Cô tuyệt vọng không ăn không uống đến mức ốm liệt giường chỉ nằm chờ chết.

Nhưng chính trong thời điểm bi đát đó, Ngọc đã gặp Thanh. Sợi dây đồng cảm giữa những con người cùng chung số phận đã kéo họ lại gần nhau. Thanh đã đánh thức bản năng sinh tồn trong con người tưởng như cạn kiệt nhựa sống ở Ngọc, giúp Ngọc hiểu được một điều thiêng liêng rằng “được sống đã là hạnh phúc. Cho dù bệnh tật ốm đau, nhưng tuyệt đối không thể trở thành người vô dụng, người thừa bị gạt ra bên lề cuộc đời”. Thần chết muốn xóa tên Ngọc khỏi cuộc đời, nhưng tình bạn chân thành, tri kỉ của Thanh đã giữ Ngọc lại để sống và sống có ý nghĩa nốt phần đời còn lại.

Đau khổ nào rồi cũng nguôi ngoai. Được làm việc tại Trung tâm, Thanh như tìm lại được chính mình. Và cũng chính tại nơi đây cô gặp và cảm mến một người đàn ông nhà ở phường Him Lam, quê gốc ở Thái Bình hiền lành, sâu lắng. Từ quen đến thân, hai người thường ngồi tâm sự, chia sẻ với nhau nhiều chuyện của cuộc sống. Họ tâm đầu ý hợp bởi trước hết là chung một cảnh ngộ, chung nỗi thẳm buồn không may trong cuộc sống của mỗi người, để rồi mỗi ngày họ lại hiểu và thương nhau nhiều hơn. Tình yêu đến lúc nào không hay. Người ấy của Thanh không chỉ yêu cô mà còn biết thương cả đứa con tật nguyền của cô.

Vượt qua nỗi đau của số phận và cái nhìn nghiệt ngã, thiếu công bằng của không ít người đời, giờ đây hạnh phúc đã và đang trở về với Lù Thị Thanh – cô gái Thái can trường và nghị lực. Thanh thoáng ửng hồng đôi má khi tôi hỏi những dự định cùng nửa kia của mình, nhưng rồi cô lại ôm ghì lấy cô con gái bé bỏng Cà Thị Kim Ngân, Thanh nói trong nỗi xúc động nghẹn ngào: “Em có thêm nghị lực sống cũng chỉ vì con gái. Cháu không may bị câm điếc bẩm sinh, ước mơ lớn nhất của em là gửi cháu vào một ngôi trường dạy trẻ khuyết tật nào đó để sau này cháu có thể vững vàng bước vào đời ngay cả khi không còn mẹ…”.

Tây Bắc đến tận bây giờ và có lẽ còn lâu lắm mới có trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, và với đồng lương 1,4 triệu đồng một tháng ở Phòng khám ngoại trú thì ước mơ của Thanh xem ra cũng mãi chỉ là mơ ước nếu không có phép mầu từ cuộc sống và tấm lòng của các Mạnh Thường Quân… Nỗi lòng người mẹ cồn cào trước cơn gió miền cao hãy còn se sắt


  Ngọc Anh – Đại Việt
http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/cuocsong/tamguongcs/2012/3/183071.cand
Quảng cáo
Rss Feed  Atom Feed
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.