Cuối tuần trước, công an TP.HCM đã bắt giữ 43 đối tượng người Trung
Quốc kể cả người Đài Loan sử dụng công nghệ thông tin để lừa đảo, sau
khi tấn công bốn điểm ở các quận 12, Tân Phú, Bình Tân và huyện Hóc Môn,
thu giữ nhiều tang vật laptop, điện thoại... Bọn lừa đảo dựng kịch bản
mạo danh người của chính quyền, yêu cầu cung cấp mật khẩu, chuyển tiền
vào tài khoản X, Y nào đó để "cất giữ hộ cho an toàn”, rồi chiếm đoạt
luôn. Cuối năm ngoái, TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên phạt Lý Huệ Quyên 20
năm tù cùng với 7 bị cáo trong vụ án lừa đảo kinh doanh qua mạng. Hàng
chục ngàn nạn nhân trên cả nước đắng ngắt vì bị chiếm đoạt tới 58 tỉ
đồng. Mồi ngon ảo là lãi suất cao đưa ra, từ 2,5% đến 3%/ngày.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn tại hội thảo
ngày 6-4 vừa qua lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức, doanh
nghiệp có liên quan tới lĩnh vực quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ
internet và thông tin điện tử trên internet thừa nhận, việc quản lý hiệu
quả việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên
internet vốn là một bài toán khó, cần lời giải hợp lý giữa vấn đề phát
triển và quản lý.
Thương mại điện tử mới phát triển cho thấy tính tiện lợi, tiết
kiệm thời gian, tiền bạc, nhưng những trang mua bán online như
rongbay.com,enbac, vatgia... đang bị lợi dụng lừa đảo nhiều chiêu "ngoạn
mục”. Nạn nhân và cơ quan chức năng đã lên tiếng cảnh báo. Ban quản trị
mạng trang enbac.com từng phải truy tìm kẻ gian, lấy lại uy tín. Sau
khi bắt được hai kẻ lừa đảo mới biết còn nhiều nạn nhân nữa sập bẫy
không kêu ai được đành tặc lưỡi coi như "ngu phí”.
Quả là trong nguồn vô tận các luồng thông tin hữu danh, nặc danh
trên internet, có lẫn không ít trò lừa siêu hạng và tầm tầm. Thủ đoạn
chính bọn lừa đảo thường sử dụng là bán hàng qua mạng sai cam kết; mời
chào công việc - hợp đồng cực kỳ tốt với mức lương hấp dẫn để chiếm dụng
phí nộp trước; mạo danh nhà cung cấp dịch vụ (internet, ngân hàng, điện
thoại...) để lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng... Khi
có được, sẽ mạo là người quen đăng nhập và chát, nhờ mua giúp và gửi mã
thẻ cào điện thoại... chiếm đoạt tiền. Cứ phát đi chừng 10.000 email thế
nào cũng có chừng chục "con cá cắn câu”, một tỷ lệ không thấp nếu không
muốn nói "quá dễ kiếm”!
Song việc xác định chính xác đối tượng lừa đảo trên mạng với những
thông tin như trên không dễ. Vì chỉ cần có CMND (kể cả CMND nhặt được)
là ai cũng có thể mở tài khoản và làm thẻ ATM. Việc đăng ký bán hàng
trên mạng càng dễ khi chỉ cần có địa chỉ email, tạo tên đăng nhập, là có
thể đăng tin rao bán với "chiêu” giá rẻ, yêu cầu khách chuyển tiền
trước vào tài khoản. Khi biết bị lừa, công dân vội thông báo ngân hàng
cũng không can thiệp kịp. Lừa đảo trên mạng tiếp tục "sôi sùng sục” bởi
những câu chuyện chưa có hồi kết.
Phổ biến và "dễ ăn” hiện nay là kẻ gian dùng phần mềm giả mạo số
điện thoại của sếp để nhắn tin: "Hãy gửi gấp thông tin về tài khoản vào
email
[email protected] cho kế toán làm thủ tục chuyền tiền”, hoặc lừa đảo nạp
thẻ điện thoại qua Yahoo Messenger, núp bóng người quen chat và "dụ”
nạp card điện thoại tiền triệu. Trò lừa hiện đại không mới này thật sự
nguy hiểm. Nếu một cá nhân hay nhóm người nào sử dụng tên tuổi người
khác để lừa đảo qua mạng, vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng, hậu quả lớn.
Bao kiểu lừa trên đời chỉ đánh vào hai thói tật, hoặc tham lam
hoặc nhẹ dạ, hoặc cả hai. Cảnh giác tối đa bởi vậy không bao giờ thừa.
Các chuyên gia bảo, cảnh giác ngoài đời thế nào cũng cần cảnh giác trên
mạng như thế, bởi không ai bỗng dưng cho không ai, không doanh nghiệp
nào bỗng dưng khuyến mại riêng ta...
Báo Tuổi trẻ TP.HCM ngày 10-4 vừa đưa tin hai doanh nghiệp Việt
Nam "Thoát bẫy "công ty ma” tại Châu Phi”, tránh được vụ lừa đảo giá trị
hơn chục triệu USD nhờ cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Chiêu
mà "công ty ma” bẫy là họ cần mua bột mì số lượng lớn, doanh nghiệp VN
đã thắng thầu, hãy chuyển trước 1.800 euro để làm thủ tục nhập khẩu; cần
hợp tác sản xuất bảng quảng cáo lợi nhuận cao... Thương vụ Việt Nam xác
minh thông tin của đối tác tại Togo đều ảo.
Mua bán online vẫn là bài toán khó, song những kiến thức về mạng,
tấn công mạng, lừa đảo qua mạng hiện không khó tìm kiếm, cập nhật. Nếu
không có gì thay đổi, tháng 6 tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình
Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về
quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên
mạng. Điều 5 Dự thảo Nghị định mới quy định rõ: Nghiêm cấm dùng các
thông tin cá nhân giả mạo để sử dụng các dịch vụ internet. Đồng thời các
tổ chức, DN thiết lập trang Thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch
vụ mạng xã hội phải quản lý thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ
theo quy định về đăng ký, quản lý và sử dụng thông tin cá nhân của Bộ
Công an.
Trong khi chờ Nghị định mới, khi chế tài xử phạt, khung hình pháp
lý cho các hình thức thương mại điện tử chưa hoàn chỉnh, chỉ có ý thức
thận trọng, cảnh giác của mỗi người mới hoá giải được các phép lừa.
Thường trực ý thức bảo mật, an toàn thông tin mạng, "quả đắng - mồi ngon
ảo” tự khắc sẽ rụng rơi...
Thanh Như