Tin đồn lan nhanh “chóng mặt”…
Bắt đầu từ
một đoạn tin khá dài trên diễn đàn mạng xã hội, những dòng tin cảnh báo
về tình trạng một bộ phận thanh niên nhiễm HIV quyết “trả thù đời” bằng
cách cắm kim tiêm dưới gầm ghế nệm khiến người ngồi vào sẽ bị đâm vào
người và nhiễm HIV!. Thành viên mạng có tên tuyetmuadong viết: “Gần đây,
hình như hiện tượng hiện tượng cắm kim tiêm nhiễm HIV vào các ghế nệm
nơi công cộng lại tái diễn, các bạn hãy cẩn thận kiểm tra kỹ ghế nệm
trước khi ngồi nhé. Nhất là trong những nơi mà ánh sáng lờ mờ như các
phòng chiếu, quán có ánh đèn lờ mờ… Thậm chí ngay cả trong nệm ở… nhà
nghỉ nữa nhé”. Những thông tin na ná như vậy cảnh báo về tình trạng dễ
“dính” kim tiêm nhiễm HIV được lan truyền trên mạng với tốc độ nhanh
“chóng mặt” và được vô số thành viên mạng hưởng ứng nhiệt tình. Nickname
canary còn viết: “Em không ở Hà Nội nữa đâu, chẹp chẹp. Cháy nhà chung
cư, mưa thì lụt vào tận trong nhà, cấm các cháu thể hiện tình cảm một
cách đơn giản nhất ở công viên, giờ lại thêm vụ kim tiêm HIV. Em về Hải
Phòng thui”.
Nhiều tên tội phạm sử dụng kim tiêm nhiễm HIV để làm công cụ cướp giật
Thậm
chí có thành viên còn đăng cả một thư cảnh báo khá dài từ cộng đồng
mạng thế giới để cảnh báo cộng đồng trong nước: “Cách đây vài tuần,
trong một rạp hát, một người cảm thấy có vật gì đó chĩa ra từ ghế của cô
ấy. Khi cô ấy đứng dậy để xem đó là vật gì thì thấy một cây kim nhô ra
khỏi ghế kèm theo một mảnh giấy ghi là: Bạn vừa mới nhiễm HIV… Trung tâm
Kiểm soát Bệnh tật (tại Pa-ri) báo cáo rằng gần đây nhiều trường hợp
tương tự đã xảy ra tại nhiều thành phố khác. Tất cả các cây kim được xét
nghiệm đều là HIV dương tính. Trung tâm này cũng báo cáo rằng, người ta
tìm thấy những cây kim như vậy tại các máy rút tiền công cộng (máy
ATM). Chúng tôi yêu cầu mọi người hãy cực kỳ cẩn trọng khi đối mặt với
tình huống như vậy. Cần phải xem xét thận trọng tất cả các ghế ngồi nơi
công cộng trước khi ngồi. Kiểm tra kỹ lưỡng bằng mắt là đủ. Thêm vào đó,
các bạn hãy chuyển thông điệp này đến các thành viên trong gia đình của
mình và bạn bè để họ biết về mối hiểm nguy tiềm tàng này.
Choáng với “Chào mừng bạn đến với thế giới của gia đình HIV”…
Để
minh chứng cho độ chính xác của thông tin và khẳng định việc cảnh giác
cao độ khi đến các điểm công cộng là điều hết sức quan trọng, trên mạng
còn xuất hiện cả những bài viết về “người thực việc thực” từng bị chết
khi “dính” kim tiêm nhiễm HIV ở ghế nệm nơi công cộng tại một số nước.
“Gần đây một bác sĩ đã thuật lại một trường hợp tương tự đã xảy đến với
một trong những bệnh nhân của ông tại rạp hát Priya ở Delhi. Một cô gái
đã đính hôn và chuẩn bị kết hôn trong vài tháng nữa, đã bị đâm phải khi
đang xem phim. Mảnh giấy đi kèm theo chiếc kim có thông điệp sau: “Chào
mừng bạn đến với thế giới của gia đình HIV”. Mặc dù các bác sĩ nói với
gia đình cô ấy là phải mất 6 tháng vi-rút mới đủ mạnh để bắt đầu phá hủy
hệ miễn dịch và một bệnh nhân khỏe mạnh có thể sống khoảng 5 – 6 năm,
nhưng cô gái đã chết sau 4 tháng, có thể chủ yếu là do bị sốc”.
Cuối
những đoạn thư đó, tác giả còn viết thêm cả những dòng rất “ai oán”:
“Tất cả chúng ta đều phải cẩn thận khi ở những nơi công cộng. Cầu Trời
phù hộ! Hãy nghĩ rằng các bạn sẽ cứu lấy một cuộc đời bằng cách chuyển
thông điệp này đi. Vui lòng bỏ ra một vài giây để chuyển nó đi. Kính
thư” hoặc “Thay vì chuyển tiếp những bức thư không thích hợp, các bạn
vui lòng chuyển thư này cho mọi người. Có thể thư của bạn sẽ cứu lấy
cuộc sống của họ”. Và để khẳng định cho độ chuẩn xác cho những thông tin
trên, thì thành viên cộng đồng mạng còn trích dẫn rằng đó là thư của
một người tên là Arvind Khamitkar, I.A.S., Trưởng Ban nghiên cứu Y khoa
tại Chennai. Kèm theo đó là những dòng thông tin bình luận về sự “chán
đời” của những người nhiễm HIV muốn “trả thù đời”, càng khiến cộng đồng
mạng xôn xao.
Có thành viên ban đầu còn tỏ ra nghi ngờ nhưng sau
đó thì tỏ ra lo lắng viết rằng: “Tôi cũng vừa nhận được email tương tự
và thấy rất hoài nghi về thông tin này. Nó gần giống như những email kêu
gọi phát tán trên mạng về cách thức. Nhưng lần này thì nội dung có vẻ
là một vấn đề nghiêm trọng cần phải cân nhắc. Tôi tìm ngay trên google
và thấy có rất nhiều bài viết về vụ việc này, về cách thức virus HIV có
thể xâm nhập từ người này sang người khác. Thông tin rất hữu ích, mong
là những ai quan tâm nên xem qua trước khi quyết định chuyển tiếp email
đó cho những người quen biết”. Nickname thengoc09 thì cho rằng nếu lỡ
“dính” thì nên đi kiểm tra ngay lập tức: “Virus HIV chỉ sống được trong
các dịch nuôi nó. Đó là máu, dịch sinh dục, cũng có chút đỉnh trong nước
miếng. Khi ra ngoài môi trường virus lại là kẻ yếu, sống được chừng 24
giờ là chết toi rồi.Vì vậy khi bị dính phải kim tiêm thì mọi người cần
tìm hiểu xem kim tiêm đó có từ bao giờ…”.
Thực hư nguy cơ lây nhiễm…
Tuy
nhiên, trên diễn đàn mạng cũng có những thành viên bày tỏ quan điểm
trái ngược hẳn. Nickname VK viết đại ý rằng: “Gần đây có 1 email chơi
khăm gây náo động cư dân mạng. Thư này cảnh báo về việc có người bị kim
tiêm nhiễm HIV đâm phải tại những nơi công cộng. Lời cảnh báo đó không
có căn cứ nào hết, người ta cho rằng đó là thư rác cộng với trò chơi ác
trên mạng. Virus HIV chỉ lây truyền từ người này qua người khác thông
qua máu hoặc chất dịch. Trường hợp người nhiễm HIV có vết thương hở (như
vết cắt trong câu chuyện trên) và đang bị chảy máu, virus sẽ có thể
truyền sang người khác khi nào người đó cũng có 1 vết thương hở và máu
của họ tiếp xúc với nhau (trường hợp này rất hiếm xảy ra trừ khi người
đó bị chảy nhiều máu). Mặt khác HIV không thể sống sót trong môi trường
chất lỏng trung gian như máu hoặc chất dịch của người khác”.
Tuy
nhiên, phần lớn thành viên cộng đồng mạng đều tỏ ra lo lắng với những
cảnh báo. Nickname duc86 viết: “Đó là trên lý thuyết, còn thực tế ở ta
tình trạng cầm kim tiêm nhiễm máu HIV đi cướp đã xảy ra nhiều lần rồi,
thì việc kim tiêm bị nhiễm HIV dính dưới ghế nệm công cộng là hoàn toàn
có thể xảy ra. Các bác không lo, chứ em mà bị dính thế thì em sợ chết đi
được. Lỡ nó vừa chích choác xong cắm luôn vào đó, vài giờ sau mình ngồi
vào thì nguy cơ dính không nhỏ đâu nhé”.
Bác sĩ Hoàng Hải Hà, một
người từng bị phơi nhiễm HIV nhiều năm trước do kim tiêm đâm khi đang
làm nhiệm vụ (rất may kết quả xét nghiệm cuối cùng là âm tính) và hiện
anh đang công tác tại khoa Nội B của Trung tâm Chăm sóc & Điều trị
bệnh nhân HIV/AIDS có hoàn cảnh đặc biệt tại Hà Nội cho hay, không có
chuyện virus HIV ra ngoài không khí sau 10 giây là chết. Bác sĩ Hà cho
biết, virus HIV nằm ở đầu kim tiêm và vết máu trong kim tiêm có thể tồn
tại trên hai ngày. Đồng thời, nếu những chiếc kim tiêm này mà bị vứt ở
các bãi cỏ trong công viên vào thời tiết đông xuân ẩm ướt, thì có thể
sống tới 5-7 ngày. Trường hợp kim tiêm vừa được các đối tượng nhiễm HIV
sử dụng để chích ma túy, sau đó chiếc kim tiêm đó mà đâm vào người khác,
thì khả năng nhiễm HIV hoàn toàn có thể xảy ra với nguy cơ rất cao.
Cũng theo bác sĩ Hoàng Hải Hà thì, virus HIV ở dạng dịch lỏng như trong
máu chứa trong kim tiêm, chỉ bị tiêu diệt nhanh ở độ 56 o C sau 20 phút.
Liên quan đến những bình luận, những dòng tin loan truyền về sự “chán đời”, muốn “trả thù đời” của một số người nhiễm HIV, chuyên gia tâm lý Lê Thu Hiền (Trung tâm tư vấn Người bạn tri kỷ 19006844) cho hay: “Tình trạng dùng kim tiêm nhiễm HIV dọa dân, dọa cả Công an là chuyện có thật, đã xảy ra. Vì thế tâm lý chán đời, cảm thấy cùng quẫn của họ là có thật. Cộng đồng nên tăng cường giáo dục, hướng cho những người nhiễm HIV hiểu rằng cuộc sống không phải là tận cùng khi nhiễm HIV. Xã hội không nên kỳ thị với họ, đó cũng chỉ là một căn bệnh như bao căn bệnh khác thôi, việc kỳ thị chỉ khiến họ bi quan hơn, thất vọng hơn nên dễ dẫn đến những hành động gây hại cho xã hội là điều dễ hiểu. Cơ quan chức năng, xã hội nên tạo cho họ những công việc ổn định, tạo điều kiện để những người nhiễm HIV cùng làm việc với nhau tạo nên những sản phẩm cho xã hội để
nuôi sống bản thân họ và không ảnh hưởng đến xã hội”.
|